Thursday, March 28, 2024

Trường Bưởi-Chu Văn An mừng Xuân Canh Tý trong tinh thần ‘tôn sư trọng đạo’

ANAHEIM, California (NV) – Trưa Chủ Nhật, 16 Tháng Hai, Hội Cựu Học Sinh Trường Bưởi-Chu Văn An có buổi tổ chức Hội Xuân Canh Tý tại nhà hàng Golden Sea, Anaheim, với sự tham dự đông đảo của quan khách, các vị cựu giáo sư, các đại diện của nhiều trường bạn, các bạn đồng môn và thân hữu.

Trường Chu Văn An đầu tiên do chính quyền bảo hộ Pháp thành lập. Khai giảng vào năm 1908. Sau khi chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, đến ngày 12 Tháng Năm, 1945, Bộ Trưởng Bộ Mỹ Nghệ là Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn ký nghị định đổi tên trường Lyceedu Protectorat thành Trường Trung Học Chu Văn An, tên một danh sư đời Trần, người đã dám dâng sớ xin vua chém đầu bảy nịnh thần gian ác. Sau năm 1954, Trường Chu Văn An di cư vào miền Nam và tiếp tục đào tạo nhân tài cho đất nước.

Lễ Tặng Quà Xuân và Chúc Thọ Thầy Cô. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Nguyễn Công Huân, cựu học sinh Chu Văn An ra trường 1972, thành viên ban tổ chức cho biết: “Hàng năm, Hội Cựu Học Sinh Trường Bưởi-Chu Văn An đều có tổ chức những buổi họp mặt Xuân sau Tết Nguyên Đán. Đây cũng là dịp để cho quý vị giáo sư của trường ngày xưa, các huynh trưởng và các đồng môn ngồi lại bên nhau để tâm tình và chia sẻ niềm vui mừng trong không khí Xuân trên xứ người.”

Sau nghi thức khai mạc, ông Phạm Quang Tuấn, hội trưởng thay mặt ban tổ chức ngỏ lời chào mừng và cám ơn quý vị giáo sư, quan khách, các thân hữu đến chung vui với Hội.

Các cựu giáo sư cắt bánh Mừng Xuân Canh Tý 2020 của Cựu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong tinh thần “Tôn Sư Trọng Đạo,” các cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An tỏ lòng tôn kính, biết ơn Thầy Chu Văn An qua phần Lễ Thầy trang nghiêm, long trọng trước bàn thờ có chân dung vị Thầy được mệnh danh là “Vạn Thế Sư Biểu.”

Trường Chu Văn An còn nổi tiếng là nhờ có rất nhiều vị giáo sư danh tiếng trước năm 1975, như những giáo sư Dương Quảng Hàm, Nguyễn Gia Tường, Hoàng Cơ Nghị, Vũ Ngô Xán, Đào Văn Dương, Đào Mạnh Đạt, Bạch Văn Ngà, Nguyễn Sĩ Tế, Vũ Khắc Khoan, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Dương Đôn, Nguyễn Xuân Vinh, Dương Minh Kính, Lưu Trung Khảo, Trần Huy Bích, Lê Đình Điểu, Nguyễn Khắc Kham, Đỗ Anh Tài, Nguyễn Sĩ Tế, Phạm Biển Thước, Đỗ Quý Toàn, Nguyễn Song Thuận,… cũng như các linh mục: Trần Phúc Long, Trần Văn Hiến Minh, Trần Phúc Vỵ, và còn rất nhiều quý vị giáo sư lỗi lạc khác.

Phần trình diễn của CLB Tình Nghệ Sĩ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong tinh thần “Tôn Sư Trọng Đạo,” ban tổ chức tặng quà Xuân và chúc thọ cho các vị giáo sư đã có công dạy dỗ các cựu học sinh Chu Văn An nên người.

Đến tham dự buổi họp mặt, bà Lệ Giang, hội trưởng Hội Bà Triệu, bày tỏ: “Hàng năm Hội Bà Triệu đều có mặt trong hội ngộ Xuân của Trường Bưởi-Chu Văn An, vì hai hội này đã rất thân thương, đoàn kết và yểm trợ cho nhau hơn mười mấy năm qua. Những thành viên trong hội con cháu của Bà Triệu luôn kính trọng tinh thần bất khuất của vị danh sư Chu Văn An, tinh thần ‘Thất Trảm Sớ,’ không khiếp nhược trước bạo quyền.”

 

Hội Trưởng Phạm Quang Tuấn (trái) và Nguyễn Mậu Tùng trong ban tổ chức. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Nguyễn Khắc Minh, cựu học sinh Chu Văn An ra trường từ năm 1963, cho biết: “Ngày xưa, các học sinh rất danh dự khi được vào học trường Chu Văn An. Vì trường có thời gian thành lập rất lâu, từ 1908-1975 từ Bắc đến Nam, nên cho đến bây giờ, cựu học sinh Chu Văn An có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.”

Giáo Sư Nguyễn Song Thuận, cựu học sinh Chu Văn An từ 1954-1958, cho biết: “Cựu học sinh Chu Văn An có nhiều nhân tài và đã làm nhiều lợi ích cho quốc gia dân tộc, cụ thể như: Hai vị Thủ Tướng Trần Trọng Kim và Bác Sĩ Phan Huy Quát. Các vị tổng bộ trưởng, gồm có Phạm Quỳnh, Cung Đình Quỳ, Hoàng Xuân Hãn, Phạm Duy Khiêm, Luật Sư Phan Anh, Luật Sư Trần Văn Tuyên, Giáo Sư Vũ Văn Mẫu, Giáo Sư Vũ Quốc Thông, ông Nguyễn Lương, Bác Sĩ Trần Ngọc Ninh, Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng, Luật Sư Vương Văn Bắc, và còn nhiều người khác.”

Cũng như mọi năm, hai cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An là Vũ Quốc Phong và Phạm Gia Đại giữ vai trò điều hợp chương trình tổng quát. Phần văn nghệ, ngoài tiếng hát của các thân hữu, còn có sự đóng góp của tiếng hát thuộc các trường Chu Văn An, Gia Long, Trưng Vương, Petrus Ký, CLB Tình Nghệ Sĩ. (Lâm Hoài Thạch)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT