Saturday, May 18, 2024

Bài thuốc Đông y chữa cảm hàn

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Mùa Đông thường hay bị cảm hàn. Nguyên nhân gặp gió lạnh, trong khi cơ thể yếu.

Vào mùa này, cơ thể yếu do khí suy, da thịt thưa hở, khí lạnh xâm nhập, bệnh nhân có khi lạnh run, sợ lạnh, sợ gió lạnh, ho hen, đau đầu, đàm nhớt trong, nước tiểu trong. Đôi khi đau nhức tứ chi và có mồ hôi. Nếu dùng hàn thử biểu đo nhiệt độ không tăng vẫn ở 36-37 độ C có nghĩa là không bị nhiễm trùng.

Mạch phù, nhược. Lưỡi: Rêu lưỡi trắng và lưỡi hơi mập. Dùng bài “Quế Chi Thang”:

-Quế chi 9 gram
-Bạch thược 6 gram
-Sinh khương 6 gram
-Đại táo 3 trái
-Cam thảo 6 gram

Nếu mạch phù hoãn, hữu lực, không có mồ hôi thì dùng “Ma Hoàng Thang”:

-Ma hoàng 9 gram
-Hạnh nhân 15 gram
-Quế chi 9 gram
-Cam thảo 6 gram

Lạnh run làm cơ thể tạo nhiệt, thế mà nhiệt không tăng là do không bị nhiễm trùng, và vì hàn tà quá mạnh làm khả năng biến dưỡng bị tê liệt, nên cơ chế biến nóng bằng hiện tượng rung cơ trở nên vô hiệu.

Dùng hai bài “Quế Chi Thang” và “Ma Hoàng Thang” để hãm mồ hôi và nhiệt độ. “Ma Hoàng Thang” để giải biểu. Hai bài thuốc trên nhằm tán hàn tà và điều hòa thân nhiệt.

Trong trường hợp cảm hàn, da thịt bít kín, nhiệt độ cơ thể tăng vì không thể giải nhiệt. Trị liệu phải cho “Ma Hoàng Thang” để giải biểu thì nhiệt tự lui. Nếu nhiệt không lui thì phải nghĩ tới nhiễm trùng.

Ngoài ra không nên dùng hai bài “Quế Chi” và “Ma Hoàng Thang” trên nếu mạch trầm vi. Vì cơ thể quá yếu nên dùng bài “Lý Trung Thang”:

-Hoa kỳ sâm 4 gram
-Bạch truật sao 3 gram
-Can khương 6 gram
-Chích thảo 3 gram

Sinh khương được sử dụng trong bài thuốc chữa cảm lạnh, cảm cúm, ho suyễn, đau bụng… (Hình: thuocdantoc.org)

Nếu không hết lạnh thì phải dùng “Khu Hàn Thang”:

-Hoa kỳ sâm 12 gram
-Bạch truật 9 gram
-Nhục quế 6 gram
-Phụ tử 6 gram

Vì bệnh hư yếu không muốn mất mồ hôi, cơ thể mệt mỏi thêm, thì thêm 6 gram ngũ vị tử để làm liễm mồ hôi.

Hai bài thuốc trên đuổi được hàn tà, không cho hàn tà đi vào âm phận. Nếu hàn tà đã đi vào âm phận mà lạnh, vẫn có thể dùng “Lý Chung Thang” khu hàn. Quá lắm lạnh thì phải dùng “Tứ Nghịch Thang”:

-Can khương 15 gram
-Phụ tử 9 gram
-Cam thảo 3 gram

Nếu âm hư và hàn: yếu nhược cảm phải hàn tà hoặc phát sốt, đau mình, mắt đỏ, khát mà không muốn uống nước lạnh, sốt nóng mà vẫn thích mặc áo. Tất cả đó là triệu chứng giả nhiệt mà chân hàn. Trị liệu nên dùng bài “Lý Âm Tán” hay còn gọi trợ âm tà.

-Thục địa 15 gram
-Đương qui 9 gram
-Chích thảo 3 gram
-Can khương 6 gram

Nếu còn lạnh gia thêm 6 gram nhục quế. Với “Lý Âm” gia thêm phụ tử còn gọi là phụ tử “Lý Âm Thang,” gia nhục quế và sâm thì gọi là “Lục Vị Hồi Âm Thang.”

Bài “Lý Âm Thang” để chữa âm hư và hàn, tức là bài “Tứ Vật” bỏ xuyên khung và bạch thược, thêm can khương và chích thảo.

Bài “Lý Trung Thang” để chữa dương hư mà hàn, tức là bài “Tứ Quân” bỏ bạch linh, gia can khương. (Bác Sĩ Đặng Trần Hào)

MỚI CẬP NHẬT