Thursday, April 25, 2024

Tuổi trẻ gốc Việt nhân Lễ Độc Lập tưởng nhớ tiền nhân

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Sáng Lễ Độc Lập 4 Tháng Bảy, không khí khu Bolsa Mini Mall trên đường Bolsa, Westminster, tưng bừng, nhộn nhịp hơn mọi ngày cuối tuần khác vì đây là nơi các hậu duệ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) tập trung để cùng đoàn xe Jeep quân đội thăm viếng nơi thờ phượng các vị tiền nhân trong Little Saigon.

Từng nhóm thanh niên trẻ trong những bộ quân phục của QLVNCH cười nói vui vẻ tạo nên một quang cảnh hết sức thanh bình.

Tất cả cùng muốn mượn Lễ Độc Lập của Mỹ để nói lên lòng biết ơn của mình đối với những người lính đã cầm súng đứng lên để bảo vệ quê hương.

Cô Trần Thị Hồng Nga, như một nữ quân nhân, cười: “Tôi muốn có mặt hôm nay cho cả những người lính Mỹ cũng như Việt Nam. Họ đã cho chúng ta sự tự do và độc lập.”

Cô rất hãnh diện được là một hậu duệ QLVNCH. “Cha tôi và các anh tôi đều là cựu quân nhân hồi trước 1975 và bây giờ, tôi đang là quân nhân Mỹ, thuộc Reserved United Nation,” cô nói.

Cùng đi với cô là anh Thanh Long Nguyễn. Trong bộ quân phục chỉnh tề, anh Long vui vẻ nói: “Tôi muốn đến đây để tưởng niệm cha tôi, một người lính Địa Phương Quân đã tử trận năm 1968.”

“Tôi muốn vinh danh tất cả những gì thuộc QLVNCH vì họ là những người lính, những anh hùng  xứng danh,” anh thêm.

Anh Minh Nguyễn chia sẻ: “Tôi muốn có mặt hôm nay để lát nữa, theo đoàn xe ra thắp nhang tại mộ 81 anh hùng Nhảy Dù ở Nghĩa Trang Quân Đội. Cái chết của họ thật oai hùng và cha con tôi rất ngưỡng mộ.”

Con anh là Thắng Nguyễn, 16 tuổi, cũng mặc quân phục như cha. “Con muốn tới chào 81 người lính đã chết cho tự do Việt Nam,” Thắng Nguyễn lúng túng nói tiếng Việt. “Con thích mặc quần áo lính.”

Có người có mặt để tỏ lòng tri ân Hoa Kỳ.

Anh Peter Thông Phạm chia sẻ: “Tôi muốn nhân dịp này cám ơn nước Mỹ đã cưu mang chúng ta, cho chúng ta một đời sống no ấm hơn và tương lai sáng sủa hơn.”

“Tôi rất vinh dự được mặc bộ quân phục Nhảy Dù này vì cha tôi là Ký Phạm cũng từng là quân nhân Nhảy Dù và anh tôi từng theo Truyền Tin,” anh kể.

Các hậu duệ rưng rưng khi nghe nói về cái chết đầy hào khí của 81 tử sĩ Nhảy Dù. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Anh Ngọc Lý, có lẽ là hậu duệ cao nhất của nhóm, cười vui vẻ: “Tôi mến mộ những người lính QLVNCH. Họ là những vị anh hùng thực sự.”

Anh nghiêm giọng: “Đọc sách báo bên này, tôi thấy QLVNCH là những người lính oai hùng chống Cộng, nhất là binh chủng Nhảy Dù và Biệt Động Quân. Họ đã bảo vệ VNCH trong suốt 20 năm và họ chưa bao giờ thua trận.”

Anh hãnh diện nói: “Các vị lính VNCH giỏi hơn lính Israel nhiều trên chiến trường.”

“Tôi hãnh diện được là hậu duệ của các vị anh hùng ấy,” anh Ngọc nói.

Một hậu duệ vừa sinh hoạt với nhóm lần đầu là anh Đức Nguyễn. “Cha tôi từng phục vụ cho binh chủng Nhảy Dù trước 1975,” anh nói. “Hiện tôi là cảnh sát ở Los Angeles và tôi cũng rất hãnh diện được khoác lên người bộ quân phục giống cha mình hồi xưa.”

Các hậu duệ nghe về thành tích chống ngoại xâm trước Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Phạm Công, chủ tịch Hội Cựu Quân Nhân Việt Mỹ và Đồng Minh, kiêm chủ tịch Hội Quân Xa Việt Mỹ, cũng nhắc đến anh Đức: “Tôi rất vui được hướng dẫn các thành viên hậu duệ mới tìm hiểu về sinh hoạt của chúng tôi ở đây.”

Ông Lê Hưng, cựu Trung Tá Hải Quân Hoa Kỳ kiêm cựu Thiếu Úy Không Quân VNCH, nói: “Tôi rất vui khi thấy có nhiều hậu duệ ở đây. Họ là những người sẽ tiếp tục công cuộc chống Cộng Sản tại hải ngoại của chúng tôi.”

Trước 1975, ông đã phục vụ trong quân đội. Ông chia sẻ: “Dù đã mặc quân phục Hoa Kỳ nhưng tôi cảm thấy hãnh diện hơn khi từng được là một quân nhân binh chủng Không Quân QLVNCH.”

Tiếng kèn Lâm Phạm làm tăng phần bi ai mà hùng tráng tại Đài Liệt Sĩ trong Nghĩa Trang Quân Đội. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Khoảng 10 giờ rưỡi, đoàn xe gồm năm chiếc Jeep tưng bừng khởi hành, trực chỉ Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster.

Tại đây, phái đoàn trịnh trọng đặt vòng hoa, chào cờ Mỹ, Việt, thổi kèn truy điệu rồi thắp nhang trước tượng đài.

Sau đó, mọi người bước sang Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa, được ông Trương Văn Sang, cựu Thiếu Úy Hải Quân, nói về cái chết dũng cảm của những anh hùng Hải Quân này. Ông nói: “Đài tưởng niệm này dành cho 74 quân nhân đã bỏ mình trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm.”

Ông cũng nói thêm về sự đóng góp của một hậu duệ. “Nhờ sự đấu tranh của một hậu duệ tên Trí Tạ, thị trưởng Westminster, mà chúng ta mới có đài tưởng niệm này.”

Thắp nhang xong, mọi người bước sang Đài Tưởng Niệm Tháng Tư Đen ngay bên cạnh để thắp nhang rồi đi đến Nghĩa Trang Quân Đội, trong Nghĩa Trang Westminster.

Một phút ôn lại những giờ phút cuối cùng của những anh hùng 30 Tháng Tư, 1975. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Trước Đài Tưởng Niệm các vị liệt sĩ, hồi kèn truy điệu lại làm không khí trang trọng hẳn lên. Cũng như ở những điểm dừng trước, phái đoàn chào kiểu quân đội trước khi thắp nhang tỏ lòng kính trọng rồi cùng đến Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân rồi sau cùng kính cẩn thắp nhang tại mộ 81 tử sĩ Nhảy Dù.

Trong ánh nắng ấm áp của buổi sáng Tháng Bảy, các hậu duệ đã cùng các vị cựu quân nhân QLVNCH mượn tinh thần Lễ Độc Lập Hoa Kỳ để thể hiện lòng nhớ ơn những tiền nhân Việt Nam đã bỏ mình cho tự do, độc lập. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT