Sunday, May 19, 2024

Người Việt ở San Jose lạc quan vui Xuân, đón Tết ở chùa Di Lặc

Đoan Trang/Người Việt

SAN JOSE, California (NV) – “Dù Tết có rơi vào cuối tuần hay giữa tuần thì chùa vẫn như thế, nhưng tất nhiên cuối tuần sẽ thuận lợi hơn cho nhiều người,” Thượng Tọa Thích Pháp Lưu, giám đốc Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Di Lặc, trụ trì chùa Di Lặc, nói với phóng viên nhật báo Người Việt.

Phụ nữ Việt Nam diện những bộ áo dài truyền thống mang nhiều sắc Xuân, đến chùa Di Lặc chụp hình lưu niệm. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Cảm động khi được trở lại chùa

Trong chương trình “Mừng Xuân Di Lặc,” vào hai ngày 29 và 30 Tháng Giêng, tại chùa Di Lặc có hội chợ Tết Cổ Truyền và văn nghệ. Đây cũng là dịp để mọi người diện những bộ áo dài truyền thống mang nhiều sắc Xuân, chụp hình lưu niệm.

Chị Mai Huỳnh ở Oakland, lái xe hơn một tiếng lái xe để đến chùa Di Lặc, xúc động nói: “Nỗi vui mừng lớn mà tôi cảm nhận được là cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Được đến viếng chùa, trước là cúng Phật, sau thắp nhang khấn nguyện, tôi cảm động lắm.”

Chị Mai cho biết, chị ít đi chùa Di Lặc, mà chỉ biết đến chùa qua cô em gái vốn là Phật tử, đi chùa thường xuyên.

“Tết năm ngoái tôi diện áo dài thiệt đẹp đi chùa, đến nơi mới biết chùa đóng cửa. Năm nay đi đại, may thay chùa có mở cửa,” chị Mai mừng rỡ nói.

Tối 28 Tháng Giêng, một “bữa cơm chay gia đình” được chùa tổ chức, mà theo Thượng Tọa Thích Pháp Lưu, đây là lần đầu tiên chùa lập một lễ đài lớn và tạo điều kiện cho mọi người gặp nhau sau thời gian dài xa cách vì dịch bệnh.

Các thiện nguyện viên chuẩn bị “bữa cơm chay gia đình” ở chùa Di Lặc đêm 28 Tháng Giêng. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Cô Then Đoàn, một thiện nguyện viên, đang chuẩn bị các món chay để phục vụ đồng hương. “Tôi sinh hoạt hơn năm năm ở chùa Di Lặc. Tôi hạnh phúc lắm, khi được có cơ hội đến chùa làm công quả.”

Thiện nguyện viên Then Đoàn hạnh phúc khi đến chùa Di Lặc làm công quả. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Bé Quỳnh Hương, 13 tuổi, và bé Anh Thơ, 9 tuổi, được mẹ chở đến từ nhà ở San Francisco, để tham gia văn nghệ trong “bữa cơm chay gia đình”. Gương mặt mệt mỏi vì đói meo do mới từ trường ra, nhưng khi được hỏi, Quỳnh Hương thay đổi ngay sắc diện, trả lời: “Hôm nay con rất vui khi được đến hát cho các cô bác nghe. Tết con thích đốt pháo nhất. Năm nay đến chùa con thấy thoải mái hơn vì không phải đeo khẩu trang như trước.”

Bé Quỳnh Hương (trái), Anh Thơ được mẹ Quỳnh Anh đưa đến tham dự “bữa cơm chay gia đình” ở chùa Di Lặc. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Vợ chồng ông bà Nguyễn Quang Bình và Cyndy Hồng, cư dân San Jose, vừa đóng góp cho chùa $10,000, nói với chúng tôi: “Những buổi họp mặt như thế này rất quý, để các đồng hương đến chùa lễ Phật, vui hội Tết cổ truyền, có cơ hội, gắn nối mọi người với nhau, vượt qua đại dịch rất khó khăn. Đóng góp của chúng tôi cũng nhằm hỗ trợ một bàn tay giúp chùa có kinh phí, vì chùa làm được nhiều điều có lợi cho cộng đồng Việt Nam.”

Vợ chồng ông bà Nguyễn Quang Bình – Cyndy Hồng, cư dân San Jose, vừa đóng góp cho chùa $10,000. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Chị Hồng Thái, cư dân San Jose cho biết mọi năm, chị thường chờ tới Tết mới đi chùa, nhưng năm nay chị đưa con đi sớm hơn để tránh Mùng Một sẽ rất đông người, không thể mở khẩu trang ra để chụp hình được.

“Tôi dẫn con đến chùa để giúp các bé biết về văn hóa Tết của người Việt. Mọi năm trước dịch, chùa tổ chức chương trình Tết rất lớn trong đại sảnh, có văn nghệ, thức ăn phục vụ cư dân. Năm ngoái dịch bệnh nên bá tánh chỉ được vào viếng trong Chánh Điện rồi về,” chị Hồng Thái nói. “Năm nay chùa tổ chức được thế này, thật là vui!”

Chị Hồng Thái, cư dân San Jose: “Tôi dẫn con đến chùa để giúp các bé biết về văn hóa Tết của người Việt.” (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Viếng Phật, vãn cảnh, được tặng… bộ thử COVID-19

Chương trình đón Xuân tại chùa Di Lặc ở thành phố San Jose hàng năm thu hút hàng chục ngàn lượt người từ các nơi đến viếng chùa, lễ Phật. Dịch bệnh, mấy năm liền chùa không tổ chức đón Xuân. Năm nay, dù đại dịch vẫn ngoài tầm kiểm soát, nhưng Hoà Thượng Thích Pháp Lưu dự tính số người đến chùa sẽ đông trở lại.

Đón Xuân trong dịch bệnh, nên vừa nhắc mọi người đến chùa mang khẩu trang, giữ khoảng cách, Hoà Thượng Thích Pháp Lưu cho biết đã chuẩn bị để  tặng 8,000 khẩu trang y tế sản xuất tại Mỹ và 1,000 bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 làm quà xổ số cho các hoạt động vui chơi.

“Tất nhiên, chúng tôi khuyên ai có triệu chứng thì vui lòng ở nhà, cho an toàn,” Hoà Thượng Thích Pháp Lưu nói.

Thượng Tọa Thích Pháp Lưu, giám đốc Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Di Lặc, trụ trì chùa Di Lặc. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Những ngày này, nhiều cư dân trong vùng có mặt từ sớm, để lễ Phật và thỉnh cây kiểng, hoa trái. Trong đó, có nhiều cây kiểng, bonsai được đích thân Thượng Tọa Thích Pháp Lưu chăm sóc tại khu vườn Kuan Yin Garden, nằm trong khuôn viên rộng gần 5 arces (217,850 sqft) của chùa.

Chị Hương Trà, cư dân Livermoor, cách San Jose gần một tiếng lái xe, tới mua hoa ủng hộ chùa. Chị cho biết Mùng Một Tết sẽ trở lại lễ Phật.

Chị Hương Trà (phải) cư dân Livermoor, cách San Jose gần một tiếng lái xe, tới mua hoa ủng hộ chùa. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Cô Thảo Huỳnh, cư dân San Jose, nói đã mua hoa Tết ngoài chợ rồi, nhưng vì biết tin trên ở chùa Di Lặc cũng có hoa nên ghé để mua thêm hoa mai và nụ tầm xuân.

Cô Thảo không nén được nỗi vui mừng, cho biết: “Năm nay là năm đầu tiên tôi được nghỉ ở nhà ăn Tết, vì là xin nghỉ sớm, chưa không thì cũng phải đi làm. Tôi mê pháo, nên năm nào Giao Thừa cũng ghé chùa để lễ Phật, xem đốt pháo. Năm ngoái COVID-19 đang hoành hành mà tôi còn đi, năm nay chích ngừa đầy đủ rồi, nên không sợ nữa.”

Ông Dũng Lý, 61 tuổi, thiện nguyện viên, người làm IT cho một công ty ở San Jose cho biết ông vừa nghỉ “hưu non” nên có nhiều thời gian rảnh để lên chùa phụ phân phát thực phẩm chay cho mọi người vào mỗi Thứ Sáu, Thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần.

Ông Dũng Lý, cư dân San Jose, tình nguyện lên chùa giúp bán bông, trang trí Tết. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

“Suốt thời gian dịch bệnh, chùa có chương trình phát bữa cơm chay dinh dưỡng miền phí cho người cao niên,” ông Dũng cho biết. “Mỗi ngày chùa phát 250 phần ăn chay. Những ngày giáp Tết, tôi cũng lên phụ bán hoa, cây kiểng.

Được sự giúp đỡ của cơ quan chính phủ, trong suốt đại dịch, chùa Di Lặc cung cấp được 28,000 bữa ăn chay dinh dưỡng cho bà con trong vùng.

Đầu Xuân đến chùa vía Phật Di Lặc, nhận lì xì

“Trong những ngày Tết sắp đến, ban Trai có chuẩn bị món chay, nước uống để mọi người mua ủng hộ chùa hoặc đem về dùng,” Thượng Tọa Thích Pháp Lưu cho biết.

“Chùa cũng tặng hàng ngàn chai nước đã được chú nguyện. Như thông lệ trước COVID-19, chùa có lễ đêm Giao Thừa, múa lân, đốt dây pháo dài 150 ft, phát lộc,… “

Cũng theo vị trụ trì ngôi chùa, Mùng Một Tết chùa sẽ mở cửa đón Xuân sớm, mọi người có thể đến vía Phật Di Lặc, nhận lí xì đầu năm.

“Đầu năm Phật tử chỉ cần tới lễ Phật, chứ cúng sớ cúng sao không phải là nét chính của đạo Phật. Ngoài ra, từ Mùng Bốn Tết đến Rằm Tháng Giêng, chùa còn có những buổi tụng kinh. Chúng tôi đã dịch xong bản Kinh Dược Sư, tạo thuận lợi, dễ dàng hơn cho các Phật tử,” vị thượng tọa cho biết.

Ghi danh tham dự “bữa cơm chay gia đình” tại chùa Di Lặc đêm 28 Tháng Giêng. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Trước COVID-19, Chùa Di Lặc được nhiều người biết đến qua hoạt động của Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo, dạy các lớp dạy thiền, yoga, Việt ngữ, âm nhạc, võ, sinh hoạt từ thiện,… Dịch bệnh làm đảo lộn cuộc sống, gây khó khăn cho mọi người, nên mọi hoạt động tại đây thiên về tâm linh nhiều hơn.

Qua nhật báo Người Việt, Thượng Tọa Thích Pháp Lưu nhắn nhủ: “Chúng ta hãy lạc quan mà tin rằng COVID-19 đang bị đẩy lùi. Bà con đừng sợ, cứ ra đường đeo khẩu trang, giữ khoảng cách là yên tâm. Hãy vui Xuân, quên đi đại dịch, mệt mỏi và căng thẳng của cuộc sống.”

Quần bán hoa Tết ở chùa Di Lặc. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Chúng tôi đặt vấn đề tình hình an ninh trong thời gian qua tại thành phố “Thung Lũng Hoa Vàng” không mấy bảo đảm do hàng loạt nạn trộm cắp xảy ra. Thượng Toạ Thích Pháp Lưu cho biết: “Sẽ có hai nhân viên của sở cảnh sát San Jose túc trực, giữ an ninh trong khu vực trong những ngày lễ hội tại chùa, nên mọi người đừng quá lo lắng.”

Chương trình “Mừng Xuân Di Lặc” ở chùa kéo dài từ nay đến qua Tết, với nhiều hoạt động đặc sắc mà theo vị trụ trì, “chỉ có ‘gan cọp’ mới dám tổ chức,” vì chi phí khá tốn kém. Tuy nhiên, qua Rằm Tháng Giêng, không khí Tết bớt dần, mọi hoạt động trở lại bình thường, các khóa lễ vẫn được tổ chức, được làm ngoài trời để các bác lớn tuổi không ngại.

Thượng Tọa Thích Pháp Lưu cũng gửi lời chúc Tết: “Nhân dịp năm mới, kính chúc quý đồng hương, độc giả báo Người Việt mọi điều tốt đẹp, sức khoẻ, luôn hạnh phúc và nhiều niềm vui.” [kn]

———–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT