Friday, April 19, 2024

Bà ngoại và mẹ chết, cha ở tù, ai giúp con trở thành bác sĩ?

Ngọc Lan/Người Việt

HOUSTON, Texas (NV) – Sau khi bài báo “Đằng sau thảm kịch gia đình: Chồng đâm, chém chết mẹ vợ và vợ ở Houston” được đăng tải trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt, bên cạnh một lượng “chia sẻ” (shared) khổng lồ với những lời bình luận, bày tỏ suy nghĩ liên quan đến những nhân vật chính, thì một câu hỏi cũng được nhiều độc giả đặt ra là tương lai của hai đứa bé (con của ông Phát Lê và bà Thanh Trúc Nguyễn) sẽ như thế nào, khi mẹ và bà ngoại đã chết, ba đang đối diện với bản án tù?

Phóng viên Người Việt đã tiếp xúc, chuyện trò với cô Lan Nguyễn, người đang được Cơ Quan Bảo Vệ Trẻ Em (Child Protective Services-CPS), đồng ý cho chăm sóc nuôi dưỡng hai bé Nhi Lê, 11 tuổi, và Linh Lê, 9 tuổi, cũng là người đứng ra lập quỹ Gofundme (https://www.gofundme.com/help-raising-linh-and-nhi), để tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Ngày “định mệnh” về người đã mất và người ở tù

Cô Lan Nguyễn gọi ông Phát Lê bằng chú. Cô là con gái lớn của ông Tài Lê, anh trai ông Phát. Cô hiện đang là nhân viên chuyên về bảo hiểm cho một bệnh viện, sống cùng chồng và ba con ở Houston.

Ngày xảy ra tấm thảm kịch, Thứ Tư, 13 Tháng Chín, 2017, Lan đang ở trong phòng khi ông Phát chở hai con của mình xuống, để đó, và lái xe đi, không nói lời nào.

Lan kể, “Hai em Nhi và Linh hay xuống nhà tôi chơi cuối tuần vì tôi cũng có hai con bằng tuổi hai em, nhưng mỗi lần xuống thì chú Phát hoặc cô Trúc đều gọi điện thoại báo trước, và chỉ xuống chơi cuối tuần thôi vì cả cô và chú đều rất chú trọng chuyện học hành của hai em.”

Chính vì lý do đó, nên Lan “rất ngạc nhiên” khi thấy tại sao hôm đó là ngày thường mà chú lại đưa hai em xuống lúc chiều tối.

“Tôi thấy lạ nhưng lại nghĩ chắc cô chú gây gổ nên để hai em ở nhà tôi rồi về nhà nói chuyện,” Lan nhớ lại.

Tuy nhiên, khi thấy đã hơn 8 giờ rưỡi mà vẫn không ai đến đón hai đứa bé, Lan hỏi “Ba đi đâu?” thì bé lớn cho biết, “Ba nói đi lên hãng xin nghỉ việc.”

Theo lời Lan, tại thời điểm đó, ông Phát mới xin được việc làm “full time” chưa đầy một tháng, và làm ca tối.

Hai đứa bé cho Lan biết là các em cũng không gọi được mẹ, gọi lên tiệm nail nơi mẹ em làm thì được trả lời rằng “Lúc trưa có ai đó gọi điện thoại cho mẹ, và mẹ đi về rồi.”

Linh tính báo cho Lan biết dường như có điều chẳng lành xảy ra, nên cô đã gọi cho ba mình, là ông Tài, giục ông nên đến nhà ông Phát xem chuyện gì thì “phát hiện sự việc xảy ra như vậy.”

Niềm vui trẻ thơ (Hình: Facebook Lan Nguyen)

Phía còn lại của câu chuyện”

Sau khi bài báo “Đằng sau thảm kịch gia đình: Chồng đâm, chém chết mẹ vợ và vợ ở Houston” được đăng, một người tên là Khánh Phan đã gửi email đến tòa soạn cho biết, “Đó không phải là sự thật 100%. Đó chỉ là một phía của câu chuyện. Thay mặt cho Trúc, chúng tôi muốn kể thêm phía còn lại của câu chuyện này.”

Chúng tôi đã liên lạc với anh Khánh, và cho biết sẵn sàng nghe phần còn lại của vấn đề vì trước đó chúng tôi không liên lạc được với những người đại diện cho phía người đã mất.

Anh Khánh chuyển cho chúng tôi nói chuyện với chị Vy Lê. Chị Vy và anh Khánh chính là chủ tiệm nail nơi cô Trúc làm việc, cũng là hai người tới nhà ông Phát vào tối hôm xảy ra thảm kịch.

Qua điện thoại, sau khi nghe chúng tôi khẳng định sẵn sàng nghe “phần còn lại của câu chuyện để viết tiếp một bài báo nếu cần,” chị Vy cho biết, “Tôi chính là người đứng ra xin tiền để lo đám tang, nhưng từ khi bài báo viết ra thì những người từng cho tiền lại quay qua trách tụi tôi là tại sao lại đi xin tiền cho những người như vậy. Những lời ‘comments’ trên báo giờ đây đều bênh vực ông Phát, trong khi ông ta là người đã giết hai mạng người và họ viết những lời thậm tệ cho hai mẹ con chị Trúc.”

Qua Facebook của cả anh Khánh và chị Vy, chúng tôi được biết tổng số tiền anh chị quyên góp được là $19,856. Sau khi trừ chi phí đám tang, hỏa táng, còn lại $8,474.89 đã được chuyển đến tay cô Lan với mục đích “giúp nuôi hai bé Linh và Nhi.”

Cô Lan cho biết thêm, “Khi chuyện xảy ra, phía gia đình cô Trúc ở Việt Nam đề nghị đưa xác họ về bển, nhưng tôi không có đủ khả năng, vì chi phí đưa xác về Việt Nam là $14,000 cho mỗi người.”

“Hơn nữa, thật sự tôi không có trách nhiệm phải đứng ra lo cho đám tang này. Nhưng tôi nghĩ dù sao cũng là đồng hương, dù sao cũng là người từng ở chung xóm với nhau, dù sao tôi cũng nhận nuôi hai đứa nhỏ nên tôi nghĩ mình nên làm điều gì đó cho hai đứa nhỏ. Nghĩ vậy nên tôi đứng ra lo đám ma cho cô Trúc và bà Sáu,” cô giãi bày.

Cô cũng cho rằng, “Tôi không muốn ba mẹ tôi nhúng tay vào vụ đám ma này, vì nếu ba mẹ tôi đứng ra lo mà bên Việt Nam không vừa ý thì họ lại bắt bẻ đủ thứ sẽ khó xử cho ba mẹ tôi. Khi tôi nghĩ mình đứng ra lo đám tang, tôi chỉ nhắm tới khả năng mình lo được tới đâu thì lo, vì tôi không hề biết tôi có được sự trợ giúp của ai hay không, hay chỉ có vợ chồng tôi gánh vác, nên phải suy nghĩ rất nhiều.”

“Rất may là có Vy, có Khánh, có chị Oanh cùng phụ tôi lo đám tang theo phục tục Phật Giáo. Hiện tại tro cốt của bà Sáu đã được gửi về Việt Nam, còn tro của cô Trúc để trên chùa để hai đứa nhỏ có dịp đến thắp hương cho mẹ,” Lan xác nhận.

Khi chúng tôi nhắc lại việc sẵn sàng nghe “phía còn lại của câu chuyện này” như trong email của anh Khánh gửi tới, chị Vy nói, “Thật ra tôi cũng chỉ là bạn bè với chị Trúc thôi, sẽ có một người nói rõ hơn về sự thật này. Người đó chính là vợ chồng Lan.”

Đến Mỹ từ năm 8 tuổi, tính cách cô Lan ảnh hưởng nhiều lối sống của người bản xứ, nghĩa là không quá quan tâm, tò mò về cuộc sống gia đình của người khác. Tuy nhiên, cô cũng chia sẻ ít nhiều suy nghĩ của mình liên quan đến vợ chồng ông Phát.

“Thật sự, lúc chú Phát nói về Việt Nam cưới cô Trúc, khi đó tôi chỉ mới 16,17 tuổi, nhưng tôi còn nhớ như in tôi nói với ba mẹ là ‘đây không phải cưới vì yêu thương gì hết mà cưới vì thẻ xanh thôi.’ Lúc đó tôi không đồng ý, tôi không vui, vì tôi lớn lên bên này, tôi nghĩ lấy nhau là vì thương nhau chứ không phải vì tiền hay vì một cái gì hết. Tôi cũng nói với chú là ‘con nghĩ sao nói vậy, chú buồn thì con chịu,’” Lan kể.

Dù vậy, cô nhận xét, “Ở Việt Nam quá khứ họ như thế nào tôi không biết, nhưng từ khi qua Mỹ, cô Trúc không bao giờ để cho con cháu phải thiệt thòi, chú Phát cũng vậy. Tôi và cô Trúc nói chuyện rất bình thường, không có vấn đề gì. Thật sự tôi không nghĩ cô Trúc xấu xa hay gì hết, chưa bao giờ cô làm phật lòng tôi, tôi cũng chưa bao giờ làm phật lòng cô Trúc.”

Với người chú của mình, Lan kể bằng giọng xúc động, “Chị có biết không, có lần, khi mà hãng chú tôi làm được 7 năm chuẩn bị sa thải nhân viên, chú có nói với tôi là ‘hãng ít việc quá nên chú ngại quá, chú lấy cái chổi quét vòng vòng cho có việc làm chứ ngồi không thấy ngại quá.” Chú rất siêng làm. Từ khi qua Mỹ đến giờ, trước là chú lo cho gia đình dì còn ở Việt Nam, sau này có vợ thì lo cho vợ con thôi.”

“Tôi còn nhớ lúc tôi còn nhỏ, khi đó chú ở Iowa qua chơi, tôi nói ‘chú ơi con thích chiếc xe đạp.” Khi đó chiếc xe có giá mấy chục đồng, mà nghe tôi nói vậy chú không ngần ngần gì hết, móc liền trong bóp đưa cho tôi tờ $100, mà $100 lúc đó lớn lắm, tôi nhớ tới bây giờ,” Lan kể.

Tốt với mọi người xung quanh, nhưng “chuyện hai vợ chồng này gây gổ thường xuyên là có thật, chủ yếu là vì tiền bạc,” Lan cho biết.

Khi được hỏi “Mâu thuẫn của gia đình ông Phát căng thẳng đến mức nào?” cô Lan trả lời sau một hơi thở dài, “Theo tôi biết, mỗi khi hai đứa nhỏ xuống nhà tôi chơi là tụi nó thấy thoải mái lắm, giống như được thoát ra khỏi sự căng thẳng. Hai em cho biết là từ khi bà ngoại sang, ba mẹ hay cãi lộn với nhau.”

Cô kể thêm, “Mới đây bé lớn mang hình gia đình ra coi, tôi thấy trong đó có tấm hình chụp cả nhà đi biển rất vui. Tôi hỏi đi hồi nào thì em nói đi trước khi bà ngoại qua. Tôi hỏi thêm ‘Khi đó gia đình hạnh phúc lắm hả?’ thì em nói ‘đúng, Mùa Hè nào cũng được ba mẹ dẫn đi chơi, rồi có năm đi Việt Nam, có năm đi San Antonio nữa.’ Tôi nghe vậy thôi cũng không dám hỏi thêm nhiều.”

Lan nói một cách chậm rãi, “Chuyện xảy ra đối với tôi như phim vậy. Tôi không bao giờ nghĩ chú tôi làm như vậy. Xưa nay chú chưa bao giờ làm bất cứ điều gì để bị ghi vào hồ sơ cảnh sát.”

“Chuyện xảy ra rồi tôi cũng không muốn tìm hiểu thêm nữa. Tôi chỉ muốn tập trung lo cho tương lai hai đứa nhỏ, tôi không muốn chuyện đi quá xa nữa,” cô nói.

Những nụ cười trẻ thơ liệu có còn hoài theo năm tháng nếu như không có sự tiếp sức của cộng đồng? (Hình: Lan Nguyễn cung cấp)

‘Sẽ nuôi hai em đến khi nào vợ chồng em nhắm mắt thì thôi’

Hỏi về chuyện chăm sóc hai đứa bé con ông Phát là Nhi và Linh, Lan nói không chút đắn đo, “Vì chú đã mang hai đứa nhỏ đến nhà giao cho tôi, nên vợ chồng tôi sẽ nuôi hai em đến khi nào tụi tôi nhắm mắt thì thôi. Cho dù mấy em có lớn lên đi chăng nữa, có chồng, có con, có công việc làm hẳn hoi thì tụi tôi vẫn phải lo cho mấy em.”

Cô nói thêm, “Khi chuyện xảy ra, chồng tôi đã nói bây giờ mình làm giấy tờ xin hai bé làm con nuôi luôn.”

“Cũng may mắn là tụi tôi có hai đứa con bằng tuổi của hai em cho nên bốn đứa chơi với nhau cũng giúp hai em vơi đi được nỗi buồn. Lúc nào tụi nó gần nhau thì lại nghe cười giỡn, cùng coi phim, kể chuyện. Mấy đứa bé rất thích nghe kể chuyện nên trước khi đi ngủ,” Lan cho biết.

Cũng theo Lan, “Lúc chuyện mới xảy ra, vợ chồng tôi cứ sợ là hai em khóc, rồi đi học không được. Nhưng có lẽ hai em cũng biết chuyện nên nói là muốn đi học lại liền, vì em nói ‘ba mẹ muốn tụi em đi học.’ Vậy là tụi tôi làm giấy tờ chuyển trường liền cho hai em về chỗ tụi tôi học để tránh những xầm xì của những người quanh nơi đó.”

Hiện tại, theo Lan, buổi sáng chồng cô đưa cả 5 đứa nhỏ đến 3 trường khác nhau. Buổi chiều, ông Tài đón bé Linh, đứa lớn nhất, về nhà ông cho ăn cơm, học hành. Lan đi đón bốn bé còn lại.

Lan tâm sự, “Vợ chồng tôi đã nghĩ không phải chỉ nuôi 5 đứa ở hiện tại mà còn muốn cả 5 đứa được đi học đàng hoàng, tốt nghiệp đại học, ra trường mua xe, chuẩn bị đầy đủ cho tụi nó vào đời. Tôi có hỏi bé Nhi là sau này lớn lên em muốn làm gì thì em nói muốn làm bác sĩ. Tôi hỏi để biết mình cần phải làm gì.”

“Tôi chỉ mong rằng hai đứa nhỏ sau này học thành tài để bên phía Việt Nam không nói gì, vì chuyện này rất nhạy cảm. Vợ chồng tôi đã nói chuyện với nhau là mình không thể phân biệt đối xử con ruột hay em họ. Tụi tôi coi hiện tại mình có 5 đứa con, không phân biệt gì hết,” cô nói.

Dù định hướng tương lai như vậy, nhưng bất ngờ bị đặt vào một hoàn cảnh không mong đợi, Lan cũng không phải không có lúc cảm thấy “chới với.” Những dòng cô viết trên Facebook trước khi tổ chức đám tang cho hai người quá cố, cũng là những điều cô tâm sự với Người Việt.

Lan viết, “Chúa đặt tôi vào tình huống này bởi Ngài biết tôi có thể làm được. Sau khi tất cả chuyện này kết thúc, tôi sẽ tìm thấy một nơi để khóc trước khi bước tiếp. Những đứa trẻ sẽ là ưu tiên hàng đầu trong cuộc đời tôi. Tôi sẽ không chùn bước để chúng không nhìn thấy tôi rơi nước mắt. Cuộc sống vốn chẳng dễ dàng. Thật ra tôi không phải làm gì hay phải có trách nhiệm với bất kỳ ai. Nhưng tôi chọn con đường này, vì đó là điều đúng phải làm. Hãy cầu nguyện cho gia đình tôi cũng như chúng tôi cần sức mạnh để vượt qua thảm kịch này.”

Đêm tối sẫm, bước chân rời tòa soạn, đầu tôi văng vẳng tiếng nói trong trẻo của bé Nhi, “Con thích đi học, đi học vui lắm. Con muốn sau này học thành bác sĩ. Con cũng thích đi California nữa, con chưa đến đó bao giờ. Con muốn được đi Disneyland, đi Universal Studio, con muốn đi với chị Lan, với bé Nhi với mấy em.”

Ước mơ của bé, một mình vợ chồng Lan, liệu có gánh nổi theo năm tháng?

Một lần nữa, như yêu cầu của độc giả, tôi viết ra đây nơi mọi người có thể tiếp sức cho hai em, cũng là cho người sẽ bảo bọc hai em trong quãng thời gian còn lại: https://www.gofundme.com/help-raising-linh-and-nhi .(Ngọc Lan)

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem bình luận “Sinh hoạt trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt”(Phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT