Saturday, May 18, 2024

Một vài câu hỏi về Coolant và hệ giải nhiệt

 


Bài và ảnh: Phạm Ðình


Hệ thống giải nhiệt bao gồm nhiều thành phần, mà nước Coolant là thành phần nổi bật và cụ thể nhất, có lẽ người lái xe nào cũng từng biết ít nhiều về nó. Nhưng nếu là người thích tự tay săn sóc cho chiếc xe của mình, thì có đôi điều bạn cần phải đặt câu hỏi.



Một loại Coolant phổ thông, thích hợp với mọi kiểu xe, đời xe.


1. Làm sao biết là xe thiếu hoặc đủ nước Coolant?


Thông thường nước coolant không bị hao hụt, chúng ta cứ việc xài cho đến khi nào xe đã chạy được 24,000 dặm hoặc 2 năm (tùy theo điều kiện nào đến trước), rồi sẽ thay coolant mới. Trong thời gian 2 năm đó, ít ai đặt câu hỏi, “làm sao kiểm tra nước coolant” trừ khi thấy cây kim trên đồng hồ nhiệt vượt lên, xâm phạm vào vùng “hot”, biểu thị nhiệt độ trong đầu máy đã lên tới quá mức chịu đựng (overheat). Tuy nhiên, gặp cái dấu hiệu ấy kể như “lúa”, đầu máy đã phần nào overheat.

Người biết cách dùng xe không chờ đến lúc đó, nhưng luôn luôn ra tay trước để ngăn chặn những bất trắc có thể xảy ra. Ðối với nước Coolant, chúng ta phải kiểm tra thường xuyên, ít nhất mỗi tháng một lần – chứ không phải yên tâm lái xe suốt 2 năm cho đến khi mang ra tiệm thay nước.

Kiểm tra Coolant bằng cách xem mực nước ở bình phụ:

Ðậu xe ở chỗ thăng bằng, chờ cho đầu máy nguội hẳn rồi tìm bình nước phụ. Ðó là một bình mủ trong, gọi là reservoir, expansion tank, hay overflow tank, gắn bên cạnh két nước chính (radiator). Nhiệm vụ của nó là hứng lấy số nước Coolant trào ra từ trong bình chính khi bị nén dưới áp suất cao, và bơm số nước ấy trở lại bình khi áp suất xuống thấp. Nếu không có chỗ hứng như vậy, Coolant trào ra sẽ rơi xuống đất, dẫn đến tình trạng thiếu nước khi đầu máy làm việc. Chính vì thế, bình phụ lúc nào cũng phải có đủ Coolant lên tới mức F (full). Kiểm tra bình phụ, nếu thấy mực nước xuống dưới vạch L (low), ấy là lúc chúng ta phải châm thêm vào cho đầy đủ.

Châm thêm vào cho đầy đủ là một cách chữa trị nhất thời, là vì câu hỏi cần được đặt ra là: Bình thường nước Coolant không hao hụt trong thời gian sử dụng, tại sao nước Coolant lại bị thiếu? Có nhiều nguyên nhân mà trong đó đáng ngại nhất là Coolant bị rò rỉ ra ngoài và mất đi. Nếu cứ mỗi lần kiểm soát là nhìn thấy nước hao hụt, đây là dấu hiệu hệ thống giải nhiệt đã bị hở ra ở đâu đó, khiến Coolant rò rỉ ra ngoài. Biện pháp chữa trị bây giờ không phải chỉ là châm thêm cho đầy đủ, mà phải tìm xem hệ giải nhiệt rò rỉ ở đâu để tìm cách sửa chữa. Có khi đó chỉ là do ống dẫn bị thủng hoặc bị rạn, cần thay mới, là một điều tương đối dễ dàng bạn có thể tự làm lấy được. Có khi sự hư hại nằm ở một chỗ hiểm hóc hơn, chúng ta buộc lòng phải mang ra thuê thợ chuyên môn làm giúp, chẳng hạn như khi bơm nước (water pump) bị hư.


2. Coolant hao hụt có thể lấy nước thường châm thêm được không?



Coolant dành riêng cho các xe của hãng Toyota, có tên Toyota Long Life Antifreeze/Coolant.


Nếu gặp trường hợp nguy cấp, chẳng hạn xe đang chạy mà phát giác overheat, thì phải dừng ngay lại, chờ máy nguội để kiểm tra nước coolant. Nếu bình phụ khô ran, mà mực nước trong Radiator chính cũng xuống thấp đáng kể thì bạn không thể làm gì khác hơn là phải chấp nhận lấy nước lã bình thường đổ vào. Nếu gặp khu dân cư bạn có thể chạy vào một căn nhà gần đó để xin nước đổ vào cho đủ. Trường hợp đang ở trên xa lộ, bạn đành phải chờ cho đến lúc gặp nhân viên cứu cấp xa lộ của chính phủ tiểu bang đi tuần ngang qua giúp đỡ. Bình thường chúng ta không thấy họ ở đâu, nhưng khi gặp nạn, họ có thể xuất hiện, đúng như một… ông tiên! Trường hợp chờ hoài chẳng thấy “ông tiên” nào xuất hiện, bạn nên gọi xe tow truck đến để kéo về một tiệm sửa xe quen biết.

Nhưng nhớ rằng Coolant không phải là nước lã, và dùng nước lã đổ vào bình Radiator chỉ là một biện pháp bất đắc dĩ mà thôi. Bình thường, chúng ta không bao giờ nên đổ nước lã vào hệ giải nhiệt, bởi vì:

a. Nước lã không có sức chịu nhiệt thích ứng, nóng lên tới 100 độ C (tương đương 212 độ F) đã sôi và bốc hơi. Trong khi đó với nhiệt độ đầu máy có thể biến thiên từ 195 độ F tới 220 độ F, nước coolant phải có sức chịu đựng tới 265 độ F, trước khi bốc hơi.

b. Nước lã không đủ sức chịu lạnh: Gặp nhiệt độ dưới 0 độ C (32 độ F), như trong Mùa Ðông tại nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ, nước lã đóng băng, không còn lưu thông được nữa. Coolant trong đầu máy xe hơi phải có sức chống lạnh bền bỉ hơn, khi mà không gian đã đông đá ở ngoài trời, thì Coolant vẫn phải lưu thông trong đầu máy để làm nhiệm vụ của mình. Coolant không phải chỉ là chất lỏng thường, nó là chất lỏng chống đông, nên được gọi là Antifreeze.

c. Nước lã không có đủ yếu tố bôi trơn và chống rỉ như trong Coolant.
Tốt nhất, chúng ta nên có một bình Coolant để sẵn trong cốp xe dự phòng khi cần thiết.


3. Khi cần thay nước Coolant, có thể dùng bất cứ loại Coolant nào có sẵn trên thị trường được không?


Tốt nhất là phải xem lại sách cẩm nang để biết nhà sản xuất muốn bạn dùng Coolant loại gì. Chẳng hạn, nhà sản xuất xe Toyota luôn luôn muốn tài xế dùng loại Coolant riêng của họ, gọi là Toyota Long Life Antifreeze. Tuy nhiên, thị trường hiện nay có những loại Coolant, chẳng hạn như Preston Antifreeze, được nhà sản xuất bảo đảm là thích hợp với tất cả mọi loại máy. Nếu không gặp được đúng loại Coolant mà nhà sản xuất xe qui định, chúng ta cũng có thể dùng thứ Coolant phổ quát này, khi thay mới Coolant. Tuy nhiên, không nên pha trộn 2 loại coolant khác biệt vào với nhau.

Từ nguyên thủy, các loại Coolant chỉ có một màu như nhau, đó là màu xanh green của chất Ethylene Glycol. Nhưng thị trường bây giờ thì tếch-ni cô-lo, có nghĩa là: Mặc dầu chỉ làm việc âm thầm trong đầu máy, nhưng Coolant xem ra đã biết “làm dáng” hơn, với nhiều màu sắc hoa mắt giới tiêu thụ. Chúng ta thử tìm hiểu 3 loại tiêu biểu: Inorganic Acid Technology (IAT), Organic Acid Technology (OAT), và Hybrid Organic Acid Technology (HOAT).

-IAT bao gồm những loại coolant mang màu Green cổ điển, có chứa các chất chống han rỉ (silicat và phosphate corrosion inhibitors), được dùng gần như trong tất cả mọi loại xe Mỹ lưu hành từ năm 1920 tới những năm cuối của thập niên 1990. Coolant thuộc loại này tuổi thọ nhiều lắm là 2 năm hoặc 30 ngàn dặm.

-OAT: Không dùng các chất chống han rỉ như loại trên, mà biến thiên theo từng nhà sản xuất. Sản phẩm của hãng GM mang tên DEX-COOL, được nhuộm màu Orange (cam). Các hãng Toyota, Volkswagen, và Audi lại có sản phẩm riêng, được nhuộm màu Pink (hồng), trong khi coolant của Honda có màu xanh đậm (dark green). Coolant thuộc nhóm OAT có thể phục vụ trong 5 năm hoặc 150,000 dặm. Tóm lại: OAT dùng trong các xe GM cuối thập niên 90, và trong hầu hết các loại xe Nhật, Á Châu.

-HOAT: Loại này cũng dùng Silicate để bảo vệ các linh kiện có bề mặt nhôm trong hệ thống, cùng với một số chất phụ gia khác. Các đời xe hiện đại của hãng Ford, Chrysler, và các xe xuất phát từ Âu Châu dùng Coolant OAT. Sản phẩm của Ford màu vàng (yellow), trong khi Chrysler nhuộm màu cam (orange), giống như DEX-COOL của hãng GM. Về thời gian phục vụ, cũng như OAT, các coolant thuộc loại này có thể sử dụng tới 5 năm hoặc 150,000 dặm. Tóm lại: HOAT dùng cho các xe đời mới, từ năm 2000 trở về sau, của các hãng Ford, Chrysler và Âu Châu.

Ðối với chúng ta, những người dùng xe bình dân, nếu thay nước Coolant cứ 2 năm một lần thì có thể yên tâm dùng loại Coolant cổ điển màu xanh (green) cho rẻ tiền. Nhỡ ra có phải đổ một thứ Coolant nào khác vào bình cũng vẫn OK. Nhưng nếu bạn có điều kiện sử dụng đúng loại Coolant như yêu cầu của nhà sản xuất, dù có đắt tiền hơn thì… dĩ nhiên không ai cấm, mà lại càng đáng hoan nghênh.

[email protected]
Xe lột dên, xe kêu lóc cóc, xe rỉ nhớt…? Xin xem Cẩm Nang Bảo Trì Tập III đã phát hành. Cùng với Tập I, Tập II, mỗi tập $6.00+$2.00 cước phí. Money Back Guarantee 3 tháng. Gửi cheque hoặc tiền mặt cho: Phạm Ðình 9800 Bolsa Ave # 86, Westminster, CA 92683 (địa chỉ mới) Tel: 714 675 8628. Cho biết điện thoại và email, nếu có. Có thể hỏi tại nhà sách Tú Quỳnh 714-531-4284; hoặc Tự Lực 714-531-5290.

MỚI CẬP NHẬT