Friday, April 19, 2024

Lật ngược Roe v. Wade có thể đe dọa quyền hôn nhân khác chủng tộc

WASHINGTON, DC (NV) – Các chuyên gia cảnh báo rằng khi Tối Cao Pháp Viện lật ngược phán quyết vụ án Roe v. Wade, thì không chỉ quyền hôn nhân đồng giới mà những quyền khác từng được coi như đương nhiên phải có, như quyền hôn nhân khác chủng tộc, cũng có thể bị đe dọa, theo HuffPost.

Hôm Thứ Sáu, 24 Tháng Sáu, Phó Tổng Thống Kamala Harris, người có cuộc hôn nhân khác chủng tộc, phát biểu rằng quyết định lật ngược vụ kiện Roe v. Wade sẽ làm dấy lên làn sóng xem xét lại những quyền khác đã từng được định đoạt, chẳng hạn quyền sử dụng các biện pháp tránh thai, quyền kết hôn đồng giới, quyền hôn nhân khác chủng tộc.

Cặp vợ chồng khác chủng tộc Richard Loving và Mildred Loving từng bị tuyên án một năm tù vào năm 1958 vì cưới nhau. (Hình: ACLU)

Khả năng mất quyền kết hôn khác chủng tộc tăng lên khi Thượng Nghị Sĩ Mike Braun (Cộng Hòa-Indiana) hồi Tháng Ba trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ báo Indianapolis Star nói rằng những quyền như vậy nên để cho từng tiểu bang tự quyết định (giống như quyền phá thai hiện nay). Sau khi bị phản ứng dữ dội, ông rút lại tuyên bố, nói rằng ông hiểu sai ý câu hỏi.

(Để biết thêm chi tiết về cuộc phỏng vấn của tờ báo Indianapolis Star (IndyStar) với Thượng Nghị Sĩ Mike Braun, độc giả có thể xem tại link: www.indystar.com/story/news/politics/2022/03/23/indiana-sen-mike-brauns-interracial-marriage-comment-what-he-said/7139127001/)

Quyết định của Tối Cao Pháp Viện hôm 24 Tháng Sáu về vụ kiện Roe v. Wade khiến nhiều người nghĩ đến tương lai các vụ kiện như Obergefell v. Hodges (bảo đảm quyền bình đẳng trong hôn nhân), Loving v. Virginia (bảo vệ quyền hôn nhân khác chủng tộc), Griswold v. Connecticut (quyền sử dụng các biện pháp tránh thai cho những cặp vợ chồng kết hôn), Lawrence v. Texas (cấm các tiểu bang không được cấm quan hệ tình dục đồng tính).

Thẩm Phán Clarence Thomas của Tối Cao Pháp Viện đồng ý với ý kiến cho rằng Tối Cao Pháp Viện nên xem xét lại những quyền khác được bảo vệ theo điều khoản thủ tục tố tụng của Tu Chính Án Thứ Mười Bốn, cũng như xem xét lại những án lệ như Griswold, Lawrence và Obergefell. Vì theo ông nếu các thủ tục tố tụng cơ bản được xác định là “sai lầm,” thì tòa án có nhiệm vụ “sửa chữa.”

Ông Thomas không đề cập đến vụ án Loving. Nếu vụ án này cũng bị lật lại như vụ Roe, thì cuộc hôn nhân khác chủng tộc của ông cũng có thể bị đe dọa.

Bà Michele Goodwin, giáo sư luật Hiến Pháp tại đại học University of California, cho biết phán quyết mới về vụ kiện Roe v. Wade của Tối Cao Pháp Viện, cũng như bình luận của ông Thomas, là dấu hiệu cho thấy các tiểu bang sẽ phải thực hiện điều này. Hay nói cách khác, “Tối Cao Pháp Viện không cần tự mình bỏ quyền hôn nhân khác chủng tộc, mà sẽ đẩy trách nhiệm cho các tiểu bang.”

Hồi Tháng Ba, Liên Đoàn Tự Do Dân Sự Mỹ (American Civil Liberties Union) từng đăng tải một podcast, cảnh báo rằng lý do pháp lý dùng để lật ngược vụ kiện Roe v. Wade cũng có thể được áp dụng tương tự để lật ngược vụ kiện Loving v. Virginia, trong đó ông Richard Loving, người da trắng, lập gia đình với bà Mildred Loving, người da đen và bị tuyên án một năm tù vào năm 1958 vì phạm luật tiểu bang. Hai ông bà kiện lên Tối Cao Pháp Viện và vào ngày 12 Tháng Sáu, 1967, Tối Cao Pháp Viện Mỹ ra phán quyết bảo vệ quyền hôn nhân khác chủng tộc của tất cả công dân Mỹ.

Với tư cách là khách mời của podcast này, bà Goodwin cho rằng nếu vụ kiện Roe v. Wade bị lật lại, thì thật khó để không lo lắng rằng các quyền khác “sẽ chịu sự giám sát và loại trừ tương tự.”

Ngày 12 Tháng Sáu, 2022, đánh dấu kỷ niệm 55 năm phán quyết vụ kiện Loving, từ đó khiến quyền hôn nhân khác chủng tộc trở thành quyền hợp pháp trên nước Mỹ. (V.Giang) [qd]

MỚI CẬP NHẬT