Wednesday, April 24, 2024

‘Dạ Cổ Hoài Lang’ với Thành Lộc, Hữu Châu trên sân khấu Quận Cam

Nội dung câu chuyện chỉ diễn ra trong một buổi trưa, tại một nơi gió tuyết đang thổi tứ bề, lạnh tê tái. Ông Tư trốn viện dưỡng lão về thăm nhà trong ngày giỗ vợ ông. Những tưởng con trai và đứa cháu nội duy nhất đang ở nhà chuẩn bị mâm cơm cúng người đã khuất, thế nhưng, ông ngỡ ngàng khi nhận ra mình lầm: bánh kem, thức ăn là do cô cháu gái chuẩn bị cho tiệc sinh nhật của bạn trai. Con trai ông thì vẫn phải đi làm trong ngày mà ông Tư cho là rất quan trọng đối với người nhà quê – ngày đám giỗ.

Nén sự hụt hẫng vào lòng, ông Tư gọi điện thoại mời ông Năm, người bạn thân thiết từ thuở ấu thơ, cũng đang sống đời tha hương như ông, sang chơi.

Hai ông già Nam Bộ tổ chức đám giỗ theo cách của mình: nhắc kỷ niệm với người đã mất, cũng là ôn lại những vui buồn của ngày xưa, bên chiếc bàn thờ tạm bợ nhưng có đủ nhang, đèn, và… chiếc bánh kem lén mượn của đứa cháu.

Xung đột kịch trong Dạ Cổ Hoài Lang chính là những xung đột giữa phong tục, tập quán, văn hóa ứng xử giữa hai thế hệ trẻ-già, giữa ông-cháu, giữa nếp nghĩ truyền thống và hiện đại. Nhưng trên hết, sự xung đột đó xảy ra chỉ bởi người con trai của ông Tư – chiếc cầu nối giữa hai thế hệ ông cháu – đã không làm tròn nhiệm vụ, vì mải lo cho cuộc mưu sinh.

Phẫn uất trước cách hành xử của người cháu nội – cũng do những xung đột văn hóa mà mạnh ai nấy cất giữ trong lòng – ông Tư cùng người bạn già ra khỏi nhà trong cơn giá buốt, leo lên mái nhà ngồi để cùng hát cho nhau nghe bài “Dạ Cổ Hoài Lang”. Để rồi, ông Tư đã lặng lẽ ra đi trong khoảnh khắc đó, ngay lúc người cháu nội hiểu ra mọi chuyện, chạy lên xin lỗi ông.

Da-Co-Hoai-Lang-04
Ông Tư (Thành Lộc, phải) và ông Năm (Hữu Châu, trái) cùng thắp nhang vái người đã khuất nhân ngày đám giỗ vợ ông Tư. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Bài hát “Dạ Cổ Hoài Lang” của tác giả Cao Văn Lầu được sáng tác năm 1919, tại Bạc Liêu. “Dạ Cổ Hoài Lang” được chọn làm chủ đề của vở kịch, vì bài hát là sự tượng trưng cho nỗi nhớ quê xưa, vì mỗi lần ông Tư cất giọng hát bài “Dạ Cổ Hoài Lang” là nhắc nhở lại kỷ niệm của tình yêu đầu đời của người con trai mới lớn trong làng.

Bên cạnh sự mâu thuẫn gay gắt của những va chạm văn hóa, vở kịch “Dạ Cổ Hoài Lang” còn làm quyến luyến người xem bởi tính nhân văn thể hiện qua tình cảm chòm xóm giữa những người cùng quê ngày xưa, giờ nơi xứ người, ở tuổi khó hòa nhập vào đời sống mới, họ đã nương vào nhau, nâng đỡ tinh thần cho nhau.

“Quê hương là gì?” – câu hỏi mà cô cháu nội nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, trong vở kịch, để sau cùng khi cô nhận ra “Quê hương chính là ông nội” thì ông đã không còn.

Còn với mỗi chúng ta, “Quê hương là gì?” Đó có thể không phải là chùm khế ngọt, chẳng phải là con sông có tiếng hò ai đó giữa ban trưa, hay lũy tre đầu làng nơi lũ trẻ chọn làm nơi đá dế… Mà quê hương, chính là tình máu mủ, ruột thịt của những người thân yêu biết đùm bọc nhau nơi đất khách quê người.

Dù là kịch bản của 21 năm trước, thế nhưng hôm nay, trên sân khấu hải ngoại, “Dạ Cổ Hoài Lang” vẫn là bài ca xoáy vào đúng tâm tư của người xa xứ.

Thành Lộc, Hữu Châu điêu luyện, xuất sắc trong từng động tác, từng tiếng thở, từng ánh mắt, từng cái nắm lấy bàn tay, đến cả những lời không thốt nên thành tiếng, để người xem cảm nhận được đến tận cùng nỗi tái tê của người già không tìm được chốn nào cho chính mình trên đất khách.

Tường Vi, Lương Thế Thành cũng diễn rất tròn vai, bên cạnh những nghệ sĩ mà tên tuổi họ đã như đóng đanh cho sự thành công của nghệ thuật sân khấu kịch, thật khó để tìm ra được chỗ chê trách.

Da-Co-Hoai-Lang-03
Ông Tư (Thành Lộc, phải) và ông Năm (Hữu Châu, trái) leo lên mái nhà trong ngày buốc giá để thả lòng mình về quê hương qua bài hát “Dạ Cổ Hoài Lang” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Trò chuyện cùng Thành Lộc, “phù thủy của những vai diễn”

Ngay trong giờ nghỉ giải lao giữa hai xuất diễn tại Little Saigon, phóng viên Người Việt đã có cuộc chuyện trò cùng nghệ sĩ Thành Lộc, người thủ vai ông Tư trong “Dạ Cổ Hoài Lang”, cũng là người được đồng nghiệp và khán giả gọi là “phù thủy của những vai diễn” như một lời khen ngợi cho tài năng đặc biệt của anh.

Người Việt (NV): Ra đời cách đây hơn 20 năm, lý do vì sao đến thời điểm này vở “Dạ Cổ Hoài Lang” mới xuất hiện ở Mỹ?

Nghệ sĩ Thành Lộc: Thực ra lý do hết sức khách quan. Cách đây 21 năm, ngay từ khi chúng tôi dàn dựng và thấy kịch phẩm này thành công, được nhiều người yêu mến, chúng tôi đã nghĩ phải chi vở kịch này được diễn ở hải ngoại thì thật là có ý nghĩa. Nhưng lúc đó chỉ là ước mơ thôi, vì thời điểm vở kịch ra đời chưa có những mối quan hệ tốt giữa bầu show ở hải ngoại và các chương trình nghệ thuật trong nước.

Chúng tôi mới dàn dựng lại vở này năm ngoái nhân dịp kịch bản này tròn tuổi 20 tuổi. Khi dàn dựng lại, chúng tôi cũng đã cắt gọn đi, bớt rất nhiều những chi tiết thừa thải, chỉnh sửa lại những câu thoại không còn phù hợp nữa để cho vấn đề còn lại trong kịch bản chỉ là những mối quan hệ tương quan giữa các thành viên trong gia đình Việt Nam khi sống ở hải ngoại, bởi các gia đình Việt Nam khi sống ở hải ngoại, không nhất thiết phải là Mỹ, thì đều khác trong nước. Có lẽ đó là lý do. Còn chuyện vở kịch này đến giờ mới sang được Mỹ thì là một điều may mắn mà đến giờ chúng tôi mới thực hiện được, khi anh Trương Minh Cường của công ty Sala trong một lần tình cờ về nước ghé xem Dạ Cổ Hoài Lang đã nghĩ nếu kịch bản này được đưa sang Mỹ thì quá tốt.

Nghệ sĩ Thành Lộc thủ vai ông Tư trong "Dạ Cổ Hoài Lang" (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Nghệ sĩ Thành Lộc thủ vai ông Tư trong “Dạ Cổ Hoài Lang” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

NV: Sau 20 năm, khi diễn lại vở này, cảm xúc của anh có gì khác khi đứng trên sân khấu tại Sài Gòn và khi đứng trên sân khấu tại Hoa Kỳ?

Nghệ sĩ Thành Lộc: Khi diễn ở Sài Gòn, thì khán giả là những người mà mình đã trải nghiệm với họ gần cả cuộc đời rồi, cho nên nghệ sĩ có thể hiểu được cảm xúc của khán giả như trong lòng bàn tay, vì đó là nhà của mình.

Còn diễn ở hải ngoại là một áp lực rất lớn. Vì không biết là khán giả hải ngoại có biết Thành Lộc là ai hay không, có biết hoạt động kịch nghệ ở nước nhà như thế nào hay không hay câu chuyện chúng tôi kể có phù hợp hay không? Hơn nữa, gu thẩm mỹ của khán giả ở mỗi nơi đôi khi cũng có khác nhau.

Vì sống ở hải ngoại, khán giả hải ngoại bảo vệ, bảo tồn văn hóa Việt Nam một cách khép kín, trong khi sân khấu ở quê nhà đôi khi lại rất táo bạo. Khác nhau là vậy. Cho nên đôi khi mình làm những chuyện táo bạo, những cái táo bạo phù hợp với xu hướng sân khấu thế giới, nhưng chưa chắc với cộng đồng người Việt mình nơi hải ngoại sự táo bạo đó lại phù hợp.

Cho nên chúng tôi rất thận trọng với từng chi tiết, từ ngữ không được phép sai, mà nếu có sai thì cũng trong chừng mực cho phép để người ta có thể nói ‘ồ, vì chúng tôi không ở bên này nên không biết.’

Tuy nhiên, bản thân chúng tôi cũng có sự tự tin là vì nội dung câu chuyện chúng tôi không đề cập đến vấn đề dị biệt văn hóa giữa phương Đông và phương Tây, mà chúng tôi chỉ xoáy mạnh vào vấn đề quan hệ máu mủ giữa người thân trong gia đình. Đó là vấn đề mà trong bất kỳ hoàn cảnh nào người Việt Nam cũng muốn bảo tồn, thì điều đó hợp lý hơn.

NV: Cách đây khoảng một tháng, trong một status trên Facebook của mình, anh đã bày tỏ thái độ chống Trung Quốc bằng cách từ chối diễn lại vai Chu Xung trong vở kịch Lôi Vũ của tác giả Tào Ngu, một người Trung Hoa. Anh cũng như kêu gọi sự thức tỉnh của những người Việt Nam đang thần tượng một số diễn viên Hồng Kông, Trung Quốc, mà đó lại là những người ủng hộ quan điểm cho rằng “Đường Lưỡi Bò” là của Trung Quốc, không chấp nhận phán quyết của tòa quốc tế về “Đường Lưỡi Bò.”  Anh có thể giải thích rõ hơn về điều đó?

Nghệ sĩ Thành Lộc: Tôi không phủ nhận người Hoa là 1 trong số 50 dân tộc hình thành nên nền văn hóa, kinh tế cho Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn. Cho nên quan điểm tôi bày tỏ không phải là tôi ‘bài Hoa’ mà là tôi bày tỏ để cho mọi người thức tỉnh là chúng ta không nên trở thành những ‘fan cuồng’ một cách mù quáng.

Bản thân tôi cũng là một trong những ‘fan cuồng’ của những tài tử Hồng Kông như Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa, Lương Triều Vỹ… Nhưng rõ ràng mình ngưỡng mộ tài năng của họ, mình ngưỡng mộ luôn quan điểm chính trị của họ, là bởi vì mặc dù hiện giờ Hồng Kông thuộc Trung Hoa Lục Địa, nhưng họ vẫn có chính kiến của họ là ủng hộ chính nghĩa.

Còn các nghệ sĩ ở Trung Hoa Lục Địa thì tôi cũng xin được mở ra một vấn đề nữa là có hai cách nghĩ. Một là họ cũng bị áp lực từ chính quyền Bắc Kinh lên những công ty biểu diễn, buộc họ phải làm điều mà họ không muốn. Thứ hai là thật sự họ nghĩ như vậy. Ở cả hai trường hợp thì về danh chánh ngôn thuận họ đã ủng hộ cho luận điểm vô cùng bất chính về “Đường Lưỡi Bò” rồi. Mặc dù nghệ thuật là nghệ thuật, chính trị là chính trị, nhưng với tư cách công dân, họ đã thừa nhận “Đường Lưỡi Bò” là của họ, họ xem tài nguyên lãnh thổ Việt Nam là của họ thì tại sao chúng ta lại ngưỡng mộ những người nghệ sĩ như vậy?

Tài năng là một chuyện, nhưng chúng ta phải biết điểm dừng, như tôi đã nói trong status của mình, rằng, nghệ sĩ Việt trước hết phải là công dân Việt!

Chúng ta có thể không cùng suy nghĩ về nhân sinh quan và thế giới quan nhưng khi đã đụng đến tổ quốc, đụng đến mảnh đất quê hương thì chúng ta phải biết đứng đúng vị trí của mình để lên tiếng. Vì sao? Vì mảnh đất này cưu mang chúng tôi, mảnh đất này cưu mang người nghệ sĩ thì không vì lý do gì mà khi mảnh đất mình bị xâm hại mình lại thờ ơ với điều đó được. Cả những bạn thanh niên trẻ cũng phải biết điều đó. Các bạn đừng quên khi chiến tranh nổ ra chính các bạn phải cầm súng ra chiến trường, chứ không phải ai khác. Cho nên chúng ta phải biết phân biệt chuyện ngưỡng mộ nghệ thuật và ý thức công dân của mình. Đó là điều ai cũng phải suy nghĩ đến, chứ không phải chỉ riêng tôi.

NV: Anh vừa nói về ý thức công dân của mỗi người, nhưng khi người dân lên tiếng về việc bảo vệ lãnh thổ, lên tiếng về sự bạo quyền của Trung Quốc thì họ lại gặp phải nhiều sự rắc rối của chính quyền trong nước. Là một nghệ sĩ tên tuổi, được phong nghệ sĩ ưu tú, thì anh có e sợ điều gì hay không khi mạnh dạn lên tiếng như vậy?

Nghệ sĩ Thành Lộc: Thực ra khi viết ra những điều như thế thì mình không nghĩ đến những chuyện đó nữa. Khi mình phẫn uất thì mình viết thôi, còn chuyện gì xảy ra sau đó thì tính sau.

Thật ra tôi có vài bài viết có liên quan đến Formosa thì đây đó cũng có vài sự “nhắc nhở.” Vì tôi là người của công chúng, người ta biết đến tôi nhiều, nên họ không dám làm khó dễ mình, nhưng họ có “nhắc nhở.”

Có lẽ tôi nói đến đây thì quý vị độc giả cũng cảm thông được là chúng tôi sống ở một nơi mà không phải điều gì cũng có thể làm theo ý mình được. Cho nên trong khả năng mình có thể khơi dậy lòng yêu nước của những người xung quanh trong mức độ nào có thể làm thì tôi làm, thế thôi.

Tôi cũng mong là có nhiều người làm như tôi, vì một con én không thể làm được mùa Xuân, nhưng mà mình có làm thì mình cảm thấy lương tâm mình thanh thản hơn.

————–

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT