Thursday, May 9, 2024

Tiến Sĩ Phạm Thị Huê: ‘Chọn ngành đại học, tinh thần hiếu học của người Việt là lợi thế’

Đằng-Giao/Người Việt

COSTA MESA, California (NV) – Có lẽ một trong những lời khuyên sinh viên, học sinh về việc lựa chọn ngành nghề khi vào đại học có giá trị thực tế nhất là của Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Thị Huê, người từng là khoa trưởng Khoa Cố Vấn Giáo Dục tại đại học Orange Coast Community College (OCC).

Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Thị Huê có 32 năm kinh nghiệm trong ngành cố vấn giáo dục. (Hình: Phạm Thị Huê cung cấp)

Tinh thần hiếu học là lợi thế của người Việt

Tinh thần hiếu học và thái độ sẵn sàng hy sinh cho việc học hành của con cái là một truyền thống tốt đẹp của người Việt.

Theo nhận định của Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Thị Huê, sinh viên, học sinh gốc Việt thành công là nhờ cha mẹ luôn để ý đến việc giáo dục con cái. Truyền thống hiếu học và gương hy sinh của cha mẹ rất quan trọng cho sự thành công của con cái.

Bà nói: “Tôi biết có những bậc phụ huynh sẵn sàng làm hai, ba công việc để hỗ trợ con cái học hành.”

Nhưng nếu vượt quá thẩm quyền thì cha mẹ có thể gây ra những hậu quả không có lợi cho việc học hành cũng như sức khỏe tâm thần của con em.

“Tuy nhiên cũng có gia đình áp đặt con cái học những môn ngược với sở thích. Chẳng hạn một em thích âm nhạc, nghệ thuật mà bắt học các môn khoa học thực nghiệm, kỹ sư, bác sĩ. Các em cho tôi biết rằng sự khác biệt giữa các môn học là ở chỗ sau khi học (những môn mình thích), các em thấy thoải mái, các em sẽ học khá với môn đó.”

Tiến Sĩ Huê nhìn nhận: “Thời gian lựa chọn ngành nghề để theo đuổi khi vào đại học là thời gian vô cùng căng thẳng, chẳng những cho các em học sinh mà còn cho cả cha mẹ nữa.”

Không nên hấp tấp

Bà khuyên: “Bởi vậy, không ai nên nóng vội tìm mọi cách để đi đến quyết định nhanh chóng mà mọi người nên bình tâm, nhẫn nại để tìm ra một giải pháp thỏa đáng nhất.”

“Đối với những em có khả năng và có sở thích một cách rõ ràng thì mọi việc quá dễ dàng, các em này chỉ việc tự tin ghi danh vào đại học mình thích.”

“Vấn đề khó khăn là từ 60% đến 70% các em, hoặc chưa tìm ra khả năng và sở thích rõ ràng, hoặc có quá nhiều sở thích nên không biết nên chọn lựa ngành nào.”

Bà nhỏ nhẹ: “Với những em này, lời khuyên của tôi là không nên hấp tấp. Lựa chọn tốt nhất là vào đại học cộng đồng. Đại học cộng đồng có lớp ‘Career Planing’ là nơi các em có thể coi lại, tìm hiểu chính mình. Nhiều em đã rất ngạc nhiên khi tìm ra những suy nghĩ hay tiềm năng của chính mình mà chưa ai biết.”

Tiến Sĩ Phạm Thị Huê nhắc đi, nhắc lại là không nên gấp rút trong việc chọn ngành học.

“Quyết định này ảnh hưởng đến cả đời các em, từ những năm đại học và kéo dài suốt cuộc đời các em,” bà nhấn mạnh.

Lễ tốt nghiệp của sinh viên luôn là dịp vui của Tiến Sĩ Giáo Sư Phạm Thị Huê. (Hình: Phạm Thị Huê cung cấp)

Dung hòa để thành công

Theo Giáo Sư Huê, lựa chọn quan trọng nhất cuộc đời này phải dung hòa cả ba yếu tố là khả năng và sở thích của từng người cũng như môi trường nghề nghiệp tương lai thì mới đem đến sự thành công.

“Trong ba yếu tố này thì hai yếu tố đầu tiên là khả năng và sở thích của cá nhân là những gì các em nên tự tìm tòi về chính mình một cách khách quan và khoa học để không có sự hối hận sau này.”

“Đây là bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất,” bà cho hay.

Yếu tố thứ ba hoàn toàn khách quan vì tùy thuộc vào nhu cầu của xã hội về một ngành nghề nào đó.

“Chuyện này thì không ai có khả năng tiên liệu chính xác được nên mình chỉ có thể nghiên cứu đến một mức độ nào đó thôi,” bà cho hay. “Nhưng dù sao, mình phải tìm hiểu kỹ lưỡng.”

Vì chưa tìm hiểu kỹ càng, có nhiều quyết định vội vàng dẫn đến nhiều hậu quả không vui.

Trong thời gian làm việc tại OCC, bà Huê chứng kiến nhiều sinh viên bị giám sát và đặt vào “probation” vì không đủ điểm cao. Bà đã là người báo tin buồn cho các em này phải đổi đi học trường khác.

“Có người muốn khiếu nại,” bà thở dài. “Nhưng làm sao mà khiếu nại được khi điểm trung bình của các em này suốt hai mùa mà không đến 2.0. Có du học sinh phải về lại Việt Nam.”

Vì chứng kiến quá nhiều chuyện vui buồn của sinh viên, bà khuyên cha mẹ không nên có ảnh hưởng quá nhiều đến sự lựa chọn của con em mình.

“Nhiều em ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ nhưng một thời gian sau, vì không thích ngành mình học, sinh ra học kém rồi có những phát sinh về mặt tâm thần,” bà nhận xét.

Chọn được ngành học là một điều đáng mừng, nhưng đây chỉ mới là chặng đầu tiên.

Tiến Sĩ Huê nhắc nhở: “Chọn được ngành rồi thì phải để tâm, để ý mới đạt được kết quả. Tuy nhiên, ngày nay cái khó là các em có quá nhiều lựa chọn. Đôi khi vì không lấy đúng lớp sinh ra chán nản, bỏ lớp, tốn tiền, phải kéo dài thời gian học.”

Bà nhận xét: “Dạo về sau này, tôi thấy ngày càng nhiều em sinh viên gốc Việt chọn những ngành xã hội nhân văn rồi khi ra trường xông xáo hoạt động xã hội, mở rộng phạm vi đóng góp cho cộng đồng như các em trong VietRISE hay có em làm CEO cho tổ chức từ thiện OAF.”

Bà khen: “Đây là một dấu hiệu lành mạnh của một cộng đồng.”

Tiến Sĩ Giáo Sư Phạm Thị Huê, (thứ ba từ trái), cùng đồng nghiệp tại Orange Coast College. (Hình: Phạm Thị Huê cung cấp)

Nói chung, cha mẹ nên hiểu rằng học hành mà một công việc phức tạp và căng thẳng của con em mình nên không nên có nhiều cao vọng quá để mà thúc ép các em.

“Phần các em, học hành là một nỗ lực đều đặn và liên tục nên cần có một tinh thần khỏe mạnh và minh mẫn để theo đuổi,” bà khuyên.

Vị giáo sư kết luận: “Các em cần ý thức rằng có bằng cấp đại học ở Mỹ là vô cùng quan trọng. Khi xin việc làm mới thấy giá trị của nó, trừ phi mình có khả năng gì đó xuất chúng cho công việc xin làm. Mấy ai không có bằng cấp mà thành công như Bill Gates hay Steve Jobs.”

Trước khi giữ chức khoa trưởng tại OCC suốt 17 năm, Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Thị Huê đã là cố vấn giáo dục trong 15 năm. Và cũng tại đây, bà đã có tổng số thời gian làm việc trong ngành giáo dục là 32 năm. [kn]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT