Thursday, April 18, 2024

‘Greyhound,’ phim Đệ Nhị Thế Chiến với nhiều bài học cho COVID-19

Thanh Long/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Tài tử Tom Hanks “rất đau lòng” vì bộ phim về Đệ Nhị Thế Chiến của ông không thể chiếu ở rạp do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông hy vọng phim vẫn có thể đem đến cho khán giả vài bài học về cách ửng xử phù hợp trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu.

Phim “Greyhound” do ông Hanks viết kịch bản và đóng vai chính, bắt đầu chiếu trên Apple Plus+ từ ngày 10 Tháng Bảy.

Phim kể về vị hạm trưởng mới lên chức Ernest Krause được giao nhiệm vụ hộ tống hạm đội của quân Đồng Minh băng qua vùng biển Bắc Đại Tây Dương lạnh giá thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Trên đường đi, họ luôn bị tàu ngầm của Đức Quốc Xã rình rập, tấn công. Hạm Trưởng Krause cũng như thủy thủ đoàn non trẻ của ông luôn ở trong tình trạng căng thẳng vì phải băng qua vùng biển đầy nguy hiểm, ngoài tầm bảo vệ của không quân. Nhưng tất cả họ đều hết lòng đoàn kết với nhau để bảo đảm an toàn cho nhau, cũng như cho hạm đội.

“Những chàng trai trên khu trục hạm đó phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, và chỉ biết cầu trời, cầu may để vượt qua,” ông Hanks cho hay trong buổi họp báo trực tuyến. “Không ai biết COVID-19 sẽ kéo dài bao lâu, không ai biết người nào sẽ chết vì dịch bệnh này… Chẳng cần đi đâu xa để thấy được điểm giống với những năm chiến tranh.”

Có lẽ ông Hanks biết. Ngôi sao 64 tuổi này là diễn viên hạng A đầu tiên của Hollywood nhiễm COVID-19 hồi Tháng Ba. So sánh biện pháp đơn giản ngừa dịch bệnh hiện nay như giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang, với mối nguy hiểm mà thủy thủ thời Đệ Nhị Thế Chiến đối mặt, như ngư lôi xé toang dòng nước băng giá rồi đâm vào thân tàu, ông Hanks trở nên phẫn nộ.

“Tôi nghĩ ai không thể làm được ba việc đơn giản đó thì thật đáng xấu hổ,” ông nói. “Đừng làm ỏng làm eo. Hãy thực hiện đi. Rất, rất đơn giản.”

“Greyhound” dựa trên tiểu thuyết “The Good Sheperd” xuất bản năm 1955 của nhà văn C.S. Forester. (Hình: en.wikipedia.org)

Dự án “tâm huyết” phải chiếu online thay vì ở rạp

Vốn là người đam mê lịch sử, ông Hanks viết kịch bản “Greyhound” dựa trên tiểu thuyết “The Good Sheperd” xuất bản năm 1955 của nhà văn C.S. Forester. Ông mất đến bảy năm mới hoàn tất kịch bản, bắt đầu từ lúc nhìn thấy bản copy của cuốn tiểu thuyết.

“Ngoài bìa cuốn sách vẽ hình [Hạm Trưởng] Ernest Krause tóc bạc, không cài nút áo, mệt lả, quân phục bay phần phật trong gió, sau lưng là nhiều chiếc tàu đang chìm và bốc cháy ở chân trời,” ông Hanks nhớ lại. “Lúc đó, tôi nghĩ nhân vật này bị đuối sức. Nhân vật này vừa trải qua những chuyện kinh hoàng.”

Tài tử Tom Hanks viết kịch bản và đóng vai chính – Hạm Trưởng Ernest Krause. (Hình: motionpictures.org)

Đạo diễn Aaron Schneider hợp tác làm phim này với Hanks từ năm 2016. Ông dựng một bối cảnh phim dựa theo chiếc USS Kidd, khu trục hạm duy nhất thời Đệ Nhị Thế Chiến của Mỹ còn tồn tại đến nay mà không bị chỉnh sửa. Để tăng thêm độ chính xác, vài cảnh bên trong được quay trên chính chiếc tàu này tại bảo tàng ở Louisiana.

Nhưng do rạp chiếu phim ở Mỹ phải đóng cửa vì COVID-19, ông Hanks nói ông “đau lòng” vì khán giả không được xem dự án đầy tâm huyết của ông trên màn ảnh rộng để cảm nhận được quy mô của các cảnh quay.

Các nhà sản xuất “Greyhound” tính toán rằng nếu hoãn chiếu bộ phim này để chờ đến khi nào rạp mở lại thì sẽ phải cạnh tranh với hàng chục bộ phim lớn khác đang tranh giành suất chiếu cho mùa Đông năm nay cũng như cả năm 2021.

Do đó, hãng Sony quyết định bán “Greyhound” độc quyền cho dịch vụ chiếu phim trực tuyến Apple TV+.

“Tất cả chúng tôi đều đau lòng vì phim không được chiếu ở rạp,” ông Hanks cho hay. “Nhưng dù sao, phim cũng được chiếu vào đúng lúc COVID-19 đang diễn ra.”

“Giống như ông Ernest Krause đang ở giữa Đại Tây Dương, không biết khi nào, làm sao, và liệu ông ta có thể sống sót và hoàn thành nhiệm vụ hay không, tất cả chúng ta hiện nay đang ở giữa đại dịch COVID-19, vốn gây hậu quả nặng nề gấp năm lần chúng ta dự đoán. Chúng ta cũng không biết khi nào, làm sao, và liệu chúng ta có thoát khỏi đại dịch này hay không, và cũng không biết ai sẽ là người thiệt mạng kế tiếp.”

Phim “Greyhound” kể về khu trục hạm USS Keeling (biệt hiệu “Greyhound”) hộ tống hạm đội của quân Đồng Minh băng qua vùng biển Đại Tây Dương nguy hiểm. (Hình: motionpictures.org)

“Greyhound” lập kỷ lục số người xem trên Apple TV+

Trước khi đại dịch COVID-19 làm đảo lộn đời sống khắp thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng, bộ phim mới nhất của Tom Hanks dự trù công chiếu ở rạp dịp cuối tuần lễ Father’s Day.

Tuy nhiên, vì rạp chiếu phim đóng cửa vô thời hạn khiến các hãng phim phải tìm đủ mọi cách bù lỗ, bản quyền chiếu “Greyhound” được hãng Sony bán cho Apple.

Đây là kết quả vừa vui vừa buồn cho đạo diễn Schneider, mặc dù có tin “Greyhound” lập kỷ lục về số khán giả trên Apple TV+ trong những ngày cuối tuần đầu tiên ra mắt (giống như Netflix, Apple không công bố dữ liệu khán giả chính thức), và được hầu hết nhà phê bình khen ngợi.

“Chúng tôi làm bộ phim này để chiếu ở rạp. Chúng tôi muốn đông người cùng ngồi trong bóng tối cùng xem một bộ phim lớn trên màn ảnh lớn với âm thanh lớn,” đạo diễn Schneider cho hay trong buổi phỏng vấn với tạp chí Vanity Fair mới đây. “Tôi nghĩ các nhà làm phim cũng như bất kỳ ai tham gia bộ phim đều có quyền thất vọng vì phim được chiếu ở nơi chúng tôi không mong muốn. Nhưng mặt khác, tình hình thế giới bây giờ là như vậy, và chúng tôi làm phim là để khán giả xem. Nếu không có khán giả, coi như khỏi chiếu.”

Trên đường đi, Hạm Trưởng Krause cùng thủy thủ đoàn non trẻ của ông luôn trong tình trạng căng thẳng vì cả hạm đội luôn bị tàu ngầm Đức rình rập, tấn công. (Hình: motionpictures.org)

“Greyhound” kể về một phần Trận Chiến Đại Tây Dương. Trong suốt chặng đường kéo dài 48 tiếng hộ tống hạm đội của quân Đồng Minh, khu trục hạm USS Keeling (biệt hiệu “Greyhound”) của Hạm Trưởng Krause phải chiến đấu với hai chiếc tàu ngầm của Đức Quốc Xã luôn cố gắng bắn chìm càng nhiều tàu càng tốt.

Với thời lượng khoảng 90 phút, phim dẫn khán giả ngay vào cảnh hành động trên biển hấp dẫn, sau đoạn đầu ngắn gọn giới thiệu ông Krause là sĩ quan Hải Quân chờ được thăng chức chỉ huy từ lâu.

Ngay khi hạm đội mà chiếc Greyhound hộ tống chuẩn bị ra khỏi tầm bảo vệ của không quân Mỹ và bắt đầu băng qua “The Black Pit” – tuyến đường biển rộng lớn nằm chính giữa Đại Tây Dương – máy dò tàu ngầm của khu trục hạm phát hiện một chiếc tàu ngầm của Đức Quốc Xã. Rồi thêm chiếc nữa. Căng thẳng tăng lên liên tiếp, trong đó thủy thủ đoàn của Hạm Trưởng Krause có lúc chiến thắng, có lúc tổn thất nặng nề.

“Greyhound” được đánh giá là khó hiểu

Những cảnh quay bên trong tàu được thực hiện trên khu trục hạm USS Kidd đang trưng bày tại bảo tàng ở Louisiana. (Hình: downtownbatonrouge.org)

Phim “Greyhound” chứa rất nhiều thuật ngữ quân sự nhưng không bao giờ giải thích cho khán giả biết ý nghĩa, mà thay vào đó, dựa vào kỹ thuật dựng phim và tài nghệ diễn xuất của chính Hanks để lôi cuốn người xem.

Theo đạo diễn Schneider, các nhà làm phim không giải thích thuật ngữ quân sự là có mục đích.

“Ai đọc sẽ thấy hầu hết những kịch bản phim đều dựa vào câu thoại,” ông Schneider nói. “Nếu ai đọc kịch bản ‘Greyhound’ mà chăm chăm vào câu thoại – nào là lệnh điều khiển tàu, nào là khoảng cách sóng âm – thì sẽ nhanh chóng bị rối mù hoàn toàn. Vì đó không phải là cái chính của bộ phim này. Chúng tôi cố tình viết kịch bản giống như đẩy khán giả lên chiếc USS Keeling rồi để họ tự khám phá và tìm hiểu mọi chuyện trên tàu.”

Ngoài ra, để hiểu được nội dung phim, khán giả cần biết rằng Trận Chiến Đại Tây Dương là trận chiến dài nhất trong Đệ Nhị Thế Chiến. Một mặt, hạm đội của quân Đồng Minh được giao nhiệm vụ vận chuyển vật dụng, thiết bị quan trọng, cũng như binh lính từ Mỹ sang Anh và Liên Xô. Số hàng này cực kỳ thiết yếu để hỗ trợ cuộc chiến chống Đức Quốc Xã, và trên thực tế, đóng vai trò đáng kể trong việc đánh bại quân Đức.

Tài tử Tom Hanks “đau lòng” vì phim không được chiếu ở rạp do COVID-19, mặc dù “Greyhound” lập kỷ lục về số người xem trên Apple TV+. (Hình: motionpictures.org)

Không có số hàng khổng lồ này, có lẽ cả Anh lẫn Liên Xô không thể kéo dài cuộc chiến chống phe phát xít Đức – Ý – Nhật. Và có lẽ Mỹ cũng không có bất kỳ cách nào để tham gia.

Trận chiến kéo dài từ năm 1939 đến hết năm 1945. Trong thời gian đó, Đức tung ra rất nhiều tàu ngầm nguy hiểm nhằm phá vỡ tuyến đường tiếp viện này. Hàng ngàn chiếc tàu của quân Đồng Minh bị bắn chìm mặc dù được bảo vệ hết sức kỹ càng. Tuy nhiên, hàng trăm tàu ngầm Đức cũng phải trả giá đắt.

Cuối cùng, quân Đồng Minh may mắn tịch thu được nhiều chiếc máy mật mã quan trọng có tên Enigma mà Đức Quốc Xã dùng để liên lạc với nhau. Sau đó, quân Đồng Minh tìm ra mật mã, giúp họ biết hết kế hoạch của người Đức. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT