Thursday, March 28, 2024

Ra mắt ‘Tuyển Tập Trần Phong Vũ’


Nguyên Huy/Người Việt


 


Chiều hôm Chủ Nhật, 11 Tháng Mười Một vừa qua, nhà văn Trần Phong Vũ đã ra mắt độc giả cuốn “Tuyển Tập Trần Phong Vũ” tại Trung Tâm Công Giáo, giáo phận Orange County cùng với nhà biên khảo Trần Ðại Sỹ ra mắt những tác phẩm về lịch sử của mình.










Nhà văn Trần Phong Vũ đang ký sách cho nhà văn Bích Huyền.


Trước trên 200 đồng hương, độc giả đến tham dự – phần lớn là những người hoạt động trong các ngành nghệ thuật và văn hóa – mà Bác Sĩ Trần văn Cảo, trưởng ban tổ chức, gọi là “những khán giả thật chọn lọc.” Bác Sĩ Cảo phát biểu rằng: “Cả hai đã đóng góp làm phong phú thêm cho nền văn học Việt Nam, qua những tác phẩm của mình. Những tác phẩm này sẽ được lưu truyền trong các thư viện và đến khắp độc giả.”


Tiếp đó, nhà văn Vương Kỳ Sơn từ New Orleans, qua đại diện nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, đã giới thiệu những tác phẩm của nhà biên khảo Trần Ðại Sỹ. Hai vị giới thiệu “Tuyển Tập Trần Phong Vũ” là Bác Sĩ Trần Việt Cường và Giáo Sư Lưu Trung Khảo.


Nhà văn Trần Phong Vũ, với nhiều độc giả từng đọc ông, nhiều khi không biết nên gọi ông là nhà văn, nhà biên khảo, nhà truyền thông, người viết tâm bút hay nhà thơ… vì trên lãnh vực nào cũng thấy ông xuất hiện, mà xuất hiện với cây bút và ngôn ngữ thật sắc bén, tế nhị, phủ đầy yêu thương và tràn ngập niềm tin, niềm tin Cơ Ðốc Giáo.


Ông viết văn từ khi còn trẻ ở trong nước, từng là bình luận gia của các chương trình trên đài phát thanh quốc gia Saigon từ năm 1957 đến ngày miền Nam phải lọt vào vòng tay cộng sản. Ông cũng từng là tổng thư ký của nhiều tờ báo tại miền Nam trước năm 1975. Và, ông cũng là một nhà giáo dạy văn chương đệ II cấp tại các tư thực lớn ở Saigon như Thủ Khoa, Hưng Ðạo, Nguyễn Bá Tòng, Lasan Tabert… Ông là tác giả của 14 tác phẩm thuộc đủ mọi lãnh vực từ văn chương thơ phú cho đến những biên khảo, nghiên cứu chính trị, tôn giáo. Ông cũng từng được Giải Nhất của Văn Hóa Vụ, Bộ Thông Tin VNCH, năm 1956 với Mùa Hợp Tấu, một tác phẩm trường ca.


Sau năm 1975, định cư ở Hoa Kỳ, nhà văn Trần Phong Vũ lại tiếp tục cầm bút, chủ trương các tờ báo như Ðường Sống, Diễn Ðàn Giáo Dân, đồng thời hợp tác trong nhiều chương trình bình luận thời sự, văn học trên các đài truyền hình lớn của cộng đồng người Việt như SBTN, VHN…


Nhận xét về ông, nhà phê bình văn học Thụy Khuê – dù mới sơ giao như bà viết – cũng phải thốt lên: “Biết anh, một ông già tuổi ngoại bát tuần vẫn còn chạy ‘show’ hết đài phát thanh, đài truyền hình này khác để cổ võ cho một lý tưởng ‘Phát triển văn hóa Việt trên đất Mỹ” và “những chữ nghĩa của anh đã xuyên vào tâm tôi qua những làn sóng ngầm không tên, không biên giới. Anh đã tạo được một cõi Tâm cho những người sống trên cõi Tạm bằng thơ, bằng truyện, bằng lời.” Rồi nhà phê bình Thụy Khuê phải buông lời thán phục “ông già này sinh ra làm một số việc mà chẳng ai thích làm. Ông già này tự gánh những việc mệt nhọc không có lời, không có lãi, không có lợi. Ông già này xung phong vác cây thánh giá trong khi mọi người bận bịu làm ăn.”


Cũng thế Thêrêsa Thanh Thủy, dòng Nữ Tu Mến Thánh Giá cũng viết về ông: “Lội ngược dòng với một xã hội văn minh, thích hưởng thụ hơn là ban phát, thích tính toán làm giầu hơn là lo tính sổ với Thiên Chúa, ao ước trúng số độc đắc hơn là ước mong có được một tâm hồn bình an, anh Trần Phong Vũ đã mời gọi người đọc trở về với căn nhà nội tâm của mình để đặt lại giá trị ưu tiên trong cuộc sống.”


Về “Tuyển Tập Trần Phong Vũ” thì, theo tác giả: “Ðây là tập hợp ba trong số những cuốn sách đã xuất bản từ hai thập niên 80 và 90 thế kỷ trước và đã tuyệt bản từ lâu. Truyện ngắn và tạp văn ‘Quê Hương Còn Ðó’ do Bách Việt ấn hành 2000 bản mùa Hè năm 1983 chỉ hơn một năm sau đã được độc giả chiếu cố đến cuốn cuối cùng. Thi tập ‘Dấu Chân Trên Cát’ ấn hành năm 1995 và tâm bút ‘Bên Vực Tử Sinh’ ra đời năm 1998 cũng đã hết.”


Với 500 trang sách khổ lớn, bìa cứng giấy vàng, ấn phí 25 Mỹ kim do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ấn hành năm 2012, Tuyển Tập Trần Phong Vũ đã thâu gọn được ba tác phẩm kể trên và một số bài viết về tác giả và tác phẩm…


Với “Quê Hương Còn Ðó,” nhà văn Trần Phong Vũ viết: “Quê hương ở trong hồn ta. Cho dù vì hoàn cảnh ta có phải phiêu dạt nơi góc bể chân trời, và cho dù quê hương có nhất thời gặp cơn ma chướng thì quê hương vẫn còn đó… Còn đó, còn đó như một thôi thúc, một réo gọi hoài hoài, bất tuyệt đối với những tấm lòng Việt Nam muôn thuở.”


Với “Bên Vực Tử Sinh” thì Sơ Thêrêsa Thanh Thủy nhận định: “Bên Vực Tử Sinh là kết tụ những chuỗi ngày suy nghĩ về sự sống và sự chết của tác giả Trần Phong Vũ, những suy nghĩ không thể đến được từ những lý luận cứng rắn của khối óc, nhưng phải là những cảm nhận nội tâm, khắc khoải nhưng sâu xa, vọng về từ chính kinh nghiệm của một người đã đứng trên bờ sống chết để thấy rằng sinh mạng của mình thực sự mong manh hơn sương khói.”


Và với tập thơ “Dấu Chân Trên Cát,” Giáo Sư Lưu Trung Khảo có nhận xét: “Hầu hết những bài thơ này đều phát xuất từ những nguồn cảm hứng chân thành và có thật. Những nguồn cảm hứng đó được qui chiếu vào những chủ điểm: tình yêu gia đình (phụ tử, mẫu tử), tình yêu nhân loại. Và tuồng như tất cả những tình cảm đằm thắm này đều khơi nguồn từ một thứ tình cảm siêu nhiên. Ðó là niềm tin tôn giáo.”










Quang cảnh hội trường Trung Tâm Công Giáo trong buổi ra mắt sách của Trần Phong Vũ.


Ðọc “Tuyển Tập Trần Phong Vũ” người đọc sẽ cũng đồng ý như nhận xét của nhà thơ Viên Linh rằng: “Ngoài đời, anh (Trần Phong Vũ) là một nhà mô phạm, một nhà báo. Trong khi cầm bút, anh viết văn, nhận định và dĩ nhiên, còn làm thơ. Dù là con người nào, Trần Phong Vũ luôn sống và viết với ý hướng giáo dục.”


Ðể có “Tuyển Tập Trần Phong Vũ” quí độc giả có thể liên lạc với Tủ Sách Tiếng Quê Hương, P.O. Box 4653 Falls Church, VA 22044, hay điện thoại cho tác giả (949) 232-8660.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT