Wednesday, April 24, 2024

Hội Thủy Quân Lục Chiến Nam California mừng Tất Niên, quyết tâm đoàn kết

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Chiều Chủ Nhật, 12 Tháng Giêng, 2020, Hội Thủy Quân Lục Chiến Nam California tổ chức buổi tiệc Tất Niên tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster.

Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) là một trong những binh chủng thiện chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), đã từng tham chiến chống Cộng Quân trên khắp bốn vùng chiến thuật, trong những trận chiến ác liệt như Bình Giã, Đức Cơ, Ba Gia, Đàm Dơi, Mộ Đức, Mật Khu Bời Lời, Trận Cù Mông, Ba Lòng, tái chiếm Cửa Việt, tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, hành quân vượt biên Cambodia, các chiến dịch Sóng Tình Thương, chiến dịch Đỗ Xá…

Trong những trận đánh khốc liệt, các chiến sĩ Mũ Xanh TQLC đều đã gây khiếp đảm cho địch quân. Tại hải ngoại, Tổng Hội TQLC đã được ban biên soạn cho ra mắt cuốn “Quân Sử Thủy Quân Lục Chiến” rất công phu, đầy đủ tư liệu và hình ảnh, nhằm ghi lại sự gian khổ và hy sinh của các chiến sĩ Mũ Xanh trong suốt chiều dài của cuộc chiến để bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam.

Theo ban tổ chức, buổi họp mặt Tất Niên với mục đích để các chiến hữu TQLC và gia đình cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vui buồn trong năm cũ và chia sẻ với nhau những việc làm cần thiết cho hội trong những ngày tháng tới. Đây cũng là dịp để ban tổ chức chúc tất cả mọi người một năm mới sức khỏe dồi dào, an khang và thịnh vượng.

Phu nhân cố Trung Tướng Lê Nguyên Khang phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Mũ Xanh Quách Ngọc Lâm, hội trưởng, cho hay: “Ngoài những sinh hoạt thường xuyên của hội, như về tương thân, tương ái của binh chủng, hội còn có chương trình giúp đỡ những anh em thương phế binh VNCH còn sống trong hoàn cảnh cơ hàn trong nước. Tại hải ngoại, hội còn tham gia vào các sinh hoạt chung của cộng đồng người Việt tại Little Saigon và những vùng phụ cận, nhất là trong những công tác đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.”

Tham dự buổi tiệc Tất Niên, ngoài các niên trưởng, các chiến hữu trong Hội TQLC Nam California và nhiều nơi khác còn có sự tham dự của các hội đoàn, đoàn thể đấu tranh và một số đại diện các chính đảng.

Sau nghi thức khai mạc, ông Quách Ngọc Lâm thay mặt ban tổ chức ngỏ lời chào mừng và cảm ơn quý niên trưởng, quan khách, chiến hữu cùng gia đình và đồng hương đến dự. Trong lời phát biểu, hội trưởng đã kêu gọi sự đoàn kết của các cựu quân nhân TQLC và xin loại bỏ những tị hiềm cá nhân, quyết tâm đoàn kết để xây dựng hội mỗi ngày một phát triển hơn, đồng thời cũng kết hợp với các hội đoàn quân binh chủng bạn để tiếp tục con đường đấu tranh cho Việt Nam sớm có tự do dân chủ.

Các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến tham chiến mặt trận Cổ Thành Quảng Trị. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Bà quả phụ cố Trung Tướng Lê Nguyên Khang cũng ngỏ lời cảm ơn ban tổ chức đã cho bà có cơ hội để tỏ lời chào mừng đến quý quan khách, các chiến hữu trong Binh Chủng TQLC là những người mà trước đây chồng của bà đã coi như là anh em ruột thịt.

Trong dịp này, nhà văn Huy Phương được ban tổ chức mời lên trình bày tóm lược về 132 hài cốt TQLC thuộc Lữ Đoàn 147 TQLC phải tự lực rút quân. Các chiến Sĩ TQLC trong đơn vị này một số ra đi, một số bị bắt vào tù, một số chết không mộ. Sau trận lũ 1979, một số hài cốt các đồng đội bị trôi dạt vào biển, và dân biển Thôn An Dương đã thu lượm được 132 hài cốt, rồi họ tự động làm lễ cầu siêu và vận động tiền để cải táng mộ.

Chiến hữu Võ Thanh Sang, tổng kết một số công tác của hội trong năm qua, và nêu danh sách những chiến hữu, những mạnh thường quân đã đóng góp cho buổi tiệc.

Chương trình văn nghệ được mở đầu với hai bài hợp ca “Thủy Quân Lục Chiến Hành Khúc” và bài “Cờ Ta Bay Trên Thành Phố Thân Yêu” do ban văn nghệ của hội đồng ca. Sau đó là phần diễn của các đơn vị bạn.

Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Chiến Hữu Mũ Đỏ Hoàng Tấn Kỳ, chi hội trưởng Gia Đình Mũ Đỏ Orange County và những Vùng Phụ Cận, tâm tình: “Trong cuộc chiến tại miền Nam, Binh Chủng Nhảy Dù đã từng sát cánh với các Tiểu Đoàn TQLC. Hai binh chủng tổng trừ bị này đã từng tham gia những trận khốc liệt nhất tại các mặt trận Quảng Trị, Hạ Lào, An Lộc,… Do đó, sự hỗ trợ chiến đấu bên nhau giữa hai đơn vị này rất khắng khít trong tình chiến hữu.”

Vào khoảng Tháng Ba, 1975, một số lãnh thổ miền Trung của VNCH đã bị Cộng Sản cưỡng chiếm. Những đoàn người di tản càng lúc càng nhiều trên những quốc lộ để xuôi Nam.

Mũ Xanh Võ Sang, cựu sĩ quan Đại Đội Trưởng Đại Đội Vận Tải TQLC, kể: “Khoảng cuối Tháng Ba, 1975. Đại đội của tôi đóng tại Tây Lộc, Huế được lệnh về Đà Nẵng. Trong lúc chúng tôi đợi tàu Hải Quân để bốc đoàn xe vận tải về Đà Nẵng thì tình hình ở cửa Thuận An đã hỗn loạn, tàu không vào được, nên tôi mới xin lệnh của sư đoàn cho tôi rút bằng đường bộ. Trên đường di chuyển thì dân chúng và quân đội di tản quá đông nên sự lưu thông đều bị kẹt cứng. Vì thế, đoạn đường không có bao xa mà đoàn xe chúng tôi phải đi mất một ngày mới đến Đà Nẵng. Sau đó, chúng tôi theo chân Sư Đoàn TQLC rút về Cam Ranh, rồi về Vũng Tàu. Cuối cùng, đoàn xe vận tải của chúng tôi được về đến Thị Nghè là căn cứ chánh của Vận Tải TQLC. Vài hôm sau, Cộng quân đã chiếm toàn bộ Sài Gòn.”

Khi nhắc đến Binh Chủng TQLC thì phải nhắc đến trận đánh tái chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng, Quảng Trị vào 1972.

Các cựu chiến sĩ Nha Kỹ Thuật. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Mũ Xanh Võ Thạch, cựu chiến sĩ Tiểu Đoàn 1 TQLC, kể: “Năm 1972, Binh Chủng TQLC được lệnh thay thế Binh Chủng Nhảy Dù đánh tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Tiểu Đoàn 1 chúng tôi tiến vào Cổ Thành chỉ còn cách hai trăm mét thì tôi bị thương, các anh em vẫn tiếp tục tiến đánh mạnh, và tôi ở lại để các ý tá của tiểu đoàn băng bó vết thương tại mặt trận. Khoảng hai ngày sau, vết thương được tạm yên ổn, tôi cũng tiếp tục cùng anh em đánh chiếm Cổ Thành. Tái chiếm Cổ Thành xong, một thời gian sau tôi được thuyên chuyển sang Tiểu Đoàn 14 TQLC. Trước ngày ‘đứt phim,’ tôi lại bị thương lần nữa. Đang còn nằm trong bệnh viện thì Cộng Sản đã chiếm Sài Gòn. Một tháng sau, vết thương chưa lành thì Cộng Sản bắt tôi vào tù gần sáu năm. Năm 1981, tôi được ra tù, vượt biên ba lần không thoát, sau đó tôi được sang Mỹ theo diện H.O.4.”

Chiến hữu Phùng Kim Đơ, cựu sĩ quan Tiểu Đoàn 3 TQLC, nhớ lại: “Trận đánh chiếm lại Cổ Thành Đinh Công Tráng, Quảng Trị coi như chấm dứt vào ngày 15 Tháng Chín, 1972. Đơn vị đầu tiên vào tái chiếm Cổ Thành là Trung Đội 3, Đại Đội 3, Tiểu Đoàn 3 TQLC dưới sự chỉ huy của cựu Trung Úy Văn Tấn Thạch, trung đội trưởng. Ngày 16 Tháng Chín, 1972, cờ VNCH đã tung bay trên Cổ Thành Quảng Trị, đúng vào ngày Lễ Kỷ Niệm Ngày Quân Lực.”

Theo ông, lúc bấy giờ, tất cả đài truyền thanh, truyền hình tại miền Nam vang dội bài nhạc “Cờ Ta Bay Trên Thành Phố Thân Yêu.” Và, bài nhạc này, cho đến bây giờ được xem là bài hùng ca của Binh Chủng TQLC đã anh dũng hy sinh tái chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng, Quảng Trị. (Lâm Hoài Thạch)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT