Wednesday, May 1, 2024

Rối loạn lo âu xã hội

Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Với các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp. Nhiều thông tin thiết thực và bổ ích khác về sức khỏe cũng được phát trên đài Radio Chuyện Sáng Chủ Nhật ở vùng Orange County, California, vào mỗi sáng Chủ Nhật từ 6 đến 9 giờ, trong chương trình “Câu Chuyện Sức Khỏe Sáng Chủ Nhật” và mục “Bác Sĩ Của Tôi” trực tiếp mỗi chiều Thứ Sáu từ 3 đến 4 giờ trên đài TV AVA 57.7 ở vùng Orange County, California. Nhiều thông tin sức khỏe bổ ích khác cũng có thể tìm thấy trên các website nguyentranhoang.comradiochuyensangchunhat.com. Quý vị có thể liên lạc bác sĩ qua email: [email protected] hoặc điện thoại (714) 531-7930.

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Rối loạn lo âu xã hội là một nỗi sợ mạnh mẽ và dai dẳng. (Hình minh họa: Hulton Archive/Stringer/Getty Images)

Lo âu có thể là một phần bình thường của cuộc sống. Ai cũng cần và nên (một cách đúng mức và hợp lý) lo lắng về những điều như sức khỏe, tiền bạc hoặc các vấn đề gia đình.

Nhưng, khi nói đến rối loạn lo âu, điều này bao gồm nhiều hơn là sự lo lắng hoặc sợ hãi tạm thời. Đối với những người có rối loạn lo âu, sự lo âu không biến mất và có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Các triệu chứng có thể gây trở ngại đến các hoạt động hàng ngày như công việc, học tập và các mối quan hệ.

Có nhiều loại rối loạn lo âu, bài này xin nói về rối loạn lo âu xã hội (Social anxiety disorder).

Rối loạn lo âu xã hội là một nỗi sợ mạnh mẽ và dai dẳng về việc bị người khác quan sát và phán xét.

Đối với nhiều người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội, nỗi sợ hãi trong các tình huống xã hội có thể đến mức cảm thấy quá nặng nề và khó kiểm soát. Với một số người, nỗi sợ này có thể ngăn cản họ đi làm, đi học hoặc thực hiện những việc thường ngày.

Những triệu chứng mà người mắc rối loạn lo âu xã hội có thể gặp phải bao gồm:

-Đỏ mặt, đổ mồ hôi hoặc run lẩy bẩy.
-Tim đập nhanh hoặc loạn nhịp.
-Đau bụng.
-Dáng đi hoặc cách nói cứng nhắc hoặc quá nhỏ giọng.
-Khó khăn trong việc nhìn (thẳng) vào mắt hoặc giao tiếp với những người không quen biết.
-Cảm giác tự ti hoặc sợ người khác phán xét tiêu cực về mình.

Các rối loạn liên quan đến nỗi sợ hãi (phobia-related disorders)

Rối loạn liên quan đến sợ là một cảm giác sợ hãi không thích hợp với những vật hoặc tình huống cụ thể. Mặc dù trong một số trường hợp, cảm giác lo lắng này có thể là chính xác và hợp lý, nhưng ở các trường hợp khác, cảm giác sợ hãi này quá nặng nề so với mức độ nguy hiểm thực sự của tình huống hoặc vật.

Những người bị rối loạn liên quan đến nỗi sợ hãi ám ảnh:

-Có thể có nỗi lo âu vô lý hoặc quá mức về việc đối mặt với vật hoặc tình huống gây sợ hãi.
-Chủ động tránh vật hoặc tình huống gây sợ hãi một cách quá mức cần thiết.
-Có cảm giác sợ hãi dữ dội khi đối mặt với vật hoặc tình huống gây sợ hãi.
-Phải chịu đựng những vật hoặc tình huống không thể tránh được với cảm giác sợ hãi dữ dội.

Một số loại nỗi sợ hãi ám ảnh và các rối loạn liên quan đến nỗi sợ hãi ám ảnh

Sợ hãi ám ảnh cụ thể (sự sợ hãi đơn giản): Như tên gọi, những người bị sợ hãi ám ảnh cụ thể có sự sợ hãi hoặc cảm giác lo lắng mạnh mẽ về những loại vật hoặc tình huống cụ thể.

Một số ví dụ về sợ hãi ám ảnh cụ thể bao gồm:

-Sợ bay.
-Sợ độ cao.
-Sợ động vật cụ thể như nhện, chó hoặc rắn…
-Sợ tiêm chích.
-Sợ máu.

Chứng sợ không gian mở (agoraphobia)

Người mắc chứng sợ không gian mở có sự sợ hãi toàn diện đối với hai hoặc nhiều hơn trong các tình huống sau:

-Sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
-Ở nơi không gian mở.
-Ở nơi không gian bị giới hạn.
-Đứng xếp hàng hoặc ở trong đám đông.
-Ở ngoài nhà một mình.

Người mắc chứng sợ không gian mở thường tránh xa các tình huống này, một phần vì họ nghĩ rằng việc có thể ra ngoài sẽ khó khăn hoặc không thể xảy ra trong trường hợp họ có các cơn hoảng loạn hoặc các triệu chứng đáng xấu hổ khác. Ở mức độ nặng nhất của chứng sợ không gian mở, người bị ảnh hưởng có thể bị mắc kẹt trong nhà.

Rối loạn lo âu bị tách rời thường được coi là một vấn đề chỉ trẻ em phải đối mặt. (Hình minh họa: Picture Post/Hulton Archive/Getty Images)

Rối loạn lo âu tách rời (separation anxiety disorder)

Rối loạn lo âu (về việc bị) tách rời: Thường được coi là một vấn đề chỉ trẻ em phải đối mặt. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể được chẩn đoán mắc rối loạn lo âu tách rời. Những người mắc rối loạn lo âu tách rời sợ bị chia cách với những người họ thân thiết. Họ thường lo lắng rằng chuyện xấu có thể xảy ra với người thân của họ khi họ không ở bên cạnh. Nỗi sợ này khiến cho họ tránh xa những khoảng thời gian đơn độc hoặc xa rời những người thân yêu của họ. Họ có thể có các ác mộng về việc bị chia cách hoặc cảm thấy không được khỏe mạnh khi việc chia cách sắp xảy ra.

Khựng nói chọn lọc (selective mutism)

Một rối loạn khá hiếm gặp liên quan đến lo âu là khựng nói chọn lọc. Khựng nói chọn lọc xảy ra khi người ta không thể nói được trong những tình huống xã hội cụ thể mặc dù có kỹ năng ngôn ngữ bình thường. Khựng nói chọn lọc thường xảy ra trước độ tuổi 5 và thường liên quan đến sự ngại ngùng cực độ, sợ bị xấu hổ trong xã hội, khuynh hướng bắt buộc, rút lui, đi kèm với cơn giận dữ không có lý do rõ ràng. Những người được chẩn đoán mắc khựng nói chọn lọc thường cũng được chẩn đoán mắc các rối loạn lo âu khác. [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT