Monday, April 29, 2024

Quân bình âm dương là vô bệnh

Bác Sĩ Đặng Trần Hào tốt nghiệp bác sĩ y khoa Đông Phương tại Samra University, Los Angeles, năm 1987, và được mời tham dự hội đồng State Board về Châm Cứu và Đông Dược. Mục này giúp cho ai muốn tìm hiểu về Đông Dược và muốn góp ý cho kho tàng Đông Dược phong phú hơn để phục vụ bệnh nhân. Quý vị có thể liên lạc bác sĩ qua email: [email protected] hoặc điện thoại (714) 714-0564 office và (714) 553-6183 cell.

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Cấu trúc của cơ thể của con người cũng như vũ trụ là một chính thể. Khí sinh lý và khí thiên địa đều phân chia âm dương. (Hình minh họa: Elisabeth Fuhrer/Pixabay)

Trước khi đi tìm hiểu âm dương quân bình trong y khoa Đông phương, tôi muốn đưa ra sự khác biệt giữa Đông và Tây nhìn về một bệnh khác nhau ở chỗ nào? Sở trường và sở đoản ở chỗ nào? Và chúng ta phải dùng sự lý luận và thông minh của mình để khi nào thì dùng Đông hay Tây y? Để chúng ta khỏi hối hận một khi bước vào đường cùng, rồi  như con ngựa bị che mắt và giao thân phận cho thầy thuốc, đôi khi cứ phải chịu trận trong sự đau khổ với bệnh tật hay phải giã từ người thân một cách oan uổng.

Chúng ta thường quan niệm phiếm diện về y khoa Đông phương có tính cách trừu tượng, thiếu tính cách khoa học, thuần lý, không thí nghiệm được, thậm chí có người còn gán cho như là một tôn giáo, đôi khi mê tín…

Những luận chứng này chỉ có tính cách hời hợt, không có chiều sâu:

-Nếu nói y khoa Đông phương là trừu tượng, thì vũ trụ này biết bao nhiêu lý thuyết trừu tượng, nhưng sẽ từ từ trở thành rõ ràng với thời gian. Thí dụ, Đức Phật có nói trong giọt nước có muôn ngàn chúng sinh, thời đó thì quả thật là trừu tượng, nhưng ngày nay đã tỏ rõ như ban ngày.

Lý thuyết âm dương là trừu tượng: Tuy trừu tượng nhưng theo với thời gian khoa học ngày nay đã nhìn được rõ ràng tình chất âm dương đó và cho nó hai ẩn số là 0 và 1. Cũng chỉ hai ẩn số này chúng ta đã dùng nó rất nhiều trong khoa học và những thập niên gần đây đã áp dụng vào hệ thống điện toán vô cùng vi diệu. Như vậy y lý Đông y; âm và dương cũng không còn trừu tượng nữa. Hơn nữa Albert Einstein cho rằng vũ trụ khi bị phân tách đến cùng chẳng có gì là vật chất, mà chỉ là những rung động (vibrations, hay những là sóng [waves]. Rồi là vi phân tiền nguyên tử (subatomic particles, hay hạt ảo), những phân tử là những bụng sóng, những nốt nhạc của một sợi dây đàn dang rung lên. Vì vậy chúng ta không lấy làm lạ Đông y đã xây dựng trên nền tảng khí hóa, âm dương, biến hóa không ngừng. Thật ra chúng chỉ có vẻ xuất hiện, nghĩa là chúng hư hư thực thực, mờ mờ ảo ảo, có mà không, không mà có.

Ngoài ra còn có tính hoán chuyển, đối xứng, tương tác, ngoài ra độc đáo nhất là cái mà khoa học gia đặt tên là vũ điệu vũ trụ (cosmic dance) và còn sinh diệt.

Tới đây có lẽ chúng ta không nên tranh luận thêm về âm dương trong trời đất mà chỉ nên tìm hiểu thế nào là khí âm dương. Theo âm dương tương ứng, Đại Luận viết: “Âm dương chi đạo, âm dương là đạo của trời đất, là kỷ cương của muôn vật, là cha mẹ của sự tiến hóa, là bản thủy của sự sinh diệt… cho nên, tích dương nên trời, tích âm thành đất. Âm thì yên tĩnh, dương thì sôi nổi, dương sinh âm trưởng, dương mất thì âm lẩn khuất.”

Cấu trúc của cơ thể của con người cũng như vũ trụ là một chính thể. Khí sinh lý và khí thiên địa đều phân chia âm dương.

Khi âm dương được điều chỉnh khôi phục quân bình trong cơ thể con người, bệnh sẽ bình phục, đó là y lý Đông y. (Hình minh họa: Alexandra_Koch/Pixabay)

Ở thế giới tự nhiên, khí dương là thiên khí, phong khí, thử khí. Trong cơ thể con người, dương khí gồm có thanh khí, đại khí, vệ khí thần khí, tâm khí, phế khí, âm khí gồm có đục khí, huyết khí, dinh khí, tinh khí, can khí, tỳ khí…

Tố Vấn, Bảo Mệnh Toàn Bình Luận viết: “Trong dương có âm, trong âm có dương. Thanh khí là dương, thanh ở trong khí thanh là dương, phần vẩn đục trong khí thanh là âm. Khí vẩn đục là âm, thanh ở trong khí đục là dương, phần vẩn đục trong khí đục là âm. Khí trong ngũ tạng lục phủ đều có âm dương. Khí của dinh vệ cũng có âm dương. Âm dương đan vào nhau mà biến hóa vận hành trong sự sống.” Âm dương trong cơ thể thẩm thấu vào nhau, chúng biến hóa tiêu trưởng rất phức tạp, mà hình thành chuyển động của sinh mệnh. Khi âm dương thăng bằng hài hòa thì cơ thể sinh mệnh phát triển khỏe mạnh, âm dượng, thịnh suy mà mất cân bằng thì sẽ sinh bệnh tật.

Linh Khí Phân Biệt viết: “Âm khí thiếu thì nóng ở bên trong, dương khí hư thì nóng ở bên ngoài.”

Tố Vấn Tế Luận viết: “Chứng hàn là do dương khí thiếu hụt, âm khí dư thừa, hay sinh bệnh: chứng nhiệt là do dương khí quá nhiều, âm khí thiếu hụt, bệnh khí thắng thế, dương lấn át âm, cho nên bị tê liệt.”

Linh Khu Kinh, Ngũ Tà viết: “Dương khí có thừa, âm khí không đủ, thì trong bị nhiệt, hay có cảm giác đói, dương khí không đủ, âm khí dư thừa thì hàn ở trong, bụng sôi và đau. Âm dương đều thừa hoặc dều thiếu thì vừa hàn vừa nhiệt. Khi âm dương mất hoàn toàn khả năng điều chỉnh, thì gọi là ‘quan cách,’ lúc đó con người sẽ chết.”

Linh Khu Mạch Đô viết: “Âm khí thịnh vương quá thì dương khí suy yếu, tình trạng đó gọi ‘quan đóng lại.’ Dương khí thịnh vượng quá thì âm khí suy yếu, tình trạng đó gọi là ‘cách.’ Âm dương cùng thịnh vượng chúng không trợ giúp nhau, tình trạng đó gọi là ‘quan cách.’ Sa vào tình trạng này sẽ rất chóng chết.”

Việc định bệnh và dưỡng sinh người thầy thuốc cần phải thấu hiểu và theo dõi âm dương phân phối trong từng lục phủ và ngũ tạng càng chính xác bao nhiêu và cho thuốc để quân bình lại bấy nhiêu thì bệnh dù nan y tới đâu cũng hết là vậy. Khi âm dương con người mà được điều chỉnh, âm bị bệnh thì điều trị dương, dương bị bệnh thì điều trị âm nhằm khôi phục quân bình khí âm dương trong cơ thể con người. bệnh sẽ bình phục, đó là y lý Đông y.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT