Thursday, March 28, 2024

Những kỹ thuật Trung Quốc dùng để giám sát dân chúng

Hà Dương Cự/Người Việt

Vào khoảng thập niên 1990 khi mạng lưới thông tin toàn cầu Internet bộc phát và lan tràn khắp thế giới thì dư luận thế giới đã nghĩ rằng với sự thông tin không biên giới, mọi tin tức sẽ được mọi người biết ngay lập tức và không có gì có thể che giấu được. Như vậy các thể chế độc tài sẽ không thể tồn tại được. Nhưng Trung Quốc đã chứng tỏ ngược lại.

Trung Quốc đã dùng chính những công nghệ hiện đại nhất như Internet, các mạng xã hội, nhận diện khuôn mặt hay thông minh nhân tạo để kiểm soát chặt chẽ dân chúng. Trong bài này tôi xin trình bày về những công nghệ hiện đại mà chính quyền Trung Quốc dùng để giám sát quần chúng.

Nhận diện khuôn mặt

Vì rất có ích trong vấn đề an ninh và giám sát nên công nghệ nhận diện khuôn mặt được các quốc gia bỏ rất nhiều tiền vào việc nghiên cứu và phát triển. Cho nên công nghệ này tiến triển rất nhanh trong thập niên vừa qua. Máy thu hình ghi nhận những khuôn mặt và chuyển đến máy tính để máy tính dùng những thuật toán nhận diện khuôn mặt.

Trung Quốc hiện nay có khoảng 200 triệu máy thu hình giám sát (surveillance camera) đặt khắp mọi nơi và con số có thể lên tới 400 triệu vào năm tới. Ngoài khả năng nhận diện khuông mặt, phần mềm của máy thu hình giám sát còn có thể nhận định được các loại xe và đọc bảng số xe, liên kết xe với người sử dụng.

Mới đây một phóng viên của cơ quan truyền thông BBC đã làm một cuộc thí nghiệm với cảnh sát thành phố Quế Dương, thủ phủ của tỉnh Quí Châu, Trung Quốc. Ông ta muốn biết làm sao và bao lâu thì cảnh sát có thể tìm thấy ông ta được. Sau khi để hình ông phóng viên lên danh sách “những kẻ tình nghi” và dùng những máy quay phim giám sát và công nghệ nhận diện khuôn mặt, cảnh sát Quế Dương chỉ mất 7 phút là “bắt” được ông phóng viên này.

Màn hình giám sát ở Trung Quốc. (Hình: npr.org)

Bạn có thể nghĩ là khuôn mặt nhiều người rất giống nhau làm sao có thể phân biệt được. Nhưng khi đi sâu vào chi tiết thì mỗi khuôn mặt có nhiều điểm đặc trưng, có những chỗ trũng cũng như những chỗ trồi lên. Tổng hợp những điểm đặc trưng đó làm nên khuôn mặt có một không hai.

Mặt có khoảng 80 điểm nút (nodal point) và những kích thước đo được, như khoảng cách giữa hai mắt hay chiều rộng của mũi. Những dữ kiện này được lưu vào cơ sở dữ liệu trong máy tính và dùng để so sánh và nhận diện. Giới truyền thông Trung Quốc cho biết là hệ thống nhận diện khuôn mặt của chính quyền Trung Quốc chính xác tới 99.8%.

Theo dõi các mạng lưới xã hội

Theo luật của Trung Quốc những người đưa hay viết tin trên các mạng lưới xã hội như WeChat (rất phổ thông ở Trung Quốc) có thể bị tội vì nội dung không theo đúng luật. Nhưng luật thì được cố tình làm cho mơ hồ để cơ quan luật pháp có thể bẻ cong quẹo sao cũng được. Hậu quả là dân chúng vì sợ hãi phải tự kiểm duyệt mình. Hơn nữa người chủ nhóm cũng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp tất cả những gì được đưa lên mạng từ nhóm của mình. Điều này làm cho các chủ nhóm phải tự kiểm soát và loại bỏ những bài có tính cách nguy hại đối với chính quyền.

Luật lệ cũng đòi hỏi các công ty kỹ thuật cao phải theo dõi và lưu trữ tất cả những trao đổi trong vòng sáu tháng và phải báo cáo cho chính quyền những hoạt động không hợp pháp. Như vậy có nghĩa là các công ty này phải tự theo dõi người sử dụng.

Mạng lưới Internet

Chính quyền Trung Quốc theo dõi những hoạt động của dân chúng trên Internet, thí dụ như bạn đã truy cập vào những trang mạng nào, bạn đã mua gì và bạn có chơi trò chơi điện tử không. Các công ty công nghệ truyền thông như Alibaba bắt buộc phải chia sẻ dữ liệu của người tiêu dùng với chính quyền nếu có yêu cầu.

Hệ thống tín dụng xã hội

Vào năm 2014 chính quyền Trung Quốc loan báo kế hoạch xây dựng một hệ thống gọi là Tín Dụng Xã Hội hay còn được gọi là Hệ Thống Điểm Số Tín Nhiệm Xã Hội. Từ đó đến nay hệ thống này được thử nghiệm ở nhiều nơi. Dự trù sẽ bắt đầu thực thi toàn quốc vào năm 2020. Mục đích chính thức được công bố là để “nâng cao nhận thức đối với tính chính trực và mức độ tín nhiệm trong xã hội.” Nhưng trên thực tế hệ thống này là một trong những công cụ chính quyền Trung Quốc dùng để kiểm soát quần chúng.

Thuật toán dùng để tính điểm tín nhiệm xã hội là một bí mật, nhưng theo tài liệu được dịch qua tiếng Anh thì điểm tín nhiệm xã hội bao gồm bốn lãnh vực chính là thương mại, chính trị, xã hội và luật pháp.

Máy thu hình giám sát ở quảng trường Thiên An Môn. (Hình: commons.wikepedia.org)

Về lãnh vực thương mại thì mọi sự mua bán, vay nợ và trả nợ có đúng hạn hay không đều được ghi nhận. Những dữ liệu này hiện đã có vì đa số các giao dịch đều qua hệ thống mạng lưới toàn cầu. Những quốc gia khác cũng có những hệ thống đánh giá tín dụng trong thương mại. Thí dụ nếu bạn sinh sống ở Hoa Kỳ thì chắc là đã có điểm tín dụng (credit score). Điểm tín dụng từ 300 tới 850, điểm càng cao thì càng dễ mượn tiền và được tính tiền lời thấp.

Ở những nước dân chủ thì điểm tín dụng chỉ hoàn toàn có tích cách thương mại, không liên quan gì đến khuynh hướng chính trị hay những người có liên quan tới bạn. Nhưng ở Trung Quốc thì những gì bạn viết hay đọc trên những mạng xã hội và người nào là bạn của bạn trên các mạng xã hội đều có ảnh hưởng tới điểm tín nhiệm xã hội của bạn. Ngay như những hoạt động như chơi trò chơi điện tử trực tuyến cũng bị theo dõi. Nếu bạn chơi một ngày 10 tiếng thì sẽ bị coi là người không tốt và điểm tín dụng xã hội sẽ bị giảm xuống.

Những người bị điểm xấu sẽ bị trừng phạt bằng nhiều cách, sau đây là một vài ví dụ:

-Bị cấm đi máy bay hay đi xe lửa: Báo Business Insider trích một báo cáo của Channel News Asia nói là vào Tháng Ba vừa qua 9 triệu người đã bị cấm mua vé máy bay nội địa vì bị điểm xấu.

-Tốc độ truy cập vào mạng chậm: Thí dụ bạn loan truyền những tin không tốt về chính phủ trên các mạng xã hội thì điểm tín dụng xã hội của bạn sẽ bị xuống nhiều và chính quyền Trung Quốc sẽ làm cho tốc độ truy cập vào mạng của bạn chậm như rùa bò.

-Con cái không được vào trường tốt: Mới đây một đại học ở Bắc Kinh không nhận một sinh viên vì người cha có điểm tín dụng xã hội xấu.

-Không được việc tốt: Người có điểm xấu sẽ bị cấm không được làm những công việc quản trị trong cơ sở của chính phủ cũng như những nhà băng lớn.

Hiện tại hệ thống tín dụng xã hội được thử nghiệm ở một số thành phố. Nhưng trong vài năm nữa khi hệ thống tín dụng được áp dụng toàn quốc thì cả 1.4 tỷ dân Trung Quốc sẽ bị chính quyền kiểm soát một cách chặt chẽ, nhất cử nhất động đều được ghi nhận và đánh giá. Dân chúng hoàn toàn mất tự do, muốn được yên thân thì phải ngoan ngoãn làm theo ý của đảng Cộng Sản Trung Quốc. (Hà Dương Cự)

—–
Nguồn tài liệu: www.businessinsider.com, www.bbc.com

MỚI CẬP NHẬT