Wednesday, April 24, 2024

10 chuyện vui của phim tình cảm hài hay nhất mọi thời đại ‘Pretty Woman’

HOLLYWOOD, California (NV) – Công chiếu vào ngày 23 Tháng Ba, 1990, “Pretty Woman” được đánh giá là phim tình cảm hài hay nhất mọi thời đại. Tháng Ba này là kỷ niệm 30 năm bộ phim “Pretty Woman” ra mắt khán giả.

Phim kể về tỉ phú Edward Lewis (Richard Gere đóng) tình cờ gặp cô gái điếm Vivian Ward (Julia Roberts đóng) ở khu “đèn đỏ” của thành phố Los Angeles, trên Đại Lộ Hollywood, rồi cuối cùng, đem lòng yêu thương cô.

Theo kịch bản gốc, đây là câu chuyện bi thảm về giai cấp và nghề mại dâm ở Los Angeles, nhưng đạo diễn Garry Marshall chỉnh sửa lại nội dung, biến tác phẩm này thành phim tình cảm hài với số tiền đầu tư khổng lồ $14 triệu, theo Wikipedia.

Nhưng có lẽ ông Marshall không bao giờ hối tiếc, vì “Pretty Woman” vô cùng thành công, là bộ phim kiếm tiền nhiều thứ ba trong năm 1990.

Chỉ trong tuần đầu tiên trình chiếu, phim thu được hơn $11 triệu, đứng đầu doanh số bán vé. Sang tuần thứ hai, dù rơi xuống thứ nhì, nhưng phim vẫn đem về hơn $12 triệu.

Vai Vivian đưa Julia Roberts lên hàng ngôi sao và được đề cử giải Oscar. Khi nhận vai, Roberts chỉ đưa ra một điều kiện: “Tôi không cởi đồ đâu đó.” Trong hình, Julia Roberts nhận giải thưởng “Nữ Diễn Viên Điện Ảnh Được Yêu Thích” trong lễ trao giải People’s Choice Awards hồi năm 2001 tại Pasadena, California. (Hình: Lucy Nicholson/AFP via Getty Images)

Tính đến nay, “Pretty Woman” kiếm được tổng cộng hơn $460 triệu khắp thế giới, và vẫn là bộ phim xếp loại R (R-rated: Khán giả dưới 17 tuổi phải có người lớn đi theo) đạt doanh thu cao nhất của hãng Disney.

Cũng như nhiều bộ phim khác, có nhiều chi tiết thú vị bất ngờ mà ít ai biết về “Pretty Woman.”

1-Theo kịch bản gốc, phim có tên là “Three Thousand,” viết bằng chữ, chứ không phải bằng số. Đây là số tiền mà tỉ phú Edward trả cho cô gái điếm Vivian để ngủ với cô ta một tuần.

2-Đạo diễn Marshall “nhắm” nhiều nữ tài tử khác đã nổi tiếng cho vai Vivian. Có tin Sandra Bullock, Madonna, Drew Barrymore, Kristin Davis, Meg Ryan, Sarah Jessica Parker, Molly Ringwald… đều được mời thử vai. Nhưng tất cả đều không đạt, vì người thì trẻ quá, người thì không muốn đóng gái mại dâm, người thì chê kịch bản dở…

Richard Gere đóng vai chính tỉ phú Edward Lewis thừa nhận rằng không có “Pretty Woman” có lẽ ông không bao giờ tiếp tục đóng phim tình cảm hài nữa. (Hình: Valery Hacheafp via Getty Images)

Cuối cùng, đạo diễn Marshall đành chọn Julia Roberts, lúc đó 21 tuổi, hầu như chưa có tên tuổi, chỉ mới tham gia bộ phim “Mystic Pizza” (năm 1988), và bộ phim sắp được chiếu là “Steel Magnolias” (năm 1989). Vai Vivian lập tức đưa Roberts lên thành ngôi sao và là nữ hoàng phim tình cảm hài của những năm 1990. Vai diễn này cũng giúp cô nhận đề cử giải Oscar Nữ Diễn Viên Chính năm 1991.

3-Khi nhận vai, Roberts chỉ đưa ra một điều kiện. Lần đầu tiên gặp đạo diễn Marshall, cô nói liền: “Tôi không cởi đồ đâu đó.” Thực ra, gần cuối phim, có một cảnh Roberts cởi áo nhưng rất nhanh và không thấy rõ.

Được biết, khi đóng cảnh này, Roberts căng thẳng đến mức mạch máu trên trán nổi rõ lên, khiến cả đạo diễn Marshall lẫn tài tử Gere phải mát-xa cho cô.

Đạo diễn Garry Marshall sửa lại kịch bản gốc để “Pretty Woman” kết thúc có hậu. (Hình: themoviedb.org)

Ngoài ra, phim hầu như “sạch sẽ.” Đây cũng là điều nhiều nhà phê bình đánh giá cao “Pretty Woman,” vốn là phim về một gái điếm mà theo kịch bản gốc, vài phút đầu tiên là có cảnh khỏa thân và làm tình.

4-Cũng như vai nữ chính, nhiều ngôi sao thời đó được đạo diễn Marshall “chấm” cho vai nam chính-tỉ phú Edward Lewis, như Christoper Reeve, Daniel Day-Lewis, Kevin Kline và Denzel Washington. Hai tài tử Al Pacino và Burt Reynolds thì từ chối. Sau này, Reynolds nói ông thấy mình “phạm sai lầm lớn” khi xem những cảnh “nóng bỏng” của Julia Roberts trong phim.

Ban đầu, Richard Gere cũng từ chối. Nhưng khi ông gặp Roberts, cô thuyết phục ông và ông đồng ý nhận vai. Có tin, lúc đầu Gere vào vai “sung” quá, khiến đạo diễn Marshall phải kéo ông ra một bên nói: “Không được, không được, không được, Richard ơi. Trong phim này, chỉ có một trong hai người được chuyển động, còn người kia thì không. Anh biết anh là người nào rồi chứ gì?”

Bộ đầm đỏ này theo kịch bản gốc là màu đen. (Hình: thecurrent.org)

5-Richard Gere từng “quên” bộ phim này. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012, tài tử này nói ông không còn nhớ gì về “Pretty Woman.”

“Người ta hỏi tôi về bộ phim đó, nhưng tôi quên mất,” Gere nói với tạp chí Woman’s Day ở Úc. “Đó chỉ là phim tình cảm hài nhàm chán.”

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng không có “Pretty Woman” có lẽ ông không bao giờ tiếp tục đóng phim tình cảm hài nữa. “Lúc đó, tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ đóng được một phim như vậy. Tôi nghĩ mình không phù hợp với thể loại phim đó. Tôi là người khá cứng rắn,” ông nói với tạp chí The Hollywood Reporter. “Đóng vai yếu mềm đó không hề dễ dàng chút nào.”

Thực tế, sau “Pretty Woman,” Gere cũng rất thành công với nhiều phim tình cảm hài khác như “Runaway Bride,” “Shall We Dance”…

6-Ferrari và Porsche bỏ lỡ cơ hội quảng cáo xe. Trong phim, tỉ phú Edward chạy xe hơi trên Đại Lộ Hollywood, nhưng cả hai hãng này đều không muốn tài trợ vì không muốn nhãn hiệu của mình dính líu đến gái mại dâm. Lotus Cars nhìn thấy cơ hội quý giá này nên cung cấp cho phim chiếc Silver 1989.5 Esprit SE.

Trong áp phích, chỉ có Gere chụp cả người, còn Roberts chụp phần đầu, phần dưới là của diễn viên đóng thế. (Hình: tvtropes.org)

7-Trong kịch bản gốc, Vivian qua đời ở cuối phim. “Pretty Woman” là phim kết thúc có hậu: tỉ phú Edward và cô gái điếm Vivian cuối cùng đến với nhau đầy hạnh phúc.

“Nhưng trong kịch bản gốc, đây là câu chuyện u ám – hình như cuối cùng cô ấy chết vì phê ma túy quá liều,” ông Jeffrey Katzenberg, cựu giám đốc Disney, cho biết vào Tháng Ba, 2017.

Còn theo ông J.F. Lawton, người viết kịch bản cho “Pretty Woman,” thậm chí sau khi bắt đầu quay phim, mọi người cũng không biết phim sẽ kết thúc ra sao.

“Lúc đầu, chẳng ai biết phim nên kết như thế nào,” ông Lawton nói. “Nhưng càng quay thì mọi người càng nhận thấy Julia và Richard có duyên với nhau quá nên phải đồng ý rằng hai người phải đến với nhau cuối phim.”

8-Bộ đầm đỏ rất đẹp mà Vivian mặc đi xem opera lẽ ra, theo kịch bản, là màu đen. Nhưng nhà thiết kế phục trang Marilyn Vance thuyết phục đạo diễn đổi sang màu đỏ. Bộ đầm này được đánh giá là một trong những bộ đầm gây ấn tượng nhiều nhất mọi thời đại.

Cảnh tỉ phú Edward chọc quê Vivian khi trao hộp dây chuyền là không có trong kịch bản. (Hình: demandabolition.org)

9-Người trong áp phích quảng cáo phim không phải là Roberts. Trong tấm hình này, chỉ có Gere là chụp “nguyên người,” còn Roberts chỉ có phần đầu, phần dưới là của diễn viên đóng thế.

10-Cảnh Edward “chọc quê” Vivian khi trao cô chiếc hộp đựng sợi dây chuyền là không có trong kịch bản, nhưng có tính toán trước. Đây là một trong những cảnh đáng nhớ nhất trong phim. Khi Vivian đưa tay ra lấy chiếc dây chuyền thì Edward bất ngờ đóng nắp hộp lại, khiến cô giật mình cười. Có thể nhiều người biết Gere đi ra ngoài kịch bản, nhưng ít ai biết rằng đó là “chiêu” của đạo diễn Mashall. Để làm gì?

“Hồi đó, cô ấy còn trẻ, khi nào không quay phim là cô ấy ra ngoài chơi. Đôi khi, cô ấy đến trường quay nhìn rất uể oải, nên chúng tôi phải làm cho cô ấy tỉnh,” ông Marshall nói với báo USA Today. “Tôi nói, ‘Richard, anh phải làm cho cô ấy tỉnh dậy một chút. Nên khi cô ấy đưa tay lấy chiếc hộp thì đóng lại liền.’ Chiếc hộp đó mềm thôi. Tôi không bao giờ muốn làm cô ấy đau.” (Thanh Long)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT