Thursday, May 9, 2024

Cô Tuyền Trịnh, cựu sinh viên cao học Harvard: ‘Chọn nghề, cần biết mục tiêu là gì’

Đằng-Giao/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Cô Tuyền Trịnh không làm trong ngành giáo dục nhưng rất quan tâm đến việc học hành của con cái dù các em còn trẻ. Với cô, việc chuẩn bị cho tương lai các con không bao giờ là sớm. Nhận định và suy nghĩ của cô rất có ích đối với học sinh đang băn khoăn chọn ngành học.

Cô Tuyền Trịnh cùng gia đình làm việc thiện nguyện cho tổ chức bất vụ lợi Live Out Loud with Autism (LOLA). (Hình: Tuyền Trịnh cung cấp)

Cô Tuyền Trịnh là chuyên viên phân tích hành vi được xác nhận (Board Certified Behavior Analyst – BCBA).

Cô tốt nghiệp cử nhân tại UC Berkeley và cao học ở Harvard University – School of Public Health.

Là giám đốc dịch vụ tự kỷ ở Orange County (director of autism) với chuyên ngành là trị liệu hành vi (behavior therapy for children with autism), cô Tuyền có cách suy nghĩ chuẩn xác và khoa học.

Những chia sẻ về giáo dục của cô Tuyền Trịnh đựa trên nhận xét và quan niệm cá nhân.

Nên tập cho con từ nhỏ

Theo cô Tuyền, phụ huynh nên tập cho con cái suy nghĩ sẽ làm gì trong tương lai ngay từ khi các em còn nhỏ.

Cô tin rằng vai trò của cha mẹ rất quan trọng trong việc định hướng tương lai các con.

Vẫn biết các em đóng vai trò chính yếu trong việc chọn ngành học, nhưng phụ huynh cần phải tiếp xúc và trò chuyện với con cái để giúp con bắt đầu suy nghĩ về những sở thích và ngành nghề nào có thể thú vị đối với các con ngay từ khi còn nhỏ.

“Cha mẹ có thể giúp con mình khám phá ra những ngành học theo ở thích,” cô nói.

Việc biết tự đánh giá bản thân của các em quan trọng trong mọi trường hợp sau này trong cuộc sống.

Cô nói: “Tập cho các em nhỏ để ý về sở thích, sở trường, sở đoản của mình là một điều rất tốt.”

“Để có sự chuẩn bị tốt nhất khi bước vào đại học, các em cần ráo riết suy nghĩ một cách nghiêm túc về ngành học từ cuối lớp 10, đầu lớp 11,” cô Tuyền khẳng định. “Dĩ nhiên ngay từ nhỏ, các em em đã phải có một khái niệm rằng mình sẽ làm gì, dù chưa rõ nét.”

Rất nhiều ngành nghề, không nên tự hạn chế

Cô khuyên: “Vì có vô số nghề nghiệp các em có thể làm trong tương lai, phụ huynh không nên chỉ hướng đến những nghề nghiệp quen thuộc như bác sĩ, dược sĩ,… Hãy cùng con em mình tìm hiểu thêm những ngành học khác nhau vì có rất nhiều ngành nghề khác rất thịnh hành trong thời điểm xã hội ngày nay như trí tuệ nhân tạo (AI), kỹ sư không gian (space engineer)…”

Cô Tuyền Trịnh: “Cha mẹ nên nói chuyện với con cái về dự tính tuơng lai càng sớm càng tốt.” (Hình: Tuyền Trịnh cung cấp)

Những ngành khoa học mà ít người gốc Việt để ý đến nỗi chưa có từ ngữ tiếng Việt phổ biến là “3D Printing,” “Big Data and Analytics,” “Machine Learning and Intelligent Systems,” “Computer Vision and Pattern Recognition,” “Life Sciences,” “Computational Biology and Bioinformatics”…

Cô nhận định rằng không phải ngành y khoa nào cũng đem lại thu nhập cao. Có rất nhiều nghề có lương bổng cao hơn nghề y khoa mà chặng đường học vấn lại ngắn hơn và dễ hơn.

Cô nhấn mạnh: “Cho nên hãy chọn ngành nào mình thích mà mang lại được giá trị đến với mình, nhưng cũng phải thực tế trong tiềm năng làm ra tiền của nó.”

Vai trò cố vấn của cha mẹ nên thay đổi theo hoàn cảnh.

Cô thêm: “Tùy theo mỗi em, sự hướng của cha mẹ có thể nhiều hoặc ít, nhưng chỉ nên gợi ý, góp ý, và cung cấp thông tin để các em suy nghĩ về ngành học và hướng đi của mình, chứ không nên áp đặt mong muốn của mình vào con. Hãy cung cấp thông tin và giải thích các hướng đi khác nhau con có thể chọn lựa cho mình một hướng đi sáng suốt.”

Cô nhấn mạnh: “Nếu cha mẹ có thể mở tầm nhìn cho con để con có cái nhìn sâu và xa hơn về tương lai thì đó là một phương pháp hướng dẫn thành công.”

Nên biết mục đích

Theo cô, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ về ngành học và biết mục tiêu của con mình là gì, vì chọn nghề vì sở thích, vì đam mê khác với chọn nghề để kiếm nhiều tiền.

Cô giải thích: “Vì mục đích quyết định là sự lựa chọn ngành nghề của con mình có thành công, có đem đến niềm vui hay không.”

Cô Truyền Trịnh tập cho hai con làm việc xã hội ngay từ nhỏ. (Hình: Tuyền Trịnh cung cấp)

Trải nghiệm thực tế

Rồi đến khi các con có một lựa chọn rồi, cha mẹ cần giúp thêm nữa.

Cô khuyên: “Bất kỳ các em chọn ngành học nào, các em nên tìm hiểu thật kỹ về ngành đó. Hãy khẳng định là mình chọn ngành đó vì nó mang giá trị đến cho mình và mình thích làm ngành nghề này trong tương lai.”

“Cha mẹ nên khuyến khích các con tìm hiểu bằng cách kết nối với những người đang làm nghề này để các con có khái niệm nghề này cụ thể hơn,” cô nhắc nhở.

“Kết nối với những người đang làm nghề mình thích. Nếu được, xin họ cho mình tới chỗ làm để quan sát công việc của họ.”

Đừng sợ tốn thời gian

Khi vô đại học rồi, các em cần theo dõi việc học của mình trong năm đầu.

Cô nói: “Hãy để ý lớp nào mình thích, lớp nào mình không thích hoặc quá khó đối với mình. Hãy trò chuyện với bạn cùng lớp để tìm hiểu thêm những lớp khác nhau. Nếu các em cảm thấy ngành mình đang học quá khó hoặc mình không thích, thì các em hãy nghĩ đến việc chuyển ngành càng sớm càng tốt. Đừng cố cắn răng chi cho khổ. Cho dù các em phải kéo dài thời gian dài hơn dự định thì cũng chẳng sao.” [kn]

—-

Liên lạc tác giả: [email protected]

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT