Thursday, March 28, 2024

New Hampshire trước ngày bầu sơ bộ

 


Cộng Hòa chưa có dấu hiệu ngã ngũ


 


Nguyễn Văn Khanh (từ New Hampshire) 


Trong vòng không đầy 24 giờ đồng hồ, họ gặp nhau trong 2 cuộc tranh luận được trực tiếp truyền hình từ New Hampshire để -một lần nữa- giúp cử tri tiểu bang có cơ hội tìm hiểu trước khi bỏ phiếu chọn người đại diện cho đảng. Cuộc tranh luận đầu diễn ra hôm Thứ Bảy, cuộc tranh luận thứ nhì được tổ chức vào sáng ngày Chủ Nhật.










Ðây là phòng phiếu tự hào là “First in the Nation” – “đầu tiên trong cả nước”.
Tại đây cử tri sẽ bỏ phiếu ngay sau nửa đêm, trong cuộc bầu cử sơ bộ
đầu tiên của nước Mỹ trong mùa bầu tổng thống,
ở khách sạn The Balsams Grand Resort, thành phố Dixville, New Hampshire.
(Hình: AP Photo/Matt Rourke)


Họ là những người đang hy vọng thành công ở tiểu bang nhỏ bé này để có thể đi tiếp con đường đã vạch ra, và hình ảnh mọi người đều nhìn thấy là cảnh ông Mitt Romney vất vả chống đỡ ngược xuôi, tìm cách vượt qua những cú đấm chính trị tóe lửa mà các ứng viên khác không ngừng tung ra.


Chẳng ai ngạc nhiên khi thấy ông Romney là mục tiêu bị nhắm tới. Các cuộc thăm dò đều nói hầu như ông “chắc chắn” sẽ chiến thắng vinh quang sau cuộc bầu cử diễn ra ngày hôm nay (Thứ Ba, mùng 10 Tháng Giêng 2012). Cuộc thăm dò mới nhất do Ðại Học New Hampshire thực hiện cho thấy tới 40% cử tri nói sẽ bỏ phiếu cho ông, gấp đôi số phiếu người về nhì là Dân Biểu Ron Paul có được. Hai ứng viên khác là ông cựu Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich và “hiện tượng” Rick Santorum đang tranh nhau hạng 3 (mỗi người được gần 11%), trong khi ông Thống Ðốc Rick Perry của tiểu bang Texas và ông Jon Huntsman đang vất vả ở vị trí cuối bảng.


Rõ ràng cuộc thăm dò này giúp ông Romney an tâm hơn. Nếu tất cả những con số được đưa ra đều trở thành sự thật, có lẽ không một lực nào có thể cản được khí thế của ông trên đường tới South Carolina và Florida vào cuối tháng này. Cho tới chiều ngày Thứ Hai ông vẫn lên tiếng nói “sẽ dồn tất cả sức lực cho cuộc vận động tại New Hampshire”, tiếp tục kêu gọi mọi người đừng quên đi bầu, nhưng các ủng hộ viên của ông trong tiểu bang đã bắt đầu tin người sẽ đại diện cho đảng chính là ông chứ không phải ai khác.


Nhưng nếu nhìn vào lịch sử bầu sơ bộ của New Hampshire, người ta thấy ngay tiểu bang này là tiểu bang thường gây bất ngờ vào giờ chót. Chuyện vẫn được nhắc đến là chuyện giờ này 4 năm trước, cử tri Cộng Hòa tiểu bang đã chọn ông John McCain thay vì dồn phiếu cho ông Mike Huckabee vừa thành công rực rỡ ở Iowa. Chiến thắng đầy bất ngờ của ông McCain đã khiến cuộc chạy đua 2008 bước vào một khúc quanh mới, và ngoại trừ ông Romney, tất cả các ứng viên còn lại đang có mặt tại New Hampshire đều mong “khúc quanh chính trị” này tái diễn.


“Tất cả mọi người đều có thể thành công ở New Hampshire”, ông Chad Conelly, chủ tịch đảng Cộng Hòa ở South Carolina nói với báo chí 2 ngày trước đây, vì thế “phải chờ cho tới South Carolina lúc đó mới biết rõ hơn ai là người được chọn”. Ứng viên đang gặp nhiều khó khăn Jon Huntsman cũng bảo sau New Hampshire “bao giờ cũng có những nhân vật nổi bật” và ngay lúc này “chưa rõ ai sẽ hơn ai”.


Tại sao chuyện không kết thúc ở New Hampshire? Câu trả lời: Số cử tri chưa quyết định ủng hộ ai vẫn quá lớn, luật tiểu bang lại cho phép cử tri được quyền ghi danh bầu cử ngay tại phòng phiếu. Tháng trước, tiểu bang cho biết có khoảng 232,000 cử tri Cộng Hòa, 223,000 cử tri Dân Chủ và những người không thuộc đảng nào lên đến 313,000 người. Nhìn vào con số này, nhà phân tích Bill Watkins của RBR-Radio News bảo “chỉ riêng thành phần này không thôi đã là con số khổng lồ, sẽ quyết định không chỉ kết quả cuộc bầu cử mà còn quyết định xem ai là người có triển vọng đi tiếp”.


Chính vì thế, hầu hết các ứng viên Cộng Hòa đã bắt đầu “chân trong, chân ngoài”, nửa ở New Hampshire, nửa ở South Carolina. Ngay sau khi cuộc tranh luận ở New Hampshire kết thúc, cả hai ông Rick Perry và Rick Santorum vội vã ra phi trường đi South Carolina để vận động. Ông Perry ở lại đây cả ngày Thứ Hai, -bà Anita, vợ ông, cũng từ Austin bay sang tiếp sức với chồng- mãi đến tối hai người mới về lại New Hampshire.


Cuộc thăm dò do TIME/CNN/ORC thực hiện cho thấy tại South Carolina ông Romney đang đẫn đầu với 37%, về nhì là ông Santorum được 19% cử tri ủng hộ và đứng hạng 3 là ông Gingrich với 18% số phiếu. Bà Donna Hoffman, giáo sư Ðại Học Northern Iowa nói rằng ông Romney đang thắng thế, nhưng đáng chú ý nhất vẫn là ông Santorum “số cử tri ủng hộ từ 4% tăng lên tới 19%” chỉ trong vòng có một tuần lễ, nhờ vào sự ủng hộ của thành phần cử tri bảo thủ.


“Tôi không ngạc nhiên với sự ủng hộ đầy bất ngờ này”, theo lời cựu Dân Biểu Philip English của tiểu bang Pennsylvania. Ông English cho rằng cử tri Ðông Bắc “cấp tiến hơn cử tri miền Nam và Trung Tây” do đó “họ ủng hộ ông Romney ở New Hampshire chẳng phải là điều lạ”, nhưng đến khi về South Carolina “tình hình thế nào cũng đổi khác”.


Ý kiến này cũng là ý kiến của ông Peter Fern, một nhà tư vấn của đảng Dân Chủ. Ông Fern cho biết khi đứng ngoài nhìn vào cuộc vận động của các ứng viên Cộng Hòa, “ai cũng thấy ngay là cử tri Cộng Hòa vẫn cân nhắc, không biết ngoài ông Romney ra còn có ai để họ ủng hộ hay không, và cuối cùng họ tìm thấy ông Santorum”. Ông David Boise, chủ tịch tổ chức Citizens United nói rõ hơn: “Cử tri bảo thủ không tin ông Romney là người của họ, không ai muốn tái diễn trường hợp ông McCain hồi 2008 (bị chê bai là không bảo thủ đúng mức), và họ sẽ bỏ phiếu cho người có lập trường bảo thủ như họ”.


Như thế, phải đợi về South Carolina mới có thể biết được chuyện bầu cử bên đảng Cộng Hòa sẽ biến chuyển như thế nào. Chia tay với New Hampshire, hẹn gặp lại ở South Carolina.

MỚI CẬP NHẬT