Saturday, April 20, 2024

Nghề đáy hàng khơi, ghé thăm miền Tây khi đi sẽ nhớ

Anh Khôi

TRÀ VINH, Việt Nam (NV) – Đáy hàng khơi là nghề lâu đời ở vùng biển phía Nam. Đóng đáy hàng khơi là đỉnh cao của kỹ thuật đánh bắt cá trên biển ngoài khơi xa bờ hàng chục cây số ở những vùng nước sâu. Đây cũng là những thử thách, mạo hiểm và bản lĩnh của ngư dân làm bạn chèo canh giữ đáy như những người nhện giữa trùng khơi hay những Robinson thời đại.

Toàn cảnh dãy đáy hàng khơi mỏng manh giữa biển. (Hình: Anh Khôi)

Nghề đáy hàng khơi là nghề đánh bắt cá đặc thù của vùng biển phía Nam rải rác ở các tình từ Trà Vinh, Sóc Trăng và kéo dài đến tận Cà Mau. Ngư dân đáy hàng khơi thường sống quần tụ thành làng. Ngoài khơi có xóm đáy thì trong bờ có làng cá, bến đáy. Nơi tập trung nhiều nhất là Mỹ Long, Đông Hải (Duyên Hải Trà Vinh), Rạch Gốc, Tân Ân, Tam Giang (Ngọc Hiển, Cà Mau).

Lịch sử trên 150 năm

Theo một số tài liệu thì làng nghề đóng đáy hàng khơi khởi đầu từ vùng Bến Đáy (hiện nay là thị trấn Mỹ Long, tỉnh Trà Vinh) nằm bên bờ hữu ngạn cửa biển Cung Hầu và đã có lịch sử hơn 150 năm.

Dấu tích hình thành nghề đóng đáy hàng khơi ở đây là dựa vào niên đại xây dựng ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ, trong đó có thờ bài vị Đức Ông Nam Hải (Cá Voi) và lễ hội cúng biển ở thị trấn Mỹ Long được công nhận là Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Cấp Quốc Gia.

Đến thập niên 1870, cụ Cao Văn Huyền quê tỉnh Bến Tre đến đây lập nghiệp, đã dùng thuyền buồm thay cho ghe chèo để đóng đáy ngoài biển. Từ đó, nghề đóng đáy hàng khơi bắt đầu theo thời gian ngày càng phát triển. Tôm cá ở sông không nhiều bằng ngoài biển nên người đóng đáy sông chuyển sang đóng ghe lớn, thuê thanh niên giỏi bơi lặn vươn ra biển cắm những hàng cọc đáy, giăng lưới để đóng đáy ngoài khơi. Nghề đóng đáy hàng khơi ở thị trấn Mỹ Long lúc bấy giờ được xem là thời hoàng kim, ngư dân làng nghề đều có cuộc sống sung túc. Để ghi nhớ công ơn người khai mở nghề đóng đáy hàng khơi của xứ sở, khi cụ Cao Văn Huyền mất, cư dân thị trấn Mỹ Long đã đưa bài vị ông thờ tự bên cạnh bài vị Đức Ông Nam Hải.

Nghề biển tuy lãng mạn nhưng lại đầy hiểm nguy bất trắc. Từ 3 giờ sáng ghe cá của gia đình em Kim Lợi đã đưa chúng tôi ra khơi để kịp đón bình minh trên hàng đáy. Trên ghe, tôi có dịp trao đổi với em Kim Lợi, con trai của chủ ghe, và Thạch Quyên, bạn chòi của đáy hàng khơi sắp đến và có nhiều thông tin thú vị từ người trong cuộc.

Chòi canh đáy nhỏ như chuồng chim, treo trên cột. (Hình: Anh Khôi)

Mong manh giữa trùng khơi

Gọi đáy hàng khơi là để chỉ những dãy đáy nằm ngoài khơi, cách bờ từ 10 đến 30 hải lý, phân biệt với đáy hàng cạn ở gần bờ. Cùng là nghề đáy nhưng đáy hàng khơi khó, khổ, nguy hiểm và phiêu lưu hơn so với đáy hàng cạn nhiều lần. Lúc chúng tôi ra đến hàng đáy thời tiết khá tốt, biển khá “yên” nhưng chủ tàu vẫn không dám tắt máy, neo đậu vì sợ sóng dập lắc lư và ghe mất lái trôi vào hàng đáy.

Mặt trời chưa lên, mặt biển còn đen xẩm, chiếc chòi lá mỏng manh chênh vênh treo trên cột đáy và dãy hàng đáy mờ mờ nổi trên mặt biển thật mong manh, nhỏ bé giữa trùng khơi.

Cá đi theo luồng lạch nước, muốn đóng đáy hàng khơi phải chọn những luồng lạch sâu, nước chảy mạnh nhất, có nhiều tôm cá di chuyển theo từng mùa để đóng dãy đáy từ 12 đến 16 miệng. Luồng lạch nước cũng thay đổi do sóng và gió vì vậy người bạn chòi, chủ đáy phải để ý sát sao dòng chảy để quyết định thả đáy hay kéo đáy.

Bạn chòi đi lại trên dây rượng, trên dây, làm việc trong mọi điều kiện thời tiết. (Hình: Anh Khôi)

Đáy được giăng bằng tấm lưới lớn hình chóp miệng đáy mở rộng, đuôi thắt lại có một miệng nhỏ có thể mở đóng được gọi là “đục đáy.” Miệng đáy được bắt cố định vào giữa hai cột đáy phía trên và dưới để hứng tôm cá di chuyển theo dòng nước chảy… Chịu lực cho dãy đáy chống chọi với sóng, gió biển là những cây trụ gỗ gọi là cột hay cọc đáy và hệ thống dây chằng.

Ở vùng biển sâu, nên các trụ này không cắm vào lòng biển như những kiến trúc trên mặt đất mà giữ thăng bằng và chịu lực hoàn toàn nhờ hệ thống dây. Chính giữa hàng đáy là cây cột chính cao gần 20 mét treo một cái chòi nhỏ hơn 1 mét vuông giống như cái chuồng chim làm nơi ăn ở, sinh hoạt cho người canh chòi.

Cột đáy thường được ngư dân sử dụng từ thân cây dừa, cây sao, cắm cách nhau khoảng 5-10 mét, chắn ngang dòng chảy của nước. Trên mặt ngang, giữa các cột đáy có rượng đá bằng cây tre hoặc dây kẽm, cách mặt nước biển chừng 1.5-2.5 mét vừa để giữ vững cột đáy, vừa làm “con đường” trên không để đi lại từ miệng đáy này sang miệng đáy khác.

Nhìn những hàng đáy thẳng tắp dây giăng chằng chịt kết nối nhau thành khối chịu đựng sóng lớn bão giông, tôi cứ nghĩ phải có nhà thiết kế giỏi về lực học chủ xị cho công trình này nhưng Thạch Quyên mỉm cười hiền hậu lắc đầu: “Dễ lắm chú ơi. Tụi con ai cũng làm được. Chỉ hơn một tuần là làm xong hàng đáy.”

Bạn chòi leo lên cột, đu lên dây như người nhện trên biển. (Hình: Anh Khôi)

Bạn chòi, nghề gian nan

Nghề đáy hàng khơi có ba đối tác gắn chặt với nhau: chủ đáy đầu tư, quyết định việc đóng đáy, kéo đáy trong từng con nước; bạn ghe là người mỗi ngày hoặc đôi ba ngày ra tiếp tế cho bạn chòi và chở cá về; gian nan nhất là bạn chòi, người nhện cô đơn phải sống cùng hàng đáy trong suốt thời gian thả đáy của từng con nước.

Nghề bạn chòi vất vả, đòi hỏi nhiều yếu tố; thể lực phải khỏe mạnh chịu đựng nắng mưa giông gió và còn phải có nhiều kỹ năng. Trước hết phải đi như con nhện trên dây rượng hoặc cây rượng chỉ to hơn bắp tay bắc ngang trên mặt biển qua các khẩu đáy. Không chỉ đi trong điều kiện bình thường mà mọi điều kiện thời tiết gió mưa. Chính những lúc giông gió, biển động là lúc công việc người bạn chòi căng thẳng nhất. Phải rành rẽ thao tác thuần thục cách kéo giăng thả các loại dây mị, dây trạo, mép đáy để bảo đảm an toàn cho chính mình và cho hàng đáy không bị sóng gió làm rách, gãy.

Thạch Quyên cho biết gia đình anh theo nghề bạn chòi đã hai đời. Cha anh làm đến kiệt sức thì đến lượt anh, 13 tuổi Thạch Quyên đã ra biển tập tành làm bạn và đến nay đã có hơn 20 tuổi nghề.

Theo một đoạn clip của Thông Tấn Xã Việt Nam, ông Hồng Minh Đoàn chủ đáy ở Rạch Gốc đã 20 năm, gia đình theo nghề đáy hàng khơi đã hai đời cho biết,ở Rạch Gốc có những xóm chòi trên biển với hàng chục hàng trăm miệng đáy nằm sát bên nhau. Tuy gọi là xóm nhưng những cư dân chòi không thể chia sẻ, giúp đỡ gì được cho nhau khi tối lửa tắt đèn vì mỗi bạn chòi chỉ có thể đi lại quẩn quanh trên các sợi dây hàng đáy của mình.

Tất cả vật liệu, cơm gạo nước nôi liên hệ với đất liền chỉ trông chờ vào chiếc ghe tiếp tế và chuyển cá. (Hình: Anh Khôi)

Nghề đóng đáy hàng khơi cũng giống như các nghề truyền thống nhưng có đặc thù là đều được truyền dạy kỹ năng, kinh nghiệm từ đời này sang đời khác. Theo đó, các thanh niên ở tuổi 16 phải học bơi lặn thật giỏi, đi ghe thành thục. Ngoài ra, biết nhìn sao trên trời để dự đoán thời tiết biển hay mưa bão bất thường…

Vào mùa khai thác, mỗi tháng thả đáy hai lần vào đầu con nước tức là khoảng 30, Mùng Một và rằm. Mỗi lần thả đáy khoảng một tuần hoặc hơn tùy thuộc vào con nước, bạn chòi phải sống và làm việc đơn độc trên dãy đáy suốt thời gian này.

Nguy hiểm rập rình

Anh Trần Công Hiền, bạn chòi ở khóm 2 thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cho biết: “Nguy hiểm nhất là khoảng Tháng Tám nước lũ chảy rất mạnh. Bạn chòi phải lặn xuống biển đạp mí đáy xuống dưới nửa cột, nếu không, nước đẩy đáy lên cao sẽ không có cá. Lúc này muốn đi qua khẩu (khoảng trống giữa hai cọc đáy) phải buộc sợi dây mị bám vào đó, nếu không, trượt tay gió hất xuống biển nước chảy xiết cuốn trôi không cách gì bơi nổi. Mùa mưa, mỗi đêm phải ra thăm mép (phần bìa của lưới đáy) hai ba lần, nếu mưa phải dầm mua chịu lạnh, mỗi đêm phải ướt hai ba bộ đồ.”

Thạch Quyên xòe bàn tay to khỏe của mình giải thích, mỗi đợt đi canh đáy, do thường xuyên nắm kéo các loại dây da tay bị chai cứng và co quắp lại, lên bờ phải ngâm nước muối mấy ngày mới hồi phục bình thường.

Thạch Quyên, 33 tuổi đời có 20 tuổi nghề bạn chòi. (Hình: Anh Khôi)

Nặng nhọc, cực khổ đã đành, điều đáng nói hơn là nguy hiểm luôn rình rập. Ở những làng nghề đáy hàng khơi năm nào cũng có người chết vì tai nạn, đa số là bạn chòi.

Nhà biên kịch Võ Đắc Dự người gốc Cà Mau, có vốn sống sâu sắc về những nghề hạ bạc, tổng kết rằng: “Hai nghề nguy hiểm nhất trong các nghề biển là câu mực và đáy hàng khơi. Mỗi đêm chủ tàu ra biển rải hàng chục thuyền thúng và bạn câu tản mác một vùng đến sáng mới gom lại đưa vô bờ. Mỗi bạn câu một thúng, một đèn chói lọi giữa biển khơi. Chỉ cần một cơn gió lốc thốc qua là thuyền lật úp. Theo tập quán trong nghề biển, giữa chủ và bạn không có hợp đồng, thậm chí có khi còn không biết mặt nhau nên nhiều khi tai nạn xảy ra rồi chìm vô quên lãng. Số phận người bạn câu, bạn chòi mỏng như cơn gió vậy.”

Không biết cơn bão Linda năm 2005 đã chôn vùi xuống biển bao nhiêu bạn chòi, nhưng người dân Rạch Gốc còn nhớ Tháng Mười Một, 2009, chỉ một trận giông lốc làm đổ sập 450 miệng đáy ba xã Tam Giang, Tân Ân và Rạch Gốc của huyện Ngoc Hiển, 67 người bị chìm, chỉ vớt được 65 người.

Với người chủ đáy, việc đầu tư cho một dãy đáy tốn kém trên dưới 1 tỷ đồng (khoảng $43,000) nhưng cũng đầy rủi ro mạo hiểm. Giông gió mạnh có thể cả dãy đáy bị sóng gió cuốn trôi. Ở mức thông thường, một vài cọc đáy bị trượt ngã nếu không cứu kịp cũng có thể làm vỡ tan cả dãy. Sợ nhất là khoảng Tháng Mười, Tháng Mười Một vô mùa chướng, gió mạnh dễ bị hư hao từ lưới đáy tới cọc. Thế nhưng theo Thạch Quyên đó lại là mùa thu hoạch khá nhất. Trời càng giông bão thì dưới lòng biển cá tôm lại di chuyển nhiều hơn.

Hệ thống dây chịu lực của đáy hàng khơi. (Hình: Anh Khôi)

Sẽ lụi tàn?

Khắc nghiệt hơn nữa là biển đang ngày càng cạn kiệt. Lượng cá tôm ngày càng ít nên thu nhập cả chủ lẫn bạn ngày một bấp bênh hơn. Theo tập quán nghề biển, làm bạn dù là chèo, chòi, câu mực, đánh cá… đều không có lương mà ăn chia sản phẩm theo tỷ lệ. Ở Cà Mau, tỷ lệ chủ và bạn chòi là 6/2 miệng đáy, bạn có thể chọn trước miệng đáy của mình. Ở Trà Vinh là 7/2.5. Theo Thạch Quyên thì mức thu nhập này chỉ đủ cho gia đình một vợ hai con của anh sống đắp đổi qua ngày.

Ngày ngày, số lượng đáy hàng khơi càng giảm đi. Theo Thạch Quyên, trước đây xã Đông Hải có trên 700 đáy hàng khơi, giờ chỉ còn hơn 1/10. Giới trẻ bây giờ thích đi làm công nhân, lương tháng ổn định, không muốn đi biển vừa cực khổ nguy hiểm vừa thu nhập bấp bênh. (Anh Khôi) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT