Friday, March 29, 2024

Tranh cãi về phá thai len vào việc bài trừ ung thư vú

 


Sáng hội Komen cắt tiền Planned Parenthood, gây phản ứng mạnh mẽ


 


Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt


 


Một bên là sáng hội Susan G. Komen for the Cure. Một bên là Planned Parenthood. Cả hai đều là những tổ chức bất vụ lợi chuyên vận động cho sức khỏe phụ nữ. Cho tới nay, Planned Parenthood luôn gây tranh cãi, vì trong các dịch vụ y tế của họ, Planned Parenthood là cơ quan thực hiện nhiều vụ phá thai nhất.









Nơ hồng treo trước Tòa Bạch Ốc hôm 26 tháng 10, 2009. Nơ hồng trở thành biểu tượng kêu gọi bài trừ ung thư vú, nhưng nay tổ chức sáng chế ra chiến dịch “nơ hồng,” Susan G. Komen for the Cure, đang bị tố cáo là chính trị hóa hoạt động của họ, khi cắt tài trợ cho Planned Parenthood. (Hình: Mark Wilson/Getty Images)


Cũng cho tới đầu tuần này, Komen không hề gây chút tranh cãi nào. Sáng hội này là một tổ chức bất vụ lợi nổi tiếng với những hoạt động bài trừ ung thư vú, nổi tiếng với chiến dịch “nơ hồng” và cuộc chạy bộ “Race for the Cure” gây quỹ giúp bài trừ ung thư vú. Mỗi năm, chỉ riêng cuộc chạy bộ chính, ở Washington D.C., Race for the Cure thu hút gần 40,000 người tham gia và gây quỹ hơn $5 triệu. Các địa phương còn có những cuộc chạy bộ “Race for the Cure” riêng, tổng cộng có hàng triệu người tham dự.


Ðùng một cái, Komen chúi đầu vào cuộc cãi vã triền miên về quyền phá thai khi ra quyết định cắt tiền tài trợ các dịch vụ khám ngực do Planned Parenthood thực hiện.


Quyết định này khiến nhiều chi nhánh Komen tại nhiều địa phương công khai bày tỏ sự bất bình, và ít nhất một viên chức cao cấp từ chức để phản đối.


Số tiền tài trợ cho Planned Parenthood tổng cộng $680,000 năm ngoái, và nhiều người cho rằng tổ chức Komen bị áp lực từ giới chính trị bảo thủ.


Giới bảo thủ lên tiếng ca ngợi quyết định của Komen, cho đây là hành động đúng đắn để bảo vệ sự sống.


Ngay sau khi AP loan tin Komen cắt tài trợ, Planned Parenthood gởi email kêu gọi gây quỹ bù lại số tiền thiếu hụt, và trong 24 giờ quyên được $400,000 từ 6,000 người. Ngoài ra, Planned Parenthood còn được một sáng hội ở Dallas tặng $250,000, và Thị Trưởng Michael Bloomberg, thuộc đảng Cộng Hòa, New York, tặng thêm $250,000.


Ở Washington, 26 thượng nghị sĩ liên bang – 25 Dân Chủ và 1 độc lập – cùng ký tên vào một bức thư kêu gọi Komen đổi ý.


“Sẽ là một thảm họa nếu một phụ nữ nào – đừng nói chi hàng ngàn phụ nữ – bị mất cơ hội dò ung thư chỉ vì sự tấn công vì lý do chính trị,” các thượng nghị sĩ này viết.


Phía bảo thủ, tổ chức chống phá thai Americans United for Life hoan nghênh quyết định này. Bác Sĩ Charmaine Yoest, tổng giám đốc AUL và cũng là một người được chữa ung thư vú, nói:


“Tôi hoan nghênh quyết định của sáng hội Komen ngưng hợp tác với tổ chức có hàng tỷ đô la, phá thai hàng loạt, mang tên Planned Parenthood. Công việc của sáng hội Komen có khả năng cứu sống người ta và không nên dính vào với kỹ nghệ của sự chết.”


Giới lãnh đạo Komen, trong cuộc họp báo đầu tiên từ sau khi vụ này bùng nổ ra, bác bỏ dư luận cho rằng quyết định của họ mang tính chính trị.


“Chúng tôi không quyết định dựa trên phe này hoặc phe kia được vừa lòng,” bà Nancy Brinker, tổng giám đốc và người sáng lập Komen, nói.


Brinker nói quyết định của họ dựa trên tiêu chuẩn tài trợ mới, trong đó họ không tài trợ các tổ chức đang bị điều tra. Planned Parenthood đang bị một dân biểu Cộng Hòa điều tra xem có dùng tiền tài trợ của liên bang trong dịch vụ phá thai không.


Nhiều người cho rằng quyết định ngưng tài trợ Planned Parenthood là do tân phó chủ tịch phụ trách chính sách công, Karen Handel, đưa ra. Bà Handel là một cựu ứng cử viên thống đốc tiểu bang Georgia. Khi tranh cử, bà hứa sẽ cắt tài trợ của tiểu bang dành cho Planned Parenthood.


Bà Brinker bác bỏ điều này và nói quyết định của Komen không phải do Handel đưa ra.


Brinker cũng nói có những yếu tố khác, ưu tiên tài trợ cho các tổ chức có soi vú (mammogram). Planned Parenthood có giúp truy tìm ung thư vú nhưng không có dịch vụ mammography. Bà cũng nói có 3 chi nhánh địa phương của Planned Parenthood sẽ còn được tài trợ: Ở Denver, ở Quận Cam, California, và ở Waco, Texas, vì phụ nữ những nơi đó không có phương tiện thử ung thư vú khác, ngoài Planned Parenthood.


Tuy nhiên, một nguồn tin trong nội bộ trụ sở Komen ở Dallas nói ngược lại. Nguồn tin nặc danh này nói với thông tấn xã AP các tiêu chuẩn tài trợ mới do bà Handel đặt ra, và bà đặt ra chúng chỉ để nhắm vào Planned Parenthood. Nguồn tin này trích dẫn văn thư gởi các chi nhánh địa phương của Komen, nhấn mạnh ảnh hưởng tới Planned Parenthood.


Nguồn tin này cũng nói là Mollie Williams, giám đốc y tế cộng đồng của Komen, từ chức để phản đối.


Bà Williams, trong một email, từ chối không bình luận về lý do từ chức, nhưng nói: “Tôi đã cống hiến hết sự nghiệp tôi để tranh đấu cho quyền lợi của người bị bỏ rơi và không được phục vụ đủ. Và tôi tin rằng đây là lỗi lầm cho một tổ chức lại khuất phục trước áp lực chính trị và bẻ cong nhiệm vụ của mình.”


Ở Los Angeles, đài CBS-2 xác nhận là giám đốc điều hành Deb Anthony của chi nhánh Komen tại Los Angeles từ chức, vì “trong năm qua có những quyết định của Komen khiến tôi thấy tài năng và cách làm việc của tôi không hợp với mô hình của Komen,” bà Anthony nói.


Tại chi nhánh Quận Cam của Komen ở Costa Mesa, giám đốc điều hành Lisa Wolter nói họ đã trao đổi rất nhiều với trụ sở chính. “Chúng tôi rất quan ngại về phản ứng, và muốn bảo đảm chuyện này được làm rõ,” bà nói.


Sáng hội Komen nói sau khi tin tung ra về vụ cắt tài trợ, số tiền quyên góp tăng lên cao hơn trước đó.


Báo Christian Post tiết lộ là một tháng trước đây, công ty LifeWay Christian Resources ngưng bán Thánh Kinh bìa màu hồng – cùng màu với nơ hồng Komen dùng để quảng bá việc bài trừ ung thư vú. Trước đó, mỗi lần bán được Thánh Kinh bìa hồng, Lifeway tặng $1 cho Komen. Nhưng khi biết Komen có tài trợ cho Planned Parenthood, Lifeway ngưng bán Thánh Kinh bìa hồng.


Tổng giám đốc Lifeway lên tiếng hoan nghênh quyết định mới đây của Komen, nhưng không nói có bán Thánh Kinh bìa hồng trở lại không.

MỚI CẬP NHẬT