Thursday, May 9, 2024

California muốn cho sinh viên học cử nhân miễn phí tại đại học cộng đồng

SACRAMENTO, California (NV) – Để giúp đỡ nhiều sinh viên khó khăn, California đang cân nhắc cho họ lấy bằng cử nhân miễn phí tại mọi đại học cộng đồng (community college).

Theo Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS), California có hệ thống đại học lớn nhất thế giới, liên tục mở rộng và các nhà lập pháp muốn mở rộng những cách giúp sinh viên đi học dễ hơn.

Sinh viên đại học cộng đồng California có thể học bằng cử nhân miễn phí. (Hình minh họa: Robyn Beck/AFP via Getty Images)

Đây là dự luật AB 2093 của California, cho phép tất cả 116 đại học cộng đồng ở tiểu bang miễn học phí và nhiều chi phí khác cho những sinh viên toàn thời gian, là cư dân California, và là người lần đầu vào đại học muốn lấy bằng cử nhân.

Những chi tiết mới nhất của dự luật này được trình bày tại cuộc họp báo ở đại học East Los Angeles College ở Monterey Park vào ngày 22 Tháng Hai, và người trình bày là Dân Biểu Miguel Santiago (Dân Chủ-Địa Hạt 54), người đề xướng AB 2093 vào năm 2017.

Lúc đó, ông gọi dự luật này là “Hứa Hẹn Đại Học California,” và những lời hứa ban đầu đã được thông qua thành các đạo luật như AB 19 của năm 2017, cho sinh viên đại học cộng đồng năm đầu và năm thứ hai được miễn học phí. Sau đó, tiểu bang còn thông qua AB 2 vào năm 2019, hỗ trợ sinh viên đi học dễ hơn như cho người khuyết tật học ít hơn trong mỗi học kỳ, kéo dài thời gian lấy chứng chỉ ra nhưng vẫn đủ điều kiện.

Ông Alberto Roman, chủ tịch East Los Angeles College, mở đầu buổi họp báo và cho biết những chương trình học cử nhân tại đại học cộng đồng sẽ giúp đáp ứng nhu cầu của những người học về y tế. Ông nói các đại học bảo đảm họ có cơ hội công bằng, trong đó có nhiều người có thu nhập thấp.

Trong nhiều năm, đại học cộng đồng chỉ cho sinh viên lấy bằng cao đẳng, còn gọi là bằng hai năm, và cho sinh viên chuyển lên hệ thống đại học Cal State hay UC để lấy bằng cử nhân.

Hiện nay, hàng chục đại học cộng đồng được chứng nhận khắp California có một số chương trình lấy bằng cử nhân, trong đó có bốn chương trình Học Khu Đại Học Cộng Đồng Los Angeles (LACCD) gồm có công nghệ sinh học, hàng không học, làm sạch răng và trị liệu hô hấp.

Thấy nhiều người trẻ tuổi không muốn vào đại học vì tốn nhiều tiền, Dân Biểu Santiago cho biết: “Chúng tôi đang đưa từng sinh viên ra khỏi sự nghèo khó.”

Hệ thống đại học Cal State đang muốn tăng học phí. (Hình: Patrick T. Fallon/AFP via Getty Images)

Ông từng là chủ tịch của LACCD trước khi đắc cử dân biểu California vào năm 2014, và bây giờ đang tranh cử chức nghị viên Los Angeles để giành ghế của người đương nhiệm là ông Kevin De Leon.

Ông Santiago cho rằng California đang vượt qua Tổng Thống Joe Biden trong việc giúp đỡ sinh viên.

Vào ngày 21 Tháng Hai, Tổng Thống Biden đến Culver City ở Los Angeles County và công bố xóa nợ học phí $1.2 tỷ cho 153,000 người đã trả nợ khoảng $10,000 trong một thập niên trở lên. Điều này làm số tiền nợ học phí được chính phủ Biden xóa lên đến $138 tỷ cho gần 4 triệu người Mỹ tuy bị Tối Cao Pháp Viện và đảng Cộng Hòa chống đối kế hoạch xóa nợ $400 tỷ.

AB 2093 là dự luật do Dân Biểu Santiago và đồng viện là Dân Biểu Sabrina Cervantes (Dân Chủ-Địa Hạt 58) làm tác giả, cho phép hệ thống đại học cộng đồng của California nhiều cách sử dụng chi phí từ tiểu bang. Các học khu có thể trả lại tiền học phí cho sinh viên sau khi hoàn tất chương trình thay vì cho học miễn phí từ đầu.

Các học khu còn có thể giúp đỡ sinh viên trong nhiều chi phí khác như đi lại, chăm sóc trẻ nhỏ, tiền mua sách, hay cung cấp chi phí cho nhiều chương trình chuẩn bị vào đại học.

Bà Nichelle Henderson, chủ tịch LACCD, cho biết các dự luật của Dân Biểu Santiago giúp được gần 150,000 sinh viên, trong đó có 36,000 của LACCD.

Ông James McKeever, chủ  tịch nghiệp đoàn AFT 1521 đại diện cho nhân viên đại học, cho biết hiện nay nhiều công việc đòi nhân viên phải có bằng cử nhân và số người có bằng đang giảm. Ông còn cho biết 95% cư dân lấy bằng cử nhân tại đại học cộng đồng thường làm việc trong cộng đồng của họ, nên tiểu bang sẽ lấy lại được tiền đầu tư cho sinh viên bằng tiền thuế của những người đó.

Không chỉ học phí, mà nhiều chi phí khác như sách vở cũng quan trọng. (Hình minh họa: Patrick T. Fallon/AFP via Getty Images)

California từng có đại học miễn phí, nhưng các đại học công lập bắt đầu thu học phí sau phán quyết Mendez v. Westminster vào năm 1947, cho hay sinh viên gốc Latino bị kỳ thị vì khác biệt ngôn ngữ. Phán quyết đó giúp Tối Cao Pháp Viện đưa ra phán quyết Brown v. Board of Education vào năm 1954 để chấm dứt phân biệt chủng tộc trong trường học khắp Hoa Kỳ.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng xóa nợ học phí chỉ là một cách đưa vấn đề cho người khác giải quyết, và cách giúp sinh viên được học miễn phí mới thật sự giải quyết vấn đề vì các hệ thống đại học đang muốn tăng học phí như Cal State muốn tăng đến 30%.

Họ nói nhiều nghiên cứu cho thấy tiểu bang đang thiếu người có bằng cử nhân, và chứng chỉ đó là cách giúp nhiều người thoát khỏi cảnh nghèo khó. (TL) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT