Wednesday, April 24, 2024

Triệu chứng và điều trị ho do COVID-19

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

*Hỏi: Trong mùa đại dịch này, nếu bị ho, làm sao để biết rằng mình ho do COVID-19 hay nguyên nhân nào khác? COVID-19 có thể có các triệu chứng như thế nào? Cần làm gì để biết mình có bị COVID-19 không? Phải làm gì nếu bị COVID-19? Có cần phải vô bệnh viện không?

Khi bị ho, ta cần để ý các yếu tố ho bao lâu? Bao nhiêu ngày, tuần, hay tháng? Có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19, lao, cúm, cảm… hay không?… (Hình: Sambeet D/Pixabay)

-Đáp: Khi chẩn đoán và trị bệnh, bác sĩ cần kết hợp nhiều yếu tố:

-Thăm: Thăm hỏi xem triệu chứng như thế nào, diễn biến ra sao.

-Khám: Quan sát bệnh nhân, đo nhiệt độ, nhịp thở, khám tai mũi họng, nghe phổi…

-Xét nghiệm: Thử máu, lấy mẩu xét nghiệm từ mũi, họng…

-Chụp hình: X ray, CAT scan…

Chuẩn bị trước khi khai bệnh

Khi bị ho, ta cần để ý các yếu tố sau, để khi khai bệnh với bác sĩ sẽ súc tích và giúp ích hơn trong việc góp phần vào việc chẩn đoán bệnh:

-Ho bao lâu? Bao nhiêu ngày, tuần, hay tháng?

-Có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19, lao, cúm, cảm… hay không? Tiếp xúc lúc nào? Có du lịch, đi đâu hay không?

-Lúc nào trong ngày ho nặng nhất: Tối, sáng, hay suốt ngày?

-Tiếng ho như thế nào: Nghe thấy khô, hay ướt như có đàm, như chó sủa (barking), lớn, nhỏ…?

-Có kèm theo triệu chứng khác như ói mửa, buồn nôn, chóng mặt, mất ngủ, khó thở, khạc ra máu, nghẹt mũi, hắt xì?

-Có tệ lắm không? Có ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày hay không? Liên tục, hay lúc có lúc không?

Các triệu chứng

Theo Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC), bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 có thể có nhiều triệu chứng khác nhau. Triệu chứng có thể xuất hiện 2-14 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Các triệu chứng này có thể là:

-Sốt hay ớn lạnh.

-Ho: Đặc điểm thường gặp của ho do COVID-19 là ho khan, kéo dài, và bị hụt hơi sau khi ho.

-Hụt hơi hay khó thở.

-Uể oải, mệt mỏi, kiệt sức (fatigue).

-Đau rêm mình mẩy, bắp thịt.

-Nhức đầu.

-Thay đổi khứu giác (ngửi) hay vị giác (nếm, cảm giác cay, chua, ngọt, mặn…).

-Đau họng.

-Nghẹt mũi, chảy mũi.

-Buồn nôn, ói mửa.

-Tiêu chảy.

Các triệu chứng này có thể nặng hay nhẹ. Nếu nặng như sốt cao, khó thở, mê man, quá kiệt sức, thì phải gọi 911 hoặc đi đến phòng cấp cứu càng sớm càng tốt.

Vì không có triệu chứng nào đặc hiệu cho COVID-19, nên để chẩn đoán xác định, cần phải có xét nghiệm.

Xét nghiệm

Bác sĩ có thể giới thiệu bệnh nhân đến các địa điểm xét nghiệm, hoặc ta có thể (thường là nên và phải lấy hẹn) đến thẳng các địa điểm đó.

Để tìm nơi xét nghiệm, ta có thể Google “covid testing near me,” hay “covid testing in Orange County” (hay quận hạt khác).

Hầu như tất cả các địa điểm này, cho đến nay đều không cần giấy giới thiệu của bác sĩ.

Cần phải có một bài riêng về các xét nghiệm COVID-19, nhưng nói chung, một cách ngắn gọn, có hai nhóm xét nghiệm chinh:

-Xét nghiệm tìm xem ta có kháng thể với COVID-19, tức là có tiếp xúc với COVID-19 hay chưa.

-Xét nghiệm tìm xem ta có đang bị nhiễm COVID-19 không.

Nếu đang có triệu chứng, thì ta cần xét nghiệm này để biết chắc mình có đang nhiễm bệnh hay không

Điều trị

Hơn 80% các trường hợp bị COVID-19 là các trường hợp nhẹ và ta có thể tự chăm sóc cho mình ở nhà.

Dù là có được xét nghiệm xác nhận là ta có bị COVID-19 hay không, ta cũng đều cần:

-Tự cách ly ở trong nhà, trừ trường hợp cần phải đi xét nghiệm hay khám bệnh.

Cần phải gọi trước, để các trung tâm xét nghiệm hoặc phòng khám đó có hẹn cho mình, và có các biện pháp phòng lây lan cho người khác. (Hiện nay, theo khuyến cáo và sự cho phép của chính phủ, các phòng khám đều khám qua điện thoại có hình ảnh (Facetime, Google duo, Viber…) trong đại đa số trường hợp, để hạn chế sự lây nhiễm do sự tụ tập của bệnh nhân).

-Theo dõi cẩn thận các triệu chứng của mình. Nếu thấy triệu chứng trở nặng, thì gọi bác sĩ hoặc 911, hoặc phòng cấp cứu. Hầu hết các phòng cấp cứu đều có xét nghiệm sàng lọc xem có bị COVID-19 không, và sẽ làm các xét nghiệm khác để xem bệnh nhân có bị nặng và cần nhập viện hay không.

-Nghỉ ngơi.

-Giữ sức đề kháng tốt bằng cách:

  • Uống nước đầy đủ: Tùy theo từng trường hợp, nhưng nói chung là khoảng 2 lít ở người trẻ, khỏe; hoặc sao cho nước tiểu vẫn trong, nhiều, không bị vàng khè. Nước uống, nước canh đều tính là “nước.”
  • Ăn thức ăn dễ tiêu và đủ dinh dưỡng: Ăn nhiều bữa nhỏ, không cần sợ mỡ, đường, kiêng khem quá trong lúc bệnh. Cần ăn sao cho thấy ngon, giữ được sức. Chừng nào hết bệnh sẽ kiêng khem tiếp.
  • Ngủ đầy đủ (khoảng 7 đến 9 tiếng đồng hồ mỗi ngày).

-Cần nhớ uống thuốc, kiểm soát tốt các bệnh nền (cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim, suyễn…).

-Tự cách ly trong một phòng riêng, tránh xa những khác trong nhà. Nếu được, thì dùng phòng vệ sinh riêng. Nếu cần tiếp xúc với người khác, cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.

-Cười, bình tĩnh, lạc quan. Vì nếu hốt hoảng, tiêu cực, ta sẽ không thể làm tốt được các việc ăn, ngủ, uống nước, giữ bệnh nền ổn định, như vừa kể trên.

-Cần tránh việc tiếp xúc với ngay cả thú cưng (chó, mèo cưng – bốn chân) của mình.

-Dĩ nhiên việc ra ngoài đi chợ, nấu ăn, cần nhờ người khác. Nên nhờ người khỏe, trẻ nếu có thể được.

Để không bị COVID-19, tốt nhất là nên ngừa bệnh bằng cách giữ khoảng cách 2 mét (nơi công cộng), tránh vào chỗ kín hơi đông người, đeo khẩu trang đúng cách và đúng tiểu chuẩn (ít nhất hai lớp). (Hình: Shafin Al Asad Protic/Pixabay)

Cần gọi 911 hoặc đến phòng cấp cứu ngay nếu:

-Khó thở.

-Đau hay tức ngực liên tục.

-Trở nên mê man, lú lẫn.

-Li bì, không thức dậy được, hoặc không giữ được giữ được sự tỉnh táo.

-Tím tái môi, mặt.

Tóm tắt

-Tốt nhất là nên ngừa bệnh bằng cách giữ khoảng cách 2 mét (nơi công cộng), tránh vào chỗ kín hơi đông người, đeo khẩu trang đúng cách và đúng tiểu chuẩn (ít nhất hai lớp, che mũi miệng, giặt thường xuyên theo hướng dẫn, nếu là loại vải có thể dùng lại, còn loại dùng một lần rồi bỏ, thì chỉ dùng một lần), tránh sờ tay vào mắt, mũi, miệng, rửa tay thường xuyên.

Lúc nào cũng phải cẩn thận, vì rất nhiều người bị COVID-19 mà không có triệu chứng và không biết là họ đã bị nhiễm.

-Giữ sức đề kháng tốt, giữ ổn định các bệnh nền của mình là điều rất quan trọng, vì nó giúp mau hết bệnh và giữ bệnh khó trở nặng (tỷ lệ tử vong của người bị nhẹ chỉ khoảng vài phần trăm, như ở người bị rất nặng, tỷ lệ tử vong lên đến 50%).

-Thấy triệu chứng trở nặng (như kể trên) thì nên gọi 911 hay vào nhà thương sớm.

-Có một số nghiên cứu và nhiều tin trên mạng nói về các trị liệu khác, nhưng chưa được CDC chính thức công nhận và cập nhật. Do đó, cần cẩn thận với các thông tin này.

-Nếu có thể dùng Internet, thì cách tốt nhất để kiểm chứng và cập nhật, là vào website của CDC (Google “CDC treatment of COVID 19”). [qd]

Thân mến

(714) 531-7930, [email protected]

Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Với các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp.

Nhiều thông tin thiết thực và bổ ích khác về sức khỏe cũng được phát trên “Radio Chuyện Sáng Chủ Nhật” ở vùng Orange County, California, vào mỗi sáng Chủ Nhật từ 6 giờ đến 9 giờ, trong chương trình “Câu Chuyện Sức Khỏe Sáng Chủ Nhật.” Nhiều thông tin sức khỏe bổ ích khác cũng có thể tìm thấy trên các website www.nguyentranhoang.comwww.radiochuyensangchunhat.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT