Luật Khánh Tận California – Những loại nợ xóa được

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708, điện thoại: (714) 531-7080; 114 E. Chance A La Mer, Suite 100, Ocean Shores, Washington, điện thoại: (360) 633-8880, website: www.lylylaw.com.

Luật Khánh Tận California có phân loại rõ loại nợ “ưu tiên” (priority debt) là những nợ không xóa được. Ngoài nợ ưu tiên các nợ khác đều có thể được tòa cho hóa giải vĩnh viễn.

Cũng có vài vụ xử ngoại lệ tòa cho tha một vài món nợ ưu tiên nhưng những vụ này mang tính cách đặc thù và phức tạp ngoài phạm vi thông thường nên chúng tôi không bàn ở đây. Nói chung nợ ưu tiên là những loại nợ không xóa được cho dù khai phá sản theo Chương 7 hay Chương 13. Nợ ưu tiên không bị Luật Khánh Tận chi phối, người nợ vẫn phải thanh toán trọn vẹn như thường lệ. Những nợ ưu tiên phần lớn có dính dáng đến chính phủ điển hình là nợ học trò (student loan) được Bộ Giáo Dục bảo đảm cho sinh viên mượn khi theo học đại học hay các loại nợ thuế liên bang, tiểu bang và địa phương. Nợ ưu tiên còn gồm tiền chu cấp do kết quả tòa án xử các vụ ly dị bắt trả hàng tháng cho con cái hay người hôn phối cũ hoặc án phí nợ tòa án, tiền phạt các vụ lái xe khi say rượu, v.v… Những món nợ không liệt kê trong đơn xin phá sản lúc đầu cũng không xóa được vì các chủ nợ phải nhận được thông báo của tòa căn cứ vào lời khai trong đơn ấy mới có hiệu lực. Nên nhớ kết quả của vụ án cho giải nợ nhiều hay ít đều tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân của từng người khai ít nợ hay nhiều nợ và chỉ có những nợ hiện tại có khai ra mới được cứu xét mà thôi.

Hầu hết các món nợ dễ được giải nhất thuộc loại nợ không thế chấp (unsecured debts). Đó là những món nợ không bị ràng buộc với bất cứ tài sản nào để bảo đảm cho tiền nợ. Tiền các thẻ tín dụng cho vay đặt trên căn bản người dùng thẻ hứa hẹn sẽ trả lại tiền vay theo điều kiện ấn định cùng với lãi tính trên số tiền ứng ra theo phân lời thỏa thuận giữa đôi bên. Nợ không thế chấp điển hình nhất là nợ các thẻ Visa, Mastercard, American Express, Discover… hay tương tự hoặc thẻ mua chịu của các cửa hàng bách hóa như Macy, Sears, WalMart… thẻ của hãng dầu xăng như Shell, Exxon… nói chung tất cả các loại nợ cấp cho người tiêu thụ có thành tích tín dụng tốt vay để mua sắm. Tuy nhiên cũng có vài loại thẻ tín dụng có thế chấp (secured cards) cho người không tín dụng hoặc tín dụng xấu, thẻ này đặt điều kiện muốn được cấp phải mở một trương mục tiết kiệm song hành với số tiền tương tự để bảo đảm cho thẻ. Ngoài ra nợ không thế chấp còn kể đến nợ vay bằng chữ ký (signature loan), nợ y tế như bệnh viện và bác sĩ, nợ do sai biệt thất thu sau những vụ tịch biên đồ đạc hay nhà cửa thế chấp (reposession/foreclosure deficiencies) vì đã tịch thu rồi dĩ nhiên phần sai biệt trở thành không bảo đảm.

Dù rằng phần lớn các thẻ tín dụng của các cửa hàng bán lẻ không thế chấp nhưng không tự động kể là không có bảo đảm mà còn tùy thuộc vào giao kèo ký kết lúc trao đổi mua bán, thông thường khi mua trả góp những món đồ đắt tiền đằng sau tờ biên lai thường có những dòng chữ in bằng chữ rất nhỏ có ghi điều kiện thế chấp mà người mua ít để ý đến. Cũng có những món nợ tưởng là không thế chấp nhưng thực ra chủ nợ đã “nối” với món nợ thế chấp khác mà người nợ có vay từ trước gọi là “thế chấp chung” (cross-collatelarization). Thí dụ một người vay nợ ngân hàng để mua nhà sau đó ngân hàng gởi thư cống hiến mời mở một thẻ tín dụng, khi cấp thẻ ngân hàng tự động dùng ngôi nhà đó làm làm “thế chấp chung” với nợ chính.

Tưởng cũng cần nhắc lại căn bản của Luật Khánh Tận California khai theo Chương 7 có mục đích giúp cho một cá nhân trong tình trạng nguy ngập vì nợ quá nhiều không trả nổi sẽ được giúp giải thoát khỏi nợ để khởi sự làm ăn lại từ đầu, do đó còn được gọi là “phá sản thanh toán” (liquidation bankruptcy) hay “phá sản thẳng” (straight bankruptcy). Khai theo Chương 7 được hủy bỏ các nợ không thế chấp đã đề cập ở trên, nợ được hoàn toàn giải hết và rũ sạch vĩnh viễn. Trên thực tế 99% các vụ phá sản theo Chương 7 người khai được giữ lại trọn vẹn tài sản đồng thời xóa được rất nhiều nợ. Vụ xử thường kết thúc trong vòng bốn tháng trở lại, sau khi vụ án kết thúc người xin phá sản được tòa giải thoát không còn nợ ai một cách hợp pháp. Đối với nợ vay của thân nhân hay người quen biết có tính cách tình nghĩa thì người ấy có thể dàn xếp để trả theo ý muốn nhưng theo luật pháp không bị bắt buộc phải trả.

Ngay sau khi nộp đơn khai theo Chương 7 ở California tòa thông báo cho giờ hẹn gặp mặt một “tín viên khánh tận” (bankruptcy trustee) do tòa chỉ định với sự hiện diện của luật sư của người khai cùng các chủ nợ. Mục đích buổi họp mặt này để chủ nợ có cơ hội được nêu thắc mắc về món nợ nhưng trên thực tế rất hiếm chủ nợ hiện diện vì hầu hết nội vụ đều được luật sư đại diện thu xếp. Lúc gặp mặt tín viên có thể chú ý hỏi đến một vài món sở hữu nêu trong đơn khai mục đích để kiểm điểm tài sản và lợi tức của người khai. Phần nhiều lần gặp mặt chỉ kéo dài vài phút, tuy nhiên theo tâm lý chung phần nhiều người khai cảm thấy hồi hộp bất an trước khi vào gặp tín viên vì sợ bị hỏi nhiều nhưng thực ra chẳng có gì đáng sợ cả. Tín viên chỉ lưu ý tìm người dấu diếm tài sản có nhiều khai ít hay những người có ý đồ lừa đảo chứ không dọa nạt hay làm phiền nhiễu người xin phá sản. Nơi hẹn thường chỉ là một văn phòng chứ không phải tòa án và tín viên cũng không phải là quan tòa nên buổi gặp mặt không có tính cách long trọng. Sau buổi gặp mặt người xin phá sản chỉ cần giữ liên lạc với tòa án cung cấp địa chỉ hiện hữu và đợi án tòa cho giải nợ gởi đến theo đường bưu điện.

Khai phá sản theo Chương 13 ở California có mục đích khác hẳn là giúp cho người khai có cơ hội gom nợ rồi trả dần một phần đang nợ trong một thời gian ấn định rồi sau đó dứt hẳn. Chương 13 có ý giúp người vướng nợ tuy kiếm đủ tiền sinh sống nhưng không đủ tiền để trả theo đòi hỏi của chủ nợ. Khi thi hành chương trình thì các chi phí cho nhu cầu mưu sinh cần thiết như nhà ở, ăn uống, tiện nghi tối cần được thanh toán trước rồi phần còn dư mới đem trả nợ. Chương trình này không căn cứ vào tổng số tiền nợ bao nhiêu mà chỉ căn cứ vào khả năng trả nợ bấy nhiêu của người khai. Số tiền trả hàng tháng căn cứ chính yếu vào ngân sách lợi tức và chi phí của người ấy, sau khi trừ các chi phí mưu sinh còn dư mới chia đều cho các chủ nợ dầu rằng chỉ đáng một xu cho mỗi đồng tiền nợ thì họ cũng phải chấp nhận. Do đó Chương 13 rất thích hợp cho những người có tài sản quá giới hạn miễn trừ hoặc có nhiều nợ ưu tiên không xóa được.

Muốn phá sản theo Chương 13 người xin phải nộp một tờ khai chi tiết lợi tức kiếm được đem về hàng tháng cùng liệt kê số tiền cần thiết bắt buộc phải có để sinh sống. Tòa chỉ định một tín viên đứng ra quản trị việc thi hành việc thanh toán, tín viên sẽ tính ra số tiền còn lại sau các chi phí rồi chia đều theo tỷ lệ số nợ cho toàn thể các chủ nợ. Chương trình trả nợ thường kéo dài từ 3 năm tới 5 năm trừ phi các món nợ được trả xong trước thời hạn này. Tới ngày cuối chương trình của tòa ấn định mọi khoản nợ chưa thanh toán hết đều được tha hết. Dĩ nhiên việc quản trị tài chánh trong thời hạn trên đều do tín viên nắm giữ. Chương 13 còn có đặc điểm định giá trị lại nợ thế chấp, thí dụ nợ vay mua xe quá cao so với giá trị hiện tại của chiếc xe nếu bán ra thị trường, trường hợp này tín viên sẽ cho định giá lại và cho trả theo giá mới. Ngoài ra Chương 13 còn có lợi điểm khác cho những người trả nợ nhà (mortgage) chậm trễ được gom số nợ những tháng thiếu chưa trả kịp rồi trả dần hàng tháng theo chương trình gom nợ do đó không còn sợ bị chủ nợ hay ngân hàng lấy cớ tịch biên phát mãi vì Chương 13 có mục đích bảo vệ cho người nợ không bị mất nhà hay mất tài sản. Lợi điểm khác của Chương 13 là giải quyết nợ thuế. Thông thường các món nợ chính phủ đều không xóa được nhưng Chương 13 có hiệu lực ngưng (freeze) không cho IRS tính lãi lẫn tiền phạt trên số nợ thuế còn thiếu do đó người nợ chỉ phải trả đúng số tiền nợ IRS thực sự mà thôi.

Tuần tới chúng tôi sẽ nêu những yếu tố giúp quyết định nên khai phá sản hay không. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích xử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, điện thoại: (714) 531-7080; 114 E. Chance A La Mer, Suite 100, Ocean Shores, Washington, điện thoại: (360) 633-8880, website:lylylaw.com. (Luật Sư LyLy Nguyễn)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.