Wednesday, April 17, 2024

Nuôi chó như người thân, người bạn

 


Ngọc Lan/Người Việt


 


WESTMINSTER (NV) – “Sau năm 1975, gia đình tôi bị buộc phải rời khỏi căn nhà thân thương của mình. Mình ra đi, mình đau không nói, mà đáng nói là con chó nó không chịu đi, mình kéo nó đi, nó cứ nằm ì ra. Nó nằm quay mặt nhìn ngôi nhà, nó khóc!”










Con chó Bim giống “pekingese” của chị Khánh Linh. (Hình: Khánh Linh cung cấp)


Ðó là lời kể của chị Khánh Linh, cư dân thành phố Rancho Santa Margarita, về con chó nhà mình. Sửng sốt trước hình ảnh con chó có một đời sống tình cảm không thể ngờ như vậy, chị Khánh Linh bắt đầu có suy nghĩ về chó từ lúc đó.


Tương tự như chị Khánh Linh, cô Nguyễn Thị Hợp, ở thành phố Cypress, và ông Andy Nguyễn, ở Beverly Hills, đều có những lý do để nuôi nấng, chăm sóc và thương yêu chó như con, như cháu của mình.


 


Tại sao lại nuôi chó?


 


Từ suy nghĩ về con chó có một đời sống, một cảm giác như con người, chị Khánh Linh bắt đầu nuôi “hai con chó nhỏ giống ‘pekingese’ do một người học trò mang cho,” lúc còn ở Việt Nam. Sau khi đến Mỹ năm năm, chị lại nhận nuôi một “cậu con trai” có tên là Bim cũng giống chó đó. Và hiện nay, trong nhà chị có thêm một thành viên là một “đứa con gái trắng muốt” cũng giống “pekingese”.


“Chó giúp mình giảm đi rất nhiều những phiền muộn của cuộc sống,” chị Khánh Linh nhận xét. “Tôi thấy mình học được rất nhiều điều từ con chó. Nhiều lắm!”


Theo lời tâm sự của chị, là con người, mình làm bạn với người này người kia, mình tốt với người ta, người ta tốt lại. Nhưng nếu người ta nói nặng lời với mình là mình buồn liền. Lần sau gặp lại mình đã không còn cảm thấy tự nhiên, không thoải mái. Trong khi chó thì không như thế.


“Nuôi chó, có những lúc mình bực tức điều gì, mình la nó, đánh nó, đá nó một cái. Thế nhưng, nó không hề giận mình, nó vẫn lao vào mình, lăn vào mình, nằm trong lòng mình, như nó thuộc về mình, không gì thay đổi. Con người mình không làm được điều đó. Trong khi con chó đã thương mình là nó thương, không cần điều kiện. Mình mặc áo đẹp hay áo rách, nó vẫn thương mình.”


Với cô Nguyễn Thị Hợp, một họa sĩ, người nuôi chó từ 20 năm qua, thì nuôi chó là “có thể kéo dài tuổi thọ” vì “tụi nó làm mình cười hoài à”.


“Nó có những cử chỉ khiến mình thấy thương lắm! Như khi mình cầm đồ ăn, nó khoanh tay phía trước chờ mình cho. Khi mình kêu nó chờ thì nó ngồi xuống chờ. Mỗi sáng, hai em ấy rủ nhau leo lên ghế ngoài sân để tắm nắng nữa.” Người phụ nữ ngoài 60 kể về “hai em” chó của mình bằng giọng nói đầy hạnh phúc.


Trong khi chị Khánh Linh hay cô Nguyễn Thị Hợp nuôi và thương yêu “con, em” của mình thì ông Andy Nguyễn, một thương gia, chỉ là người chăm sóc cho “cháu nội, cháu ngoại” những khi cuối tuần hay lúc các con ông đi nghỉ mát.


Ông dùng chữ “cháu nội” để chỉ chú chó “Japanese Husky” của người con trai, và “cháu ngoại” để chỉ chú chó “French Bulldog” của người con gái.


Từ chỗ không thích nuôi chó, nhưng “chỉ một thời gian, những hành động rất dễ thương, lạ lùng của chúng khiến mình thấy thương và gắn bó với chúng lúc nào không hay”. Ông Andy cho biết.


Theo lời ông kể, “mỗi khi về nhà, trước tiên tụi nó đến chào ông bà rồi mới chạy ra sân chơi. Còn khi đến mà không thấy tôi, thì nó chạy đi tìm, lén leo lên lầu, ngó lên giường xem tôi có ở đó không, rồi mới chạy xuống. Khi ra về, tụi nó cũng chạy đến ôm mình một cái rồi mới te te theo chủ đi về. Nó có những hành động mà mình không thể ngờ được. Thành ra mình cảm thấy ‘touching’!”


 


Chó như một người thân


 


Yêu thương chó biết trung thành với chủ, nên ngày rời Việt Nam năm 1991, chị Khánh Linh bảo: “Không nhớ ai hết, chỉ nhớ mấy con chó quá chừng.”


Với nỗi nhớ thương đó, sau năm năm đến Mỹ, khi thấy vừa có đủ điều kiện, chị Khánh Linh đến “dog shelter” xin một con chó về nuôi, “vì nếu mua phải trên dưới $1,000, tôi không đủ sức”.


“Vô trong ‘dog shelter,’ tôi lại nhìn thấy một con ‘pekingese,’ đó là một đứa con trai, có màu nâu, màu trắng, màu vàng rất là dễ thương. Trên đường mang nó về nhà, mở nhạc nó nằm im lắng nghe, rồi liếm lấy tay mình, giống như nó có duyên với mình từ lúc nào, nó thương mình một cách kỳ lạ lắm!” Chị Khánh Linh kể về “cậu con trai” được đặt tên là Bim bằng một tình cảm đầy ắp của người mẹ.


Lần thứ hai chị Khánh Linh đi nhận một “nàng” chó trong “dog shelter” cũng đầy cảm xúc.


Chị kể, “Cũng như lần trước, tôi không đủ khả năng để bỏ ra cùng lúc $800 hay $1,000 để mua chó. Nên tôi lên Internet tìm kiếm những con chó trong các ‘shelter’. Tôi nhìn thấy một con chó trắng, cũng giống ‘pekingese,’ nằm buồn bã trong chuồng. Thương không chịu nổi.”


Thế là sáng hôm sau chị xin nghỉ làm, chạy lên Los Angeles làm giấy tờ xin mang con chó đó về nuôi. Tuy nhiên, theo quy định, chị phải chờ 10 ngày để xem chủ của con chó đi lạc có tìm nó không. “Mười ngày đó là 10 ngày tôi mất ngủ, cứ nằm nhớ ánh mắt nó.” Ðến khi mang được nó về, chị thì mừng, trong khi nó quấn quýt với chị ngay lập tức, như thể, chị là của nó, tự bao giờ.


Với cô Nguyễn Thị Hợp, người đã có gần 20 năm nuôi chó, thì sự “qua đời” của một “em” mà vợ chồng cô nuôi suốt 16 năm khiến cô “như mất hồn, đến ngơ ngác”.


Ðể giúp vợ chồng cô quên đi nỗi buồn này, hai đứa cháu nhỏ trong gia đình đưa vợ chồng cô đến một nơi nuôi chó “mồ côi” để chọn một con cỡ trung bình mang về nuôi, đặt tên là Dali, từ năm 2007.


Thế nhưng khi vợ chồng cô đi làm, để Dali nhà một mình, “nó khóc quá, hàng xóm méc lại.” Thế là cô lại lên ‘pet center’ hỏi thăm làm cách nào cho nó “nín khóc,” họ đề nghị nên mang về thêm một con chó khác cho nó có bạn. Thành ra hiện giờ cô Hợp có thêm một “em” màu trắng tên Jolie.


Mỗi ngày đi làm về là cô nhìn thấy “hai em” ngồi chờ. Sáng đúng giờ “hai em” nhảy lên giường đánh thức cô dậy. “Những khi tôi vẽ, nó cứ lẩn quẩn bên mình, như người bạn, không làm gì cho mình buồn hết.” Người họa sĩ lại cười khi nhắc đến “hai em” chó của mình.


Ông Andy thì cứ nhớ đến hai con mắt tròn xoe như hai viên bi của “đứa cháu ngoại” “French Bulldog” mỗi khi nó ngước nhìn ông, muốn đòi hỏi ở ông một điều gì đó. “Thương không chịu nổi, như một đứa con nít 3, 4 tuổi vậy.”


Trong khi đó, “cháu nội” “Japanese Husky” chính là người bạn cùng đi bộ thể thao với ông Andy đến 6, 7 dặm vào những ngày cuối tuần.


Ông Andy kể một cách hóm hỉnh, “Mỗi khi chúng về nhà một mình thì thôi, nhưng khi cả hai con cùng về thì chúng cứ tranh giành nhau. Con tới trước cứ muốn khẳng định ‘hê, đây là nhà của tao, mày đi chỗ khác chơi.’ Giống y như hai đứa con nít, như hai đứa cháu nội cháu ngoại không khác gì hết.”


Không chỉ vậy, lý do mà hai người con ông Andy nuôi chó là vì “các con tôi muốn trước khi chúng có con, chúng thử nuôi chó xem có thể đáp ứng được hết những nhu cầu cần thiết cho con chó, có chăm sóc, yêu thương được nó không thì mới tính đến chuyện có con”.


Ông Andy cho rằng lúc đầu ông “sốc” khi nghe như vậy, nhưng sau ông nghĩ đó mà một kế hoạch hay, và “nhiều người trẻ bây giờ có đầy đủ điều kiện thì họ làm như vậy”.


“Gia đình ở Mỹ hiện giờ chỉ có một hoặc hai đứa con, thế nên khi có con chó làm bạn, đứa trẻ sẽ cảm thấy đỡ cô đơn. Nhiều đứa nhỏ không thể nói chuyện được với cha mẹ, với anh chị em, nhưng nó lại có thể tâm sự với con chó, và khi nó có thể giải tỏa hết những tâm tư của nó thì tâm lý của nó sẽ không bị đè nén khi trưởng thành.” Ông Andy chia sẻ kinh nghiệm của một người bố, người ông.


 


Nuôi chó như nuôi con người


 


Chi phí cho việc nuôi chó là không giới hạn, nó tùy thuộc vào tài chánh và quan niệm của mỗi gia đình. Nếu chị Khánh Linh tự lên Internet, tìm kiếm “dog shelter” để mang về con chó có duyên với mình, hay cô Hợp Phạm cũng đến “shetler” để lựa chọn con chó mình thích, thì các “cháu nội cháu ngoại” nhà ông Andy Nguyễn được mua từ nơi chuyên bán chó.


Vì muốn thử nuôi chó như nuôi một đứa con nên “cháu nội” ông Andy cũng được cho đi “nhà trẻ” mỗi ngày, cũng tham gia trong câu lạc bộ dành cho chó, được dạy dỗ đến nơi đến chốn.


Thế nhưng, những con chó được mang về từ “shelter” không vì thế mà được yêu thương ít hơn những con chó phải bỏ tiền ra mua, cho dù chủ nhân của chúng có thể phải đối diện với những “tính xấu” không ngờ trước được do “di chứng” về cách đối xử không tốt của chủ trước.


Cô Nguyễn Thị Hợp kể về những ngày tháng nằm trong bệnh viện và sự ra đi của một con chó mà cô nuôi trong 10 năm, không khác chi một con người thật sự.


Theo lời cô, “em” chó lên 10 tuổi này bị phong thấp nặng, phải cho vô nhà thương, “mỗi ngày tốn cả trăm đồng tiền thuốc men, bệnh viện”. Trong suốt cả tháng trời, cứ mỗi chiều đi làm về thì cô và mọi người trong nhà đều ghé vào thăm nó. Khi bác sĩ yêu cầu “cho nó ngủ luôn vì nó yếu quá rồi” cô cứ trăn trở không quyết định được, “Làm sao nỡ khi mỗi ngày vào thăm nó vẫn mở mắt nhìn mình như thế.” Cô để con chó trong bệnh viện thêm một tháng nữa, tốn kém không ít tiền.


“Tối hôm đó, tôi mang đồ chơi cho nó. Ngồi ở đó với nó rất lâu. Khóc không biết là bao nhiêu. Sau cùng chỉ nói được mỗi câu ‘Tùy bác sĩ’ rồi chạy về.” Cảnh vĩnh biệt con chó có khác gì đâu cảnh vĩnh biệt người thân yêu của mình.


Cô hạ giọng, “Nuôi rồi thì nó có khác chi một đứa con.”


Còn chị Khánh Linh, dù không mua “bảo hiểm sức khỏe” hằng tháng cho những “đứa con” của mình, nhưng như chị nói, “Khi mình bệnh, mình đau mình còn chịu được, chứ với nó thì mình không thể nào nhìn nó đau đớn. Mỗi lần mang nó tới bệnh viện, người ta đòi $500 hay phải trả trả $,1,000 hay $2,000 thì mình cũng phải trả, không đành lòng bỏ đâu.”


 


Phải có thời gian và kinh phí


 


Không ai xa lạ với cảnh sớm chiều người ta dẫn chó đi bộ, chạy bộ, đi dạo trong công viên hay trong các khu phố.


Ông Andy nêu suy nghĩ, “Muốn nuôi chó đàng hoàng thì phải có khả năng tài chánh và phải có chút thời gian để lo cho nó.”


Không ai có thể đưa ra con số chính xác là nuôi chó thì tốn kém bao nhiêu một tháng, một năm, bởi vì tùy theo điều kiện kinh tế mỗi gia đình. Nhưng “nhất định là phải tốn”.


Chị Khánh Linh chia sẻ kinh nghiệm, “Ở đây người ta khuyến khích là không nên cho chó ăn ‘table food’ tức là khi mình ăn cái gì thì mình cho chó ăn cái đó. Vì làm như vậy chó bị hư răng và dễ chết sớm. Thế nên chỉ cho nó ăn thức ăn dành cho chó. Mà trong khi đồ ăn cho người thì cứ hay ‘sale’ chứ đồ của chó thì ít ‘sale’ lắm mà có thì cũng có chút xíu à!”










Hai con chó Dali và Jolie của họa sĩ Hợp Phạm rủ nhau leo lên ghế ngoài sân để tắm nắng. (Hình: Hợp Phạm)


Ngoài chuyện thức ăn, còn là chuyện tắm, cắt tóc, đánh răng, chích ngừa, khám bệnh cho những con chó cưng. Có người thì tự mua xà bông về tắm cho chó ở nhà, tự cắt tóc, cắt móng tay móng chân cho nó. Ai có khả năng thì mang chó đến những “dog beauty salon” để trả khoảng $35 trở lên cho một lần tắm, cắt tóc… Với những chú chó được cưng hơn nữa, thì còn là chuyện quần áo, trang sức, chỗ ăn chỗ ngủ.


Chuyện tập cho những “đứa con nít” này đi vệ sinh ở đâu hay phải biết “lễ phép” trong chừng mực nào, ví dụ như không được ngồi dưới gầm bàn khi chủ ăn cơm, không được leo lên sofa, lên giường, lên lầu, hay khi chủ bận chưa kịp dẫn đi “tè” thì biết chạy vào “bath tube” mà đi… tất cả đều phải có thời gian dạy dỗ, không khác cho dạy một đứa trẻ.


Và khi chó được xem là một thành viên trong gia đình thì chuyện chó đau ốm cần phải được chăm sóc thuốc thang cũng là lẽ tất nhiên. Những gia đình lo xa, có nhiều khả năng tài chánh thì chó cũng được mua luôn bảo hiểm sức khỏe. Còn không, khi chó bị bọ chét, mua thuốc về bôi cũng tốn $70, $80 như chị Khánh Linh, hay chó bị vết thương ở tay, mỗi lần mang đi bác sĩ cũng trên dưới $100.


Khi gia đình đi nghỉ mát, nếu mang chó đi theo, dĩ nhiên chủ phải trả thêm tiền khách sạn cho chó. Còn không thì gửi nhờ ông bà, bạn bè chăm sóc, nếu như không muốn gửi vào những “khách sạn chó” trong thời gian một tuần trở lên.


***


Nuôi chó tốn kém là vậy, nhưng phần thưởng mà người ta nhận lại được, như những ai từng nuôi chó đều biết, là một người bạn trung thành của những đứa trẻ, là người mang lại niềm vui cho người lớn tuổi, những điều mà đôi khi, con người không tìm được ở chính đồng loại mình.


––-


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT