Thursday, April 18, 2024

Dân luật: Luật Thương Mại (Kỳ 4)

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư tại California và Washington.  Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Ðịnh Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang.  Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080, website: www.lylylaw.com.

Ði mua xổ số, chính phủ tiểu bang hứa sẽ trả lô độc đắc với điều kiện ai có vé mang tất cả hàng số trùng với số hiện trên những trái banh được thổi lên trong kỳ xổ nào đó. Tòa án xác định rằng khi thi hành khế ước có điều kiện thì điều kiện đó phải hoàn toàn xảy ra trước khi ràng buộc bổn phận, như thế vé số phải trúng những con số đã xổ trước đã, sau đó mới được lãnh giải. (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)

Thi hành một khế ước không phải lúc nào cũng dễ dàng theo như giao kết vì có nhiều hợp đồng tùy thuộc vào sự việc đôi khi không thành. Dĩ nhiên thỏa thuận thi hành một việc có điều kiện mà điều kiện ấy không xảy ra thì giao ước trở thành vô hiệu. Luật pháp gọi sự việc này là “điều kiện của bổn phận” (condition of duty). Lấy thí dụ một ông bố bảo cậu con trai học lớp 12 rằng ông sẽ thưởng $1,000 nếu cuối niên học cậu được số điểm ít nhất là 3.00.  Đến ngày tốt nghiệp trung học cậu con chỉ được tổng số điểm trung bình là 2.75 nhưng vẫn ngửa tay đòi tiền bố. Trước sự việc này liệu ông có bổn phận thi hành lời hứa hay không? Dĩ nhiên là không vì điều kiện của bố rất rõ ràng: nếu con được điểm ít nhất là 3.0 thì sẽ được $1,000, còn điểm kém 3.0 thì không có gì hết. Vì điều kiện bố đặt cho con đã không xảy ra, do đó ông bố không có bổn phận phải thi hành việc trả tiền thưởng. Điều này dễ hiểu bởi vì lời hứa đặt ra có điều kiện rõ ràng.

Trong thực tế nhiều giao kèo có điều kiện không tùy thuộc vào sự thi hành của phía bên kia. Khế ước bảo hiểm nhà cửa chẳng hạn, công ty bảo hiểm đặt điều kiện sẽ đền nếu căn nhà bị hư hại vì động đất. Nếu động đất xảy ra mà căn nhà không bị hư, hay động đất không xảy ra và căn nhà chưa hề bao giờ bị hư vì động đất, hiển nhiên công ty không bao giờ phải đền thiệt hại, do đó các hợp đồng bảo hiểm coi như đánh bạc. Tương tự đi mua xổ số, chính phủ tiểu bang hứa sẽ trả lô độc đắc với điều kiện ai có vé mang tất cả hàng số trùng với số hiện trên những trái banh được thổi lên trong kỳ xổ nào đó. Tòa án xác định rằng khi thi hành khế ước có điều kiện thì điều kiện đó phải hoàn toàn xảy ra trước khi ràng buộc bổn phận, như thế vé số phải trúng những con số đã xổ trước đã, sau đó mới được lãnh giải. Tuy nhiên có vài trường hợp điều kiện xảy ra không bắt buộc phải thật đúng như trường hợp án lệ Jacob & Youngs v. Kent (1921) sau đây:

Ông Kent mướn công ty xây cất Jacobs & Youngs xây một ngôi nhà mới ở vùng quê. Hợp đồng xây cất nói rõ cách thức xây cất trong đó có khoản định rằng hệ thống nước trong nhà phải dùng ống do hãng Reading Pipe Co. sản xuất. Khi xây cất gần xong thì Kent khám phá ra rằng nhà thầu đã dùng ống của hiệu khác là Cohoes Co. thay vì ống Reading. Ông Kent nổi cơn lôi đình ra lệnh cho nhà thầu phải tháo gỡ tất cả ống nước Cohoes đã xây trong tường rồi thay bằng ống Reading dù rằng cả hai loại cùng có phẩm chất ngang nhau, dĩ nhiên tốn kém nhà thầu phải chịu. Đa số chủ nhà thường bỏ qua nhưng ông Kent vốn nổi tiếng là người khó khăn, không những thế còn không chịu chi nhà thầu số tiền chưa trả hết nên vụ này được đưa ra tòa. Tòa xử rằng mặc dù nhà thầu Jacob & Youngs phải có bổn phận xây cất đúng như giao kết, nhưng tòa xét thấy trên căn bản hai loại ống nước đều có phẩm chất bằng nhau nên không gây ảnh hưởng nào khác biệt. Hơn nữa ngôi nhà đã xây gần hoàn tất do đó Kent vẫn phải trả tiền cho nhà thầu. Chỉ có khi nào Jacob & Youngs vì lý do gì mà bỏ dở xây cất ngôi nhà không xong thì mới bị trách nhiệm.

Tuy nhiên cũng có trường hợp tương tự nhưng liên hệ đến giao ước với điều kiện thỏa mãn. Giả sử Kent mướn một chuyên gia trang trí nội thất nổi tiếng vẽ kiểu trang hoàng các phòng trong ngôi nhà trên. Kent thích cầu kỳ nên giao hẹn sẽ trả gấp đôi giá tiền nếu ông ta vừa ý hoặc không trả xu nào nếu không thích. Nhà trang trí sáng tác một kiểu rất lạ và độc đáo đoạt giải thưởng tiểu bang và được báo chí ca ngợi hết lời. Vậy mà Kent lại không chịu. Trường hợp này khác vụ ống nước ở trên vì hai loại ống có công dụng giống nhau, nhưng ý thích về một kiểu mẫu trang trí có tính cách nghệ thuật hoàn toàn tùy thuộc sở thích cá nhân nên Kent có quyền từ chối trả tiền. Một thí dụ khác, giả sử có người chủ nhà mướn một hãng thiết trí hệ thống điều hòa không khí và cũng giao hẹn chỉ thanh toán nếu được vừa ý. Khi chủ nhà tuyên bố không thích hệ thống này thì tòa không bênh vực bởi lẽ máy vẫn hoạt động tốt cung cấp đủ nhiệt độ nóng lạnh theo ý muốn lại chạy nhẹ nhàng yên lặng coi như đáp ứng đúng điều kiện giao kết. Qua các thí dụ trên chúng ta thấy luật về điều kiện rất phức tạp. Xác định một khế ước có chứa điều kiện hay không, điều kiện đó ra sao, ảnh hưởng tới sự đòi hỏi thỏa mãn đôi bên như thế nào đã làm cho các luật gia điên đầu trong nhiều vụ xử về luật khế ước.

Nếu một bên không thi hành giao kết có nghĩa là bội ước thì dĩ nhiên phía bên kia cũng không làm phận sự đã thỏa thuận. Hậu quả kế tiếp là bị tòa xử bồi thường thiệt hại theo luật pháp. Theo luật khế ước thông thường tòa cho đền tiền bù lại thiệt hại do thất hứa gây ra thay vì bắt phải thật sự thi hành đúng như cam kết (specific performance). Phần đông các tòa xử bồi thường thiệt hại bằng tiền cho tiện vì trong thực tế bắt người bội ước phải thi hành đúng như cam kết rất khó giám sát, hơn nữa quan niệm đền bồi căn cứ theo giá trị của khế ước mà giá trị thường được tính bằng tiền bạc cho nên có tiền dễ mướn người thi hành thay thế. Tiền bạc coi như tương đương với hành động thi hành thực sự của kẻ thất hứa ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt không thể thay thế được. Luật khế ước liên quan đến căn bản tiền tài, kinh tế trong xã hội, nếu giao kết rồi bội ước thì phải đền bằng tiền và kẻ vi phạm giao kết không bị trừng phạt theo đạo đức như các luật khác.

Như vậy nếu thất hứa thì phải đền bao nhiêu? Luật Khế Ước có hiệu lực pháp lý vì ai cũng tin tưởng một khi lập giao ước tất nhiên phải được tôn trọng, nếu bị bội ước thì có quyền đòi được đền bù thiệt hại. Lấy một thí dụ đơn giản, chủ một siêu thị giao kết cùng nhà thầu cung cấp mỗi ngày một xe rau với giá $1,500. Nếu không nhận được hàng người chủ siêu thị phải mua rau của nguồn cung cấp khác với giá $2,000 thì nhà thầu phải đền $500 thiệt hại, còn nếu mua được thay thế với giá bằng hoặc rẻ hơn thì không sao. Ngược lại nếu chủ siêu thị mua của người khác mà từ chối nhận rau khiến nhà thầu phải bán tháo lấy $900 thì siêu thị phải đền $600 sai biệt, còn bán bằng hay hơn giá thị trường thì cũng không sao. Nếu vì bị từ chối nhận hàng mà nhà thầu phải chạy xe đến vùng khác xa hơn mới bán lại được thì siêu thị còn phải đền thêm phí tổn chuyên chở. Ngoài ra việc bồi thường vi phạm khế ước căn cứ theo tín nhiệm thi hành hoàn tất chứ không theo hành động thực sự nên dù không có thiệt hại cụ thể người thất hứa vẫn phải đền. Giả sử nhà thầu không giao rau như đã hẹn nên siêu thị không có rau để bán, mà cũng không kịp mua rau khác của ai, trong ngày đó giá rau ngoài thị trường tăng lên $2,000, siêu thị tuy không bị thiệt hại gì hết nhưng mất cơ hội lời thêm thì nhà thầu vẫn phải đền $500 mất lời này. Điều này hoàn toàn khác với luật bất cẩn theo đó người gây ra nguy hiểm cho người khác phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường mọi hậu quả xảy ra bất kể có tiên đoán trước hay không.

Nếu vì bị từ chối nhận hàng mà nhà thầu phải chạy xe đến vùng khác xa hơn mới bán lại được thì siêu thị còn phải đền thêm phí tổn chuyên chở. Ngoài ra việc bồi thường vi phạm khế ước căn cứ theo tín nhiệm thi hành hoàn tất chứ không theo hành động thực sự nên dù không có thiệt hại cụ thể người thất hứa vẫn phải đền. (Hình minh họa: GEORGES GOBET/AFP)

Nếu Luật Khế Ước có kết quả hữu hiệu thì hẳn nhiên ít ai vi phạm, nhưng thực tế muốn được bồi thường thì tốn tiền trước vì phải đem ra tòa kiện tụng. Những chi phí này chính là thiệt hại trực tiếp do sự thất hứa gây ra nhưng lại không được đền theo khế ước. Thí dụ một người thiệt hại $10,000 vì bị vi phạm hợp đồng nhưng người này phải chi $3,000 tiền luật sư và án phí có nghĩa là vẫn thiệt $3,000 chưa kể đến việc mất thì giờ và gặp nhiều bực mình cho nên nhiều vụ bội ước có thể kiện được nhưng nhiều người cắn răng bỏ qua vì chẳng bỏ công theo đuổi. Đối với các thương gia động lực làm họ ngán không dám vi phạm giao ước không phải vì sợ tòa bắt bồi thường mà sợ mất tín nhiệm trên thương trường không còn buôn bán được với ai nữa mới là yếu tố chính để họ giữ đứng đắn trong các hợp đồng giao dịch thương mại.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật pháp Hoa Kỳ với Luật Tài Sản. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được xử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708, Điện thoại: (714) 531-7080; website: www.lylylaw.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT