Thursday, March 28, 2024

Ba nhà tranh đấu được chọn trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2019

Tâm An/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn và Luật Sư Lê Công Định được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam chọn trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2019.

Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, trưởng Ban Điều Hành Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN), đã công bố kết quả Giải Nhân Quyền Việt Nam 2019 tổ chức ở Văn Phòng Hội Đền Hùng Hải Ngoại, Westminster, vào sáng Thứ Năm, 21 Tháng Mười Hai, và nói thêm: “Đây là những nhân vật có những đóng góp xuất sắc và có nhiều ảnh hưởng tới các phong trào đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ cho nhân dân Việt Nam.”

Được biết, MLNQVN đã dành một tháng để cân nhắc lựa chọn từ danh sách đề cử gồm 12 cá nhân và ba tổ chức. Sau khi được sự đồng ý chấp thuận của từng cá nhân, MLNQVN mới quyết định trao giải để vinh danh và yểm trợ tinh thần họ.

Nói về cuộc đời và sự nghiệp tranh đấu của Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang, trưởng Ban Giám Sát của MLNQVN, cho biết: “Mục Sư Nguyễn Trung Tôn là một người hiền lành, sống chân thành với bạn bè, thương yêu đồng bào nghèo khổ, bị áp bức. Ông đã can đảm đứng lên bảo vệ và đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ và sự toàn vẹn lãnh thổ một cách ôn hòa dù phải chấp nhận bao nghịch cảnh: vu khống, đe dọa, triệt kế sinh nhai, hành hung và tù tội. Ông xứng đáng được tuyên dương và trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2019.”

Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, sinh năm 1971, được phong chức mục sư vào năm 2008. Kể từ đó tới nay, ông đã hăng say dấn thân vào con đường truyền bá phúc âm trong hoàn cảnh thường xuyên bị ngăn cản, quấy nhiễu và đàn áp của chính quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN). Ông đã đấu tranh cho tự do tôn giáo và phê phán chính sách cai trị độc tài, độc đảng, tham nhũng và bất công của CSVN. Để tiếng nói được lan rộng và mạnh mẽ hơn, ông đã gia nhập Khối 8406 và Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Hải (tức blogger Điếu Cày, phải) chia sẻ thêm về tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường của ba cá nhân được trao giải thưởng. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Năm 2011, Mục Sư Tôn bị bắt lần thứ nhất. Ông bị kết án 2 năm tù giam và 2 năm quản chế với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước.” Sau khi ra khỏi tù, ông vẫn tiếp tục tranh đấu không ngừng nghỉ cho nhân quyền và dân chủ trong tư cách thành viên của Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam và Hội Anh Em Dân Chủ. Tháng Bảy, 2017, ông lại bị CSVN bắt và quy chụp ông với tội danh “Âm mưu lật đổ chính quyền.” Ông bị kết án nặng nề với 12 năm tù và 3 năm quản chế. Hiện nay Mục Sư Nguyễn Trung Tôn đang bị giam giữ tại trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai.

Về tấm gương cô gái trẻ tuổi sinh năm 1985, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, ông Nguyễn Bá Lộc, thành viên Ban Cố Vấn của MLNQVN, nói: “Là một phụ nữ nhỏ bé về thể xác nhưng với ý chí bất khuất, tinh thần dũng cảm và lòng yêu nước thiết tha, Nguyễn Đặng Minh Mẫn đã vạch ra cho thế hệ trẻ Việt Nam khắp nơi, trong cũng như ngoài nước, một con đường đấu tranh ôn hòa nhưng cương quyết cho Tự Do, Nhân Phẩm và Nhân Quyền.”

Vào năm 1989, khi mới 4 tuổi, Nguyễn Đặng Minh Mẫn đã theo cha mẹ vượt biên sang Thái Lan để kiếm tìm Tự do. Cô phải sống thiếu thốn trong nhiều trại tị nạn suốt 7 năm, sau đó bị trục xuất trở lại Việt Nam và bị chính quyền CSVN coi là “kẻ thù của chế độ.” Chính vì hoàn cảnh khắc nghiệt của mình, cô đã ý thức rất sớm ý nghĩa của tự do và nhân phẩm. Từ năm 2009, cô cùng gia đình đã tham gia nhiều hoạt động đấu tranh vạch trần âm mưu xâm lược của Trung Quốc, hỗ trợ dân oan biểu tình, tố cáo chính quyền CSVN tham nhũng.

Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị chính quyền CSVN bắt vào ngày Tháng Bảy, 2011, cùng với mẹ, anh trai và một số bạn trẻ khác. Cô bị kết án 8 năm tù, 5 năm quản chế. Mẹ của cô cũng bị kết án 3 năm tù giam, còn em cô chịu án treo 3 năm.

Là người từng sống chung với gia đình cô Mẫn trong thời gian bảy năm tại trại tị nạn Thái Lan, ông Vũ Hoàng Hải, đại diện Khối 8406 (tên gọi của Khối Tự Do Dân Chủ đầu tiên tại Việt Nam), ca ngợi: “Chúng tôi là những nạn nhân của Cộng Sản bị cưỡng bức từ trại tị nạn Thái Lan. Nhưng khi về Việt Nam, thay vì tìm cách bù đắp lại những mất mát trong trại tị nạn, nhưng cả gia đình cô Mẫn vẫn tiếp tục tranh đấu, tiếp tục dấn thân, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó là một tấm gương hi sinh cho nhân quyền, dân chủ. Cô ấy đã mất cả tuổi thơ trong trại tị nạn, và nay đã chôn vùi tám năm tuổi xuân trong tù. Cô ấy xứng đáng là người nhận được giải nhân quyền hôm nay.”

Ông Vũ Hoàng Hải, đại diện Khối 8406 (tên gọi của Khối Tự Do Dân Chủ đầu tiên tại Việt Nam), kể về bảy năm từng sống chung tại trại tị nạn với gia đình cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Về chủ nhân giải thưởng nhân quyền thứ ba của năm nay, Luật Sư Lê Công Định, Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng cho biết: “Là một trí thức trẻ tuổi tài cao, có một địa vị ổn định trong xã hội và tương lai giàu sang, thế nhưng Luật Sư Định đã lựa chọn con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho toàn dân để phải chuốc cảnh tù tội. Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam ghi nhận và nghiêng mình trước sự hy sinh cho lý tưởng cao cả đó.”

Sinh năm 1968, ông Lê Công Định tốt nghiệp cao học ngành luật tại đại học Tulane ở Hoa Kỳ. Về nước, ông được bầu vào chức vụ phó chủ nhiệm Đoàn Luật Sư ở Sài Gòn (2005-2008), con đường sự nghiệp thênh thang phía trước. Tuy vậy, ông đã không ngần ngại dấn thân vào con đường tranh đấu, từ việc tự nguyện là luật sư bào chữa cho các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng đến việc cổ súy cho lý tưởng Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền. Ông bị bắt năm 2009 và bị kết án 5 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Mặc dù đã được trả tự do trước thời hạn vào năm 2013, nhưng ông Định vẫn bị chính quyền theo dõi tìm mọi cách triệt hạ uy tín, cô lập ông. Tuy nhiên, trong bài báo mới đây, ông vẫn thể hiện quyết tâm tranh đấu vì lý tưởng của mình bằng câu nói: “Nếu trước đó dấn thân cho tự do và dân chủ là lý tưởng đơn thuần, mà mưu sinh vẫn chi phối hầu hết mọi hoạt động hàng ngày của tôi, thì giờ đây chuyển hóa dân chủ cho Việt Nam đã trở thành mục tiêu hàng đầu và mưu sinh lui vào thứ yếu.”

Có mặt tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày) chia sẻ: “Ngày hôm nay khi chúng ta vinh danh nhân quyền ở đây, tin mới nhất tôi được biết là anh Lê Công Định không được ra khỏi nhà. Gia đình em Nguyễn Đặng Minh Mẫn có bốn người mà ba người bị bắt đi tù, tuy nhỏ tuổi nhưng em Mẫn vẫn rất kiên cường trong tù Cộng Sản. Còn Mục Sư Nguyễn Trung Tôn bị bắt lần thứ hai, hiện đang bị đánh đập rất dã man trong tù nhưng anh vẫn không khai báo.”

“Khi đấu tranh trong nước, bị bắt giữ, bản thân và gia đình các anh em rất khó khăn, rất cô đơn. Chúng tôi cũng xin thay mặt anh em, gửi lời cảm ơn MLNQVN trong rất nhiều năm qua đã kiên trì hoạt động, lên tiếng kịp thời và theo dõi sát tình hình trong nước để hỗ trợ anh em một cách thiết thực,” Blogger Điếu Cày xúc động nói.

Những nhà tranh đấu nhân quyền, các thành viên của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cùng các cơ quan truyền thông có mặt tại buổi họp báo. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Chia sẻ với phóng viên báo Người Việt về phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam và Hồng Kông, blogger Điếu Cày cho biết: “So với Hồng Kông, nền tảng xã hội của chúng ta còn kém xa Hồng Kông, nhưng chúng ta có rất nhiều anh em đấu tranh dân chủ và chấp nhận hi sinh dù khó khăn hơn nhiều. Chúng ta phải học hỏi người dân Hồng Kông, nhất là cách tổ chức đưa giới trẻ lên làm lực lượng tiên phong, cách hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến.”

Cũng trong cuộc họp báo này, Giáo Sư Đỗ Anh Tài đã công bố Bản Lên Tiếng Chung của năm tổ chức về vụ 39 nạn nhân Việt Nam chết thảm tại Anh Quốc vừa qua. Bản Lên Tiếng Chung đưa ra nhận định nguồn gốc sâu xa của tấn thảm kịch này chính là do chính quyền CSVN quản trị đất nước tồi tệ. Qua đó cũng thấy rõ một chính phủ vô cảm, vô trách nhiệm với người dân, có chủ trương bưng bít thông tin và có sự bao che cho nạn buôn người xuyên quốc gia, nhất là theo ngả Trung Quốc.

Ông Nguyễn Thanh Trang, một trong những người đầu tiên sáng lập ra MLNQVN, cho biết: “Giải thưởng Nhân Quyền Việt Nam lần đầu tiên được trao cho Linh Mục Nguyễn Văn Lý và Hòa Thượng Thích Quảng Độ vào năm 2002. Từ đó tới nay giải thưởng này được duy trì hằng năm, để vinh danh và yểm trợ về cả tinh thần và vật chất cho những cá nhân và tổ chức đã dấn thân vào cuộc chiến đấu vì quyền căn bản cho nhân dân Việt Nam. Tính đến năm 2018 đã có 44 cá nhân và bốn tổ chức được tuyên dương và trao giải.”

Được biết, mặc dù đã hoạt động từ năm 1997 nhưng cho tới nay MLNQVN vẫn chỉ dựa vào sự đóng góp của đồng hương, chưa từng nhận tiền tài trợ của bất kỳ tổ chức nước ngoài nào.

Buổi lễ trao giải năm nay sẽ được tổ chức tại trụ sở Thượng Viện Canada, thủ đô Ottawa, Canada, vào ngày 7 Tháng Mười Hai, 2019, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 71.

Để biết thêm thông tin, xin truy cập trang web www.vietnamhumanrights.net/Index.html, điện thoại (714) 657-9488, email: [email protected]. (Tâm An)


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT