Thursday, April 18, 2024

Luật Khánh Tận: Thế nào là phá sản?

Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Ðịnh Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. Website: www.lylylaw.com.

Luật Sư LyLy Nguyễn

Những tai họa như mất việc, ly dị, buôn bán thua lỗ, bị nan y hay gặp tai nạn đưa đến hoàn cảnh bi đát nợ quá sức trả, tối ngày đám đòi nợ thuê gọi điện thoại réo rắt đe dọa xiết nhà, câu xe khiến nhiều người nản chí phân vân không biết giải quyết ra sao. (Hình minh họa: TANG CHHIN SOTHY/AFP via Getty Images)

Một số đông đồng bào Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng như các cư dân gốc khác trong cuộc sống đôi khi gặp phải lúc khốn khó vì nợ ngập đầu, nợ nhiều hơn tiền kiếm được. Vướng vào nợ đã chưa trả được vốn ngược lại nợ càng chồng chất thêm vì lãi. Những tai họa như mất việc, ly dị, buôn bán thua lỗ, bị nan y hay gặp tai nạn đưa đến hoàn cảnh bi đát nợ quá sức trả, tối ngày đám đòi nợ thuê (debt collectors) gọi điện thoại réo rắt đe dọa xiết nhà, câu xe khiến nhiều người nản chí phân vân không biết giải quyết ra sao. Có người được bạn bè khuyên nên khai khánh tận (hay phá sản), nhưng cũng có người lại đề nghị giải pháp khác vì cho rằng phá sản là một diều nhầm lẫn có thể đưa đến hậu quả cay đắng hơn là hạnh phúc. Luôn luôn họ cảm thấy lẫn lộn cảm giác phân vân, lo lắng, tội lỗi lẫn đau khổ không biết nên chọn giải pháp nào, nên hay không nên khai phá sản?

Những ai vướng vào tình trạng này xin đừng quá ưu tư vì còn rất nhiều bạn đồng hội đồng thuyền. Ở Mỹ từ năm 1996 hàng năm có khoảng một triệu người Mỹ phá sản cùng cả ngàn công ty. Khai khánh tận trở thành một nhu cầu cần thiết lan rộng khắp hệ thống kinh tế Hoa Kỳ và trở thành cứu tinh cho nhiều người phút chốc bỗng rũ sạch được nợ để có cơ hội làm lại cuộc đời. Trên khía cạnh khác phá sản cũng có điểm bất lợi do đó trước khi quyết định khai nên tìm hiểu kỹ căn bản luật khánh tận như đã trình bày tuần trước với các trường hợp khai khác nhau cùng hậu quả về sau.

Căn bản khai khánh tận có hai loại như đã trình bầy tuần trước, thứ nhất là thanh toán (liquidation) áp dụng Chương 7 dùng tài sản để trả nợ, và thứ hai là tái tổ chức (reorganization) tình trạng tài chánh theo Chương 11, 12, và 13 trả nợ bằng lợi tức sẽ kiếm được trong tương lai. Theo Chương 7 người nợ được cơ hội bán hết tài sản trả bớt cho các chủ nợ đổi lại rũ hết mọi nợ nần mà làm lại cuộc đời. Thủ tục tòa thường kéo dài từ bốn đến sáu tháng, ngoài lệ phí trả cho luật sư chỉ phải đóng $209 tiền tòa và phải ra tòa trình diện ít nhất một lần. Trước hết nhờ một luật sư điền mẫu đơn rồi nộp cho Tòa Khánh Tận Liên Bang ở địa phương. Trong đơn phải khai hết các loại tài sản có trong tay, lợi tức hiện hữu cùng tất cả các nguồn lợi tức khác, chi tiêu hàng tháng, liệt kê tất cả nợ nần, các tài sản miễn trừ (tài sản được phép giữ lại), các tài sản làm chủ hay bán đi trong vòng hai năm trở lại. Khai khánh tận theo Chương 7 thường được xóa hầu hết mọi khoản nợ tuy nhiên có những món không xóa được vẫn phải giữ nguyên như cũ.

Theo Chương 13 người nợ phải dùng lợi tức sẽ kiếm được trong tương lai để trả cho các chủ nợ và thường kéo dài từ ba tới năm năm. Người khai phải có lợi tức đều đặn và có số nợ có thế chấp không quá $1,257,850 cùng nợ không thế chấp không quá $419,325. Nợ thế chấp là nợ có cầm thế thí dụ như nhà cửa, xe cộ hay các món đồ có giá trị mua trả góp chưa hết, nếu không trả thì chủ nợ sẽ xiết lấy đem đi bán. Nợ không thế chấp thí dụ như nợ thẻ tín dụng hay nợ tiền bệnh viện và bác sĩ thì chủ nợ không có quyền xiết gì cả. Ngoài lệ phí trả cho luật sư còn phải đóng $313 tiền tòa, làm đơn như Chuơng 7 liệt kê tài sản, nợ nần cùng lợi tức và chi tiêu trong công ăn việc làm hiện tại rồi cũng nộp tại Tòa Khánh Tận Liên Bang ở địa phương. Theo Chương 13 người khai phải nộp tiền hàng tháng cho một tín viên (trustee) do tòa án chỉ định rồi tín viên sẽ phân chia ra trả nợ cho các chủ nợ theo thứ tự luật định như sau: (1) nợ hành chánh (administrative claims) là tiền tòa và lệ phí của luật sư đã giúp khai Chương 13 phải trả 100%; (2) nợ ưu tiên (priority debts) là luơng nhân công đã làm việc trong vòng 90 ngày trước khi khai, hay tiền đóng cho quỹ phúc lợi (benefit fund) cho nhân công, tiền nuôi trẻ (child support) và nợ thuế, tất cả đều  phải trả 100%; (3) tiền vay mua nhà (mortgage default) nếu muốn giữ nhà lại thì phải trả 100%; (4) nợ thế chấp khác như nợ xe nếu muốn giữ xe lại cũng phải trả 100%; (5) sau chót mới đến các nợ không thế chấp chia số lương còn lại hàng tháng trả từ 0% tới 100% tùy theo giá trị số tài sản không miễn trừ. Sau thời hạn ấn định từ ba tới năm năm những nợ nào chưa trả hết nhưng hội đủ điều kiện sẽ được xóa luôn, còn những nợ không đủ điều kiện vẫn phải tiếp tục trả như thường. Nếu vì lý do nào đó người nợ không trả nổi như đã định thì có thể xin tòa thay đổi lại cho hợp với khả năng. Sau khi đã tỏ thiện chí cố gắng mà vẫn không trả nổi nếu có lý do chính đáng thì lúc đó tòa có thể ban đặc ân cho xóa hết tất cả nợ còn lại. Ngược lại nếu tòa không chấp thuận thì người nợ có thể xin hoán cải khai lại theo chương 7. Trong suốt thời gian trả nợ theo Chương 13, người nợ phải sống đạm bạc thắt lưng buộc bụng mà trả nợ, tòa án theo dõi rất nghiêm ngặt không cho tiêu pha phung phí xa xỉ.

Khắp nước Mỹ phần đông khai theo Chương 7 vì dễ khai và nhanh chóng, hữu hiệu nhất là được xóa hết nợ, phần đông vẫn giữ được nhà cửa tuy có trường hợp bị mất. Những người khai theo Chương 13 thường vì lý do đạo đức vì họ có tín ngưỡng phải giữ bổn phận trả nợ nếu không muốn bị trái với lương tâm như dân Utah và nhiều tiểu bang Nam Hoa Kỳ. Ngoài lý do tín ngưỡng ra phần đông những người chọn Chương 13 vì các nguyên cớ sau (1) muốn bắt kịp lại tiền trả chậm để giữ được nhà cửa hay xe cộ, nếu theo Chương 7 sẽ bị mất; (2) có nhiều nợ không xóa được (non-dischargeable) như nợ thuế, nợ tiền học (student loan), những nợ này Chương 13 dàn xếp trả dần được; (3) người nợ có thiện chí muốn trả nợ cần được luật pháp bảo vệ tạo cho điều kiện trả dần.

Khi nộp đơn khai phá sản lợi điểm đầu tiên có một điều khoản gọi là “tự động đình chỉ” (automatic stay) theo đó các chủ nợ không được có các hành động đòi nợ trực tiếp nữa trừ phi được phép của tòa. Thông thường luật này ngăn không cho các chủ nợ gửi thư hay điện thoại tới làm phiền, nộp đơn kiện tụng, cắt các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, điện thoại  hay buộc nợ (lien) trên tài sản cùng tịch thu trương mục ngân hàng để xiết nợ. Nếu một chủ nợ nào dù là cơ quan công quyền vi phạm luật tự động đình chỉ, người nợ có thể xin tòa can thiệp để trừng phạt kẻ vi phạm. Tuy nhiên có vài ngoại lệ, luật tự động đình chỉ không áp dụng với (1) tội phạm hình sự, thí dụ một người viết chi phiếu không tiền bảo chứng vẫn bị tòa bắt trả tiền phạt lẫn thi hành tạp dịch công cộng (community service); (2) không được trì trệ bổn phận chu cấp vợ con (alimony or child support); (3) không ngưng được các vụ kiểm thuế theo đó cơ quan thuế vụ liên bang IRS có quyền đòi số tiền chưa đóng hay đóng thiếu, tuy nhiên luật tự động đình chỉ vẫn ngăn IRS không cho áp đặt buộc nợ hay tịch thu gia sản. Trường hợp bị cắt điện nước vì không trả tiền luật tự động đình chỉ ngăn không cho cắt tối thiểu 20 ngày sau đó tòa án có thể cho xóa số tiền chưa đóng còn thiếu. Trường hợp bị xiết nhà luật đình chỉ tự động tạm thời cấm không cho tịch thu nhưng sau đó nếu không có biện pháp nào khác thì chủ nợ trước sau cũng được quyền đem bán đi. Nếu bị trục xuất ra khỏi nhà thì luật đình chỉ tự động có thể hoãn được trong vài tuần hay vài tháng tuy nhiên sau đó chủ nhà vẫn có quyền xin trục xuất.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật khánh tận Hoa Kỳ với vai trò của các tín viên trong nhiệm vụ thi hành luật khánh tận. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được xử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708, Điện thoại: (714) 531-7080; website: www.lylylaw.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT