Tuesday, May 7, 2024

Mùa bầu cử 2024 có nhiều nguy hiểm cần ngăn chặn

Thiện Lê/Người Việt

SAN FRANCISCO, California (NV) – Mùa bầu cử ngày càng đến gần, và sau ba năm kết quả bầu cử của năm 2020 vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Những tranh cãi đó gây ra nhiều nguy hiểm cho mùa bầu cử 2024, và đó là chủ đề của hội thảo do Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức.

Mùa bầu cử 2024 sẽ có nhiều nguy hiểm. (Hình minh họa: Anna Moneymaker/Getty Images)

Bầu cử năm 2020 gây ra nhiều tranh cãi, lớn nhất là gian lận khi đếm phiếu, làm tổng thống lúc đó là ông Donald Trump không tái đắc cử. Đến nay, đa số người theo đảng Cộng Hòa vẫn tin vào suy nghĩ đó, và vẫn lan truyền nhiều thông tin sai lệch.

Những suy nghĩ và các thông tin sai lệch có thể gây ra nhiều chuyện không hay như ẩu đả và thậm chí bạo loạn tại Quốc Hội như năm 2021.

Vì vậy, hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Mười Một, EMS mời một số chuyên gia bầu cử để nói về những nguy hiểm trong mùa bầu cử 2024 như các ứng cử viên tố cáo gian lận trước khi mùa bầu cử bắt đầu; những giới chức bầu cử bị đe dọa và còn có những người không muốn đếm phiếu; những thông tin sai lệch do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra; và có người khuyến khích bạo loạn.

Diễn giả đầu tiên là bà Gowri Ramachandran, phó giám đốc chương trình bầu cử và chính phủ của tổ chức Brennan Center, nói về những lời khuyên dành cho các cuộc bầu cử địa phương trong năm tới.

Trong nhiều năm, Brennan Center thường khuyên các giới chức bầu cử tăng cường bảo mật thông tin của cử tri, bảo trì hệ thống máy bỏ phiếu cùng hệ thống dữ liệu, và nên có sẵn phiếu bầu bằng giấy dự phòng cho những trường hợp máy bị hư.

Bà cho hay đó là một trong những lời khuyên tổ chức này sẽ tiếp tục gửi đến các giới chức bầu cử địa phương trong năm 2024.

Công nghệ giả mặt “deepfake” ngày càng tiến bộ. (Hình minh họa: Olivier Douliery/AFP via Getty Images)

Sau đó, bà nói về một số điều đáng lo ngại, có thể đe dọa đến bầu cử, đầu tiên là thiếu nhân viên phòng phiếu. Đó là công việc mà nhiều người lớn tuổi thường tình nguyện làm, nhưng thiếu nhân viên trong cuộc bầu cử năm 2020 vì đại dịch COVID-19.

Thiếu nhân viên còn có một lý do khác là an ninh vì nhiều người bị đe dọa và thậm chí bị tấn công. Vì vậy, bà đề nghị các tiểu bang và giới chức bầu cử nên tìm cách thông qua những luật bảo vệ nhân viên, giúp họ không bị tấn công và không bị tiết lộ thông tin cá nhân. Bà còn cho hay nhân viên có thể xin các giới chức có những cải tiến về an ninh cho phòng phiếu như lắp đặt kính chống đạn.

Một mối nguy hiểm khác là lan truyền thông tin sai lệch, nên bà Ramachandran đề nghị các giới chức địa phương nên tìm cách lan truyền thông tin chính xác, nên sử dụng truyền thông để đưa thông tin bằng nhiều ngôn ngữ đến nhiều cộng đồng.

Bà còn nhấn mạnh công nghệ AI sẽ làm lan truyền thông tin sai lệch dễ dàng hơn trong mùa bầu cử 2024.

Thông tin sai lệch về bầu cử có thể dẫn đến bạo loạn. (Hình minh họa: Roberto Schmidt/AFP via Getty Images)

Diễn giả thứ hai là bà Nora Benavidez, chuyên gia tư vấn và giám đốc công lý, quyền công dân của tổ chức Free Press, nói về tình hình trên mạng xã hội cùng những nguy hiểm trong năm 2024.

Đầu tiên, bà cho biết các công ty mạng xã hội như Meta và Google đưa tin về bầu cử nhiều hơn trong mùa bầu cử, nhưng thiếu kiểm soát nội dung được đăng, và gần đây mới công nhận sự thiếu kiểm soát đó gây nguy hiểm cho nhiều người.

Bà còn nói mạng xã hội có nhiều tranh luận không hay về xung đột ở Trung Đông, nhất là trên Twitter. Từ lúc tỷ phú Elon Musk mua lại trang web này, ông sa thải nhiều người giữ vai trò kiểm soát nội dung.

Không chỉ vậy, nhiều người sử dụng Twitter từng có dấu tích xanh, có nghĩa là được nhiều người theo dõi và phải đăng tin thường xuyên và chính xác mới có được. Tuy nhiên, bây giờ ai cũng có thể lấy dấu tích xanh bằng cách trả tiền mỗi tháng. Những thông điệp của những người trả tiền sẽ hiện ra trên màn hình của người khác nhiều hơn, khiến nhiều người lạm dụng để đưa thông tin sai lệch.

Sau đó, bà khuyên các công ty mạng xã hội nên đầu tư thêm vào bảo vệ nhân viên, có những chương trình ngăn chặn thông tin sai lệch về bầu cử 2024 và luôn minh bạch với người sử dụng.

Diễn giả thứ ba là ông William Adler, phó giám đốc bầu cử của tổ chức Bipartisan Policy Center, nhấn mạnh lại quan điểm của hai diễn giả trước, nói về một số nguy hiểm có thể xảy ra trong năm 2024.

Ông cũng cho biết nhiều giới chức và nhân viên bầu cử đang bị đang đe dọa, làm họ phải nghỉ việc vì lý do an ninh. Điều đó gây ra nhiều sai lầm trong quá trình sắp xếp bầu cử và đếm phiếu, làm cử tri mất niềm tin và tạo ra nhiều vấn đề khác.

Giới truyền thông cập nhật thông tin của mùa bầu cử 2020 chậm nên có nhiều chỗ trống bị thay thế bằng thông tin sai lệch, và ông Adler cho rằng điều đó sẽ xảy ra lại vào năm 2024.

Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tạo ra nhiều hình ảnh chỉ bằng một dòng chữ. (Hình minh họa: Denis Lovrovic/AFP via Getty Images)

Diễn giả cuối cùng là ông Sam Gregory, tổng giám đốc tổ chức nhân quyền WITNESS, nói về sự nguy hiểm của AI và các công cụ giả dạng hay giả giọng người khác.

Ông nói những công nghệ đó sẽ tạo ra nhiều rắc rối trong mùa bầu cử.

AI có thể tạo ra nhiều hình ảnh chỉ từ một dòng chữ, còn có thể thu tiếng của nhiều người để giả giọng nói của họ. Ngoài ra, công nghệ giả dạng người khác được gọi là “deepfake” ngày càng tiến bộ, có thể ghép mặt của một người vào người khác rất dễ.

Vì vậy, nhiều người có thể sử dụng các công nghệ để tạo hoang mang trong mùa bầu cử mà không cần tốn nhiều tiền, nên các trang mạng xã hội cần có công cụ phát hiện hình ảnh hay âm thanh giả. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT