Friday, April 19, 2024

6 phim tạo cảm hứng nấu ăn ở nhà trong dịch COVID-19

Thanh Long/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Do đại dịch COVID-19 khiến nhà hàng khắp thế giới phải đóng cửa hoặc giảm giờ mở cửa, nhiều người buộc phải tự nấu ăn ở nhà.

“Babette’s Feast” là phim Đan Mạch đầu tiên đoạt giải Oscar Phim Nước Ngoài Hay Nhất. (Hình: aleteia.org)

Tuy nhiên, loanh quanh suốt ngày trong bếp dễ làm người ta phát chán. Nếu ai cảm thấy không muốn đụng vào nồi, niêu, xoong, chảo nữa, những phim sau đây có thể đem lại cảm hứng nấu ăn cho họ.

Babette’s Feast (1987)

Từng một thời là đầu bếp danh tiếng ở Paris, sau Cách Mạng Pháp, cô Babette (do Stephane Audran đóng) chạy lánh nạn bạo loạn đẫm máu ở đây, đến tị nạn trong căn nhà nhỏ của hai chị em cao niên Filippa (Bodil Kjer) và Martine (Birgitte Federspiel) trong ngôi làng trên bán đảo Jutland của Đan Mạch. Cha của hai chị em này đã qua đời. Ông từng là mục sư nghiêm khắc, và tôn giáo mà ông lập ra vẫn còn sức ảnh hưởng lớn ở ngôi làng hẻo lánh này.

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 100 của ông, Babette bí mật lấy hết tiền trúng số nấu bữa tiệc kiểu Pháp thịnh soạn, như để bày tỏ lòng biết ơn với hai vị chủ nhà cũng như dân làng vốn sống thanh đạm. Bữa ăn gồm súp rùa, chim cút rô ti, trứng cá và nhiều loại rượu vang hảo hạng. Mặc dù lúc đầu thực khách miễn cưỡng ăn những món mà họ cho là xa xỉ và đầy tội lỗi này, sau đó, món quà của Babette trở thành thứ gì đó có tác động đến tâm linh của họ.

“Babette’s Feast” được chuyển thể từ truyện ngắn “Out of Africa” của nhà văn Karen Blixen, và bao gồm một số ngôi sao hàng đầu của điện ảnh Âu Châu. Đây là phim Đan Mạch đầu tiên đoạt giải Oscar Phim Nước Ngoài Hay Nhất. Bộ phim được yêu thích đến mức có thời nhà hàng khắp nước Mỹ bán những món đặc sản như trong bữa tiệc linh đình của Babette.

Burnt (2015)

Tài tử Bradley Cooper đưa khán giả đi sâu vào kỹ nghệ ẩm thực cao cấp của thế giới trong “Burnt.” (Hình: ncronline.org)

Thêm một phim kể về người từng là đầu bếp hàng đầu Paris. Adam Jones (do Bradley Cooper đóng) nấu ăn có tiếng ở thủ đô Pháp cho đến khi ma túy và bia rượu làm tan nát sự nghiệp. Sau khi từ New Orleans chuyển đến sống ở London, Adam có cơ hội làm lại cuộc đời cũng như lấy lại danh tiếng nhờ người chủ cũ thuê anh làm đầu bếp trưởng cho nhà hàng cao cấp của ông, dù miễn cưỡng. Cùng với nhóm nhân viên mới tuyển và bằng tính cầu toàn cao độ, Adam cố gắng biến giấc mơ từ lâu của anh trở thành hiện thực: Đoạt ngôi sao Michelin thứ ba.

Được John Wells làm đạo diễn, “Burnt” đưa khán giả đi sâu vào kỹ nghệ ẩm thực cao cấp của thế giới, và bất kỳ người nào hâm mộ Bradley Cooper cũng sẽ yêu thích vai diễn này của anh.

Jiro Dreams of Sushi (2011)

Ông Jiro Ono (trái) được coi là đầu bếp sushi giỏi nhất thế giới còn sống, và con trai Yoshikazu. (Hình: commons.wikimedia.org)

Bộ phim tài liệu về ẩm thực nay được xem cổ điển này kể về ông Jiro Ono, 86 tuổi, đầu bếp sushi nổi tiếng thế giới, cả đời cống hiến cho nghề làm sushi.

Được những người làm loạt phim tài liệu ăn khách “Chef’s Table” trên Netflix thực hiện, “Jiro Dreams of Sushi” giải thích cặn kẽ cách ông Ono tạo ra những miếng sushi ngon tuyệt, cũng như cách ông làm thay đổi nghề thủ công này bằng kỹ thuật mới.

Jiro Ono được coi là đầu bếp sushi giỏi nhất thế giới còn sống. Xem ông nỗ lực không ngừng để đạt đến sự hoàn hảo sẽ khiến khán giả vừa cảm thấy ngưỡng mộ vừa có hứng nấu ăn.

Julie & Julia (2009)

Diễn viên Amy Adams tự thách đố bản thân nấu hơn 500 món trong đúng một năm trong “Julie & Julia.” (Hình: npr.org)

Bộ phim chính kịch pha hài của đạo diễn Nora Ephron được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của nhà văn Julie Powell và hồi ký “My Life in France” của ngôi sao dạy nấu ăn Julia Child.

Amy Adams đóng vai Powell, một blogger cá tính mạnh mẽ ở New York tự thách đố bản thân nấu toàn bộ 524 món trong cuốn sách “Mastering the Art of French Cooking” của Child trong đúng một năm. Cùng lúc đó, khán giả tìm hiểu cuộc đời của Child (Meryl  Streep) suốt thời gian bà khó nhọc theo học trường Cordon Bleu những năm 1940 ở Paris, trên đường trở thành biểu tượng ẩm thực của Mỹ.

Từ đổ thịt đông (aspic) đến lóc xương vịt, câu chuyện tuy không mang nhiều tính điện ảnh, nhưng lối diễn xuất dễ thương của Adams và khôi hài của Streep, cộng với những món ăn hấp dẫn, bảo đảm vẫn khiến khán giả không chỉ muốn xem phim mà còn muốn lao ngay vô bếp nấu nướng.

Little Forest (2018)

Kim Tae Ri đóng vai cô gái tìm kiếm niềm khuây khỏa qua nấu ăn trong “Little Forest.” (Hình: homemcr.org)

Nấu ăn ở nhà có công dụng giải tỏa căng thẳng, không những cho người ăn mà còn cho người nấu. Trong “Little Forest” của đạo diễn Nam Hàn Yim Soon Rye, chuyển thể từ truyện tranh của Daisuke Igarashi, một cô gái tìm kiếm niềm khuây khỏa trong công thức nấu món lành mạnh được mẹ nghĩ ra.

Kim Tae Ri (nổi tiếng nhất qua phim “The Handmaiden”) đóng vai Song Hye Won, một cô gái trở về quê sau khi không tìm được thành công trên thành phố lớn. Về đến nhà, cô thấy mẹ đã ra đi, nhưng để lại cho cô quyền tự do sử dụng căn nhà cùng khu vườn trồng đầy đủ rau quả.

Những gì xảy ra sau đó là câu chuyện đẹp, đầy chất thơ, ca ngợi nỗ lực tự cải thiện bản thân cũng như tính tự lập, nhờ những món ăn chay tự nhiên, lành mạnh, phong phú. Trong vòng một năm, lối sống và công thức nấu ăn của Hye Won thay đổi theo mùa, nhưng các món ăn lúc nào nhìn cũng “thấy thèm,” ngay cả với người chỉ thích ăn thịt.

The Lunchbox (2013)

“Lunchbox” là phim ẩm thực rất thành công về tiền vé của Ấn Độ-Pháp-Đức-Mỹ. (Hình: asiasociety.org)

Người ta thường nói con đường nhanh nhất đi đến trái tim đàn ông là qua bao tử, và bữa ăn được nấu bằng lòng yêu thương tạo ra sức mạnh tình cảm lớn lao như thế nào. Đó chính là trường hợp xảy ra trong bộ phim tình cảm cực kỳ thành công của đạo diễn Ritesh Batra, cho dù bữa ăn đi lộn vào bao tử ông khác.

“The Lunchbox” nhắc đến nét đặc trưng nổi tiếng của Ấn Độ, nhất là thành phố Mumbai, đó là dabbawala, tức hệ thống dịch vụ giao bữa ăn từ nhà hoặc tiệm cho nhân viên văn phòng mỗi ngày.

Trong phim, tài tử quá cố Irffan Khan đóng vai một ông trung niên góa vợ đang tính nghỉ hưu. Một bữa nọ, tình cờ, ông nhận được hộp cơm trưa được giao lộn địa chỉ. Đó là phần ăn được một bà gửi cho chồng làm việc xa nhà. Ông viết vài dòng cảm ơn gửi cho bà ấy và tình cảm thân mật nảy sinh giữa hai trái tim cô đơn này.

“The Lunchbox” gây tranh cãi ầm ĩ khi các giới chức Ấn Độ chọn phim này đi tranh cử giải Oscar năm đó, mặc dù phim được khen ngợi rất nhiều ở cả Liên Hoan Phim Cannes lẫn Toronto và thu được hơn $17 triệu tiền vé khắp thế giới. Lý do gây tranh cãi? Dabbawala chưa bao giờ giao lộn địa chỉ. (Thanh Long) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT