Friday, April 26, 2024

Kênh Nhiêu Lộc, màu nước mới, quán nhậu mới

 


Trần Tiến Dũng/Người Việt



Trước biến cố 1975, người bình dân Sài Gòn chiều chiều thường ra ra bến Bạch Đằng trốn nóng hóng gió. Nhưng  cái hình ảnh vợ chồng con cái mặc đẹp đi bát phố ăn kem, uống nước mía  gần như đã không còn thấy.


Ngày nay, ở Sài Gòn nói về chuyện chạy tìm khoảng không để “hóng  gió” thì cánh đàn ông chui vào quán nhậu còn phe phụ nữ  thì đi ké hơi máy lạnh ở siêu thị.


Quán nhậu ở Sài Gòn thì khắp phố cùn, hẻm cụt đâu mà chẳng có, nhưng trong vài năm gần đây người bình dân thường rủ nhau đi nhậu ở bờ kè kênh Nhiêu Lộc.









Lai rai phố không chỉ một quán nhậu mà suốt hai bờ kênh Nhiêu Lộc nơi nào cũng có quán để lai rai. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)


Phải nói kênh Nhiêu Lộc từ khi nhận được mấy trăm triệu đô la của ngân hàng thế giới (WB) đã từ dòng kênh thúi chuyển sang hết thúi; có người nói rằng trong tất cả các nạn nhân đau khổ của hai tiếng cải tạo dưới chế độ cộng sản thì con kênh này đươc cải tạo để thoát chết hồi sinh, và người dân ở hai con đường Trường Sa và Hoàng sa cặp theo con kênh đã tìm thấy cơ hội mở quán mua bán đủ thứ. Nhưng đắt hàng đắt khách nhất vẫn là quán nhậu.


Thiệt là không thể đếm hết số quán nhậu và đa phần là quán nhậu bình dân – lề đường.


Sau một cơn mưa giông bất thường tháng 3, Chúng tôi bắt đầu rề rề kiếm quán nhậu trên đường Hoàng Sa, có quá chừng các quán nhậu nhưng tìm một quán để gọi là có phong cách dân Sài Gòn cũ chúng tôi phải né cầu Kiệu chạy vô đường Trần Quang Khải rồi quẹo vô đường Trần Nhật Duật đâm ra lại bờ kè đường Hoàng Sa.


Ngó vô quán Lai Rai Phố, quán Tí gậu… thấy vắng khách, chúng tôi tiếp tục rề rề chạy ngược lên một đoạn đường tìm quán Tư Ghiền, khi biết là quán Tư ghiền đã đổi chủ, đổi tên thành quán Tứ Hải chúng tôi thấy mất hứng bèn quay đầu xe chạy tới quán Bé Bảo.


Đã vào giờ cao điểm ăn nhậu mà sao quán này và mấy cái quán kế bên đều vắng khách, phải chăng là do giới bình dân bị chính quyền hăm dọa tăng giá xăng, tăng giá điện, phạt xe không chính chủ, phạt mũ bảo hiểm dỏm mà không dám thả cửa ăn nhậu chăng.


Quán Bé Bảo có khách ngồi một bàn và thêm chúng tôi nữa là hai bàn. Chúng tôi gọi bia Sài Gòn đỏ, và hỏi anh chàng chạy bàn có mồi gì lạ. Anh chàng này không ngần ngại nói. “Mấy anh muốn lạ có lạ, rau chại xào tỏi, nếu muốn ngon hơn thì là rau chại xào thịt bò.” Người bạn đi cùng tôi nói. ”


Ở đâu ra cái thứ cây chại  làm chổi chà đó vậy mậy.” anh chàng phục vụ nói. ” Là đọt non cây chại, chớ cọng cây chại mà ăn là mấy anh thắt họng liền.”


Người bạn đi cùng nói.” Bộ mầy tưởng tao hỏng biết đọt chại hả. Nói cho chú mấy nghe hồi ông chủ tịch nước còn làm giám đốc ở một nông trường trên Lê Minh xuân tao ăn thứ này tới bón chí luôn.”


Thật tình thì dân nhậu Sài Gòn thời nay sau khi cào cấu vơ vét gần hết các thú trên rừng, cá dưới biển lại sanh chứng nhậu mồi rất thanh bạch, có một món mồi rất phổ biến ở mọi quán nhậu là món rau bốn mùa chấm nước mắm kho quẹt, món này trên dĩa gồm có mấy lát bầu, khổ qua, rau lang, cà rốt, cải thảo, đậu bắp, đậu que… được luộc chín và cứ thế mà chấm với nước mắm kho quẹt là nhậu tới bến.


Ai vô quán nhậu bất kể là quán sang hay hèn mà  trề môi chê bai dân kêu rau bốn mùa, hột vịt luộc dầm nước mắm, đậu hủ chấm mắm tôm…là kể như  đó là hạng dân nhậu nửa mùa bá láp.


Ngồi ở quán Bé Bảo được một lúc thì khách lai rai kéo đến. để thay đổi khẩu vị chúng tôi mua thêm đậu phọng nấu và trái xoài chua dòn của một người đàn bà bán mồi rong. Bịch đậu phọng nấu, bịt xoài dòn giá chỉ hai chục ngàn (1 đô la).


Chị bán mồi rong người nhập cư từ Quảng Nam cho biết. Chị thả rong bán mồi nhậu từ buổi trưa nhưng mấy quán bờ kênh đông khách nhất là khoảng nửa đêm trở đi vì giờ đó dân đi chơi đêm, dân làm ở Karaoke, dân ở điểm mát-xa, vũ trường  mới tụ về nhậu nhẹt, tán dóc.


Từ quán nhậu nhìn ra bờ Kênh Nhiêu Lộc chúng tôi thấy phố không dây điện chằng chịt, không loa phát thanh ồn ào, không gian rộng mở đầy gió, cây xanh công viên hai bên bờ kênh xanh mướt… thật là một nơi tụ hội ăn nhậu bình dân bậc nhất Sài Gòn hiện nay.


Ngồi nhậu ở bờ kênh Nhiêu Lộc là dịp để  lai rai mà nghĩ ngợi, không biết số tiền mà ngân hàng thế giới tài trợ để cải tạo dòng kênh này có bằng số tiền mà bao thế hệ dân nhậu Sài Gòn đổ ra để mượn bia rượu mua vui không; chỉ biết chắc rằng với dân nhậu thì bất kể  nước thúi hay nước trong, đời đen hay đời đỏ, có cớ là : “a lô  đi nhậu “.


 



 

MỚI CẬP NHẬT