Monday, April 29, 2024

Bệnh tiểu đường

Bác Sĩ Đặng Trần Hào tốt nghiệp bác sĩ y khoa Đông Phương tại Samra University, Los Angeles, năm 1987, và được mời tham dự hội đồng State Board về Châm Cứu và Đông Dược. Mục này giúp cho ai muốn tìm hiểu về Đông Dược và muốn góp ý cho kho tàng Đông Dược phong phú hơn để phục vụ bệnh nhân. Quý vị có thể liên lạc bác sĩ qua email: [email protected] hoặc điện thoại (714) 714-0564 office và (714) 553-6183 cell.

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Ở Hoa Kỳ, bệnh thận gây ra do tiểu đường chiếm khoảng 40%. (Minh họa: Mohamed Hassan/Pixabay)

Hàng ngàn năm qua, Y Khoa Đông Phương gọi bệnh tiểu đường là bệnh tiêu khát. Theo Đông Y, tiểu đường gây ra do chúng ta ăn uống nhiều chất béo, chất ngọt, lo lắng quá độ và buồn rầu… Cũng theo Đông Y chất béo sinh ra nội nhiệt, trong khi chất ngọt gây ra tức ở trung tiêu và khí đi nghịch lên mà ảnh hưởng tới lục phủ và ngũ tạng sinh ra tiểu đường. Trong người có ngũ tạng và lục phủ, các tạng  đều thuộc về âm nên mềm và yếu dễ bị chế ngự bởi cứng và mạnh. Thí dụ: Khi chúng ta sợ sệt quá độ sẽ ảnh hưởng tới tạng âm như thận. Trong Đệ Nhị Thế Chiến các chiến sĩ ra ngoài mặt trận, gặp chiến trường quá khốc liệt, phần đông các chiến sĩ sống sót trở về thấy bị bạc đầu và sinh lý suy yếu trước tuổi.

Khi nhiệt gia tăng tiêu thụ quá nhiều tân dịch, làm tổn thương tới các tạng âm. Hoặc khi thận khí suy không thể chuyển hóa tinh túy thức ăn thành khí, là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường theo Đông Y có thể chia thành ba vùng thụ bệnh: Thượng, trung và hạ tiêu. Trước khi đào sâu về quan niệm này, chúng ta cần biết qua tiểu đường là gì?

Tên khoa học của bệnh tiểu đường là Diabetes Mellitus. Nguyên ngữ này phản ảnh tình trạng rõ ràng của bệnh tiểu đường, khi chưa được chữa trị, có lượng nước tiểu gia tăng rất nhiều, đồng thời trong nước tiểu chứa một lượng đường lớn hơn lượng đường giới hạn an toàn.

Khi hệ thống sinh hóa trong cơ thể con người phát sinh trở ngại, và sau đó các chất nội tiết mất điều hòa gây ra nước tiểu có quá nhiều đường, nhất là đường (glucose)…

Bệnh tiểu đường gây ra bởi nhiều nguyên nhân nêu trên, nhưng đặc điểm chung là: Chất đường (glucose) tích lũy trong máu nhiều hơn giới hạn an toàn và theo nước tiểu bị tống ra ngoài.

Loại đường vào máu rồi vào các tế bào trong cơ thể. Tại các tế bào, đường phát huy vai trò tạo năng lượng. Nếu lượng đường thặng dư trong máu thì được chuyển hóa và tồn trữ bằng hai cách, hoặc ở dạng đường tồn trữ trong gan, hoặc chuyển thành chất béo.

Cơ thể biến đường thành năng lượng, hay tồn trữ đường đều phải cậy vào chất insulin. Tuyến tụy tạng có thể tạo nhiều chất, trong đó có enzymes giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn, và các hormone, insulin do các tế bào của tuyến tụy tạng tạo ra.

Khi hàm lượng trong máu đạt tới mức quân bình nhất định, thì chất insulin được phóng ra. Chất này có nhiệm vụ mở cửa tế bào gan, bắp thịt và chất béo để chất glucose lọt vào các tế bào này, và trung bình trong vòng hai tới ba giờ thì lượng glucose dư trong máu có thể xâm nhập vào tế bào, chứ không còn sót lại trong máu nữa. Nhưng nếu cơ thể không sinh đủ chất insulin, hay chất insulin không hoạt động hữu hiệu bình thường, thì các tế bào vốn đóng kín, chẳng có cách nào mở ra, cho nên lượng đường tồn đọng trong huyết dịch, và đương sự sẽ bị bệnh tiểu đường hay tiêu khát.

Theo Y Khoa Đông Phương tiểu đường là một bệnh có thể chữa được, nhất là khi chúng ta mới ở giai đoạn I. Tiểu đường có thể gây ra do ba nguyên nhân sau:

Tiểu đường liên quan tới thưng tiêu, phổi thụ bệnh:

Thượng tiêu tiêu thụ quá nhiều tân dịch liên quan tới phổi, kèm theo những triệu chứng sau: Rất khát nước và uống rất nhiều nước, khát ngay sau khi uống, khô cổ họng, ăn bình thường, đi tiểu nhiều lần. Lưỡi đỏ và khô. Mạch phù sác.

Chữa trị bệnh tiểu đường loại này cần phải nhuận phế, thanh nhiệt, sinh tân dịch.

Trị liệu: Dùng Tư Âm Thanh Phế Thang

-Sinh địa 16 gram
-Mạch môn đông 12 gram
-Thiên môn đông 12 gram
-Huyền sâm 12 gram
-Mẫu đơn bì 6 gram
-Bối mẫu 6 gram
-Bạc hà 4 gram
-Tì bà diệp 12 gram
-Sâm hoa kỳ 12 gram
-Hoàng kỳ 12 gram
-Cam thảo 8 gram

Sinh địa, huyền sâm, mạch môn, thiên môn, mẫu đơn bì: Dưỡng âm, thanh phế, lương huyết, sinh tân.

Hoàng kỳ, sâm hoa kỳ: Bổ phế khí.

Bối mẫu, tì bà diệp, sâm hoa kỳ: Bổ phế khí tiêu đờm và giảm đường trong máu.

Bạc hà, cam thảo: Thông phế khí và phối hợp các vị thuốc liên kết với nhau làm việc.

Ăn uống đúng cách có thể giúp giảm cân, duy trì mức đường trong máu vừa phải. (Hình minh họa: Louis Hansel on Unsplash)

Tiểu đường liên quan với trung tiêu:

Trung tiêu liên quan tới bao tử và tỳ (lá lách) kèm theo triệu chứng sau: Dễ đói, ăn ngon và nhiều, người gầy ốm, sút ký dần dần, khát và thích uống nước, đi tiểu nhiều lần, phân khô hay bón. Lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch sác.

Trị liệu: nhuận táo, dưỡng âm, thanh bao tử nhiệt.

Tiểu đường liên quan tới hạ tiêu:

Hạ tiêu liên quan tới thận, chia ra các trường hợp:

1-Thận âm suy là trường hợp tiểu đường loại II: Đi tiểu nhiều lần với nước tiểu có đường, khát nước, thích uống, chán nản, nóng ở ngực và lòng bàn chân, bàn tay, mất ngủ, chân lạnh, mặt phừng, bón. Mạch vi và sác. Lưỡi khô và đỏ

Trị liệu: Bổ thận âm bài Lục Vị Địa Hoàng Thang.

Mất ngủ thêm: Toan táo nhân, viễn chí, liên tử tâm

Hay đói thêm: Thiên hoa phấn

Giảm đường trong máu và trị táo bón thêm: Tì bà diệp, đại hoàng.

2Cả thận âm lẫn dương đều suy: Đi tiểu ngay sau khi uống, lạnh chân tay, hay mệt mỏi, mắt mờ, chóng mặt, đau lưng, đi tiểu nhiều lần, đôi khi lở ngoài da và ngứa, bộ sinh dục khô và ngứa. Lưỡi bóng, đỏ và nứt. Mạch trầm, vi và sác.

Trị liệu: Bát vị Địa Hoàng Thang

Lạnh tay chân và đi tiểu thêm ích chí nhân, nhục thung dung, cốt toái bổ, sâm hoa kỳ.

Đau lưng, nhức thêm đỗ trọng, độc hoạt, tục đoạn.

Ngứa thêm kim ngân hoa, liên kiều, thuyền thoái.

Giảm đường trong máu thêm tì bà diệp, đại hoàng và sâm hoa kỳ.

3-Tiểu đường do thận khí và tỳ khí gây ra:

Thích uống nước nóng, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, nghe không rõ, bụng căng đầy, lười ăn, bất lực, chân tay lạnh, đi cầu lỏng, mệt mỏi, yếu ớt. Lưỡi trắng trơn. Mạch trầm trì.

Trị liệu: Bổ thận và tỳ khí.

Dùng bài Bát Vị Địa Hoàng Thang.

Chóng mặt, ù tai nghe không rõ thêm tri mẫu, cát căn, cúc hoa.

Bụng căng đầy, lười ăn,đi cầu lỏng thêm bạch truật, chỉ xác, mộc hương.

Bất lực thêm dâm dương hoắc, cẩu tích, bá kích thiên.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT