Wednesday, May 8, 2024

Hiệu ứng giả dược là gì?

Hà Dương Cự/Người Việt

Một cách thông thường để xem một thứ thuốc mới có hiệu nghiệm hay không là thử nghiệm thuốc trên một số người.

Số người này được chia thành hai nhóm. Một nhóm được dùng thuốc mới thật và nhóm khác thì chỉ dùng giả dược (placebo). Một điều kỳ lạ xảy ra là một số người trong nhóm giả dược cũng cảm thấy khá hơn giống như là uống thuốc thật.

Giả dược và hiệu ứng giả dược 

Giả dược là những gì giống như thuốc thật hay giống như một phép trị liệu thật nhưng không phải thật. Thí dụ giả dược của một loại thuốc mới thì không có những chất có tính cách trị bệnh mà chỉ là những chất vô thưởng vô phạt như nước đường, nhưng bề ngoài thì giống như viên thuốc thật.

Nhiều người khi được trị bằng giả dược cũng cảm thấy bớt những triệu chứng bệnh mặc dù không có thuốc thật. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng giả dược (placebo effect). Các khoa học gia đã nhận biết hiệu ứng giả dược trong việc chữa trị các bệnh tật từ ngàn năm, nhưng gần đây mới có những sự nghiên cứu về hiệu ứng giả dược một cách khoa học.

Những triệu chứng nào có hiệu ứng giả dược cao 

Một cuộc duyệt xét lại 202 thử nghiệm thuốc trong đó giả dược được dùng để định sự hiệu nghiệm của thuốc mới thì thấy là hiệu ứng giả dược có tác động mạnh đối với những triệu chứng như là đau, buồn nôn, suyễn và nỗi ám ảnh. Còn những thứ như hút thuốc, béo phì, chứng mất trí hay mất ngủ thì hiệu ứng giả dược không có tác động đồng đều.

Các nhà khoa học cho rằng giả dược thay đổi sự cảm nhận những triệu chứng chứ không thay đổi nguyên nhân cơ bản. Một thử nghiệm năm 2011 chứng tỏ điều đó.

Bệnh nhân suyễn được chia làm bốn nhóm: một nhóm nhận ống hít có thuốc albuterol, một nhóm nhận ống hít với giả dược, một nhóm nhận trị liệu bằng châm cứu giả và nhóm cuối cùng không nhận gì hết.

Nhà nghiên cứu đo kết quả bằng hai cách: cách thứ nhất là do người bệnh tự báo cáo về triệu chứng suyễn của mình và cách thứ hai là đo sự hoạt động của phổi. Cách thứ hai này không phụ thuộc vào cảm nhận của người bệnh.

Theo cách thứ nhất thì ba nhóm đầu đều cảm thấy khá hơn, nhưng khi đo bằng sự hoạt động của phổi thì chỉ có thuốc thật mới albuterol mới làm tăng luồng không khí vào phổi.

Giả dược chỉ giúp những triệu chứng có thể thay đổi bằng trí óc. Thí dụ giả dược không thể làm giống như hóa trị để trị bệnh ung thư được.

Trong những thử nghiệm bình thường thì những người tham gia được chia làm hai nhóm, một nhóm dùng thuốc thật còn một nhóm dùng giả dược. (Hình minh họa: knowablemagazine.org)

Những yếu tố ảnh hưởng tới hiệu ứng giả dược 

Hiệu ứng giả dược không phải lúc nào cũng giống nhau mà tùy thuộc vào nhiều yếu tố:

-Bản chất của bệnh. Hiệu ứng giả dược không có ảnh hưởng tới những bệnh vi khuẩn gây ra hay bệnh như ung thư.

-Tâm lý của người bệnh. Nếu người bệnh nghĩ là thuốc sẽ giúp thì mặc dù dùng giả dược đa số vẫn cảm thấy khá hơn trước.

-Cách bác sĩ truyền đạt tới bệnh nhân sự hiệu quả của phương pháp trị liệu. Nếu bác sĩ làm cho bệnh nhân tin tưởng là thuốc sẽ giúp thì bệnh nhân sẽ cảm thấy khá hơn.

-Gien có thể có ảnh hưởng tới hiệu ứng giả dược. Trong một bài báo đăng trên Trends in Molecular Medicine vào Tháng Tư, 2015, các nhà khoa học đã nhận định được 11 gien mà có vẻ như đóng một vai trò trong phản ứng của con người đối với giả dược. Tuy nhiên chưa có gì chắc chắn. Nếu xác định được một cách rõ ràng thì sự kiện đó sẽ thay đổi đường lối các nhà khoa học phân tích các thử nghiệm thuốc và cũng làm thay đổi cách bác sĩ đối xử với bệnh nhân.

Thử nghiệm kín kép (double-blind trial) 

Trong những thử nghiệm bình thường thì những người tham gia được chia làm hai nhóm, một nhóm dùng thuốc thật còn một nhóm dùng giả dược. Người tham gia không biết mình ở nhóm nào nhưng nhà nghiên cứu biết rõ nhóm nào dùng thuốc thật. Nhà nghiên cứu có thể tình cờ để lộ cho người tham gia biết mình ở nhóm nào, như vậy sẽ làm sai lạc kết quả của cuộc thử nghiệm.

Thử nghiệm kín kép là loại thử nghiệm mà ngay cả nhà nghiên cứu cũng không biết nhóm nào dùng thuốc thật. Điều này có thể thi hành được bằng cách dùng những người phụ tá phân chia nhóm mà không cho nhà nghiên cứu chính biết. Lý do chính của việc thử nghiệm kín kép là để ngăn ngừa hành động của nhà nghiên cứu có ảnh hưởng đến kết quả của cuộc thử nghiệm. Hiện nay thử nghiệm kín kép là tiêu chuẩn vàng của những thử nghiệm y khoa.

Hiệu ứng giả dược làm cho người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng cũng có khi gây ra phản ứng phụ giống như khi người bệnh dùng thuốc thật. (Hình minh họa: goodencenter.org)

Giả dược có khi gây ra phản ứng phụ 

Hiệu ứng giả dược làm cho người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng cũng có khi gây ra phản ứng phụ giống như khi người bệnh dùng thuốc thật. Thí dụ bệnh nhân có thể cảm thấy nhức đầu hay chóng mặt. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng nocebo.

Năm 2012, các nhà khoa học tại Đại Học Kỹ Thuật Munich (Technical University of Munich) công bố một bài duyệt lại 31 công trình nghiên cứu về hiệu ứng nocebo. Họ đưa đến kết luận là hiệu ứng nocebo tuy là lạ nhưng xảy ra khá thường xuyên. Trong một nghiên cứu 50 người bệnh đau lưng kinh niên được cho làm thử nghiệm về khả năng linh hoạt. Một nửa được cho biết trước là sẽ bị đau khi thử nghiệm, còn nửa kia thì không cho biết gì hết. Sau cuộc thử nghiệm nhóm đầu báo cáo là cường độ đau cao hơn nhiều so với nhóm sau, mặc dù cả hai nhóm đều qua một thử nghiệm giống nhau.

Một thử nghiệm có kết quả khó tin 

Năm 2012, Giáo Sư Ted Kaptchuk, một chuyên gia về giả dược và là giám đốc của chương trình khảo cứu giả dược ở Đại Học Harvard, đã làm một thử nghiệm về giả dược và có một kết quả lạ lùng. Ông làm một thí nghiệm với 80 bệnh nhân bị bệnh hội chứng kích thích ruột (irritable bowel syndrome). Mặc dù đã được cho biết trước đây là giả dược. Nhóm nhận giả dược báo cáo 60% khá hơn so với 35% của nhóm nhận điều trị bình thường. Ngay ông Kaptchuk cũng chưa biết tại sao, ông ta hiện đang tiếp tục khảo cứu về đề tài này.

Hiệu ứng giả dược xuất hiện khắp nơi 

Chắc bạn cũng đã nhận được nhiều email tuyên bố là dùng thứ này thứ kia thì sẽ khỏi được đủ thứ bệnh. Nhiều khi bạn có một người quen mà bạn rất khâm phục, người này bảo cho bạn biết là dùng một thứ gì đó, thí dụ như nghệ, thì chữa được bệnh mà bạn đang có. Người này đã thử rồi và thấy tốt lắm. Theo Bộ Y Tế Hoa Kỳ thì chưa có bằng cớ rõ rệt để có thể nói là dùng nghệ sẽ giúp trị bệnh. Như vậy bạn có dùng nghệ không?

Dùng nghệ để chữa bệnh có thể đúng có thể sai, bây giờ chưa có gì chắc chắn. Nhưng có người dùng thấy tốt, đây có thể là hiệu ứng giả dược. Tức là nếu tin là tốt thì nó tốt. Những hủ tục chữa bệnh như cúng bái thời xưa mà có người khỏi bệnh chắc là cũng do hiệu ứng giả dược.

Dùng giả dược để trị bệnh 

Một nhà khoa học nói là mục đích trị liệu là làm cho bệnh nhân khá hơn. Như vậy nếu giả dược làm cho một số bệnh nhân khá hơn thì tại sao mình không nghiên cứu dùng giả dược để trị bệnh thật.

Nhưng vì hiệu ứng giả dược liên quan đến nhiều ngành nên chưa tìm được giải pháp thỏa đáng. Trong khi chờ đợi Giáo Sư Kaptchuk khuyên là các bác sĩ nên chú ý nhiều đến bệnh nhân để bệnh nhân cảm thấy phấn khởi hơn. Điều này giúp cho cơ thể tự chống lại những triệu chứng bệnh tật. (Hà Dương Cự)

Nguồn tài liệu: https://sciencebasedmedicine.org, www.vox.com, http://programinplacebostudies.org

MỚI CẬP NHẬT