Tết, tình yêu và sức khỏe

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

“Yêu” có thể gợi lên (và mang lại) những gì thật ấm áp, hạnh phúc.

(Cái [tưởng và] gọi là) “yêu” cũng có thể mang lại không biết bao nhiêu đau khổ cho người đang, đã “yêu” và những người có liên quan.  Yêu” lầm (với mê [muội]), có thể làm ta khổ, người được (hay bị) yêu khổ, và (trong những trường hợp phức tạp hơn,) vợ (hay chồng), con, người thân của (chúng) ta khổ.

Trong tầm rộng hơn, “yêu” có thể làm cho rất nhiều người khổ.

Khổ càng sâu và dài nếu ta không (càng) sớm (càng tốt) nhận ra (có phải) mình đã lẫn lộn giữa “mê” và “yêu” (và “cuồng”). (Ví dụ như (mê, cuồng và cứ tưởng là) “yêu” chủ nghĩa này, nọ, lý thuyết này, kia, và bắt người khác phải cùng “yêu”.)

Có phải vì vậy, mà “yêu (ma),” “yêu (quái),” cũng cùng một chữ “yêu.”

“Yêu (mê)” với “con tim (và nguy hiểm hơn nếu cả [và thường là] với khối óc bị (tê mê)) mù lòa,” sẽ là “trái phá” hủy hoại sức khỏe của những người có liên quan.  Kể cả (sức khỏe) về thể chất, tâm thần, lẫn xã hội.

***

Trong những ngày vào Tết, cũng như trong ngày sau Lễ Tình Yêu (Valentine) này, ta đang nói về tình yêu (tạm gọi là) chân chính. Về loại tình yêu mang lại hạnh phúc, niềm vui, sức khỏe.

Tình yêu, lòng yêu thương, (có thể, và nên/cần) là một trong những cách hiệu quả nhất đem lại niềm vui cho mình (và cho người).

Có nhiều loại “tình yêu.” Tình yêu ta đang nói ở đây, là sự giao hòa giữa cho và nhận.

Tìm lại được (niềm vui, quân bình trong tâm hồn cuả) chính mình khi quên mình, sự giao hòa giữa ngã và vô ngã, giữa không với sắc, đó (? có phải,) là bản chất cuả tình yêu.

Cha mẹ yêu thương con, không nề hà, làm mọi việc (dù có cực đến đâu -nhưng vẫn không khổ) cho con nên người.

Với lòng yêu thương, cha mẹ không “hy sinh.” Vì với lòng yêu thương, không có niềm vui nào hơn niềm vui được góp phần vào (và nhìn thấy) sự nên người của con cái mình.

Với tình yêu đồng loại, ta cho ra nhưng không “làm ơn” cho ai cả. (Có chăng là làm ơn cho chính ta).

Ta không chờ ai “trả ơn.” Vì niềm vui của lòng tốt là điều đem lại hạnh phúc toàn vẹn nhất.

Ta không để niềm vui của ta bị phụ thuộc vào ai cả. Ta không cần chờ (mỏi mòn) đến lúc được “trả ơn,” mới vui.

Với lòng yêu thương, ta cho và cùng lúc nhận hàng ngày. Ta hạnh phúc hàng ngày.

Hạnh phúc đến thẳng ngay từ lòng yêu thương của chúng ta. Và cũng từ sự yêu thương của mọi người dành cho ta.

Vì yêu thương (thường, hình như, không sớm thì muộn) sẽ đem lại yêu thương.

***

“Cho” cái gì thích hợp và có lợi nhất cho người mình thương yêu, không phải lúc nào cũng đơn giản.

Cho con tất cả những gì chúng muốn (mà không thực sự cần, có thể còn có hại), chắc chắn, không phải là điều tốt cho chúng.

Cho “anh ấy” (hay “cô ấy”) tất cả những gì người ấy đòi hỏi, chắc chắn, không phải là cách tốt nhất để gìn giữ và phát triển tình cảm giữa hai người.

Cũng vậy, chưa chắc người “cho,” chìu chuộng tất cả những gì mình muốn, dù có hợp lý, có hợp với hoàn cảnh cuả mình và người ấy hay không (? để “mua chuộc” cảm tình của mình), là người thật sự yêu thương mình.

***

Bông hồng, được coi là biểu tượng của tình yêu.

Có phải, vì bông hồng đẹp.  Và, (phải) có gai (mới là bông hồng).

“Gai” của sự (dĩ nhiên, ở đời, ai cũng) không giống nhau (mà hình như, rất, thường, hay bị quên).

“Gai” của (vì gần nhau quá nên thấy và nói “huỵch tẹt” hết) “sự thật (đáng lẽ không nên) mất lòng.”

(Dù rằng “sự thật” có thể khác nhau tùy theo góc nhìn. Nhiều khi, vì gần quá nên chỉ thấy vài bụi cỏ, vết lem, chuyện lặt vặt. Mà không thấy hết khu rừng, mênh-mang.)

“Gai” của sự không biết chấp nhận sự thật, là (cũng như tất cả mọi người trên trái đất này), mình không toàn hảo. Và chưa (kịp) cảm được ơn từ người chấp nhận (? “chịu đựng”) sự không toàn hảo của mình, hàng ngày (này qua ngày kia). Để giận dỗi khi được (nhưng, thường lại là “bị”) người thương yêu của mình cố giúp gột rửa “bụi đời” một cách không (bao giờ, đủ) “tế nhị” (vì không phải (vừa cả) là nhà hiền triết và tâm lý gia).

“Gai” của (vì quá) “thương (nên mới) cho roi, cho vọt” (có phải, nhiều khi, hơi bị nhiều, và “quá liều” – biết bao nhiêu là quá).

Có ai (để ý, để) đếm hết được có bao nhiêu gai trên một nhánh bông hồng?

Có bao lần, vì (vụng về, để) bị “gai đâm,” mà ta (? khờ khạo, tính, hay đã) vứt bỏ bông hồng?

Rồi bây giờ, nhớ lại.

(? Có) thẫn thờ.

(? Có) ngẩn ngơ.

(? Có) quá trễ.

Không có gai, thì có còn (đúng) là bông hồng (tình yêu đích thực)?

***

“Tình là tình nhiều khi không mà có, tình là tình nhiều lúc có như không.”

Nhiều khi, nếu yêu thật sự, không làm gì cả, lại là làm nhiều nhất. Lại là cho nhiều nhất. Lại là cách tốt nhất để đem lại (hay giữ) hạnh phúc cho (những) người mình yêu thương. Khi đó, “càng xa em (hay anh), anh càng (đúng là, thật sự) mới yêu em (hay anh).”

(“Bất chiến tự nhiên thành,” “đi vòng một khắc, đi tắt tối ngày.” Biết “làm” điều lớn nhất bằng cách “không làm gì cả” đúng lúc, đúng chỗ; biết “thuận theo lẽ trời”; có phải là một trong những điều (khó và) ít được chúng ta nhận ra và thực hiện nhất?).

Khi yêu thương thật sự, ta sẽ biết học xem người mình thương yêu thật sự cần gì, để cho những gì thích hợp nhất vào lúc thích hợp nhất. Và niềm vui đến ngay từ lúc đó, dù cho người đó có biết ta đang cho hay không.

(Thường khi, chỉ cần người ấy biết rằng ta đang cho, biết rằng mình đang được thương yêu, đó có thể là niềm hạnh phúc lớn nhất.  Hơn tất cả những gì có thể cân đo đong đếm).

Hình như, nhiều khi, chính vì yêu, mà ta phải (và cần) biết cắm nụ hoa (rất đẹp, nhưng mang mầm khổ) và một bình khô nước.

***

“Yêu là chết…”

“Chết (ở trong lòng… một ít – hay nhiều),” có thể làm ta buồn.

Nhưng mới có thể giúp ta (thật sự nhận ra niềm) hạnh phúc, trong tình yêu

“Chết” đi, (thì, (mới,) có thể) nghĩ đến (hạnh phúc của) người mình yêu (thật sự), thì mới cảm nhận được (chân) hạnh phúc (của mình,) mà tình yêu mang đến.

Khi “chết” đi (cái tôi, không ít khi, rất, thật là, đáng ghét) thì, (hình như), đúng là mới có thể vui sống, muôn đời (như Kinh Hòa Bình đã dạy).

Giống như mùa Xuân, chỉ đến sau mùa Đông, sau khi cây đã (biết, theo qui luật),trụi, rụng hết những gì đã úa, tàn, hết sức sống, đã là quá khứ. Để nhường cho mầm xanh, tươi, mới, có chỗ để vươn lên. Tiếp tục vòng tuần hoàn của sự sống (muôn đời)

***

“Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa.”

Có người cho rằng tình yêu đối ngược với lý trí.  (Có) luận lý, thì không phải là tình yêu.

Có thể là một lúc nào đó, bị “sét đánh” giật mình, “con tim” bị (có) hoa (trong) mắt một chút.  Nhưng nếu biết tìm hiểu và chấp nhận sự thật, biết tỉnh thức, con tim cuả chúng ta sẽ giúp mình chọn đúng cách tốt nhất để cho.

Con tim không những không (nên, nhất thiết phải) mù loà.

Trái lại, con tim có thể (nên, và cần) là “con mắt” sáng nhất, dẫn lối ta đi trong đời.

***

Có người cho rằng có ba con đường để đi đến chân lý là Tâm, Trí và Thiền. Cách này khó hơn cách kia, vân vân và vân vân.

Thật ra, có phải là để tìm và đem lại hạnh phúc cho mình, cho người và cho đời, có phải, ta cần cả ba thứ:

-Mở lòng mình ra yêu thương (Tâm);

-(cố gắng) sáng suốt, khách quan (biết chấp nhận sự thật) một chút (Trí); và

-chịu khó tự suy gẩm một chút (? bước đầu căn bản của Thiền).

Ba chân của cái kiềng này sẽ giúp ta “xào nấu” niềm vui, hạnh phúc cho mình và (dĩ nhiên là phải) cho người?

***

“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”

Bắt đầu từ lòng thương yêu, có phải là một trong những cách tốt nhất để mở ra cái trí thật sự, cái thiền thật sự, để đem lại thành công trong đời.

Trong đó điều đầu tiên, cuối cùng và lớn nhất, có phải, là niềm vui sống, sự bình an trong tâm hồn (là thành phần quan trọng của sức khỏe), hằng ngày?

Thân mến

www.nguyentranhoang.com
(714) 531-7930

Mời độc giả xem phóng sự “Một vòng chợ Tết Phước Lộc Thọ”