Thursday, March 28, 2024

Đủ ‘chiêu’ mở khóa điện thoại ở Little Saigon

Quốc Dũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Một điện thoại đã khóa (locked) chỉ xài được ở Mỹ, vậy làm gì để điện thoại này dùng được khi ra khỏi nước Mỹ, chẳng hạn trong những chuyến du lịch, hay đi Việt Nam? Các cửa hàng bán điện thoại của người Việt tại Little Saigon có đủ “chiêu” để mở khóa (unlock) điện thoại di động phục vụ cho “thượng đế,” kể cả điện thoại bị nằm trong danh sách đen (blacklisted).

Thay vì phải bỏ một số tiền lớn để “tậu” một “con dế” sành điệu (chẳng hạn iPhone 6, 6 plus, 6S), thì người tiêu dùng ký hợp đồng với một công ty điện thoại, mỗi tháng chỉ tốn vài chục đô la để trả góp. Đổi lại, người tiêu dùng chỉ xài được duy nhất dịch vụ của công ty mà mình ký hợp đồng.

Tuy nhiên, cái khó là khi người tiêu dùng đi du lịch, đi Việt Nam… thì điện thoại bỗng trở thành “cục gạch,” do điện thoại không “ăn sim” của các công ty khác ở nơi mình đến. Đó là chưa kể, người không thích xài dịch vụ công ty này, muốn chuyển sang công ty khác, nhưng chưa trả dứt tiền cho công ty đang xài, phải làm sao? Làm sao cho “tây tương thích với ta,” đã được nhiều người tìm mọi cách để mở khóa điện thoại di động cho bằng được.

Mở khóa điện thoại bằng mọi giá

Ông Thy Phạm, một chủ tiệm điện thoại tại góc đường Brookhurst và 11th, Garden Grove, cho biết: “Hiện nay nhu cầu của người dùng điện thoại thích vừa có thể dùng mạng của T-Mobile, nhưng sau đó không thích thì đổi sang dùng mạng của AT&T, hoặc công ty khác. Để chi, để người ta chọn cái nào rẻ thì người ta xài.”

“Rộng hơn nữa, cộng đồng mình có rất nhiều thân nhân ở Việt Nam, nên người ta muốn gửi tặng điện thoại cho người thân ở Việt Nam. Tuy nhiên, muốn ra khỏi nước Mỹ thì phải mở khóa, bởi vì không mở khóa thì khi mang về Việt Nam không thể dùng mạng di động trong nước được, trong khi ai cũng muốn khi gửi về thì người thân chỉ việc lắp ‘sim’ vào là alô thôi,” ông nói.

Ông cho hay: “Từ khi tiệm của tôi có dịch vụ mở khóa điện thoại tới giờ, tôi thấy cộng đồng mình xài iPhone nhiều nhất, và điều này cũng theo nhu cầu trong nước nữa. Thân nhân ở Việt Nam không xin gì hết, nhưng cho điện thoại thì phải là iPhone, có lẽ ai cũng thấy sự sang trọng của điện thoại này, còn Samsung thì ngay cả người dân mình ở đây cũng ít xài nên Việt Nam cũng không chuộng lắm.”

“Một điện thoại chỉ mở khóa một lần, nên sau khi mở khóa rồi thì máy trả tiền một lần tại cửa hàng Apple hay máy trả góp qua công ty điện thoại cũng như nhau. Máy hoạt động bình thường khi lắp bất kỳ loại ‘sim’ nào thuộc bất cứ công ty ở quốc gia nào,” ông nói tiếp.

Ông Nguyễn Trường, một chủ tiệm điện thoại tại góc đường Bolsa và Ward, Westminster, cho biết: “Một khách hàng vừa ký hợp đồng với T-Mobile hai năm, mua iPhone 6S nhưng đã mang ra tiệm của tôi để nhờ mở khóa. Tôi làm được mới lấy tiền của khách, nhưng 99.9% làm được. Từ trước đến nay tôi đã làm mấy chục ngàn cái điện thoại thì chỉ khoảng 0.01% là không làm được. Họa hoằn lắm là do điện thoại đó thuộc danh sách đen, hay làm sao đó mới không làm được.”

“Khi nhận điện thoại của khách hàng, tôi đều hỏi tiểu sử của điện thoại trước, đó là điện thoại này có khai với bảo hiểm bị mất hay chưa… Bởi vì, một khi đã khai báo mất điện thoại rồi thì không thể mở khóa được nữa, công ty điện thoại đã khóa số lại rồi. T-Mobile áp dụng như vậy. Còn đối với AT&T, điện thoại đã khai mất vẫn mở khóa được, nhưng không xài được ở Mỹ, chỉ xài được ở các quốc gia khác,” ông cho hay.

Ông kể: “Rất nhiều khách hàng đến nhờ tôi mở khóa, vì điện thoại mới mua một tuần, bỗng nhiên thông báo ‘No Service.’ Gọi lên công ty thì được biết điện thoại này mới bị khai mất hôm qua. Hóa ra khách hàng do thấy điện thoại bán trên mạng giá rẻ nên mua, dù lúc mua thì đã bỏ ‘sim’ vào thử, và thấy điện thoại hoạt động bình thường. Chưa kể, có khách hàng còn gặp người bán ‘tử tế’ khi ‘cho’ xài đến sáu tháng, sau đó điện thoại này mới trở thành ‘cục gạch,’ cũng với chiêu trò thông báo bị mất điện thoại.”

“Tiệm của tôi có dịch vụ cho khách hàng đổi điện thoại khác, cho dù điện thoại kia đã khai mất, nằm trong danh sách đen, hay không còn xài được ở Mỹ. Khách hàng sẽ có được điện thoại ‘mới tinh’ lấy ra từ trong hộp, nhưng tôi phải biết thêm chi tiết đầy đủ về điện thoại này thì mới làm được điều này, cùng với một lệ phí, iPhone 6S đổi lấy cái mới là $150, còn iPhone 6 plus thì $200,” ông cho hay.

Ông tiết lộ: “Tôi làm được điều này vì làm nghề này phải có ‘tay trong.’ ‘Tay trong’ của tôi làm trong các công ty điện thoại. Nhưng mọi người không nên ham rẻ mà mua điện thoại, nhất là chưa biết gì về người bán. Hiện nay ai mua điện thoại cũng đều mua bảo hiểm, và lợi dụng việc bảo hiểm đền điện thoại khi khai mất để bán kiếm tiền thêm. Tuy nhiên, những người lợi dụng việc này cũng không ‘thọ,’ do sau chừng ba lần như vậy thì không được mua bảo hiểm nữa, vì có tiểu sử không tốt.”

Thông tin về mở khóa điện thoại được thông báo chi tiết tại tiệm của ông Nguyễn Trường. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

“Chiêu” mở khóa điện thoại

Mở khóa điện thoại như thế nào? Khi mua máy của công ty điện thoại, tức phải trả góp. Khi trả góp thì máy đó chưa phải của mình, còn khi trả hết tiền thì công ty sẽ mở khóa miễn phí, vì khi đó điện thoại là của mình. Tuy nhiên, người tiêu dùng thì không phải ai cũng đợi được. Do đó, khi không “biết cách” mở khóa điện thoại cho chính mình, nhiều người tìm đến các cửa hàng bán điện thoại của người Việt tại Little Saigon, nơi có cung cấp dịch vụ này, để nhờ mở khóa.

Ông Thy Phạm cho biết: “Khi mở khóa chỉ cần lấy số IMEI (mã số nhận dạng quốc tế của từng điện thoại di động) trong điện thoại của khách, không làm trực tiếp trên điện thoại, tức không đụng gì đến điện thoại mà làm trực tiếp trên Internet.”

“Mỗi điện thoại có một số IMEI khác nhau. Công ty điện thoại quản lý dãy số này chứ không phải quản lý cái điện thoại của mình. Do vậy, khi mình gọi điện thoại thì trên hệ thống sẽ thấy được dãy số này. Ví dụ, khi dùng điện thoại để gọi đi thì hệ thống của T-Mobile sẽ biết mình gọi lúc mấy giờ, nhờ căn cứ vào dãy số IMEI,” ông giải thích.

Ông nói: “Sau khi lấy số IMEI thì mua một ‘code’ trên mạng. Bên cạnh việc buộc người dùng sử dụng mạng đã được cung cấp thì công ty cũng sẵn sàng bán cho người dùng ‘code’ để nâng cấp điện thoại. Khi mở khóa điện thoại bằng ‘code,’ điện thoại sẽ được sử dụng ở bất cứ đâu với tất cả công ty nào mà hoàn toàn không phải lo lắng điện thoại bị khóa lại. Để sử dụng cách này, người dùng phải chi trả một khoản lệ phí để mua ‘code’ mở khóa cho chiếc điện thoại của mình.”

“Tuy nhiên, mức giá để sở hữu một ‘code’ khá cao, và tùy theo công ty bán, không có một giá cố định khi mua ‘code.’ Chẳng hạn AT&T thì rẻ hơn, còn T-Mobile thì đắt hơn. Nếu hỏi tại sao đắt hơn thì tôi không biết, không thể trả lời được câu hỏi đó. Nhưng có lẽ một phần lệ thuộc vào hợp đồng do khách hàng ký mới, hay đã trả được bao nhiêu tiền rồi… Bởi vì ký mới thì tiền mở khóa sẽ cao hơn, do các công ty không muốn khi điện thoại chưa trả hết tiền thì đã mở khóa rồi,” ông nói tiếp.

Ông cho hay: “Thời gian mở khóa tùy theo ‘server’ của công ty, có khi qua một ngày là xong, có khi phải tới năm ngày. Không theo một trình tự nào. Các nước khác cũng vậy, tùy theo ‘server,’ công ty sẽ báo cho mình thời gian, kể từ khi mình bắt đầu mua ‘code.’”

Trong khi đó, ông Nguyễn Trường lại có cách khác để mở khóa, dù khi nhận điện thoại của khách, ông cũng ghi lại số IMEI, còn khách hàng cứ xài điện thoại một cách bình thường.

Ông cho biết: “Thời gian mở khóa thỉnh thoảng xáo trộn một chút, do đôi khi công ty thay đổi nhân viên, tôi bị mất người của mình, nên phải chờ để kết nối với người mới. Tuy nhiên, lâu lâu mới xảy ra trường hợp như vậy.”

“Sau thời gian hẹn với khách hàng thì khi điện thoại đã được mở khóa, khách hàng có thể đến tiệm tôi để thử mọi loại ‘sim’ của mọi công ty. Thông thường, T-Mobile từ 7 đến 21 ngày, AT&T từ 1 đến 10 ngày, Sprint 21 ngày, riêng Verizon thì tíc tắc chỉ trong vài phút. Giá mở khóa cũng dao động từ $20 đến $175, trong đó đắt nhất là Sprint và T-Mobile,” ông nói.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Mở khóa điện thoại thì T-Mobile, AT&T, Verizon, Sprint mở được. Nhưng những công ty sau này như Boost Mobile, Metro PCS thỉnh thoảng có thể mở được, riêng Virgin Mobile thì hoàn toàn không thể.”

“Đó là chưa kể, dù mở khóa điện thoại của Sprint không quá phức tạp, nhưng công ty này rất khó chịu. Bởi vì có những điện thoại của công ty khi mở khóa thì chỉ xài được ở nước ngoài chứ không xài được ở Mỹ,” ông nói tiếp.

Mở khóa điện thoại luôn luôn là nhu cầu với nhiều người. (Hình: iphone.unlock.no)

Người già mới đi… mở khóa

Ông Bảo Vọng, một chủ tiệm điện thoại tại góc đường Bolsa và Bushard, Westminster, cho biết: “Nhu cầu mở khóa điện thoại hiện nay cũng khá cao. Tuy nhiên, do mua một ‘code’ có lúc đắt, có lúc rẻ khác nhau nên đôi khi khách hỏi xong thì cũng bỏ đi, trừ những người có nhu cầu đi ra khỏi nước Mỹ, hay gửi cho thân nhân ở Việt Nam thì không đắn đo về giá cả.”

“Khi tiếp những khách có nhu cầu mở khóa, tôi đều hỏi họ có quá cần thiết phải mở khóa hay không, bởi vì khách phần lớn là người lớn tuổi. Tôi thường khuyên, bỏ ra hơn $100 để mua ‘code’ thì không đáng, ráng xài một thời gian thì sẽ được công ty mở khóa miễn phí. Tiệm tôi chủ yếu mua bán, còn mở khóa thì ít lắm, vì thật sự thấy mọi người bỏ tiền ra tôi cũng xót, vì nó không đáng,” ông cho hay.

Ông Thy Phạm cũng cho hay: “Tiệm của tôi không sống nhờ vào mở khóa, mà cái chính là vào sửa chữa điện thoại. Bởi vì dù lượng khách đến mở khóa đông, nhưng chi phí để mở khóa không quyết định được cuộc sống lâu dài, vì không lời được bao nhiêu.”

Hỏi ông học mở khóa từ đâu, ông bảo: “Sửa một cái điện thoại khó hơn mở khóa! Do vậy, tôi có đi học nghề sửa điện thoại, còn mở khóa thì tự học trên Internet, một trường học rộng lớn. Từ iPhone 3 trở đi là tôi bắt đầu nhận mở khóa, sau này từ iPhone 4 trở đi dùng ‘code’ nên thuận tiện hơn. Tôi thấy độ tuổi nào cũng đến để mở khóa, nhưng phần nhiều là những người từ 30 tuổi trở lên.”

Ông Nguyễn Trường nhận định: “Độ tuổi đến mở khóa tôi thấy người già nhiều hơn người trẻ. Đa số họ muốn cầm điện thoại đó về cho người thân ở Việt Nam, một số người trẻ thì mở khóa để về cho bạn bè, họ hàng. Hầu như ngày nào cũng có khách đến tiệm tôi để mở khóa.”

Trong khi đó, ông Hùng Ngô, một chủ tiệm điện thoại tại góc đường Brookhurst và Westminster, Garden Grove, cho biết: “Tôi thấy nhu cầu mở khóa điện thoại của bà con hiện giờ không như trước đây, bởi vì điện thoại đang bão hòa rồi, ai cũng có điện thoại hết rồi. Nhu cầu gửi về cho người thân ở Việt Nam cũng giảm nhiệt rồi.”

“Bây giờ ít người mua điện thoại mới mà vui lòng xài điện thoại có sẵn của họ rồi. Trước đây iPhone 5, 6… mới ra thì mọi người bất kể nắng mưa xếp hàng để lấy cho bằng được, rồi mang về Việt Nam bán một vốn hai, ba lời. Nhưng đến iPhone 6S mới đây thì không còn cảnh xếp hàng nữa, thị trường trong nước cũng không còn sôi động nữa. Điện thoại bán không ai mua nên vỏ điện thoại bán cũng không ai mua,” ông phân tích. (Quốc Dũng)

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT