Friday, March 29, 2024

Cựu sĩ quan Truyền Tin VNCH, 80 tuổi, vẫn tận tụy giúp người bệnh, người già

Quốc Dũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Tôi rất phục bác Thơm ở chỗ, dù đã 80 tuổi rồi, nhưng hằng tuần, bác đều làm việc tông đồ, tới viện dưỡng lão hay đến nhà người bệnh để cho mọi người rước mình thánh Chúa, săn sóc người già ăn uống…”

Đó là lời của ông Nguyễn Tấn Hảo, phó tế vĩnh viễn giáo xứ Westminster, khi nói về ông Nicolas Thơm Nguyễn, một giáo dân 80 tuổi ở Little Saigon, dù ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn âm thầm làm việc thiện nguyện.

Một người vì tha nhân

Ông Hảo cho biết: “Tôi là linh hướng cho bác trong hội Legio Mariae. Tôi hướng dẫn bác cũng năm năm nay rồi. Hai vợ chồng bác Thơm thường xuyên tới vào Thứ Bảy hàng tuần để họp nhóm. Nửa tiếng đầu tiên là cầu nguyện, nửa tiếng sau cùng là nghe tường thuật những công tác của bác trong tuần.”

“Phải nói rằng những hoạt động tông đồ của bác trong tuần tích cực lắm, hăng say lắm, như đi thăm hỏi bệnh nhân, đem mình thánh Chúa đến viện dưỡng lão, đi đám tang cầu nguyện cho linh hồn vừa khuất… Những việc này rất khó, rất vất vả, không ai muốn làm. Đối với nhiều người, chuyện đó là nhạt nhẽo, nhưng đối với bác Thơm thì đó là chuyện quý giá đối với tha nhân,” ông nhận xét.

Ông tâm sự: “Nhờ hồng ân của Thiên Chúa mà ở tuổi 80, bác Thơm vẫn âm thầm đến viện dưỡng lão chăm sóc, trò chuyện với người già, người bệnh. Phải nói là bác rất tích cực. Có lần bác nói sức khỏe mình còn là cứ làm. Tôi phục bác ở điều đó.”

“Nhiều khi họp nhìn các bác thương lắm, tuy trông bác có mệt mỏi nhưng khi tường thuật lại việc làm của mình, bác kể rất chi tiết. Ở cái tuổi này mà bác vẫn làm việc, có động lực yêu Thiên Chúa hoàn toàn, trông bác rất đầy năng lượng, tràn trề sức sống, không ngại tuổi tác mà chỉ biết còn sức thì tiếp tục làm thôi,” ông kể.

“Một điều rất thích ở bác Thơm nữa là, muốn biết tin tức gì về cộng đồng Việt Nam thì bác kể liền. Hay những khi có tờ báo nào chụp hình giáo xứ này, hay hình của cha, hay hình của mình… thì bác đều mang đến cho mọi người biết. Quý lắm,” ông nói thêm.

Ông Nicolas Thơm Nguyễn (bìa phải) trong Binh Chủng Truyền Tin QLVNCH. (Hình: Nicolas Thơm Nguyễn cung cấp)

Một người chỉ vì công việc

Nói về mình, ông Nicolas Thơm Nguyễn gần như chỉ nói vắn tắt. Nhưng khi hỏi ông về những việc ông đang làm, ông kể vanh vách, rõ ràng.

Ông kể: “Bà cụ Tám bị bệnh mấy chục năm, mỗi khi tôi đến thăm thì bà quý lắm. Bà nói tôi phải sống thật lâu để bà có bạn bè trò chuyện. Thật sự, tôi sống được từng tuổi này là nhờ ơn Thiên Chúa ban cho.”

Anh Hiển Vũ, cư dân Westminster, con của bà cụ Tám, nói: “Ông cụ tận tình, sốt sắng lắm. Ông là thừa tác viên ở nhà thờ, ông tới cho mẹ tôi rước lễ, ông rất thân thiện nên mẹ tôi rất là quý. Ông tới là bà cứ nắm tay không cho ông về. Mẹ tôi bị liệt mấy chục năm nay rồi.”

“Ông giúp bà cụ cũng trên 20 năm. Chỉ khi nào ông kẹt công chuyện, hay bà cụ đi bệnh viện thì ông không tới thôi. Còn tuần nào ông cũng tới, ông là một người sốt sắng vì công việc. Mỗi tuần tới một lần vào Chủ Nhật hoặc tối Thứ Bảy để giúp mẹ tôi rước lễ, đọc kinh, cầu nguyện như làm lễ trong nhà thờ cho bà,” anh nói thêm.

Ông Nicolas Thơm Nguyễn kể về thời gian giúp người bệnh, người già hàng tuần. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Một người thân ái với mọi người

Cụ ông 80 tuổi cho biết, ông sang Mỹ hồi Tháng Chín, 1990, theo diện HO 5, lúc đó ông 53 tuổi.

“May mắn là khi qua đây, tới cuối năm 1990 thì tôi có được việc làm ở báo Người Việt. Mà để vào tờ báo này tôi thi đàng hoàng đó nghen,” ông kể.

Ông cho hay, trước năm 1975, ông mang cấp bậc đại úy, chức vụ là đại đội trưởng truyền tin Tiểu Đoàn 630 khai thác truyền tin diện địa của QLVNCH.

“Năm 1959 tôi theo học Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, học 18 tháng ra trường thì về Tiểu Đoàn 630 khai thác truyền tin diện địa. Khi đó Thiếu Tá Lê Khắc Hồng là tiểu đoàn trưởng,” ông kể.

“Năm 1966 tôi là trung tâm trưởng truyền tin diện địa ở Bình Ty. Năm 1967 tôi là đại đội trưởng truyền tin diện địa Xuân Lộc, Long Khánh. Năm 1969 tôi là đại đội trưởng truyền tin diện địa tiểu khu Vũng Tàu… Tôi đi sĩ quan QLVNCH 16 năm, cho đến ngày mất nước năm 1975,” ông kể thêm.

Sau năm 1975, cũng như bao bạn đồng đội, ông đi “cải tạo” bảy năm, từ trại Hóc Môn, rồi sang trại Katum, Long Giao, Long Khánh… Đến năm 1982 thì ông được thả về nhà. Không ai thuê mướn, không nghề nghiệp, ông ở nhà mở quán bán cà phê, “và đây cũng là nơi cho mấy anh em cùng họ đạo quận Phú Nhuận, Sài Gòn, có chỗ gặp gỡ, trò chuyện. Đến năm 1990 thì tôi qua Mỹ theo diện HO,” ông tâm sự.

“Tôi thuộc Binh Chủng Truyền Tin nên khi qua Mỹ thì được một số anh em giới thiệu báo Người Việt tuyển người. Tôi cùng với bốn anh em khác đến xin việc. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có tôi được nhận vào làm việc vì tôi biết lái xe truck. Từ đó tôi được giao chiếc xe để làm việc luôn. Đây cũng là nhờ khi đi sĩ quan, xe nào tôi cũng chạy qua hết nên biết,” ông nói.

Ông bồi hồi kể: “Từ 4 giờ 30 phút sáng mỗi ngày tôi phải có mặt tại tòa soạn để phân phối báo cho mấy anh chị em đi bỏ báo sớm. Sau đó về nghỉ tới gần 10 giờ sáng thì vô tòa soạn làm lại cho tới 7 giờ 30 phút tối mới về nhà. Làm suốt tuần như vậy đó. Cực mà vui lắm.”

“Còn buổi chiều, cứ 3 giờ là tôi lái chiếc xe chở đầy báo ra bưu điện để cung ứng món ăn tinh thần, cũng như tin tức tới các độc giả ở các tiểu bang xa. Khi đó, một mình tôi làm việc với một nhân viên bưu điện trong hàng giờ đồng hồ để gửi hết đống báo Người Việt tới tay các độc giả ở xa,” ông nhớ lại.

Ông cho hay, để chất đầy báo lên xe loại một tấn, ông có thêm hai nhân viên phụ tá. Với số lượng hàng ngàn độc giả, thân hữu và người cộng tác ở xa phải gửi báo, ông cùng hai nhân viên mỗi sáng phải cho báo vào các phong bì, phân loại địa chỉ theo từng Zip Code, dán địa chỉ, đóng dấu… trước khi chất lên xe ra bưu điện.

Đến năm 2008 thì ông nghỉ hưu sau 18 năm làm việc cho công ty Người Việt.

Ông Nguyễn Hùng, phụ tá giám đốc thương vụ công ty Người Việt, chia sẻ: “Tôi có một thời gian làm việc sau này với anh Thơm. Cũng bảy, tám năm khi tôi làm quảng cáo thì anh hay lấy quảng cáo để tôi đưa vào yearbook và báo Xuân.”

“Anh là người hiền lành, có một số khách quen và rất chăm sóc khách quen đó. Anh rất thân ái với mọi người, rất tận tụy, rất đúng giờ. Anh là một người có tinh thần trách nhiệm, làm xong việc chứ không phải làm cho hết giờ. Anh luôn là người đưa quảng cáo cho tôi đúng giờ nhất. Làm việc với anh Thơm tôi đỡ ghê lắm,” ông nói.

Nhà báo Đỗ Quý Toàn, chủ bút nhật báo Người Việt, nhận xét: “Phải nói anh Thơm là người rất đạo đức, hiền lành, ăn ở với mọi người rất chu đáo, không thấy anh tỏ vẻ ghét ai, thù ai. Đó là cái quý. Không bao giờ thấy anh nói xấu người nào cả. Lúc nào cũng chỉ thấy chuyện tốt trên đời thôi. Đúng là người tu đó. Con người rất cổ truyền theo đúng nề nếp cổ.”

Hỏi ông, 80 tuổi ông được gì và mất gì? Ông Nicolas Thơm Nguyễn nói: “Được đi Mỹ, có việc làm tốt đẹp, được vào báo Người Việt phục vụ, được làm thiện nguyện thăm các bệnh nhân, ông cụ già bà lão, là tôi hạnh phúc. Mất, tôi mất anh em đồng đội đã từng chung vai sát cánh với mình.” (QUỐC DŨNG)

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem bình luận “Obamacare có nổ không?”(Phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT