Wednesday, April 24, 2024

Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại họp mặt thường niên

Nguyên Huy/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Vào sáng Chủ Nhật, 24 Tháng Bảy, Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại sẽ có cuộc họp mặt thường niên 2016 tại nhà hàng Diamond Seafood, 8058 Lampson Ave, Garden Grove, CA 92841.

Một buổi họp mặt của Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại. (Hình: suphamsaigon.freeforums.org)

Đây là một sinh hoạt đã diễn ra trong hơn 10 năm nay của anh chị em cựu giáo chức của VNCH xuất thân từ trường Sư Phạm Sài Gòn, một trong những trường sư phạm lớn của VNCH trước năm 1975.

“Họp mặt, hội ngộ là để gặp gỡ lại nhau, hàn huyên về một thời học trò đầy ắp lý tưởng. Nguyên nhân chính đưa chúng tôi vào học Sư Phạm là để thực hiện ước nguyện góp tay vào cùng xây dựng một xã hội tốt đẹp cho tương lai như chủ trương của Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH mà chúng tôi đã tìm hiểu,” cô Lê Minh Phú, một cựu giáo chức tốt nghiệp trường Sư Phạm, phụ trách điều hợp tổ chức buổi họp mặt năm nay, cho biết.

Cô cho biết một ban tổ chức đã được bầu ra gồm có các cựu giáo chức Trần Mai Minh, Trần Quốc Dũng, Phan Bích Thủy và Nguyễn Thị Am và cô, chia nhau phụ trách các công việc thông tin, liên lạc đi các nơi để thông báo cho các thành viên trong Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại biết mà về tham dự cho đông, cùng là sắp xếp tổ chức một chương trình văn nghệ vui tươi đặc sắc để lưu dấu tình gia đình Sư Phạm Sài Gòn mãi mãi còn trong tâm thức mọi thành viên.

Vẫn theo cựu giáo chức Minh Phú, năm nào cũng có khoảng trên dưới 200 người trong đó có các giáo sư Dương Ngọc Sum, Nguyễn Tử Quý, Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Duy Linh là những con chim đầu đàn của Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại. Cô Minh Phú cũng cho biết, năm nay, chủ đề cuộc họp mặt là “Hướng Về Quê Hương” với một chương trình văn nghệ đầy ắp tình hoài hương.

Côi vui vẻ khoe: “Hai mục sẽ thu hút chúng tôi nhiều là phần trình diễn áo dài của các hoa hậu phu nhân và các thành viên trong Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại. Trong mục trình diễn này các người mẫu sẽ khoe nhiều kiểu áo dài đẹp mắt, hợp thời trang.”

Chiếc áo dài duyên dáng của phụ nữ Việt Nam qua thời gian từ ngày “thoát xác” tấm áo “tứ thân” của nhà cải cách Cát Tường đã lại qua bao lần biến đổi, nào là hai thân, cổ viền, cổ cao, cổ vừa, tay áo Raglan, dài chỉ quá đầu gối đi với quần “pat” qua đến cổ xẻ “Ngô Đình Nhu” rồi đến nay, áo dài Việt Nam đi khắp thế giới theo bước chân tị nạn của người Việt thì các nhà thiết kế đã thoải mái tạo ra muôn hồng ngàn tía trên chiếc truyền thống này, khiến nó trở thành một nghệ thuật trên tấm thân mảnh mai của người phụ nữ Việt làm say mê nhiều dân tộc khác.

Vẫn theo cô Minh Phú, mục thứ hai là một màn kịch do các hội viên cùng các giáo sư đóng các vai rất vui nhộn.

Kể đến nay thì Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại đã qua trên 10 năm tổ chức được những cuộc họp mặt thật ý nghĩa. Theo Giáo Sư Dương Ngọc Sum, đương kim hội trưởng, “bên cạnh những hàn huyên hội ngộ, còn là những tình cảm của anh chị em Sư Phạm Sài Gòn chia sẻ tình tương thân với những đồng nghiệp còn ở lại trong nước qua những thăm hỏi và giúp đỡ những trường hợp đời sống gặp khó khăn.”

Ông cho biết thêm: “Vào những năm đầu, Giáo Sư Nguyễn Quý Bổng khi từ Canada qua đã gợi ý tổ chức quy tụ anh chị em Sư Phạm Sài Gòn để gắn bó tình thân giữa những người từng một thời chung vai trong nền giáo dục của VNCH mà nay thì ai nấy đều công nhận là một nền giáo dục khá là hoàn chỉnh để tạo nên những con người hữu ích cho xã hội. Đó là một nền giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng. Lúc đầu chỉ có một số anh chị em và giáo sư cũ, nhưng vào những năm sau này khi giới trẻ tham gia vào việc tổ chức thì số thành viên gia tăng, nên các cuộc họp mặt thường niên trong vài năm qua đã lên đến trên 200 người. Riêng năm nay, ban tổ chức cho biết đến giờ phút này, còn cách ngày họp mặt gần cả tháng nữa mà số người ghi tên tham dự đã tới gần 150 rồi.”

Trường Sư Phạm Sài Gòn là một trong những trường sư phạm của VNCH được thành lập tại các tỉnh, thành phố lớn của miền Nam trước năm 1975 nhằm đào tạo những giáo chức cho bậc tiểu học cung ứng cho số học sinh gia tăng quá lớn hàng năm trong sự phát triển đất nước. Hệ thống các trường sư phạm của VNCH có nhiều cấp như Sư Phạm Sài Gòn và các tỉnh, như Huế, Đà Lạt, Cần Thơ đào tạo các giáo sư trung học đệ I và đệ II cấp. Tất cả đều theo một đường lối chung của Bộ Quốc Gia Giáo Dục và các viện đại học Sài Gòn, Huế, Cần Thơ, Đà Lạt. Căn bản của chương trình học và dậy cho các giáo sinh quy tụ vào ba tiêu chuẩn. Nhân bản, lấy con người là gốc, dân tộc, chương trình nhằm đến sự tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc, và khai phóng, phải mở rộng để tiếp đón những kiến thức khoa học, kỹ thuật tân tiến của nhân loại, tinh thần dân chủ, nhân quyền để đất nước tiếp cận và theo kịp dòng tiến hóa của nhân loại.

Mọi chi tiết về cuộc họp mặt của Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại xin gọi (714) 273-8869, (714) 894-6974, (657) 262-5722.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT