Thursday, May 9, 2024

Cách thức chuyển tài sản miễn thuế hiệu quả

Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7,3 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế,Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra, Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần, tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 17151 Newhope Street, Suite 113, Fountain Valley, California 92708. Ðiện thoại: (714)-531-7080. Email: [email protected]; website: www.lylylaw.com

LyLy NgLuyễn, ESQ, JD, LLM

Một cách phổ thông nhất mà các luật sư chuyên môn về bảo vệ tài sản thường hay áp dụng là giúp thân chủ lập ra Tổ Hợp Trách Nhiệm Hữu Hạn (Limited Liability Company hay LLC). (Hình minh họa: Carl Court/Getty Images)

Thể theo lời yêu cầu của một số độc giả muốn biết về Luật Bảo Vệ Tài Sản (asset protection law) qua những phương cách luật định, có mục đích đem lại lợi điểm về mặt thuế khi rút tiền ra từ các ngân khoản đầu tư, tuần này chúng tôi trở lại với phần tìm hiểu Luật Tài Sản Hoa Kỳ song song với việc áp dụng Luật Thuế.

Một cách phổ thông nhất mà các luật sư chuyên môn về bảo vệ tài sản thường hay áp dụng là giúp thân chủ lập ra Tổ Hợp Trách Nhiệm Hữu Hạn (Limited Liability Company hay LLC). Đúng như tên gọi, các hình thức tổ hợp này có khả năng bảo vệ tài sản của cá nhân người thiết lập một cách hữu hiệu, cũng giống như bảo vệ tài sản của các công ty thương mại lớn.

Nếu những người liên hệ trong tổ hợp cùng trong gia đình thì sẽ áp dụng một hình thức tương tự gọi là Tổ Hợp Trách Nhiệm Hữu Hạn do Gia Đình Quản Lý (Family Owned Limited Liability Company, tạm gọi tắt là Tổ Hợp Gia Đình FLLC). Hình thức tổ hợp này không những được đặt ra để bảo vệ tài sản cá nhân, mà còn có khả năng làm cho các kế hoạch tài sản thi hành dễ dàng và chu đáo hơn.

Trước hết, một Tổ Hợp Gia Đình FLLC được thiết lập với ngân quỹ hoạt động chuyển từ tài sản của người chủ. Tổ chức của FLLC có hai loại nhân sự, chính yếu nhất phải kể đến “hội viên” (members) là những người có chủ quyền trên tài sản của tổ hợp; và thứ hai kể đến “quản lý” (managers) là một hay nhiều người điều hành tổ hợp mà chức vụ quản lý cũng có thể do chính hội viên đảm nhiệm.

Như vậy, hội viên (tức là chủ nhân) có thể là quản lý nhưng quản lý không bắt buộc phải là hội viên. Ngoài chủ nhân ra, những hội viên khác trong tổ hợp thường là con cháu của người chủ và các hội viên con cháu này đều không có quyền hạn điều hành lẫn quyền hạn đơn phương rút tiền ra khỏi tổ hợp, tuy nhiên những hội viên này được hưởng các quyền lợi ấn định rõ ràng trong nội quy ràng buộc với các điều kiện hạn chế trong việc sang nhượng quyền lợi được thừa hưởng.

Quản lý thường là cha mẹ hay ông bà nội ngoại, là những người nắm giữ quyền quyết định trong việc điều khiển Tổ Hợp Gia Đình FLLC nhưng không đụng chạm đến quyền lợi của các hội viên con cháu trong tổ hợp. Dĩ nhiên, quản lý cũng có thể là người ngoài được mướn vào để quản trị và điều hành hoạt động tổ hợp, do đó dù quản lý là người ngoài hay người nhà, thì tổ chức và lề lối sinh hoạt trong tổ hợp vẫn không khác nhau miễn tổ hợp hoạt động với điều kiện chính yếu là các hội viên phải thuộc cùng một gia đình.

Căn cứ theo vài án lệ xử luật bảo vệ tài sản gần đây, tòa đã đặt một số giới hạn trong việc ấn định loại tài sản nào chuyển được sang Tổ Hợp Gia Đình FLLC. Do đó, điều quan trọng nhất là phải tôn trọng Tổ Hợp Gia Đình FLLC như một nghiệp vụ chớ có hiểu lầm tai hại mà đổ tất cả tài sản vào tổ hợp để xử dụng giống như một trương mục ngân hàng trong cuộc sống. Tài sản lưu giữ trong tổ hợp chỉ nên hạn chế làm tài sản đầu tư hay tài sản thương mại để giữ được tính chất hợp pháp.

Về lợi điểm trong kế hoạch điều hành tài sản, thì quản lý của Tổ Hợp Gia Đình FLLC trên phương diện thuế coi như chỉ nắm một số nhỏ giá trị tài sản tổ hợp nhưng thực tế lại nắm giữ trọn quyền điều hành tài sản dù rằng các hội viên con cháu đều có phần trong đó.

Để đạt được hiệu quả có lợi tối đa, thì phương thức đem lại kết quả tốt nhất là chủ nhân tài sản ngay từ lúc đầu duy trì mọi phần sở hữu của tất cả thành phần quản trị, lẫn không quản trị nhưng sau đó đem tặng (gift) cho các hội viên con cháu, với phần tặng tăng dần lên mãi nhưng giữ sao cho dưới số tiền giới hạn miễn trử thuế theo luật ấn định hàng năm.

Mức miễn trừ thuế hàng năm là số tiền hay tài sản có giá trị tương đương được luật ấn định cho phép người tặng cho người thụ hưởng mà không bị tính thuế, trong năm thuế 2023 mức miễn trừ này là $17,000. Do lợi điểm miễn trừ con cháu, người chủ tổ hợp được thụ hưởng lợi tức miễn thuế tăng dần tuy chậm nhưng trọn tài sản ấy bao giờ cũng vẫn do người quản lý tổ hợp nắm trọn quyền kiểm soát.

Thêm vào một lợi ích khác của Tổ Hợp Gia Đình FLLC là phần tài sản tặng cho con cháu đều được kể hạ giá (discount) so với sổ sách vì lý do không bán ra thị trường nên giá cả không thể ấn định được một cách cụ thể, vì vậy giá trị thật sự của phần tài sản tặng cho con cháu thực ra hơn hẳn số tiền giới hạn để tính thuế nhưng vẫn được miễn thuế.

Hạ giá có nghĩa là đánh giá trị của phần tài sản tặng cho con cháu cho thấp bớt giá trị giống như trường hợp đem một món đồ cao giá đem bán rẻ mạt cho người không muốn mua. Lấy thí dụ vì lý do hạn chế không cho con cháu quyền đem bán phần tài sản được tặng nên giá trị phần tài sản đó dĩ nhiên kém đi so với giá trị thật vì có mà không bán được.

Nhờ lợi điểm miễn thuế tính ra theo thời gian sẽ tiết kiệm được một khoản tiền thuế khổng lồ. Như vậy, trong Tổ Hợp Gia Đình FLLC người chủ tặng cho con cháu một phần tài sản trị giá nhiều hơn $11,000 nhưng được tính hạ giá nên vẫn nằm trong giới hạn miễn thuế và mỗi năm đều được tặng một lần như thế. Với mức miễn thuế hàng năm gia tăng và số tiền tặng tích lũy dần nên qua một thời gian dài có thể chuyển hết cho con cháu mà chẳng mất một đồng thuế nào cả.

Tuy nhiên, có điều nên thận trọng trong các cuộc kiểm thuế IRS thường để ý xét kỹ mục tặng tài sản cho con cháu theo Tổ Hợp Gia Đình FLLC, do đó luôn luôn phải lưu giữ giấy tờ chứng minh việc tặng cho đầy đủ và để ý khai số tiền tặng bao giờ cũng trong giới hạn miễn thuế và số tiền tặng phải trong mức hợp lý không quá đáng.

Chúng tôi xin kể sau đây là một trường hợp điển hình về lợi điểm của Tổ Hợp Gia Đình FLLC. Bác Sĩ Nguyễn là một y sĩ hồi hưu ở Orange County. Ngoài các tài sản khác với tiền mặt và nhà cửa ông còn có $1 triệu đầu tư trong một quỹ chung (mutual fund). Nếu muốn rút số tiền này ra thì Bác Sĩ Nguyễn phải đóng một số thuế khổng lồ ít nhất là $250,000. Ông theo lời luật sư chuyên môn thiết lập một Tổ Hợp Gia Đình FLLC với số vốn $1 triệu chuyển từ quỹ này sang. Trong tổ hợp này ông đứng làm quản lý và tặng cho năm người người cháu nhỏ nội ngoại mỗi đứa 1.5% số vốn, còn ông nắm phần 92.5% còn lại. Trên giấy tờ giá trị 1.5% vốn là $23,000 ($1,000,000 x 1.5%) cho mỗi đứa cháu nhưng số vốn tặng này được tính hạ giá 26.67% do điều kiện con cháu không có quyền tự bán nên không có giá trị theo thời giá trên thị trường. Do đó, mỗi phần tặng của mỗi đứa cháu được thay vì đáng $23,000 tính hạ giá [($23,000 x (100% – 26.67%)] nên chỉ còn kể là $16,866, số tiền này nằm trong mức được miễn thuế.

Như vậy, mỗi năm Bác Sĩ Nguyễn có quyền tặng $115,000 ($23,000 x 5) hoàn toàn miễn thuế cho năm cháu nhỏ, với giả thiết năm nào cũng tặng và tính theo mức hạ giá như năm đầu. Theo thời gian sau này, khi các cháu nội ngoại của Bác Sĩ Nguyễn trưởng thành thì mỗi người cháu sẽ có được một số tiền tích lũy rất lớn trong Tổ Hợp Gia Đình FLLC và vì không còn là tiền lời đầu tư của Bác Sĩ Nguyễn nữa nên cũng không phải đóng thuế.

Trong những năm tháng, các cháu ông còn nhỏ tuy là hội viên của tổ hợp nhưng quản lý là Bác Sĩ Nguyễn vẫn nắm trọn vẹn số tiền trong tổ hợp lấy từ quỹ chung $1,000,000 nguyên thủy. Dĩ nhiên, với tư cách quản lý chỉ có mình ông nắm quyền phân phối lợi tức có thể bán ra hay tái đầu tư theo ý muốn.

Tuần tới, chúng tôi tiếp tục trình bày các lợi điểm khác của hình thức Tổ Hợp Gia Đình FLLC trên khía cạnh bảo vệ tài sản.

Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quý độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó, nếu có vấn đề liên quan đến luật, quý độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT