Saturday, May 18, 2024

Dịch virus Corona và những điều cần biết khi bị cách ly ở Mỹ

WASHINGTON, D.C. (CNN) – Giữa lúc dịch virus Corona tiếp tục lây lan khắp thế giới, các giới chức y tế liên bang ở Mỹ đã áp dụng một biện pháp hiếm hoi đó là cách ly bắt buộc, lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ qua.

“Mục đích là để làm chậm đà lây lan của virus này vô nước Mỹ,” Tiến Sĩ Nancy Messonnier, giám đốc Trung Tâm Chủng Ngừa và Bệnh Hô Hấp thuộc Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC), cho biết.

Vậy, người bị cách ly có quyền gì? Nếu vi phạm thì bị xử lý như thế nào? Chính quyền có quyền cách ly người dân bao lâu? Ai trả tiền cho việc cách ly?

Một bài viết trên CNN tuần tự trả lời và giải thích các câu hỏi này.

Bị cách ly theo quy định liên bang nghĩa là gì?

Yêu cầu chính xác của quy định cách ly liên bang phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, theo ông James Hodge, giám đốc Trung Tâm Chính Sách và Luật Y Tế Công Cộng của Arizona State University.

Nói chung, người bị cách ly bắt buộc đang thực hiện lệnh trực tiếp từ chính quyền liên bang là phải ở yên một chỗ trong khoảng thời gian ngắn để chuyên gia y tế xác định họ có bị nhiễm một loại bệnh nào đó hay chưa.

Trong trường hợp dịch virus Corona này, người bị cách ly đang phải ở trong những cơ sở do chính quyền liên bang chỉ định. Nhưng trong những tình huống khác, họ có thể bị cách ly ở bệnh viện hoặc nhà riêng, theo ông Hodge.

Ai đang bị cách ly?

Công dân Mỹ nào đã đến tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc trong 14 ngày qua hoặc đã đến những vùng khác của Trung Quốc và đang có triệu chứng liên quan đến virus Corona thì sẽ được khám sức khỏe tại một trong 11 phi trường Mỹ đã được chỉ định, rồi sẽ bị cách ly bắt buộc tại một cơ sở gần đó. Bộ Nội An Mỹ đã thông báo như vậy.

CDC cũng đang cách ly những công dân Mỹ được Bộ Ngoại Giao di tản khỏi Vũ Hán, cái ổ của dịch bệnh.

“Biện pháp này sẽ không thể giữ được bất cứ hành khách nào từ Trung Quốc về mà bị nhiễm virus Corona. Dựa theo bản chất của con virus cũng như cách thức nó lây lan, không thể nào làm như vậy được. Nhưng nếu phối hợp với nhau, chúng ta có thể giữ được phần lớn trong số họ,” bà Messonnier cho biết hôm 3 Tháng Hai vừa qua.

Các giới chức CDC trong buổi họp báo về việc cách ly 195 công dân Mỹ về từ Vũ Hán, hôm 29 Tháng Giêng, 2020, tại Riverside County, California. (Hình: Matt Hartman/AFP/Getty Images)

Những người bị cách ly đang ở đâu?

CDC cho biết họ đang làm việc với các đối tác tiểu bang và địa phương để tìm những địa điểm có thể dùng để cách ly những hành khách đi qua 11 phi trường Mỹ đã được chỉ định. Theo bà Messonnier, đó có thể là căn cứ quân sự, khách sạn hoặc những nơi khác.

Theo CDC, những người được Bộ Ngoại Giao di tản khỏi Vũ Hán đang được cách ly ở các căn cứ quân sự.

Sáng Thứ Tư, 5 Tháng Hai, hai chuyến bay do Bộ Ngoại Giao thuê đã đưa khoảng 350 công dân Mỹ từ Vũ Hán về California. Một chuyến sẽ ở căn cứ Không Quân Travis, miền Bắc California. Một chuyến sẽ ở phi trường Thủy Quân Lục Chiến Miramar, miền Nam California.

Theo CDC, ngày 6 Tháng Hai, sẽ có thêm hai chuyến bay di tản công dân khỏi Vũ Hán về đến Mỹ.

Một chuyến sẽ đáp xuống Căn Cứ Không Quân Lackland ở San Antonia, Texas; còn một chuyến sẽ đáp xuống Eppley Airfield ở Omaha, phi trường lớn nhất tiểu bang Nebraska.

Ngoài những nơi này, Bộ Quốc Phòng Mỹ đã loan báo có thể dùng Viện Huấn Luyện Vùng Trung Đoàn 168 ở Colorado làm nơi cách ly.

Tuần trước, chuyến bay đầu tiên di tản công dân Mỹ khỏi Vũ Hán về đến căn cứ Không Quân March ở Riverside County, miền Nam California. 195 hành khách trên chuyến bay này vẫn đang bị cách ly ở đó.

Nhưng ông Hodge lo ngại rằng, chẳng bao lâu nữa, chính phủ liên bang sẽ hết chỗ cách ly.

“Họ chỉ có chỗ cho 1,000 người, mà có đến bốn chuyến bay,” ông Hodge cho biết.

Tuy nhiên, CDC ước tính cả số người từ Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc về Mỹ lẫn số người từ những nơi khác về nhưng thuộc diện cần phải cách ly sẽ giảm.

Đời sống trong khu vực cách ly ra sao?

Mặc dù, khu vực cách ly theo quy định của liên bang không hoàn toàn giống như khách sạn bốn sao, nhưng người ta vẫn được cấp thức ăn, nước uống, chỗ ở và điều trị bệnh tật, và được tự do liên lạc với gia đình, bạn bè, ông Hodge cho biết. Nhưng họ không được phép rời khỏi khu vực cách ly nếu chính quyền liên bang chưa cho phép.

Theo anh Jarred Evans, một trong số 195 người bị cách ly ở căn cứ March, tinh thần của mọi người ở đó rất tốt.

Nhân viên y tế của CDC khám sức khỏe cho họ hai lần một ngày. Họ được đo thân nhiệt và hỏi thăm xem có triệu chứng hay không. Evans nói, theo anh biết, đến lúc này, chưa có ai ở đó phát triệu chứng.

Để tiêu bớt thời gian, họ được tập nhảy Zumba và tập võ. Trẻ em thì có đồ chơi và những hoạt động tập thể. Về thức ăn, họ được cho ăn trứng, khoai tây, bánh muffin, bánh mì sandwich và chip.

“Mọi người đều tôn trọng nhau, nhưng không ai dám ôm hay bắt tay người khác,” Evans kể với CNN.

Chính quyền liên quan có được phép cách ly bắt buộc không?

Được. Nhưng một số nhà nghiên cứu bệnh dịch, luật sư cũng như tổ chức y tế đã bày tỏ lo ngại rằng thẩm quyền quá rộng của CDC có thể sẽ đe dọa quyền tự do công dân.

Bộ Y Tế và Dịch Vụ, cơ quan phụ trách CDC, có quyền cô lập hoặc cách ly người dân nhằm ngăn ngừa những bệnh truyền nhiễm lây lan từ ngoại quốc vô nước Mỹ hoặc giữa các tiểu bang.

Chính phủ chỉ có quyền cô lập hoặc cách ly người nào mà CDC “có lý do để tin rằng” có lẽ đã bị nhiễm hoặc đã bị phơi nhiễm với một loại bệnh nào đó mà cần phải cách ly, chẳng hạn như đậu mùa, sốt xuất huyết hoặc hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS).

Trước khi ban hành lệnh cách ly hoặc cô lập người nào, CDC phải đánh giá nguy cơ họ lây lan cho người khác. CDC phải cân nhắc những triệu chứng của họ và liệu họ có thể đã phơi nhiễm với bệnh hay không.

Kể từ lúc tạm giữ một người nào đó, CDC có ba ngày để xác định phải cách ly, cô lập hoặc thả ra có điều kiện.

CDC nói họ luôn cố gắng dùng “những biện pháp ít bó buộc nhất và tốn ít thời gian nhất” để bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, theo ông Hodge, cách ly ở căn cứ quân sự được coi như bó buộc hơn cách ly ở nhà.

Nhưng ông Hodge nói thêm rằng có lẽ CDC đang nắm thông tin về những người bị cách ly mà họ chưa công bố, mà theo đó, họ có thể dùng biện pháp cách ly này.

Đài CNN đã liên lạc với CDC để hỏi về vấn đền này nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Chính phủ có quyền cách ly người dân bao lâu?

Chính phủ chỉ có quyền cách ly người dân “lâu đến mức nào cần thiết để bảo vệ công chúng,” theo quy định của Bộ Nội An ban hành năm 2017.

Trong thời gian đó, chính phủ sẽ cung cấp cho công chúng những cách thức chăm sóc sức khỏe để chống lại dịch bệnh, chẳng hạn như chích ngừa tự nguyện hoặc điều trị bằng thuốc, đồng thời sẽ bảo đảm người bị cách ly không lây nhiễm cho người khác.

Hầu hết các hành khách tại phi trường LAX, California, đeo khẩu trang trước khi lên máy bay. (Hình: Mark Ralston/AFP via Getty Images)

Người bị cách ly có quyền gì?

Trong vòng 72 tiếng đồng hồ kể từ lúc bị tạm giữ, người bị cách ly sẽ được nhận lệnh bằng văn bản từ CDC giải thích tại sao CDC cho rằng cần phải cách ly họ.

Nếu nhận thấy CDC đã sai lầm, họ có quyền yêu cầu CDC xem xét lại văn bản này trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Nếu CDC vẫn khẳng định cần thiết phải cách ly, thì người bị cách ly có quyền yêu cầu chuyên gia y tế độc lập đánh giá xem liệu quyết định của CDC có hợp lý hay không. Họ cũng có quyền tự bỏ tiền thuê người đại diện tham dự buổi đánh giá này.
Ai không có tiền thuê người đại diện thì vẫn có quyền có người đại diện được chính phủ chỉ định và do chính phủ trả tiền.

Người bị cách ly cũng có quyền khiếu nại trường hợp của mình ra tòa.

Ai trả tiền cho biện pháp cách ly?

Nếu người bị cách ly có bảo hiểm y tế, CDC sẽ gửi hóa đơn cho công ty bảo hiểm của họ để yêu cầu chi trả cho chi phí chăm sóc người này trong thời gian cách ly, theo ông Hodge. Do đó, tùy theo loại bảo hiểm mà họ mua, người bị cách ly có thể phải trả một phần hoặc toàn bộ chi phí.

Với những người không có khả năng mua bảo hiểm y tế, chính phủ sẽ gánh chi phí này, nhưng ông Hodge cho biết có thể chính phủ sẽ chuyển một phần chi phí sang những chương trình như Medicaid.

Evans nói với CNN rằng những người bị cách ly ở căn cứ March sẽ phải tự trả tiền cho chuyến bay di tản. Anh không biết những người khác phải trả bao nhiêu, nhưng riêng anh là $1,100. Và sau khi hết thời gian cách ly, mọi người đều phải tự lo chi phí về nhà.

Nếu người nào đó vi phạm quy định cách ly thì sao?

Người nào tự ý ra khỏi khu vực cách ly hoặc né lệnh cách ly thì sẽ bị phạt nặng.

Theo luật liên bang, người nào vi phạm lệnh cách ly sẽ bị phạt đến $100,000, ở tù một năm hoặc cả hai, nếu sự vi phạm không khiến ai tử vong. Nếu sự vi phạm dẫn đến tử vong, thì người đó sẽ bị phạt đến $250,000, ở tù một năm hoặc cả hai.

Lần gần đây nhất áp dụng cách ly theo quy định liên bang là khi nào? 

Lần gần đây nhất mà giới chức Mỹ ban hành lệnh cách ly là trong dịch đậu mùa những năm 1960, theo Tiến Sĩ Martin Cetron, giám đốc Trung Tâm Cách Ly và Di Trú Toàn Cầu thuộc CDC.

CDC định nghĩa cách ly là ngăn cách và hạn chế sự đi lại của những người đã phơi nhiễm với một loại bệnh truyền nhiễm để đánh giá xem họ có bị mắc bệnh hay không.

Thường thì CDC ban hành lệnh cô lập liên bang để tách những người bị mắc bệnh truyền nhiễm với những người không có bệnh.

CDC cho biết mỗi năm họ ban hành khoảng một hoặc hai lệnh cách ly, cô lập hoặc thả ra có điều kiện.

Cách ly có hiệu quả không?

Nhìn chung, cách ly người nào đó đã nhiễm hoặc nghi nhiễm bệnh như virus Corona là có hiệu quả trong việc ngăn họ lây lan cho người khác, theo ông Hodge.

Nhưng ông nhấn mạnh cách tiến hành lệnh cách ly có thể sẽ gây khác biệt lớn. Bắt buộc người ta phải ở xa nhà trong thời gian dài đến hai tuần có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn. Người ta có thể nói dối hoặc nói sai mức độ phơi nhiễm của họ để tránh bị cách ly, ông Hodge giải thích.

“Nguy cơ bị cách ly nặng nề theo quy định liên bang đôi khi rất phiền toái nên có thể sẽ gây tác dụng ngược,” ông Hodge cảnh báo.

Theo ông, cho phép người ta tự cách ly ở nhà có lẽ sẽ tốt hơn, và sẽ khiến người ta dễ chấp nhận hơn.

Nhưng CDC đã khẳng định một khi hiểu được tại sao chính phủ liên bang cho rằng cần phải cách ly, thì phần lớn người dân đều chấp nhận. (Th.Long)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT