Friday, April 19, 2024

Cập nhật của CDC chủng ngừa COVID 19

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

*Hỏi: Có rất nhiều thông tin mâu thuẫn với nhau về việc chủng ngừa COVID 19. Xin cho biết hiện tại việc nghiên cứu về vaccine chủng ngừa COVID 19 đã đến đâu? Có biết khi nào sẽ có thuốc? Và nếu có thuốc, thì ai sẽ được ưu tiên chủng ngừa trước?

Các thuốc chủng ngừa COVID 19 còn đang trong vòng nghiên cứu. (Hình minh họa: AP Illustration/Peter Hamlin)

-Đáp: Từ xưa tới nay, ở Hoa Kỳ, Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) là cơ quan được giao nhiệm vụ cho việc xem xét và chuẩn thuận các thuốc men chữa cũng như phòng bệnh của Hoa Kỳ.

Hiện nay, vì các thuốc chủng còn đang trong vòng nghiên cứu, CDC vẫn chưa thể đưa ra được chắc chắn ngày giờ nào thuốc sẽ sẵn sàng cho việc chủng ngừa COVID 19.

Dưới đây là cập nhật chính thức của CDC (https://vietnamese.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/recommendations-process.html) vào ngày 13 Tháng Mười, 2020, về việc nghiên cứu thuốc, các tiêu chuẩn đưa ra để bảo đảm thuốc an toàn, có hiệu quả, và được đưa đến cho các đối tượng nào trước, sau, theo thứ tự ưu tiên.

CDC đang đưa ra các đề nghị về tiêm chủng phòng bệnh virus Corona 2019 (COVID-19) cho Hoa Kỳ dựa trên nội dung cung cấp từ Ủy Ban Tư Vấn về Quy Trình Phòng Ngừa Miễn Dịch (ACIP). ACIP là một ủy ban cố vấn liên bang tập hợp các chuyên gia sức khỏe công cộng và y tế, là bên xây dựng các đề nghị về vấn đề sử dụng vaccine cho người dân Hoa Kỳ. ACIP tổ chức các cuộc họp đều đặn và cho phép công chúng tham gia để họ có cơ hội đóng góp ý kiến công khai.

Vai trò của Ủy Ban Tư Vấn về Quy Trình Phòng Ngừa Miễn Dịch (ACIP)

Kể từ khi đại dịch bùng phát, ACIP đã và đang tổ chức các cuộc họp đặc biệt để đánh giá dữ liệu COVID-19 của Hoa Kỳ và các loại vaccine đang được phát triển nhằm giúp ngăn chặn đại dịch. Trước khi đề nghị, ACIP có kế hoạch đánh giá tất cả các thông tin thử nghiệm lâm sàng sẵn có, bao gồm mô tả về:

-Đối tượng sẽ tiếp nhận mỗi loại vaccine tiềm năng (độ tuổi, chủng tộc, dân tộc, bệnh nền).

-Các nhóm khác nhau phản ứng như thế nào với vaccine.

-Tác dụng phụ gặp phải.

Nếu Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) cho phép hoặc phê chuẩn một loại vaccine COVID-19, ACIP sẽ nhanh chóng tổ chức một cuộc họp để đánh giá tất cả các dữ liệu đã có về loại vaccine đó. Từ các dữ liệu này, ACIP sẽ bỏ phiếu xem có nên đề nghị sử dụng loại vaccine đó không, và nếu có thì ai sẽ là đối tượng sử dụng. Trong đề nghị của ACIP sẽ có hướng dẫn về đối tượng nên được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 nếu nguồn cung có hạn. Các đề nghị phải được chuyển tới giám đốc của CDC để được phê chuẩn trước khi trở thành chính sách chính thức của CDC.

Mục tiêu tiêm chủng nếu nguồn cung có hạn

ACIP đã đề ra các mục tiêu sau đây để quyết định xem ai là người nên được khuyến cáo tiêm chủng COVID-19 nếu nguồn cung có hạn:

-Giảm số ca tử vong và mắc bệnh nghiêm trọng ở mức tối đa có thể.

-Duy trì hoạt động chức năng của xã hội.

-Giảm gánh nặng tăng thêm mà căn bệnh gây nên cho những người vốn đã chịu thiệt thòi.

-Gia tăng cơ hội mọi người được hưởng sức khỏe thể chất và tinh thần toàn diện.

Nguyên tắc đạo đức

ACIP đang đặt ra các nguyên tắc đạo đức để định hướng cho quy trình ra quyết định về đối tượng khuyến cáo nên được tiêm chủng COVID-19 nếu nguồn cung có hạn. Các cuộc thảo luận sớm đã tập trung vào năm nguyên tắc sau:

-Tăng tối đa lợi ích và giảm thiểu tác động có hại: Tôn trọng và chăm sóc cho mọi người bằng dữ liệu tốt nhất đã có để thúc đẩy sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu số ca tử vong, ca bệnh nghiêm trọng.

-Bình đẳng: Giảm sự bất công về y tế và bảo đảm mọi người có cơ hội công bằng và như nhau để có sức khỏe tốt nhất.

-Công lý: Điều trị một cách công bằng cho các nhóm người, nhóm dân số và các cộng đồng chịu ảnh hưởng. Tháo gỡ những rào cản bất công, không cân xứng và khó tránh để đi đến sức khỏe thể chất và tinh thần tốt đẹp.

-Công bằng: Trao cho mọi người trong nhóm ưu tiên cơ hội như nhau để được tiêm chủng phòng COVID-19.

-Minh bạch: Đưa ra quyết định rõ ràng, có thể hiểu được và sẵn sàng xem xét lại. Cho phép và tìm kiếm sự tham gia của cộng đồng trong quá trình xây dựng và đánh giá các quy trình quyết định.

Giữ khoảng cách an toàn ít nhất là 2 mét (6 foot) với người khác, và đeo khẩu trang. (Hình minh họa: AP Illustration/Peter Hamlin)

Các nhóm được cân nhắc tiêm chủng sớm nếu nguồn cung có hạn

ACIP đang cân nhắc bốn nhóm để có thể đề nghị tiêm chủng COVID-19 nếu nguồn cung có hạn:

-Nhân viên y tế.

-Người lao động ngành nghề thiết yếu và trọng yếu.

-Người có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng do bệnh nền.

-Những người 65 tuổi trở lên.

Nhân viên y tế: Vẫn tiếp tục đứng ở tuyến đầu trong cuộc chiến của quốc gia chống lại đại dịch chết chóc này. Do phải thực hiện công việc chăm sóc quan trọng cho những người nhiễm chủng virus gây bệnh COVID-19, nhiều nhân viên y tế có nguy cơ cao phơi nhiễm hoặc nhiễm bệnh COVID-19. Các nhân viên y tế mắc COVID-19 cũng có nguy cơ làm lây virus cho những bệnh nhân đang được chăm sóc cho những bệnh vốn làm tăng nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng. Việc được sử dụng vaccine sớm là rất quan trọng để bảo đảm sức khỏe và sự an toàn cho lực lượng lao động thiết yếu gồm khoảng 20 triệu người này, không chỉ bảo vệ chính họ mà còn cả các bệnh nhân của họ cũng như sức khỏe chung của đất nước chúng ta.

Người lao động ngành nghề thiết yếu và trọng yếu: Được xem là một phần trong hạ tầng cơ sở trọng yếu của nước Mỹ, theo định nghĩa của Cơ Quan An Ninh Hạ Tầng & An Ninh Mạng. Dữ liệu hiện tại cho thấy nhiều người lao động trong số này có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao. Việc sử dụng sớm vaccine là rất quan trọng, không chỉ để bảo vệ chính họ mà còn để duy trì những dịch vụ thiết yếu mà họ cung cấp cho các cộng đồng tại Hoa Kỳ.

Người có tình trạng bệnh nền nhất định: Có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19 cao hơn, bất kể tuổi tác. Bệnh nghiêm trọng có nghĩa là người mắc bệnh COVID-19 có thể phải nhập viện, săn sóc đặc biệt hoặc cần máy thở để giúp họ hô hấp, hoặc thậm chí họ có thể tử vong. Việc sử dụng vaccine sớm là rất quan trọng để bảo đảm sức khỏe và sự an toàn của nhóm đối tượng vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 này.

Người trưởng thành ở mọi độ tuổi có bệnh nền nhất định có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn do chủng virus gây bệnh COVID-19:

Người trưởng thành ở mọi độ tuổi có tình trạng sau đây sẽ có nguy cơ cao hơn về khả năng mắc bệnh nghiêm trọng do chủng virus gây bệnh COVID-19:

-Ung thư.

-Bệnh thận mãn tính.

-COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính).

-Bệnh tim như suy tim, bệnh động mạnh vành hoặc bệnh cơ tim.

-Tình trạng suy giảm miễn dịch (hệ thống miễn dịch suy yếu) từ ghép tạng thể rắn.

-Béo phì (chỉ số khối cơ thể [BMI] từ 30 kg/m2 trở lên nhưng < 40 kg/m2).

-Béo phì nghiêm trọng (BMI ≥ 40 kg/m2).

-Bệnh hồng huyết cầu hình lưỡi liềm.

-Hút thuốc.

-Bệnh tiểu đường loại 2.

COVID-19 là một bệnh mới. Hiện tại có dữ liệu và thông tin hạn chế về tác động của các bệnh nền và liệu chúng có làm tăng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19 hay không.

Dựa trên những gì chúng ta đã biết tại thời điểm này, người trưởng thành ở mọi độ tuổi và có các tình trạng sau có thể có nguy cơ cao hơn về khả năng mắc bệnh nghiêm trọng do chủng virus gây bệnh COVID-19:

-Bệnh hen suyễn (từ vừa đến nghiêm trọng).

-Bệnh mạch máu não (ảnh hưởng đến mạch máu và việc cấp máu cho não).

-Bệnh xơ nang.

-Tăng huyết áp hoặc huyết áp cao.

-Tình trạng suy giảm miễn dịch (hệ thống miễn dịch suy yếu) từ ghép máu hoặc tủy xương, suy giảm miễn dịch, HIV, sử dụng corticosteroid hoặc sử dụng các loại thuốc làm suy yếu miễn dịch khác.

-Bệnh thần kinh, chẳng hạn như mất trí nhớ.

-Bệnh gan.

-Thừa cân (BMI > 25 kg/m2, nhưng < 30 kg/m2).

-Thai kỳ.

-Xơ phổi (có các mô phổi bị tổn thương hoặc bị sẹo).

-Bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh).

-Bệnh tiểu đường loại 1.

Dù trẻ em ít bị ảnh hưởng do COVID-19 hơn so với người trưởng thành, trẻ em vẫn có thể bị nhiễm chủng virus gây bệnh COVID-19 và một số trẻ phát triển thành bệnh nặng. Trẻ em có bệnh nền có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn so với trẻ không có bệnh nền. Bằng chứng hiện tại về bệnh nền ở trẻ em và gắn liền với nguy cơ cao hơn vẫn còn hạn chế. Trẻ em có các bệnh sau có thể có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn: béo phì, tình trạng sức khỏe phức tạp, rối loạn di truyền nghiêm trọng, rối loạn thần kinh nghiêm trọng, rối loạn chuyển hóa do di truyền, bệnh tim bẩm sinh (từ lúc sinh), bệnh tiểu đường, bệnh hen và bệnh phổi mãn tính khác cũng như suy giảm miễn dịch do tình trạng ác tính hoặc thuốc gây giảm khả năng miễn dịch.

Chúng tôi vẫn chưa biết những ai có nguy cơ phát triển thành biến chứng hiếm gặp mà nghiêm trọng liên quan đến COVID-19 ở trẻ em được gọi là Hội Chứng Viêm Đa Cơ Quan ở Trẻ Em (MIS-C), và cũng chưa biết nguyên nhân gì gây ra MIS-C.

Danh sách các bệnh nền là để thông báo cho các bác sĩ lâm sàng để giúp họ chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân và thông báo cho các cá nhân về mức độ nguy cơ của họ để họ có thể đưa ra quyết định cá nhân về phòng ngừa bệnh. Chúng tôi đang tìm hiểu thêm về COVID-19 mỗi ngày. Danh sách này là chưa đầy đủ và chỉ liệt kê các bệnh đã có đủ bằng chứng để rút ra kết luận; đây là một tài liệu sống và có thể được cập nhật bất cứ lúc nào, tùy theo tình hình có thể thay đổi nhanh chóng khi khoa học phát triển thêm.

Đối với người lớn, nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19 tăng lên theo độ tuổi, trong đó người cao tuổi có nguy cơ cao nhất. Việc sử dụng vaccine sớm là rất quan trọng để bảo vệ nhóm đối tượng vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 này.

Nói chung, ta vẫn đang chờ đợi có vaccine. Và có nhiều điều ta đã biết, nếu mọi người cùng áp dụng, sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tự bảo vệ bản thân và ngăn chặn đà phát triển của đại dịch:

-Giữ khoảng cách an toàn ít nhất là 2 mét (6 foot) với người khác.

-Đeo khẩu trang.

-Rửa tay thường xuyên và đúng cách.

-Tránh sờ tay vào mắt, mũi, miệng.

-Tránh những nơi tụ tập đông người, nhất là bên trong, không thông khí tốt và không đủ không gian để giữ khoảng cách an toàn.

-Uống thuốc (để giữ cho các bệnh nền mình đang bị, được ổn định), thể dục, ăn, uống, ngủ, điều độ và đầy đủ.

-Và CƯỜI, sống an nhiên tự tại (để có thể thanh thản làm được các điều đơn giản, dễ làm nói trên, mà vẫn) sống vui. [qd]

Thân mến

(714) 531-7930, [email protected]

Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Với các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp.

Nhiều thông tin thiết thực và bổ ích khác về sức khỏe cũng được phát trên “Radio Chuyện Sáng Chủ Nhật” ở vùng Orange County, California, vào mỗi sáng Chủ Nhật từ 6 giờ đến 9 giờ, trong chương trình “Câu Chuyện Sức Khỏe Sáng Chủ Nhật.” Nhiều thông tin sức khỏe bổ ích khác cũng có thể tìm thấy trên các website www.nguyentranhoang.comwww.radiochuyensangchunhat.com.

MỚI CẬP NHẬT