Thursday, April 25, 2024

Vợ chồng ly dị, còn căn nhà thì sao

(realtytimes.com) – Khi bạn lập gia đình, bạn nghĩ rằng cuộc hôn nhân sẽ tồn tại mãi mãi. Nhưng như một chuyện thường xảy ra, món thế chấp kéo dài hơn cuộc hôn nhân.

Giữa vấn đề săn sóc sức khỏe, việc nghỉ hưu, tiền cấp dưỡng cho người phối ngẫu, việc trợ cấp con nhỏ, và sự phân chia tài sản, việc quyết định những gì sẽ trở thành của chung có thể cực kỳ khó khăn. Sau đây là một vài lời khuyên để trải qua việc phân chia tài sản trong một vụ ly dị.

Điểm tín dụng 

Nếu bạn có một điểm tín dụng tốt, bạn nên bảo vệ nó. Một điểm tín dụng trên 640 có thể giúp ích rất lớn để bạn mua căn nhà kế tiếp hoặc tái tài trợ căn nhà sau khi ly dị. Cách tốt nhất để ngăn ngừa những thay đổi cho việc đánh giá tín dụng của bạn là đóng mọi tài khoản chung (gồm các tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng).

Nếu bạn không thể đóng mọi tài khoản chung, việc vô hiệu hóa các tài khoản có thể ngăn ngừa một thay đổi bất lợi trong điểm tín dụng của bạn. Nếu người phối ngẫu của bạn có một điểm tín dụng tốt trong khi điểm tín dụng của bạn không có, bạn nên mở những khoản tín dụng dưới tên của bạn. Bằng cách này, nếu bạn cần mua hoặc tái tài trợ một căn nhà, bạn có phương tiện để thực hiện.

Các giải pháp về thuế và sở hữu nhà 

Nói chung, có ba trường hợp chính có thể xảy ra liên quan đến việc trông nom căn nhà.

-Trường hợp thứ nhất: Cả hai bên đồng ý sẽ bán căn nhà, chia số tiền thu được và trả các khoản thuế trên số tiền lời về căn nhà.

-Trường hợp thứ nhì: Một bên vẫn ở trong căn nhà và bên kia dọn đi. Giải pháp này có thể có những hậu quả về thuế đặc biệt cho hoàn cảnh của bạn, do đó hãy tham khảo với một chuyên viên thuế trước khi đưa ra một quyết định cuối cùng.

-Trường hợp thứ ba: Khi trị giá căn nhà ít hơn món nợ thế chấp còn phải trả, và hai vợ chồng không đủ khả năng để thanh toán sự sai biệt. Trong trường hợp này, hai bên hoặc sẽ phải cho thuê căn nhà cho tới khi họ tích tụ đủ trị giá mà họ làm chủ để có thể bán nhà, hoặc họ sẽ cần phải thương lượng để được phép bán căn nhà với giá dưới mức nợ hoặc giao nộp bằng khoán thay vì bị xiết nhà. Việc giao nộp bằng khoán thay vì bị xiết nhà diễn ra khi cả hai bên đồng ý giao lại căn nhà cho ngân hàng đã cho vay tiền để họ mua.

Nếu được thương lượng một cách thích hợp, một vụ giao nộp bằng khoán có thể ít gây hậu quả cho điểm tín dụng của bạn. Nên biết rằng có thể bạn phải đóng thuế trên số tiền sai biệt giữa kết toán món vay còn phải trả và giá mua căn nhà (vì số tiền sai biệt được sở thuế coi như lợi tức của bạn). Nếu ngân hàng không muốn thực hiện một vụ giao nộp bằng khoán hoặc bán dưới mức nợ, căn nhà có thể đi vào thủ tục xiết nhà. Cả hai trường hợp bán dưới mức nợ và xiết nhà đều sẽ có các hậu quả xấu đối với điểm tín dụng của  bạn.

Món thế chấp chung 

Bạn có thể bị kinh ngạc vì mẩu thông tin kế tiếp. Nếu một bên muốn ở lại trong căn nhà, điều bắt buộc là phải tái tài trợ món thế chấp. Nếu không, cả hai bên đều tiếp tục chịu trách nhiệm về món thế chấp chung. Điều đó bất kể bạn có một bản án ly dị hay không. Dù bạn đã từ bỏ chủ quyền để loại tên bạn ra khỏi văn tự sở hữu nhà cũng không thành vấn đề.

Nếu bạn có một món thế chấp chung còn hiệu lực, bạn vẫn có trách nhiệm về món thế chấp đó. Bởi vì bạn đã không tái thương lượng với ngân hàng, món vay nguyên thủy vẫn có hiệu lực. Hãy bảo đảm tái tài trợ căn nhà trước khi hoàn tất các thủ tục ly dị, nếu bạn không muốn tín dụng của bạn có thể bị thiệt hại nếu người phối ngẫu cũ của bạn không trả nợ. Bạn cũng có thể gặp khó khăn để vay một món tiền mua nhà mới, bởi vì món vay cũ sẽ ảnh hưởng với tỉ số nợ nần trên lợi tức của bạn.

Kết luận 

Hầu hết những vụ ly dị đều rắc rối. Vài vụ được giải quyết một cách thân thiện. Nhưng hầu như mọi vụ ly dị đều phức tạp. Việc thực hiện những thận trọng cần thiết sẽ bảo đảm việc hoàn toàn cắt đứt liên hệ với cả người phối ngẫu lẫn căn nhà của bạn. (N.N.)

San Jose: Giá nhà vọt cao ‘chóng mặt’, trung bình 1 triệu Mỹ kim

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT