Thursday, April 18, 2024

Cặp họa sĩ Hợp-Đồng và ’50 Năm Nhìn Lại’

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Cuộc triển lãm tranh “50 Năm Nhìn Lại” của cặp vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Hợp và Nguyễn Đồng tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster đã cuốn hút một số đông người thưởng lãm, từ các họa sĩ đến công chúng thích nghệ thuật.

Bước vào vườn tranh của đôi họa sĩ Hợp-Đồng, người xem cảm nhận được ngay nét vẽ hiền hòa, chân chất, uyển chuyển giữa những vệt màu mềm mại, kín đáo, dịu dàng, hoàn toàn thiếu tính phô trương ồn ào.

Chẳng cần phải tinh ý, ai cũng thấy được “motif” chi phối phần nhiều sáng tác của họa sĩ Hợp là tình mẹ với con gái và hình ảnh trẻ em. Chỉ hai nhân vật phụ nữ, một lớn, một nhỏ đã kể nên vô số câu chuyện qua một bút pháp đầy nữ tính Việt Nam, tưởng như khoan thai, thư thái nhưng hết sức tỉ mỉ, công phu.

Ông Trịnh Cung, một họa sĩ không lạ trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại, nhận xét: “Tranh họa sĩ Hợp có một bố cục vững chắc trong lúc họa sĩ Đồng có cách phối màu rất hài hòa và không ‘chỏi.’ Nói như vậy có nghĩa là cả hai đã đạt đến một trình độ nghệ thuật mà không dễ gì có được.”

Điêu khắc gia Dương Văn Hùng đồng ý với nhận xét trên. Ông nói: “Tư tưởng triết học bàng bạc trong tâm hồn họa sĩ Đồng nên sắc màu của tranh ông là một sự thể hiện một tâm hồn sâu sắc qua khung hình mà thôi.”

Ông Trịnh Cung cũng nhận thấy một điểm đặc biệt của mặt trăng trong tranh họa sĩ Đồng. Ông nói: “Không biết ông ấy có tâm tư gì mà mặt trăng (của ông Đồng) đều có màu đỏ. Đây không thể là một sự ngẫu nhiên.”

“Mặt trăng đỏ” (bên trái người xem tranh). (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Những người khác đến xem tranh cũng nhận thấy điều này.

Bà Janet Bùi Ngọc Giang, cư dân Santa Ana, nói: “Tôi nghĩ ánh trăng này màu đỏ vì ửng màu phù sa Nam bộ.”

Bà Lương Thị Cam, ngụ tại Fountain Valley, phụ họa: “Có thể mặt trăng có màu đỏ vì họa sĩ muốn thể hiện một sự nhung nhớ quê hương, tương tự như lời ca của nhạc sĩ Phạm Duy, ‘… nước sông Hồng đỏ vì chờ mong…’”

Ông Nguyễn Hữu Hoan, cư dân Garden Grove, cười tươi: “Nhìn mấy bức tranh này của bà Nguyễn Thị Hợp, tôi nghĩ ngay tới báo Xuân của Người Việt. Hình thì khác, nhưng rõ ràng là bút pháp đó. Rất quen thuộc mà lại rất độc đáo.”

Motif mẹ con của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Nhận xét về nét độc đáo của họa sĩ Hợp, điêu khắc gia Hùng nói: “Lấy tất cả các báo Xuân của nhật báo Người Việt ra, nếu bịt chữ Người Việt đi, chỉ cần nhìn tranh của bà Hợp là người ta vẫn biết đó là báo Xuân của Người Việt. Cặp vợ chồng Hợp-Đồng này đã gắn bó ít nhất 30, 40 năm với báo Người Việt rồi.”

Quả vậy, đã từ lâu, mọi ấn bản Xuân của nhật báo Người Việt đều có tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp ở trang bìa.

Buổi triển lãm “50 Năm Nhìn Lại” của cặp họa sĩ Hợp-Đồng có đủ loại tranh của hai người, từ tranh trên lụa đến sơn dầu, minh họa và luôn cả đồ họa.

Dù sáng tác bên nhau trong suốt 50 năm nhưng mỗi người cùng giữ được sắc thái riêng biệt, họa sĩ Nguyễn Thị Hợp vẫn giữ nét điểm tô đặc thù miền Bắc của người phụ nữ Bắc Ninh, trong lúc tranh của họa sĩ Nguyễn Đồng lênh láng sắc màu của một nghệ sĩ miệt Hậu Giang.

Không ít thì nhiều, họ cùng mang ảnh hưởng của hội họa phương Tây, nhưng tựu chung, cả hai cùng là hai họa sĩ đượm đà hương sắc Việt.

Bao giờ Phật xuống để … ăn uống? (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Một trong những bức tranh khác biệt hẳn với những bức tranh chung quanh là bức “Chú Điệu” của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp.

Về bức tranh này, họa sĩ Hợp kể: “Đây là sự minh họa của tôi về câu chuyện do thầy Thích Nhất Hạnh kể. Trong chuyện này, một chú điệu (chú tiểu) hay lén nhìn vào chính điện để xem khi nào Phật xuống ăn hoa quả và uống trà.

Chú tiểu đứng nghiêng chân, họa sĩ đã tài tình lột tả được nét tò mò lẫn lém lỉnh của một đứa bé đang độ tuổi thơ ngây.

Như cái tên gọi “50 Năm Nhìn Lại,” cuộc triển lãm của cặp vợ chồng họa sĩ Hợp-Đồng chỉ là một đánh dấu 50 năm hai người chung sống và chung sáng tác bên nhau. Họ không ồn ào phô trương, cũng không ầm ĩ tuyên bố. Họ chỉ muốn kỷ niệm quãng đời đã chia ngọt, sẻ bùi lẫn cay đắng bên nhau.

Họa sĩ Đồng nói vắn tắt: “Năm mươi năm rồi, chúng tôi là bạn đồng hành và bạn đồng nghiệp.”

Tuy nhiên, ông không giấu được sự trìu mến và dịu dàng trong giọng nói và ánh mắt khi nói về người bạn đời của 50 năm qua.

Họa sĩ Hợp chia sẻ: “Tôi và anh Đồng gặp nhau khi cùng làm việc cho chương trình truyền hình của Trung Tâm Giáo Dục. Cùng sở thích về hội họa, âm nhạc và nhiều thứ khác. Chúng tôi lấy nhau năm 1968.”

Bà thêm: “Mới đấy mà đã là 50 năm. Mới ngày nào còn là năm 1979, chúng tôi với cháu Đan Chi đến đảo Pulau Bidong, cùng nhau đi xin từng mẩu giấy, từng miếng màu để mà vẽ mà bây giờ đã là năm 2018 rồi.”

Bà hiền hòa nói: “Anh Đồng với tôi đã cùng chung vai vẽ bên nhau khi sống ở bốn quốc gia rồi, Việt Nam, Mã Lai, Đức và Mỹ.”

Bà bật cười thật giòn khi được hỏi khi triển lãm “50 Năm Nhìn Lại” lần thứ nhì, liệu ông bà sẽ khai sinh ra được trường phái vẽ mới không.

Chiều Chủ Nhật ngày 5 Tháng Năm, ban hợp ca Lớp Thanh Nhạc Lê Hồng Quang đã tới trình diễn ngay trong phòng triển lãm, với những bài hát đậm đà tình tự dân tộc. Giáo sư Lê Hồng Quang đã giới thiệu hai môn sinh tặng hoa cho các họa sĩ. Nghe bài Về Miền Nam, trong trường ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy, họa sĩ Nguyễn Đồng giới thiệu bà Nguyễn Thị Hợp, nói rằng bà chính là một người đi từ miền Bắc “về miền Nam” và gặp mối lương duyên “thuận vợ chồng sẽ cùng tát biển Đông!” (Đằng-Giao)

Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình “Ca sĩ Nguyên Khang nuôi dạy con như thế nào?”(Phần 2)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT