Wednesday, April 24, 2024

Hội Nhiếp Ảnh PSCVN triển lãm ảnh nghệ thuật


Quốc Dũng/Người Việt


WESTMINSTER, California (NV) –
Hơn 50 bức ảnh nghệ thuật của hơn 25 nhiếp ảnh gia của Hội Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam (Vietnamese Photographic Society of California – PSCVN) đã được triển lãm tại hội trường nhật báo Người Việt ở Westminster trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, 12 và 13 Tháng Ba, từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Nhiếp ảnh gia Sĩ Huỳnh, hội trưởng, cho biết: “Triển lãm lần này đặc biệt hơn các cuộc triển lãm lần trước, bởi vì các tác phẩm nhiếp ảnh này phần lớn được trình bày bằng khổ lớn do các nhiếp ảnh gia kỳ cựu trong hội thực hiện. Trước đây đồng loạt triển lãm khổ nhỏ, nay dùng khổ lớn để hình lớn hơn, chất lượng hơn, và mỗi nhiếp ảnh gia tự trình bày theo phong cách riêng của mình.”

Nhiếp ảnh gia Bình 57 kể về cơ duyên chụp bức “Mùa Thu Năm Ấy.” (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

“Đặc biệt, ngoài triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của hội viên PSCVN, chúng tôi còn triển lãm những bức hình đoạt giải trong kỳ thi ảnh quốc tế ‘2015 Southern California International Photography Exhibition’ do PSCVN lần đầu tiên tổ chức vào Tháng Mười Một, 2015,” nhiếp ảnh gia nói.

Ông hội trưởng nói thêm: “Mặc dù lần đầu tiên tổ chức nhưng chúng tôi đã nhận được hơn 1,200 tấm hình tham dự, chia làm ba thể loại màu, trắng đen, thiên nhiên và động vật, của chính hội viên, học viên và những tác giả khắp nơi trên thế giới gửi về. Cuộc thi được Hội Nhiếp Ánh Mỹ PSA công nhận, và ba giám khảo người Mỹ tham gia chấm giải gồm Joanne Stolte (FPSA, GMPSA), Nan Carder (APSA, MPSA), và Nick Carver.”

Nhiếp ảnh gia Bình 57, bút hiệu của ông Bình Phạm, cho biết: “Tôi tham gia triển lãm với hai bức ảnh là ‘Mùa Thu Năm Ấy’ và ‘Nơi Ấy Bình Yên.’ Để chụp được hình, mỗi nhiếp ảnh gia phải chụp rất nhiều góc độ, rồi mới chọn được một bức hình ưng ý.” Nói về bút hiệu của mình, ông cho biết: “Khi còn ở Việt Nam tôi bán quán cà phê 57 nên sang đây lấy bút hiệu là Bình 57.”

“Mùa thu là tôi đi săn ảnh, đi tìm tác phẩm. Bức ‘Mùa Thu Năm Ấy’ tôi chụp tại Vermont miền Đông Hoa Kỳ vào trung tuần Tháng Mười, 2014. Cảnh đẹp cứ như tranh vẽ, tôi không cần phải canh ánh sáng nhiều, hay sử dụng kỹ thuật cao, tốc độ chụp… vì cảnh đã chiều lòng người. Còn bức ‘Nơi Ấy Bình Yên’ chụp về cuộc sống của Việt Nam tại làng nuôi cá bè trên sông La Ngà, ở Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Tôi cảm được vì cuộc sống của họ ở đây lênh đênh, không hộ khẩu, con không được đến trường,” ông chia sẻ.

Cả hai tác phẩm “Gốm Bago, Myanmar” và “Gánh Cá Quy Nhơn” của nhiếp ảnh gia Bùi Mạnh Cường đều thuộc thể loại đen trắng. Ông Cường cho biết: “Đen trắng khó chơi hơn màu, hiện cũng ít người chơi. Gốc của hai bức ảnh này là màu, nhưng tôi đổi qua đen trắng. Trước hết là tôi thích thể loại này, dù đen trắng thì mất công, vì phải sửa soạn cho hình màu thật đẹp thì đổi qua đen trắng mới đẹp được.”

“Cái chính là hình đen trắng đậm nét tương phản, bắt mắt người xem. Thường thì những hình đen trắng là chân dung và đời thường. Thêm vào đó, chụp về con người khó hơn chụp phong cảnh, vì mình phải bắt được những giây phút đẹp nhất của công việc mà người đó đang làm. Chẳng hạn bức ‘Gánh Cá Quy Nhơn’ tôi phải đứng 2 đến 3 giờ đồng hồ để chờ bắt được khoảnh khắc đẹp khi người phụ nữ quảy gánh cá, hai bên là những xề cá được phơi, xung quanh không có người ra vô tấp nập, rồi canh ánh sáng… Đây là nơi không thích hợp để du lịch, vì là khu vực tồi tàn và dơ, nhưng là nơi bắt mắt nhiếp ảnh,” nhiếp ảnh gia tâm sự. 

Tác phẩm “Gánh Cá Quy Nhơn” của nhiếp ảnh gia Bùi Mạnh Cường.

Bức ảnh “Hoàng Hôn Lung Linh” chụp tại bãi biển Huntington Beach được nhiếp ảnh gia Henry Nguyễn cho hay: “Hình này chụp thể loại phơi sáng. Khi chụp tôi phải canh ngày thủy triều rút và chuẩn bị cả buổi chiều, nếu không thì sóng đánh lên là cát trôi đi mất. Nhìn nắng chiều vàng ươm lấp lánh dưới mặt nước, mọi người cứ tưởng là chụp nhiều hình ghép lại, nhưng tôi chỉ chụp một hình.”

Hội trưởng Sĩ Huỳnh cho biết: “Ngoài là nơi chia sẻ kinh nghiệm nhiếp ảnh của các hội viên với nhau, hội còn tổ chức những khóa học về nhiếp ảnh kỹ thuật số vào Tháng Giêng hằng năm. Năm 2016 này là khóa thứ 15 được tổ chức. Mỗi khóa có ba lớp, mỗi lớp học trong ba tháng. Đầu tiên, học viên được học cách dùng các loại máy ảnh digital, những nguyên tắc căn bản về ánh sáng, khẩu độ. Kế đến là học về bố cục và kỹ thuật trong photoshop. Sau cùng là đi sâu hơn vào lãnh vực photoshop.”

“Để có một bức ảnh đẹp, không nhất thiết phải có máy tốt, đắt tiền. Trung bình một máy có độ phân giải từ 6 megapixel trở lên là có thể dùng được. Cái chính trong nghệ thuật mà hội muốn truyền đạt cho các học viên là kỹ thuật, mỹ thuật và nghệ thuật. Tuy nhiên, để đạt được cả ba phương diện này đòi hỏi nhiều yếu tố, nhất là phần nghệ thuật, hoàn toàn từ mỗi cá nhân,” ông hội trưởng tiếp lời.

Ông nói tiếp: “Ngoài sự bền bỉ, kiên nhẫn khi săn hình thì còn phải có con mắt nghệ thuật, mỹ thuật cộng với tâm hồn nghệ sĩ trong mỗi con người. Cái đẹp sẵn có trong thiên nhiên nhưng để đưa được thiên nhiên vào trong ý tưởng của mình rồi truyền đạt ý tưởng ấy đến người xem là cả một khổ công trong bố cục, trong kỹ thuật sử dụng ánh sáng, tốc độ và màu sắc cả trong thiên nhiên lẫn trong photoshop.”

Ông Sĩ Huỳnh cho hay: “Hội được nữ nhiếp ảnh gia Vy Vy Trần thành lập hơn 15 năm nay. Mong ước của cô là muốn phát huy nghệ thuật nhiếp ảnh mà giới nữ lưu thường ít lưu tâm tới. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, các ông đưa vợ con đến học, thấy hay cũng ghi tên theo học và vào hội nên hội đã phát triển thật nhanh chóng. Hiện nhiếp ảnh gia Vy Vy Trần bệnh nặng và đang ở nhà hưu dưỡng, nhưng hội vẫn duy trì hoạt động. Hội PSCVN được Sở Thuế IRS cấp giấp phép hoạt động như là một tổ chức bất vụ lợi phục vụ công chúng.”

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT