Thursday, March 28, 2024

Đạo diễn Đức Nguyễn, người đi gom tiếng vọng…

Vũ Đình Trọng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt hơn 45 năm, nhưng nó sẽ chẳng bao giờ phôi phai. Những người đã băng qua cõi chết từ cuộc chiến này, luôn thao thức, nghĩ đến nó, thậm chí tìm mọi cách quay ngược về quá khứ, tìm một mảnh ghép còn thiếu, đặt vào chỗ trống trong tâm hồn, để được bình yên hơn.

Ký ức được tìm lại trong nỗi đau. Sự mất mát được kể trong dòng nước mắt mặn chát, hay những cuộc trùng phùng không tưởng,… Tất cả những mảnh ghép đó, trôi dạt nhiều năm trong đại dương mênh mông, được tìm thấy bằng sự nỗ lực tận cùng, để vẽ lại bức tranh khổ nạn của dân tộc.

Rất nhiều tiếng vọng từ trong sâu thẳm của sự lãng quên được tìm thấy trong nỗi thống khổ chung như thế. Và nhà làm phim Đức Nguyễn, là một trong số ít người, đang đi tìm và gom lại những tiếng nói này.

Câu chuyện người sống phải ăn thịt người chết trên “Bolinao 52”

“Tôi là một nhà làm phim tài liệu. Tôi thường đi tới những địa danh ẩn khuất để tìm kiếm sự thật cho các câu chuyện của mình. Đôi khi, tôi tìm ra bằng chứng từ những dòng chữ viết trên tường. Đôi khi, chúng được ghi lại trên các tài liệu khác. Nhưng một khi tìm ra, những bằng chứng đó trở thành tiếng nói từ trong quên lãng.”

Ý tưởng làm một bộ phim “Bolinao 52” bật ra khi Đức Nguyễn đọc được câu chuyện này trên báo Los Angeles Times năm 2000, và “tôi cảm thấy mình cần phải làm một bộ phim về nó,” như một điều tự nhiên, như một trách nhiệm. Bởi anh cũng đã là một thuyền nhân.

Anh kể: “Gia đình tôi đã trốn thoát khỏi Việt Nam vào Tháng Tư, năm 1980. Sau 4 ngày lênh đênh trên biển, chiếc ghe được một tàu Hải Quân Hoa Kỳ, USS Long Beach vớt và đưa đến Thái Lan. Chúng tôi được định cư tại Hoa Kỳ vào Tháng Bảy năm đó. Tôi đã kể nó trong ‘Bolinao 52.’”

“Bolinao 52” – Câu chuyện về chiếc tàu vượt biển 37 ngày của thuyền nhân người Việt gây chấn động thế giới. (Hình chụp từ video)

Đức Nguyễn chỉ kể sơ về gia đình mình trong chuyến vượt biên 4 ngày trên biển, để so sánh chuyến đi của chiếc tàu 110 người, lênh đênh trên biển 37 ngày, vượt qua nhiều cơn bão, nhiều lần hỏng máy, một lần tưởng được cứu, và điều tưởng chỉ xuất hiện trong những bộ phim kinh dị lại xảy ra trên chuyến tàu ấy: Người sống phải ăn thịt người chết để tiếp tục sống.

Bộ phim “Bolinao 52” chỉ dài 57 phút 24 giây. Bolinao là tên một hòn đảo thuộc tỉnh Pangasinan, vùng Tây Bắc Philipines, nơi chiếc tàu với 52 người sống sót được kéo về.

Đó là một câu chuyện đau đớn. Cách kể chuyện của Đức Nguyễn đơn giản, nhưng xoáy sâu vào nỗi đau của người trong cuộc, và kể cả người xem.

Chị Trịnh Thanh Tùng, một nhân chứng trở lại Bolinao sau 17 năm đã không cầm được những giọt nước mắt khi nói chuyện với dân địa phương về những ngày đầu bước chân lên đảo.

Có thể, nhiều nhân chứng trên chuyến đi đó không muốn nhắc lại quá khứ, nhưng chuyến trở về Bolinao của chị Tùng, như một sự trở về nơi mà chị có thể dõi mắt ra biển để thầm cám ơn những người đồng hành ngày nào đã chết cho 52 người sống.

Chị nói với đạo diễn Đức Nguyễn: “Chị đã nói với lòng… chị sẽ trở lại Bolinao trước khi chị đi đâu… Suốt 17 năm nay chưa đi đâu hết! Điều chị muốn làm, là làm một lễ cúng cho 58 người bạn đồng hành, họ đã đi chung chuyến tàu đó rất lâu, chị không biết tên hết, không nhớ mặt hết nhưng dầu sao nó vẫn ở trong lòng của chị. Lễ cúng này sẽ đem lại cho họ, cho chị bình an trong tâm hồn để sống…”

Đạo diễn Đức Nguyễn. (Hình: NV)

58 ngọn nến, tượng trưng cho 58 người đã chết, được thả xuống biển với cầu mong linh hồn họ được siêu thoát. Chính họ, đã cứu sống chị và 51 người khác bằng chính máu thịt họ. Người sống ăn thịt người chết để tiếp tục sống. Ngoài thịt người chết, trên chiếc thuyền đó không còn có gì có thể ăn được, nên ai không ăn cũng sẽ chết, và phần thịt đó sẽ có người ăn…

Câu chuyện “Bolinao 52” làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của con người về “lương tâm,” “đạo nghĩa,” hay “nhân tính.” Nhưng dù sao, vượt lên mọi sự tranh cãi về “đạo lý,” “Bolinao 52” một mảnh ghép đầy máu và nước mắt trong bức tranh thuyền nhân Việt Nam sau khi cuộc chiến chấm dứt năm 1975.

“Bolinao 52” được trình chiếu trên toàn Hoa Kỳ thông qua PBS.org, tham gia 15 liên hoan phim quốc tế và đoạt hai giải thưởng: Giải lựa chọn của khán giả trong Liên Hoan Quốc Tế Phim Việt (2007) và giải thưởng EMMY vùng Bắc California (2009) cho Thành Tựu Xuất Sắc về phim tài liệu và Phối Nhạc Xuất Sắc.

Ngoài ra, Đức Nguyễn còn thực hiện một số bộ phim khác cũng gây được tiếng vang như bộ phim Mediated Reality (Thực Tế Trung Gian) nói về trò “giằng kéo” giữa Mỹ và Cuba lên một đứa bé 6 tuổi Elian Gonzalez.

Phim tài liệu Stateless (Vô Quốc Gia) nói về một nhóm người Việt bị kẹt lại Philippines, không nhà trong 16 năm, đã thắng Giải Khán Giả Bình Chọn và Giải Nổi Bật trong Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam năm 2013.

Năm 2017, Đức Nguyễn đã sản xuất, chỉ đạo, biên tập phần thứ 3 của bộ ba tác phẩm về thuyền nhân Việt Nam mang tựa đề “Nothing Left to Lose (Không Còn Gì Để Mất).” Phim kể về câu chuyện của gần 100 người tị nạn Việt Nam có những mảnh đời lẩn trốn trong suốt 25 năm hy vọng một ngày được lấy lại phẩm giá khi được công nhận là một con người.

Chuyến ra khơi cuối cùng của chiếc tàu Trường Xuân

Hơn hai mươi năm làm phim tài liệu về người tỵ nạn Việt Nam, Đức Nguyễn đã thu thập được không ít tài liệu. “Đó là một kho truyện,” anh nói, dù không phải tất cả trong số đó phù hợp với định dạng thời gian cho phim tài liệu độc lập 1 giờ của PBS, nhưng đó là những tài liệu giá trị, vì nó chứa sự thật của cuộc hành trình đi tìm sự sống trong con đường chết của người tỵ nạn.

Chị Trịnh Thanh Tùng tại đảo Bolinao trong chuyến trở về sau 17 năm. (Hình chụp từ video)

Câu chuyện “The Truong Xuan Voyage” (Hành trình của tàu Trường Xuân) được công chiếu vào dịp 30 Tháng Tư, năm 2020, là một câu chuyện khác, một mảnh ghép khác của lịch sử tỵ nạn.

Anh kể: “Trong một dịp đến thành phố San José, tôi được gặp cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc, người thành lập Viện Bảo Tàng về các Thuyền Nhân Việt Nam (The Museum Of The Boat People And The Republic Of Vietnam), và được ông kể cho nghe câu chuyện về chuyến đi cuối cùng của chiếc tàu mang tên Trường Xuân, khi rời khỏi Bến Bạch Đằng (Sài Gòn) ngay trong ngày 30 Tháng Tư năm 1975.”

Trường Xuân là một trong số rất nhiều câu chuyện làm nên lịch sử di tản của Việt Nam. Điểm nhấn của câu chuyện này, là ngay khi tàu Trường Xuân còn lênh đênh trên biển, ngày 2 Tháng Năm, một cô bé được sinh ra trước khi chiếc tàu này được tàu Clara Maersk (Đan Mạch) giải cứu. Họ đặt tên bé là Truong Xuan Baby (Em bé Trường Xuân).

Anh Đức Nguyễn kể tiếp: “Trong dịp 30 Tháng Tư, năm 2020, tôi đã công chiếu ‘The Truong Xuan Voyage.’ Không lâu sau đó, ông Howard Jones, một cựu thành viên phi hành đoàn của Không Quân Hoàng Gia Anh, liên lạc với tôi, và hỏi tôi có biết thông tin gì về em bé Trường Xuân không. Ông ta muốn tìm hiểu câu chuyện đó tiếp theo như thế nào, và cô bé ấy hiện sống ra sao.”

Anh nhận lời giúp, dù lúc đấy chưa biết phải làm gì.

Như có sự sắp đặt của Thượng Đế, để câu chuyện năm xưa có một kết thúc đẹp như kết thúc của câu chuyện “Bolinao 52,” chừng mười ngày sau, Đức Nguyễn tìm lại được “em bé Trường Xuân” năm xưa với một cái tên thật đẹp: Chiêu-Anh Vũ-Lieberman (Lieberman là họ chồng).

Anh kể: “Tôi hỏi cô ấy có muốn gặp một người trong phi hành đoàn năm xưa đã đưa gia đình cô vào bệnh viện khi cô mới sinh được hai ngày không. Cô đồng ý.”

Với sự sắp đặt của Đức Nguyễn, ngày 2 Tháng Năm vừa qua, đúng ngày sinh nhật thứ 45 của Chieu-Anh Vu Lieberman, cô và Jones lần đầu tiên nói chuyện qua Zoom. “Tôi đã nhìn thấy bạn 45 năm trước. Bạn đã không nhìn thấy tôi, nhưng đây là những bức ảnh bạn được chuyển đến bệnh viện,” Jones nói với Vu-Lieberman.

Trên tàu Clara Maersk, bà Nguyễn Thì Mùi ôm bé gái mới sinh 2 ngày tuổi và con trai 2 tuổi, đang được chuẩn bị để Không Quân Hoàng Gia Anh chuyển đến bệnh viện Hồng Kông bằng trực thăng. (Hình chụp từ video)

Hai người đã chia sẻ những hình ảnh, thông tin – những thứ được cho là mảnh ghép còn thiếu để hoàn chỉnh “bức tranh cuộc đời” mình. “Đây là món quà sinh nhật tuyệt vời nhất. Tôi có một cảm giác ớn lạnh chạy qua người,” Vu-Lieberman nói trong video.

Ở một vài giây ngắn ngủi trong bộ phim này, người xem thấy được nụ cười rạng rỡ của đạo diễn, nhà biên kịch Đức Nguyễn. Một nụ cười không thể tươi hơn trước một kết thúc đẹp.

Anh chia sẻ: “Câu chuyện ‘Em bé Trường Xuân’ rất đặc biệt, vì trên giấy khai sanh của cô không ghi quốc tịch, không ghi nước nào cô sinh cả, vì cô sinh trên biển, trên một chiếc tàu chở những người vô tổ quốc, vì đất nước họ vừa rời đi đã mất trước đó 2 ngày.”

Tiếp tục tìm kiếm những mảnh ghép lịch sử

“Truong Xuan Voyage” là bộ phim đầu tiên trong dự án Voices From Oblivion của đạo diễn Đức Nguyễn.

Anh chia sẻ: “Tại Voices From Oblivion, chúng tôi đang nỗ lực ghi lại, lưu trữ, và giới thiệu những câu chuyện này tới cộng đồng, để hiểu về lịch sử của những người như chúng tôi, lịch sử những người tỵ nạn Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta phải gởi những câu chuyện này cho thế hệ sau này ở hải ngoại, để chúng hiểu về lịch sử dân tộc.”

Qua những bộ phim tài liệu về lịch sự tỵ nạn anh đã thực hiện, Đức Nguyễn hy vọng mọi người cùng chung ta bằng cách ghi danh trở thành người bảo trợ cho dự án Voices From Oblivion với mức đóng góp chỉ từ $2/tháng mà thôi.

Không Quân Hoàng Gia Anh dìu hai mẹ con “em bé Trường Xuân” xuống trực thăng, để chuyển đến bệnh viện Hồng Kông. (Hình chụp từ video)

Anh cho biết: “Tôi thường tự làm lấy nhiều việc trong một bộ phim, từ đạo diễn, biên kịch, quay phim, eidt video,… Những khi có tiền qua sự kêu gọi bảo trợ hoặc xin được một quỹ nào đó thì tôi tìm theo người giúp để công việc nhanh hơn. Đo đó, tôi nghĩ tôi cần sự giúp đỡ của cộng đồng, hãy xem đây là việc chung, và việc cần làm, để đóng góp.”

Anh Đức Nguyễn cũng cho biết, người bảo trợ sẽ được xem trước những bộ phim tài liệu hiện chỉ đang phổ biến giới hạn. Nhưng đó, không phải là mục đích của anh.

Anh nói: “Trong giai đoạn đầu phát triển của dự án Voices From Oblivion, chúng tôi cần sự đóng góp của cộng đồng. Sự đóng góp được ghi nhận công khai và cho đến lúc nào đủ chi phí rồi thì tôi sẽ đưa tất cả những bộ phim này ra công cộng để mọi người cùng xem. Còn bây giờ, xin phép được phục vụ cho những người đóng góp trước.”

Lịch sử tỵ nạn của người Việt vẫn còn phải được viết lại qua những ngòi bút chân chính, những thước phim chân thật. “Bolinao 52,” “Stateless” (Vô Quốc Gia), “Nothing Left to Lose” (Không Còn Gì Để Mất), hay “Truong Xuan Voyage” (Hành trình của tàu Trường Xuân),… không chỉ là những thước phim hay vì lấy nước mắt của nhiều người, mà còn là những tiếng vọng về từ một lịch sử đau thương, tan tác…

Độc giả có thể Tìm hiểu về dự án Voice From Oblivion tại: https://www.patreon.com/voicesfromoblivion [kn]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT