Thursday, April 25, 2024

Chiều nhạc tưởng niệm Nguyễn Văn Đông nồng nàn tình quê hương, đôi lứa

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Tràn đầy tình yêu quê hương đất nước với khí phách ngang tàng của một người chiến sĩ VNCH, nhưng cũng nồng nàn tình yêu đôi lứa của người trai thời loạn… Trong một buổi chiều vàng rực nắng, thính phòng hơn 300 người không còn chỗ trống cùng với hàng người đứng ngoài hành lang thưởng thức cho đến giờ phút cuối.

Đó là những hình ảnh trong buổi chiều nhạc tưởng niệm cố đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vừa diễn ra vào trưa Thứ Bảy, 9 Tháng Sáu, tại The First Prebyterian Church of Orange County, Westminster.

Qua đôi dòng tưởng niệm người nhạc sĩ tài hoa, nhà văn Chu Tất Tiến, trưởng ban tổ chức, nói về cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với những kỷ niệm đặc biệt về người thầy của mình như sau: “Đối với cá nhân tôi, người thầy vĩ đại và đặc biệt nhất là cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Trước 1975, tôi chỉ là một sĩ quan nhỏ, khi đến gặp ông lúc đó là một sĩ quan cấp lớn tại Bộ Tổng Tham Mưu. Điều ngạc nhiên khi sự chênh lệch cấp bậc quá lớn nhưng ông vẫn dành những cảm tình ưu ái, coi tôi như một người em bình thường, không lễ nghi quân cách. Đến sau này khi đi tù, vô tình gặp lại ông tôi rất mừng và trong tâm tình chia sẻ về âm nhạc, ông đã tận tình chỉ dẫn cho tôi cách sáng tác một hòa âm.”

“Sau thời gian học, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nói rằng có một điều cần phải làm gấp vì không biết ông sống chết ngày nào, đó là phải dạy tôi về cổ nhạc. Và ông đã dạy tôi vọng cổ, viết thoại kịch và cải lương. Điều vô cùng cảm động là cách dạy của ông, dù lúc bấy giờ toàn thân ông đã bị cứng khô, các khớp tay chân, đầu gối đều sưng lên, không thể đi đứng được, chỉ ngồi bẹp dưới đất và ngồi lên chiếc xe bằng gỗ có bánh xe mà chúng tôi làm để giúp ông chèo hai tay như chèo thuyền khi di chuyển. Các ngón tay ông co quắp rất nặng, do đó khi dạy tôi, ông trải một tờ giấy lớn, ngồi bẹp trên đó dùng hai ngón của bàn chân phải, kẹp cây bút chì mà cố gắng viết những nốt hò xự xang xê cống, mỗi nốt to bằng quả trứng gà, dùng hết ý chí giảng bài rất kỹ,” ông nói tiếp.

Vương Lan và Chu Tất Tiến trong nhạc phẩm “Màu Xanh Noel.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Sức khỏe quá yếu cho đến một hôm, khi ráng suy nghĩ, nói và nhất là dùng hết sức của bàn chân để viết những nốt nhạc, máu chảy tràn theo khóe miệng, nhưng ông vẫn trấn tĩnh tôi, tiếp tục giảng cho hết bài trong khi máu miệng vẫn chảy. Đó là một kỷ niệm không bao giờ tôi quên được,” nhà văn kể trong niềm xúc động khôn cùng, và đây đó cũng có những giọt lệ thổn thức cùng chia sẻ.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, người bạn cùng thời với cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, cũng có vài lời tưởng nhớ: “Quý vị đến đông trong một chiều nhạc thính phòng đặc biệt như thế này, tôi rất xúc động chỉ biết nói rằng Nguyễn Văn Đông là môt người yêu tổ quốc, yêu quê hương giống nòi. Khi gặp ông lần đầu tiên tại đài phát thanh Pháp Á Sài Gòn, cùng với những nhạc sĩ tài ba khác, dù là cấp đại tá nhưng tính nết ông rất dễ thương trong bộ đồ lính bình thường, nhất là khi nghe những bài nhạc của ông thì phải biết rằng nếu không phải là người yêu nước, sẽ không làm được những bài nhạc như thế!”

Tiếp theo, Tứ Ca Ngàn Khơi gồm Ngọc Sương, Duy Hiển, Ngọc Thanh và Thùy Dung mở màn trong nhạc phẩm “Về Mái Nhà Xưa,” một nhạc phẩm ra đời khi có lần dong ruổi trên khắp nẻo đường quê hương, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có dịp dừng lại chốn cũ, nơi đầy ắp kỷ niệm thời ấu thơ.

Không khí được dẫn đi từ những nỗi niềm thổn thức qua tình yêu tổ quốc, với tâm trạng của người lính chiến đấu cho tổ quốc yên vui, mà trong lòng chưa bao giờ nghĩ tới chuyện riêng mình (Mấy Dặm Sơn Khê), hay bâng khuâng khi lòng người trai chinh chiến trong buổi chiều mưa nơi biên giới, vẫn nhớ về hình bóng một người (Chiều Mưa Biên Giới).

Cùng với đó là những nhạc phẩm được mọi người yêu thích như “Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp,” “Phiên Gác Đêm Xuân,” cho đến những nhạc phẩm đậm nét tình tự như “Nhớ Một Chiều Xuân,” hay “Sắc Hoa Màu Nhớ” với tâm tình người lính chiến vẫn nhớ đến tình riêng tuy chưa trọn, vì người trai chinh chiến luôn nhớ đến nợ núi sông, nhạc phẩm này cũng được nhạc sĩ đạo diễn cho vở cải lương có cùng tên.

Khán giả tham dự chiều nhạc tưởng niệm cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cùng những nhạc phẩm nói về tinh thần chiến đấu, tình yêu quê hương đất nước, những nhạc phẩm lãng mạn về tình yêu đôi lứa, với dòng nhạc boléro kinh điển, những giai điệu tango rộn ràng, điệu valse vui tươi nhí nhảnh, qua giọng ca của các ca sĩ Mỹ Lan, Vũ Anh, Hương Thơ, Vương Đức Hậu, Ngọc Hà, Thanh Nguyên, Kim Anh, Kim Liên, Bích Thủy, Ngọc Trọng, Vương Lan, Ngọc Quỳnh, Lâm Dung, Minh Hạnh, Thanh Chi, Túy Hoa, Tuấn Khải, Xuân Thanh, Lan Hương, với dàn âm thanh tuyệt vời của nhạc sĩ Trần Sang, cùng tiếng đàn guitar của Vũ Hải, Ngọc Thạch, keyboard Ngọc Trọng đã góp sức làm nên một buổi nhạc tuyệt vời.

Chàng trai trẻ Huy Nam, đứng ngoài hành lang cùng bạn gái, nghe say sưa các nhạc phẩm được trình bày, cho biết: “Em đã tốt nghiệp UC Irvine, hôm nay dẫn bạn gái đi nghe mẹ em là ca sĩ Thanh Nguyên hát trên sân khấu. Tuy em sinh ra ở Mỹ nhưng vì mẹ em thường hát cho em nghe từ nhỏ, nên em biết thưởng thức và yêu mến những dòng nhạc này. Nhạc này rất có hồn, như một bài thơ, khi nói về tình yêu quê hương đất nước, hoặc tình yêu trai gái. Em có về Việt Nam năm trước, nhạc Việt bây giờ ồn ào không có hồn, em thấy các bạn trẻ bên ấy cũng thích nhạc xưa lắm.”

Ông Phạm Duy Hạnh, cư dân Westminster, xúc động cho biết: “Đa số các nhạc sĩ đều viết nhiều về nhạc tình và đó là chủ đề chính. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ngoài tình yêu đôi lứa, chúng ta có thể thấy rõ nét tình yêu quê hương đất nước bàng bạc trong những nhạc phẩm của ông, cho thấy tình yêu tổ quốc của ông thật sâu đậm! Ở hải ngoại khi nghe nhạc của ông càng thêm xúc động khi nhớ đến quê nhà nay đã không còn nữa!”

Ngồi thưởng thức suốt chương trình, họa sĩ Lam Thủy tâm tình: “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã một thời chia sớt những kỷ niệm của người miền Nam Việt Nam trước năm 1975, qua dòng nhạc của người lính luôn chiến đấu cho tự do. Hôm nay những cảm nghĩ đó xuất hiện trở lại trong một chiều tưởng niệm người nhạc sĩ tài hoa này, với con số đông kỷ lục người nghe từ trước tới giờ, làm gợi nhớ những cảm xúc thời chinh chiến ấy, mỗi người đều có tâm trạng của riêng mình trong từng lời nhạc của ông!” (Văn Lan)

MỚI CẬP NHẬT