Thursday, May 9, 2024

Henry Vũ, Garden Grove HS: ‘Chọn ngành học cần cân bằng sở thích và thực tế’

Đằng-Giao/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Henry Vũ, dù đang học lớp 11 trung học Garden Grove High School, nhưng đã biết mình chắc sẽ theo ngành khoa học máy tính (computer science) với mục đích là sáng tạo trò chơi điện tử.

Henry Vũ. (Hình: Henry Vũ cung cấp)

Theo Henry, em đi đến quyết định này một cách rất khoa học.

Henry Vũ nói: “Em biết rằng trong tương lai sẽ theo đuổi sở thích của mình và dành thời gian cho những gì em đam mê.”

Dĩ nhiên Henry nghiên cứu và so sánh nhiều thông tin để có cái nhìn khách quan hơn.

“Em truy cập thông tin tại ‘US Bureau of Labor Statistics.’ Website này cung cấp một cơ sở dữ liệu thống kê miễn phí về các lựa chọn nghề nghiệp khác nhau, mức lương trung bình hiện tại, mức lương dự đoán trong tương lai…,” Henry nói.

Em nhấn mạnh: “Ngoài lựa chọn chủ quan, nghiên cứu là một phần quan trọng trong quá trình quyết định ngành nghề của em.”

Ngoài US Bureau of Labor Statistics, còn có những trang web khác cung cấp thông tin cụ thể của nhiều ngành nghề, Henry cho biết.

Là người cẩn thận và có đầu óc khoa học, Henry không chỉ lựa chọn một ngành học hoàn toàn vì ý thích.

Em hiểu sở thích và khả năng là một chuyện, nhưng còn những tác động khách quan mà em cần tìm hiểu và cân nhắc.

Nên nghĩ đến lãnh vực liên quan

Gia đình luôn là yếu tố quan trọng đối với Henry.

“Là người Mỹ gốc Việt, gia đình là một phần quan trọng trong cuộc sống em. Em đã nghĩ đến chuyện mai mốt tìm công việc làm từ nhà (remote), nhưng qua đại dịch, em thấy làm việc ở nhà rất dễ bị phân tâm,” Henry thành thật nói.

Như nhiều học sinh gốc Việt khác, Henry có thời gian suy nghĩ và cân nhắc về ngành y khoa nhưng em có lựa chọn riêng cho mình và cố không để cha mẹ thất vọng.

Em hồi tưởng: “Khi em còn nhỏ, ba mẹ muốn em theo đuổi y khoa và trở thành một bác sĩ.”

“Tuy nhiên, em đã quyết định theo ngành khoa học máy tính mặc dù ngành này không có mức lương cao như bác sĩ,” em trình bày.

Em biết cha mẹ em muốn mình theo ngành y khoa vì đồng lương cao hơn.

Em tiếp: “Tuy nhiên, ngành khoa học máy tính vẫn đang phát triển với tốc độ nhanh chóng và tương lai có vẻ tươi sáng. Mặc dù ban đầu ba mẹ không tin lắm về lựa chọn của em, nhưng cuối cùng em đã thuyết phục họ.”

“May mắn thay, đam mê của em phù hợp với sự phát triển dự kiến của ngành. Em cũng đã cân nhắc về sự cạnh tranh cao độ trong nghề do nhiều người đang theo đuổi khoa học máy tính. Tuy nhiên, em nhận thấy rằng ngành này không chỉ phát triển về phần mềm, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác.”

Henry nhận xét: “Ví dụ, lập trình AI (trí tuệ nhân tạo) để ứng dụng cho xe tự lái hoặc các ngành công nghiệp tự động khác đang phát triển.”

Trong trường hợp không tìm được việc đúng ngành thì nên tìm việc liên quan.

Em cho thí dụ: “Trong trường hợp sở thích cá nhân không phù hợp với thị trường việc làm, em khuyên rằng mình nên tìm các lĩnh vực liên quan. Ví dụ, nhiều người coi nghệ thuật là một chuyên ngành lãng phí vì rất khó tìm được nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, niềm đam mê vẽ của một người có thể hữu ích trong ngành hoạt hình hoặc nghệ thuật khác như ‘design.’ Nếu sở thích cá nhân của mình không phù hợp với thị trường việc làm thì nên tìm một ngành liên quan là hợp lý nhất.”

Henry (ngồi, trái) thích sinh hoạt với gia đình khi có thể. (Hình: Henry Vũ cung cấp)

Đam mê nhưng linh động

Henry đam mê ngành khoa học máy tính từ lâu nhưng em rất linh động.

“Đam mê này này có thể thay đổi trong tương lai dù rằng rất khó. Nhưng nếu có cũng không sao cả. Nhiều người quan niệm rằng không nên thay đổi chuyên ngành ở đại học. Tuy nhiên, việc thay đổi chuyên ngành là điều hoàn toàn bình thường. Suy cho cùng, chúng ta là con người và sở thích của chúng ta phát triển theo thời gian.”

Em nhận định: “Nếu thay đổi thì tốt nhất là đổi khi còn ở đại học. Đợi lúc đi làm thì thì hơi muộn.”

Cân bằng khó nhưng phải có

Ở đại học (và thậm chí ở trường trung học nếu muốn cạnh tranh), em khuyên mọi người nên tìm việc thực tập trong mùa Hè. Những việc thực tập này sẽ làm tăng thêm sức mạnh cho resume và mang lại kinh nghiệm vô giá.”

Việc khó khăn nhất là có sự cân bằng giữa công việc ổn định là thực tế và sự đam mê, Henry nhắc nhở.

Em nói: “Một công việc ổn định, tuy quan trọng nhưng sẽ vô nghĩa nếu em đi làm hàng ngày với tâm trạng không vui.”

“Nhưng có thu nhập để lo cho gia đình lại quan trọng hơn.” Henry cân nhắc. “Tìm được sự quân bình là điều khó nhất.”

Làm gì thì làm, Henry luôn trân trọng hiện tại của mình để cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Em chiêm nghiệm: “Cuộc đời rất ngắn ngủi. Khi còn học trung học, em tiếc thời tiểu học có nhiều thư giãn.

Em suy luận: “Em biết rằng khi vào đại học, em sẽ tiếc thời trung học vì đã không có nhiều bài tập. Khi em làm việc, em cũng sẽ tiếc thời đại học.”

“Tất cả là một chu kỳ. Trung học và đại học, mặc dù có vẻ khó khăn vào lúc này, nhưng chỉ là trò chơi so với thế giới bên ngoài,” Henry kết luận.

Với Henry (giữa), cuộc sống gia đình rất quan trọng. (Hình: Henry Vũ cung cấp)

Ý nghĩa cuộc sống

Chọn ngành nghề thích hợp chỉ để cuộc sống có ý nghĩa.

Còn trẻ mà suy nghĩ chín chắn, Henry Vũ khuyên những học sinh còn đang băn khoan trước ngưỡng cửa tương lai: “Cố gắng dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Đi xem phim, đi mua sắm thoải mái, hẹn hò,… Tình bạn và mối quan hệ gia đình là những thứ sẽ lưu vào ký ức khi ta già đi.”

“Của cải vật chất có thể kiếm được, nhưng tình bạn và tình thương gia đình sẽ mất đi mãi mãi nếu chúng ta không trân trọng.” Henry kết luận. [kn]

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT