Monday, April 15, 2024

Bán hàng qua Facebook: Nghề của cơ duyên hay ‘làm chơi ăn thật’

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Sau hơn một năm làm công việc bán hàng trên Facebook, Lâm Bảo Như, đang sống ở Garden Grove, miền Nam California, không giấu được niềm vui khi cho rằng, “Phải cám ơn Ơn Trên đã dẫn dắt mình đến với công việc này. Nó cực kỳ thích hợp với mình, giúp mình vừa kiếm tiền, khiến mình vui, vừa có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con nhỏ.”

Tâm sự của Bảo Như chính là một trong những lý do giải thích vì sao Facebook giờ đây trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Ngoài việc người ta dùng mạng xã hội nổi tiếng bậc nhất này như một phương tiện giải trí, đọc tin, trò chuyện, liên lạc, giao tiếp,… Facebook còn là một “ngôi chợ” đồ sộ mang lại công ăn việc làm cho không biết bao người.

Nghề của những cơ duyên

Khởi đầu vào đời, có lẽ không ai xác định công việc của mình sẽ là “bán hàng trên Facebook.” Tất cả đến với công việc này dường như đều rất tình cờ từ những cơ duyên khác nhau.

Hiền Phạm, hiện sống ở San Jose, miền Bắc California, người từng có quãng thời gian 4-5 tháng làm công việc buôn bán trên mạng, cho biết, “Khi đó mình mới sinh con, ở nhà cũng buồn nên muốn tìm việc gì đó làm gì để thấy mình sử dụng thời gian có hiệu quả. Thứ hai là cũng muốn kiếm thêm thu nhập, mà bản thân mình cũng thích đi shopping nữa, nên thấy việc bán hàng qua Facebook là thích hợp nhất.”

Trang FanPage bán chả cá của Đàm Thanh Thảo, cư dân Jacksonville, Florida, trên Facebook. (Hình chụp từ Facebook của Đàm Thanh Thảo)

Những mặt hàng Hiền từng bán khá đa dạng, từ đồng hồ, túi xách, đến các loại hàng hóa có trong Costco, các loại Vitamin, hay nói đúng hơn là “bạn bè cần gì thì mình mua thứ đó để bán.”

Với Đàm Thanh Thảo, hiện sống ở Jacksonville, Florida, thì việc trở thành người “bán hàng full time” trên Facebook cũng có khởi đầu rất tình cờ.

Thảo kể, “Người chị em bạn dâu với mình có hãng làm chả cá ở Kentucky. Chị là bác sĩ dinh dưỡng, mà quay qua làm chả cá rồi bỏ nghề bác sĩ luôn. Tuy nhiên, chị không biết nói tiếng Việt nhiều, nên khi mình mới sang, gia đình chồng kêu mình phụ chị bán chả cá. Thế là mình thử đưa lên Facebook giới thiệu, rồi lập fan page chuyên bán chả cá luôn.”

Từ bán chả cá Fin Kentucky, Thảo “thầu” luôn bán tôm khô Louisiana, rồi mới đây lại bán cả tôm hùm Maine, một trong những nơi có tôm hùm ngon nổi tiếng ở Mỹ.

Trong khi đó, Lâm Bảo Như, xuất thân là người mẫu, diễn viên, cũng đến với công việc này hoàn toàn ngẫu hứng.

Như nhớ lại, “Một lần mình theo chồng đến công ty Fine Japan ở Los Angeles chơi, được cô chủ giới thiệu cho một loại trà về uống thử. Một thời gian sau khi uống thấy người mình ốm đi, thế là khoái quá, bỏ lên Facebook khoe với bạn bè. Ai ngờ có rất nhiều người vào hỏi, nhờ mua. Vậy là từ từ mình trở thành người bán hàng lúc nào không hay.”

“Thật tình chưa bao giờ mình nghĩ mình sẽ làm công việc này, mà chỉ nuôi trong đầu giấc mơ sẽ mở nhà hàng, bởi vì mình thích nấu nướng. Nhưng không ngờ mọi chuyện run rủi. Phải biết làm công việc bán hàng này sớm hơn thì có lẽ mình đã không trải qua giai đoạn đầu óc căng thẳng khi mặc cảm chỉ quanh quẩn ở nhà, đi học, đưa đón con,” Như tâm sự.

Giống như Thanh Thảo, hiện tại Bảo Như đã xem đây là công việc toàn thời gian của mình và có cả một kế hoạch lâu dài để phát triển.

Bí quyết thành công?

Ngoài những công ty sử dụng Facebook để mở rộng thêm thị trường thì hầu hết những người trước khi bước vào mua bán trong “ngôi chợ” này đều là những người có thâm niên “chơi Facebook” khá lâu. Bởi có “lân la” lâu trên thế giới mạng đó, mới có bạn bè, có người quen biết, để từ đó mới có những khách hàng đầu tiên.

Để giờ đây có thể tự tin khi nói rằng “Mình bán cái gì người ta cũng mua hết,” Thanh Thảo cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn buổi đầu để lấy niềm tin nơi khách hàng.

“Khi đó mình biết bạn Q.T là một người rất có uy tín trong việc mua bán trên Facebook. Khách hàng của bạn ấy đông lắm. Không chỉ bán hàng, mà khi đi đâu ăn gì thấy ngon, bạn ấy cũng mang lên chia sẻ với mọi người trên trang của bạn. Mình mời bạn ấy ăn chả cá của mình. Dĩ nhiên chả cá phải ngon, phải chất lượng thì bạn ấy mới giới thiệu trên Facebook. Thế là có người hỏi mua. Cứ vậy, người này ăn ngon sẽ giới thiệu cho người khác, từ từ mình có đông khách hỏi mua chả cá,” Thảo nói.

Cô cho biết thêm, “Ngoài trang Facebook cá nhân, mình lại phát triển trang FanPage. Trước giờ có nhiều người chỉ tưởng chả cá chỉ chiên lên ăn thôi, giờ mình làm nhiều món khác nhau từ chả cá, chụp hình nhìn hấp dẫn để lên thế là nhiều người quan tâm thấy thích hỏi mua, rồi giới thiệu cho người khác.”

Theo Thảo, vào mùa cá nhiều, mỗi tuần cô nhận được “order” để gửi đi cả ngàn pound trên khắp các tiểu bang, trừ Alsaka và Hawaii.

Với Bảo Như thì sau thành công với một loạt những “đơn đặt hàng” mua trà, cô bắt đầu mạnh dạn bán thêm một số sản phẩm khác, cũng của cùng công ty sản xuất trà.

“Mình bán hàng trong tâm thế như một người bạn của khách vậy. Tức là sản phẩm nào mình bán, mình đều sử dụng trước, để xem kết quả nó như thế nào rồi mới giới thiệu, hướng dẫn cách dùng với mọi người. Nghĩa là chính bản thân mình phải là người tin tưởng vào sản phẩm mình bán trước đã, thì mình mới nói chuyện được với người khác,” Như cho biết.

Khi đã tạo được niềm tin cho khách, thì khách hỏi mua cả những món người bán chưa rao hàng. “Nhiều người hỏi mình mua khô cá lù đù, mua mực một nắng, nhưng mình không có bán, vì không biết nơi có nguồn hàng chất lượng ổn định, mình chỉ biết giới thiệu họ qua trang khác hỏi thử,” Thảo kể.

Như cũng có những trường hợp tương tự, “Khi mình chưa bán thuốc giảm cân, nhiều người vào hỏi, mình phải đi tìm hiểu xem loại nào tốt, hiệu quả mà an toàn, rồi phải có thời gian uống thử, thấy được mới dám giới thiệu.”

Lâm Bảo Như: “Sản phẩm nào mình bán, mình đều sử dụng trước, để xem kết quả nó như thế nào rồi mới giới thiệu, hướng dẫn cách dùng với mọi người.” (Hình chụp từ Facebook Lâm Bảo Như)

Ngoài uy tín, thì việc bỏ thời gian quan tâm đến khách hàng cũng là bí quyết thành công của những người chọn công việc làm nghề mưu sinh như Thanh Thảo, Bảo Như.

“’Take care’ khách hàng bất cứ lúc nào họ cần, đây là điều không thể tìm được ở những cửa hàng ngoài ‘mall,’” Bảo Như nhận xét.

Cứ thử đọc một status trên Facebook của Như là có thể hiểu cô chăm sóc khách hàng như thế nào: “Các khách hàng yêu của em ơi! Nhớ dùm em những sản phẩm serum mọc tóc, dưỡng mi dài, slimming gel, kem chống nắng… làm ơn bỏ trong restroom để dễ thấy và sử dụng ngày 2 lần dùm em nhen. Đừng quên nhen, quên là không có hiệu quả, uổng tiền lắm đó. Em đa tạ.”

Với Thanh Thảo, cô quan tâm khách bằng cách theo dõi chuyến hàng đã được công ty gửi đi như thế nào, khi hàng tới, công ty vận chuyển báo vào phone thì Thảo lại gọi cho khách, “kêu họ ra cửa lấy chả cá vô cho vào tủ lạnh.”

“Đồ mình bán là thức ăn, nên ngoài việc phải bảo đảm là khi tới nơi chả cá phải còn tươi, còn lạnh. Có khi vì thời tiết, thời gian đến trễ hơn dự định, chả cá có thể hư thì mình phải gửi cái khác cho khách chứ không thể bắt khách ăn đồ hư được,” Thảo nói.

Cũng theo Thanh Thảo, “Mình phải có Facebook cá nhân, nhìn vào những gì mình post người ta cũng có thể biết mình là ai. Rồi trên trang cá nhân đôi khi mình đi ăn uống chỗ nào ngon, mua sắm được cái gì rẻ thì mình cũng chỉ cho người ta biết, hay mua làm sao để tiết kiệm được chi phí… Tất cả những điều đó đều góp phần tạo nên uy tín và sự tin tưởng của khách dành cho mình.”

Buồn vui với công việc

Nói về công việc bán hàng qua Facebook, Hiền Phạm ở San Jose cho biết, “Công việc này vui nhưng hơi cực, vì phải luôn canh đồ ‘sale’ giảm giá để mua, rồi muốn tiết kiệm thì phải đi ‘pick up’ hàng ở tiệm hay chờ lúc có ‘free shipping’… Mình kiếm lời được là từ những việc như vậy, chứ còn lại mình ăn tiền ‘service’ khi nhận ‘order’ hàng dùm rồi gửi về Việt Nam thì không có bao nhiêu hết.”

Chính vì vậy, khi tìm được công việc khác ổn định hơn thì Hiền đã quyết định bỏ nghề bán hàng qua Facebook.

“Mình thích đi làm hơn vì được gặp nhiều người, được hưởng các phúc lợi về y tế, ngày nghỉ, hưu bổng… Còn bán hàng qua Facebook với mình chỉ là công việc tạm thời thôi,” Hiền nói thêm.

Khác với Hiền, Thảo và Như cảm thấy rất vui khi tiếp tục chú tâm vào công việc mua bán này.

“Công việc này không mang lại cho mình quá nhiều tiền nhưng nó đủ làm mình cảm thấy vui. Khi vừa có thể dành thời gian chăm sóc, đưa đón con đi học, vừa có thể tự kiếm tiền được mình cảm thấy tự tin hơn, không còn mang cảm giác ăn bám nữa,” Như nhận xét.

Ngoài ra, như cô nói, “Bản thân mình là người thích làm đẹp, mặc đẹp, nhưng lại không phải là kiểu người thích đi ra ngoài giao thiệp nhiều nên công việc này quá phù hợp với mình. Mà cũng từ khi làm công việc này, mình cảm thấy mình biết nói chuyện hơn, biết quan tâm người khác hơn.”

Với Thanh Thảo ở Jacksonville, Florida thì “công việc này đã là công việc toàn thời gian của mình. Có nhiều người nói rằng bán hàng qua Facebook có thể kiếm được tiền gấp 10 lần người đi làm công chức. Mình thì không thể kiếm tiền được nhiều như vậy, nhưng thu nhập đủ sống, có khai thuế đóng thuế hẳn hoi. Vừa làm vừa coi con nhỏ, mình thấy rất thích công việc này.”

Quả thực, bán hàng qua Facebook – nghề của những cơ duyên hay làm chơi ăn thiệt là như thế. (Ngọc Lan)

—-

Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình du lịch “Thăm thành phố Lucerne ở Thụy Sĩ”(Phần 2)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT