Thursday, March 28, 2024

Sò huyết muối chanh

Tạ Phong Tần

Quê tôi nhiều sò huyết lắm. Sò huyết rộ mùa vào Tháng Hai đến Tháng Tư âm lịch. Ngày xưa sò huyết thiên nhiên, người ít, sản vật nhiều, con sò sinh sôi nảy nở con người ăn không hết. Bây giờ đất chật người đông, lại còn xuất khẩu, nên sò không đủ cung cấp, phải nuôi thêm. Phàm con gì nuôi cũng đều phải nhốt lại, không nhốt nó đi mất, con sò huyết cũng không ngoại lệ. Nhưng hễ nhốt lại thì thịt nó không ngon nữa, gà vịt nuôi nhốt, cá nuôi nhốt, heo nuôi nhốt… tất cả đều không ngon bằng loại nuôi thả rông. Tuy nhiên, bây giờ mà đòi ăn sò thiên nhiên kiếm đâu ra, cho nên phải ăn sò nuôi, theo nguyên tắc trong những cái tệ đành phải chọn cái nào đỡ tệ hơn thôi.

Nhớ hồi thập niên 1990, tôi đi chợ, mua sò huyết loại con nhỏ bằng ngón tay cái, loại này nhỏ nên rẻ tiền, mua một lúc hai ký lô luôn. Đem về rửa sạch rồi luộc chấm muối tiêu chanh ăn cơm, ngồi ăn một mình hết sạch hai ký lô sò huyết với ba chén cơm, bụng căng đứng dậy không nổi, nhưng cái miệng vẫn còn thèm. Giá sò bằng ngón chưn cái lúc đó có mười tám ngàn đồng một ký lô, sò nhỏ hơn bằng ngón tay cái dưới mười ngàn đồng, tại mình ít tiền mua thứ nhỏ. Sò nhỏ ăn đau lưng, không phải thịt con sò ăn đau lưng mà con sò nhỏ quá, ngồi gỡ miệt mài ăn một lúc hai ký lô sò mất hơn một tiếng đồng hồ nên ngồi lâu quá đau lưng.

Sò huyết loại ngon bây giờ bán tại Sài Gòn tùy lớn nhỏ, có giá từ một trăm hai chục ngàn đồng một ký lô đến một trăm năm chục ngàn đồng một ký lô.

Mua sò huyết phải lựa sò mới bắt, con sò cầm lên nặng chĩu, lớp vỏ ngoài còn dính đất cát, sò lè lưỡi bò lổm ngổm trong cái thau đựng sò của người bán thì đó mới là sò ngon. Có khi người bán mới nhận sò về là bán liền, chưa kịp rửa hết đất cát bên ngoài, nhưng thường thì người bán sẽ vừa bán vừa rửa sò tại chỗ luôn cho thúng sò nhìn mát con mắt. Cũng có khi sò cũ nhưng người “bán ma giáo tà đạo” trộn thêm đất sét nhão vô giả làm sò mới, nhưng thật ra sò chết hoặc sò chưa chết cũng ốm nhách, thịt không ngọt nữa. Cũng có khi họ đem sò cũ trộn với sò mới để lừa khách hàng. Cho nên, muốn mua được sò huyết ngon khâu đầu tiên khi ra gian hàng bán sò là phải đi tới đi lui “địa” sò coi hàng nào bán sò lè lưỡi bò ra lung tung. Hàng nào số lượng sò lè lưỡi nhiều là con sò sống mạnh khỏe nhiều, nên mua. Thứ hai là khi chọn gian hàng để mua rồi thì bốc sò lên hửi coi có mùi thúi hay không, coi con sò có nặng tay không, để biết họ có trộn sò cũ vô không. Con sò mới khi hửi có mùi vị biển đậm đà hơn, cái này thuộc về kinh nghiệm của người thường xuyên ăn sò biển, không thể nói rõ cái mùi biển là mùi gì và nó như thế nào được. Có thể là mùi tanh tanh, nồng nồng, mặn mặn hổng chừng.

Sò này luộc vừa chín tới thịt sò không bị teo, mở vỏ ra bên trong nhìn thấy thịt tràn đầy vỏ sò, có màu vàng ánh lẫn với huyết sò đỏ au chảy ra, đừng luộc chín quá thịt sò bị teo mà huyết trong con sò đổi thành màu tím tái giống như huyết heo luộc là hết cả ngon.

Lựa được sò ưng ý rồi, đem về ngâm nước vo gạo chừng một giờ đồng hồ cho sò nhả hết cát trong miệng ra, bỏ sò vô cái rổ tre, đặt cái rổ tre trong cái thau, đổ nước vô rồi lấy bàn chải chà vòng vòng cho sạch đất cát bám bên ngoài vỏ sò. Rửa sạch lại bằng nước lã rồi đổ vô rổ cho sò ráo nước rửa đi. Xong đổ sò vô cái nồi lớn, đổ thêm chừng một chén nước sạch, đậy nắp nồi lại cẩn thận. Cho lửa trên bếp thiệt to, bắc nồi sò lên, chuẩn bị sẳn cái dá bằng cây có cán dài dài cầm sẵn trên tay, chờ cho nước trong nồi sôi bùng lên là mở nắp nồi, dùng cây dá đảo qua một lượt để trộn sò lớp dưới lên trên, lớp trên xuống dưới rồi tắt lửa, nhắc nồi xuống khỏi bếp. Chuẩn bị sẵn cái rổ đặt trong cái thau, đổ sò luộc từ nồi ra rổ, nhấc cái rổ lên đổ bỏ nước luộc sò dưới thau đi, đừng cho nước luộc đọng lại trong con sò, để xuống cái thau đó rồi bưng ra ăn liền lúc sò còn bốc khói nghi ngút mới ngon. Sò luộc như vầy là vừa chín tới, nó không hả miệng ra nên hơi khó mở vỏ ra một chút. Con nào ngậm miệng cứng quá không mở bằng tay được thì lấy cây dao nhỏ mà chẻ vỏ nó ra.

Mùa nóng này, không gì ngon bằng rang muối cục cho nổ mịn với chút bột ngọt, trộn thêm tiêu sọ hơi nhiều một chút, nặn thêm trái chanh da xanh vỏ mỏng nhiều nước vô, rồi luộc một nồi sò huyết vừa chín tới. Trải cái chiếu bên hông nhà, vừa có bóng mát, vừa có gió hiu hiu thổi, để thau sò huyết còn nóng bốc khói với chén muối tiêu chanh xuống chiếu rồi cùng nhau ngồi bẹt xuống gỡ từng con sò.Trước tiên là kê miệng vô húp cái nước huyết đỏ au của nó đi, rồi mới chấm cái thịt con sò vô muối tiêu chanh cho thật đẫm muối tiêu lẫn chanh rồi tách thịt sò bỏ vô miệng nhai, hết con này đến con khác. Mùi vị nó ngon không thể tả hết được. Nước huyết tanh tanh, mặn mặn, ngọt ngọt, thịt sò vừa dai, vừa giòn, vừa ngọt hòa với vị mặn, ngọt, chua, cay của muối tiêu chanh, tuy đơn sơ, mộc mạc, hoang dã mà những món ăn nấu cầu kỳ đầy đủ gia vị, dầu mỡ không bao giờ sánh được. Ăn hoài không biết chán. Thích ăn cơm thì bới thêm tô cơm nóng để kế bên, vừa ăn sò vừa lấy muỗng múc cơm ăn, ta nói nó ngon vô cùng. Cơm ngọt, sò ngọt, mà hình như muối tiêu chanh cũng ngọt nữa.

Hôm nọ tôi đi chợ Việt bên Nam Cali mua sò huyết đông lạnh đóng thành vỉ, mỗi vỉ nửa ký lô. Đem về cũng làm muối tiêu chanh, rửa sò sạch rồi luộc, háo hức quá đi, nghĩ bụng chắc là ngon lắm. Ăn rồi mới thấy, con sò đông lạnh mất hết hương vị biển dù luộc ra nó vẫn còn cái nước huyết màu đỏ, nhưng mà nó không thơm, không ngọt, không mặn cái vị biển, nhai nó dai dai như nhai cao su thôi. Thiệt là thất vọng quá chừng, tự nhủ về sau thôi không ăn sò huyết đông lạnh nữa.

Bên Mỹ này tôi chưa thấy chợ nào bán sò huyết Mỹ, thôi thì đành nhịn thèm. Mơi mốt đi chợ mua càng cua Mỹ đông lạnh về luộc chấm muối tiêu chanh ăn thay cho sò huyết luộc cho nó đỡ ghiền mùi vị biển. “À ơi… Ví dầu tình bậu (sò) muốn thôi/ Bậu gieo tiếng dữ (thèm) cho rồi bậu ra…

Chớ bây giờ ai có về Việt Nam cũng đố dám ăn hải sản nữa, nhiễm độc dài dài bờ biển từ Nam ra Bắc hết rồi. Đừng tưởng chỉ có bờ biển bốn tỉnh miền Trung là mới bị nhiễm, chổ khác vô can. Hổng phải đâu, các nhà máy nhiệt điện từ Cà Mau ra Lạng Sơn dùng công nghệ xử lý chất thải của Trung Quốc, mà cái công nghệ này không nói ra ai cũng biết, có khác gì cái nhà máy của Formosa ở Vũng Áng đâu, nó đổ thải ra sông, rồi sông chảy ra biển, cuối cùng thì “trăm dâu đổ đầu tằm.” Sông biển Việt Nam chổ nào cũng ô nhiễm hết. Thôi cải biên bài này hát cho nó đỡ ghiền: “Biết đến bao giờ/ gặp lại món ngon thuở ấu thơ. Để đón tin mừng/ mỗi ngày ra khơi về quá ngon.” Than ôi sò huyết, nghêu, mực, cá lù đù, cá nục, cá khoai của tui ơi…! (Tạ Phong Tần)

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cá salmon kho khóm hộp”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT