KHOA HỌC

GS Daniel Kahneman, Khôi Nguyên Nobel Kinh Tế, tạ thế ở tuổi 90

NEW YORK CITY (NV) – Daniel Kahneman, chưa từng học qua một lớp về môn kinh tế nào nhưng lại là người tiên phong trong lãnh vực dựa trên nền tảng tâm lý của kinh tế học và giúp ông đoạt giải Nobel khoa học kinh tế năm 2002, vừa tạ thế hôm Thứ Tư, 27 Tháng Ba. Ông được 90 tuổi, theo The New York Times.

Sự ra đi của Kahneman được tri kỷ của ông, Barbara Tversky, xác nhận. Bà từ chối cho biết ông qua đời tại đâu.

Giáo sư Kahneman, học giả gắn bó lâu dài với đại học Princeton University và sinh sống tại Manhattan, áp dụng kiến thức chuyên môn của mình như một nhà tâm lý học để thúc đẩy cái gọi là kinh tế học hành vi. Nghiên cứu này, được thực hiện phần lớn vào những năm 1970, dẫn tới việc suy xét lại các vấn đề xa vời như sơ suất trong y tế, các cuộc đàm phán chính trị quốc tế và đánh giá tài năng bóng chày, tất cả những điều đó được ông phân tích, phần nhiều là với sự hợp tác của Amos Tversky, một nhà tâm lý học nhận thức thuộc đại học Stanford University từng thực hiện nghiên cứu đột phá về khả năng phán đoán và ra quyết định của con người. (Bà Tversky, cũng là giáo sư tâm lý học tại Stanford University, kết hôn với Giáo Sư Amos Tversky, người qua đời năm 1996. Bà và Giáo Sư Kahneman sau đó trở thành tri kỷ vài năm trước.)

Giáo Sư Daniel Kahneman ngày 27 Tháng Giêng, 2009 ở Munich, Đức Quốc (Hình: Sean Gallup/Getty Images for Burda Media)

Ngược lại với kinh tế học truyền thống, vốn giả định rằng con người thường hành động dựa trên lý lẽ và tất cả trường hợp ngoại lệ đều có khuynh hướng biến mất khi có thêm nhiều hiểm họa, trường phái hành vi dựa trên việc vạch trần những thành kiến tinh thần cố hữu có thể làm sai lệch phán xét, thường hay có kết quả phản tác dụng.

“Thông điệp trọng tâm của Kahneman không thể quan trọng hơn,” nhà tâm lý học thuộc đại học Harvard University và tác giả nhiều tựa sách Steven Pinker nói với The Guardian vào năm 2014, “cụ thể là, lý trí của con người, nếu để nó muốn làm gì thì làm thì chúng ta có khuynh hướng mắc phải một số sai lầm và mắc nhiều lỗi cùng lúc, vì vậy nếu chúng ta muốn đưa ra những quyết định tốt hơn trong đời sống cá nhân và với tư cách là một xã hội, chúng ta phải tiếp thu cho được những thành kiến này và tìm cách giải quyết. Đó là một khám phá mạnh mẽ và quan trọng.”

Giáo Sư Kahneman rất vui khi chỉ ra và giải thích cái mà ông gọi là “điểm gấp khúc” của bộ não phổ quát. Các nhà nghiên cứu hành vi cho rằng điều quan trọng nhất trong số các điểm gấp khúc là ác cảm về mất mát: Chẳng hạn, vì sao mất $100 lại gây tổn thương gấp đôi so với việc kiếm được $100 mà lại thấy đã?

Trong vô số ý nghĩa của điểm gấp khúc, lý thuyết ác cảm mất mát cho thấy rằng thật ngốc nghếch khi thường xuyên kiểm tra danh mục đầu tư chứng khoán của một người, vì nỗi lo sợ muốn chiếm ưu thế trên thị trường chứng khoán rất có thể sẽ dẫn tới thận trọng quá đà và có tự chuốc lấy thất bại.

Ác cảm thua lỗ cũng giải thích vì sao người ta thấy rằng người chơi golf có thể đánh cú putt (đánh nhẹ lúc banh nằm trên cỏ để đưa banh vô lỗ) tốt hơn khi đạt điểm ngang bằng ở một lỗ nhất định so với khi đánh birdie để đạt điểm cao. Những người chơi golf cố gắng nhiều hơn trong cú gạt banh ngang vì họ rất muốn tránh bị bogey hoặc thua một cú đánh.

Với tính cách hòa nhã và khiêm tốn, Giáo Sư Kahneman không chỉ hoan nghênh những cuộc tranh luận về ý tưởng của mình; ông còn tranh thủ sự giúp đỡ của đối thủ cũng như đồng nghiệp để giúp bản thân ông khá hơn. Khi được hỏi ai nên được coi là “cha đẻ” của kinh tế học hành vi, Giáo Sư Kahneman chỉ vào nhà kinh tế học Richard H. Thaler thuộc đại học University of Chicago, một học giả trẻ hơn (11 tuổi) mà ông mô tả trong cuốn tự truyện đoạt giải Nobel là bằng hữu chuyên môn quan trọng thứ nhì, sau Giáo sư Tversky.

“Tôi là ông tổ của kinh tế học hành vi,” Giáo Sư Kahneman thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn năm 2016 cho cáo phó này, tại một nhà hàng gần nhà ông ở Lower Manhattan.

Trường phái tư tưởng mới này chưa từng được công bố trước công chúng cho tới lần đầu tiên năm 1985, trong một nghị hội tại Trường Cao Học Kinh Doanh thuộc đại học University of Chicago, thành trì của kinh tế học truyền thống.

Danh tiếng của Giáo Sư Kahneman trước công chúng phần nhiều nhờ vào cuốn sách “Thinking, Fast and Slow,” của ông, xuất bản năm 2011, có mặt trong danh sách bán chạy nhất trong lãnh vực khoa học và kinh doanh. Một nhà bình luận, nhà tiểu luận, nhà thống kê toán học và từng là nhà giao dịch chứng khoán Nassim Nicholas Taleb, tác giả cuốn sách có ảnh hưởng về những thứ không chắc là có thật, “The Black Swan,” xếp tác phẩm “Thinking” của Giáo Sư Kahneman ngang hàng với “The Wealth of Nations” của Adam Smith và “The Interpretation of Dreams” của Sigmund Freud.

Shane Frederick, giáo sư tại Trường Quản Trị Yale và là học trò chân truyền của Kahneman, cho biết qua điện thư hồi 2016 rằng Giáo Sư Kahneman “giúp kinh tế học biến thành một môn khoa học hành vi thực sự chứ không phải là một bài tập toán đơn thuần trong việc phác thảo những đòi hỏi logic của một tập hợp thường xuyên có những giả định khó có thể trụ vững.”

Giáo Sư Kahneman truyền đạt những khám phá của ông bằng một lối hành văn hấp dẫn, sử dụng những họa tiết minh họa mà ngay cả độc giả bình dân cũng đọc được.

Ví dụ, Giáo Sư Kahneman viết rằng Giáo Sư Thaler truyền cảm hứng cho ông nghiên cứu, như một thử nghiệm, cái gọi là tính toán tinh thần của một người đi tới kịch trường và nhận ra rằng mình bị mất vé hoặc số tiền mặt tương đương. Giáo Sư Kahneman nhận thấy rằng những người mất tiền vẫn sẽ ráng mua vé bằng một cách nào đó, còn những người mất vé lại có thể ngậm ngùi ra về nhiều hơn.

Phần lớn nghiên cứu của Giáo Sư Kahneman dựa trên quan điểm – điều mà ông không tạo ra nhưng lại sắp xếp có trật tự và chi tiết – rằng tâm trí hoạt động theo hai chế độ: nhanh và trực quan (các hoạt động tinh thần mà chúng ta ít nhiều sinh ra có sẵn, được gọi là Hệ Thống Một), hoặc chậm và phân tích, một phương thức phức tạp hơn liên quan tới kinh nghiệm và đòi hỏi nỗ lực (Hệ Thống Hai).

Daniel Kahneman sinh ngày 5 Tháng Ba 1934, trong một gia đình người Do Thái gốc Lithuania di cư qua Pháp vào đầu những năm 1920. Sau khi Pháp rơi vào tay Đức Quốc Xã trong Đệ Nhị Thế Chiến, Daniel, giống như những người Do Thái khác, bị buộc phải đeo Ngôi Sao David trên phục trang. Cha của ông, giám đốc nghiên cứu của một nhà máy hóa chất, bị bắt và giam giữ tại một trạm trước khi bị trục xuất tới trại tập trung để tiêu diệt, nhưng sau đó ông được thả ra trong một tình thế bí ẩn. Gia đình Kahneman trốn tới Riviera rồi tới miền Trung nước Pháp, nơi họ sống trong một chuồng gà.

Cha của Daniel qua đời ngay trước D-Day (Chiến Dịch Đổ Bộ Normandie), vào Tháng Sáu 1944, và Daniel, lúc đó là học sinh lớp tám, cùng em ruột ông, Ruth, chuyển tới Palestine do Anh Quốc kiểm soát cùng với mẹ, Rachel. (Daniel sinh ra ở Tel Aviv, Israel trong một chuyến mẹ ông tới thăm họ hàng.)

Ông tốt nghiệp đại học Hebrew University ở Jerusalem với chuyên ngành tâm lý học, hoàn thành chương trình đại học trong hai năm. Năm 1954, sau khi thành lập nhà nước Israel, ông được tham gia Lực Lượng Phòng Vệ Israel IDF với quân hàm thiếu úy.

Ông kết hôn với Irah Kahan tại Israel và họ sớm lên đường tới đại học University of California, Berkeley, nơi ông được cấp học bổng. Ông lấy được văn bằng Tiến Sĩ tâm lý học tại đó. Ông trở về Israel để giảng dạy tại đại học Hebrew University từ 1961 tới 1977. Hôn nhân của ông chấm dứt do ly hôn. (Giáo Sư Kahneman có hai quốc tịch Hoa Kỳ và Israel.)

Năm 1978, Giáo Sư Kahneman kết hôn với Anne Treisman, nhà tâm lý học Anh Quốc danh tiếng, người có chung mối quan tâm tới việc nghiên cứu sự chú ý, vốn là chủ đề chính trong quá trình nghiên cứu đầu tiên của ông. Hai người điều hành một phòng thí nghiệm và cùng nhau viết bài nghiên cứu. Năm 2013, Treisman nhận được Huân Chương Khoa Học Quốc Gia từ Tổng Thống Barack Obama. Bà mất năm 2018. Từ rất lâu, ông và bà Treisman từng là bằng hữu của gia đình Tversky.

Ngoài bà Tversky, ông còn có một người con trai và con gái từ cuộc hôn nhân đầu tiên, Michael Kahneman và Lenore Shoham; hai người con gái riêng từ cuộc hôn nhân thứ hai của ông, Jessica và Deborah Treisman; hai người con riêng của cùng một cuộc hôn nhân, Daniel và Stephen Treisman; ba người cháu; và bốn đứa cháu gái riêng. Ông sống ở Greenwich Village trong nhiều năm.

Sự hợp tác giữa ông và Giáo Sư Tversky – trong những năm làm việc năng suất cao nhất của họ là từ 1971 tới 1981 – thời điểm đó họ đặc biệt thân thiết, tới mức truyền cảm hứng cho tác giả Michael Lewis viết một cuốn sách về họ, “The Undoing Project: A Friendship That Changed Our Minds” (2016).

Trong một cuộc phỏng vấn với Kara Swisher trên podcast “Sway” của The New York Times năm 2021, Giáo Sư Kahneman nói, “Nếu bây giờ tôi bắt đầu sự nghiệp, tôi sẽ lựa chọn giữa trí tuệ nhân tạo và khoa học thần kinh, bởi vì hiện nay đó là những cách thức đặc biệt lý thú để nhìn vào bản chất con người.” (TTHN)

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Hoa Kỳ

Tờ bạc $1 có lỗi in ấn, trị giá lên tới $150,000

Nếu ai có tờ $1 trong bóp tiền hoặc dưới ghế sofa, hãy suy nghĩ…

5 mins ago
  • Hoa Kỳ

Thống Đốc Kristi Noem kể chuyện giết chó trong sách mới

Thống Đốc tiểu bang South Dakota Kristi Noem (Cộng Hòa) mô tả vụ bắn chết…

54 mins ago
  • PHỎNG VẤN

Doanh nhân gốc Việt và phong trào truyền bá “chân lý” đến nhân loại – Built for Greatness movement

Doanh nhân gốc Việt và phong trào truyền bá “chân lý” đến nhân loại –…

1 hour ago
  • Xe Hơi

10 mẫu xe cũ dưới $10,000 đáng tin cậy

Những cải tiến quan trọng bắt đầu vào những năm 2010, với nhiều mẫu xe…

1 hour ago
  • Thế Giới

Máy bay ‘drone’ trị giá $30 triệu của Không Quân Mỹ rơi ở Yemen

Một máy bay không người lái MQ-9 thuộc Không Quân Hoa Kỳ bị rơi ở…

2 hours ago
  • Việt Nam

Một cô gái chết khô trong căn hộ chung cư Vinhomes ở Hà Nội

Nhà chức trách ước lượng cô gái “đã chết khoảng một năm" và do “chung…

2 hours ago

This website uses cookies.