Saturday, May 18, 2024

Giáo Sư Trần Ngọc Ninh nói về ngữ pháp Việt Nam theo ‘Ngữ Pháp Hoàn Vũ’

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Giáo Sư Trần Ngọc Ninh vừa có buổi nói chuyện về đề tài “Ngữ pháp Việt Nam theo ‘Ngữ Pháp Hoàn Vũ’ của Noam Chomsky” vào trưa Chủ Nhật, 1 Tháng Bảy, tại Viện Việt Học, Westminster.

Theo ông, khoảng năm 1930, cuốn sách “Văn Phạm Việt Nam” của tác giả Trần Trọng Kim cùng làm với Bùi Kỷ và Phạm Duy Khiêm ra đời. Đây là những tác giả đều học tiếng Hán, tiếng Pháp và chữ Nho rất giỏi.

“Cuốn ‘Văn Phạm Việt Nam’ cũng có nét giống như văn phạm của tiếng Pháp, có chia ra từng loại chữ, loại tiếng, nhưng lại không có cú pháp (syntax) ở trong đó. Là vì sách Grammar (văn phạm) ngày xưa của Pháp hay của Đức cũng vậy, nó không có cú pháp. Thành ra sau này, có nhiều người chỉ trích cuốn ‘Văn Phạm Việt Nam’ là không có cú pháp,” giáo sư cho biết.

Sau 1975, tại Việt Nam, chữ văn phạm còn được gọi là ngữ pháp.

Cũng theo ông, kể từ cuốn “Văn Phạm Việt Nam” ra đời thì hơn 20 năm sau, cuốn “Ngữ Pháp Hoàn Vũ” (Universal Grammar) của Noam Chomsky được ra đời.

Theo cuốn “Ngữ Pháp Hoàn Vũ,” ngữ pháp là một khoa học có căn bản về sinh học và không những thế, nó còn mở rộng thêm cho cuốn sách “Văn Phạm Việt Nam” của Trần Trọng Kim cùng làm với Bùi Kỷ và Phạm Duy Khiêm, vì ông Noam Chomsky có nói rằng, “Có một ‘Ngữ Pháp Hoàn Vũ’ cho tất cả loài người, mà cái đó là một cuộc cách mạng về ngữ pháp.”

Bác Sĩ Nguyễn Tấn Lộc góp ý kiến trong buổi nói chuyện của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Rồi ông Noam Chomsky cùng với những học trò dần dần đi đến chỗ là tất cả những ngôn ngữ, dù là ngôn ngữ của những người “mọi” ở Amazon hoặc đến những ngôn ngữ cao của những người Pháp, Anh, Đức, Nga… cũng đều phát xuất từ “Ngữ Pháp Hoàn Vũ,” trong đó nó có một nguyên lý chung của những định luật, như định luật sinh học, định luật hóa học… và những “bàng kế” của toán học để đo âm lượng của giọng nói. “Bàng kế” cũng để đo âm sắc giọng nói của mỗi một dân tộc, và họ đều có một ngôn ngữ đã chọn để giải quyết qua những nhu cầu cho những đòi hỏi của thời thế, của phong cảnh, của tất cả các cuộc đời…

“Tiếng Việt cũng nằm trong nhánh của ‘Ngữ Pháp Hoàn Vũ’ và nó cũng có những cái ‘bàng kế’ để đo âm lượng. Quan trọng nhất là tiếng Việt theo phương pháp ‘độc-vận.’ Theo tôi, ‘độc-vận’ là những tiếng từ (words) mà ít ai biết rõ đó là gì cả, vì tiếng Việt không giống như tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp. Đó là những tiếng từ chớ không phải là ngôn ngữ (language). Vì thế, tiếng Việt rất giàu và phong phú, cũng như không có cách nói giống như những ngôn ngữ khác,” giáo sư nói.

“Trong tiếng Việt, có những tiếng từ đồng âm và rất dị loại. Thí dụ như tiếng ‘nhau,’ tiếng Việt có thể nói ‘đi chơi với nhau,’ ‘ngồi chung nhau’… nhưng chữ ‘nhau’ cũng có thể nói ‘cái nhau của đàn bà sinh đẻ.’ Tiếng Việt lại có những chữ đồng âm, dị loại mà còn dị nghĩa nữa, như chữ ‘cái,’ thì có biết bao nhiêu loại và nghĩa. Thí dụ như ‘cái bàn,’ ‘cái ghế’… nhưng lại có thể dùng cho ‘cái ngủ’ như hai câu thơ ‘Cái ngủ mà ngủ cho sâu/ Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về.’ Mà khi nói ‘cái ngủ’ không thôi, thì người ta sẽ không hiểu ‘cái ngủ’ là cái gì? Thế nên, tiếng Việt dị loại mà còn dị nghĩa là chỗ đó,” giáo sư giải thích thêm.

Ba quyển sách của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh do Viện Việt Học xuất bản. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nói về những dấu chấm câu, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh cho biết: “Ngày xưa các cụ làm thơ không có biết chấm câu, mặc dù có những cụ học chữ Tây, chữ Nho rất giỏi mà cũng không biết chấm câu. Thí dụ như trong thơ lục bát của ‘Truyện Kiều,’ cụ Nguyễn Du có viết, ‘Trăm năm trong cõi người ta;/ Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.’ Câu sáu chữ thì cụ để chấm phẩy (;), còn câu tám chữ thì cụ cứ chấm (.), và từ đầu đến cuối bài thơ đều y như nhau thế. Theo tôi, cụ Nguyễn Du làm như thế thì không đúng theo lối chấm câu. Thật ra thì trong tiếng nói của chúng ta cũng có chấm câu, và những chấm câu trong tiếng Việt rất hay và lạ nữa, nó sẽ làm cho câu kế tiếp được nổi lên. Các chữ ‘thì, mà, là,’ theo tôi đó cũng là những chữ để chấm câu. Thí dụ như, ‘Tao bắt được mày thì mày sẽ chết với tao,’ thì trong câu này, chữ ‘thì’ làm cho chữ ‘bắt’ được nổi lên.”

Trong số người đến dự, Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm tâm tình: “Theo lời của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh giảng thì có khoảng 80% anh em đồng ý, nhưng cũng có vài người không đồng ý. Nhưng quan trọng là từ đó, chúng ta sẽ thấy được nhiều điều hay trong văn chương Việt Nam. Theo tôi, văn chương của mỗi người được viết theo thời đại của họ, chớ họ không theo nguyên tắc nào hết. Có thể chúng ta nhìn vào thì thấy là lạ, nhưng đúng sai thì tùy theo quan niệm của từng người.”

“Cũng như nhà văn Mai Thảo có viết câu ‘Chàng mặc áo sơ mi. Cụt tay,’ thì người đọc sẽ thấy rất kỳ, và thi sĩ Du Tử Lê cũng vậy, chấm tùm lum tà la. Nhưng, văn chương thời đại bây giờ, nó là như vậy, nên ai muốn hiểu sao thì hiểu,” ông dẫn chứng.

Bà Nguyễn Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học, chia sẻ: “Giáo Sư Ninh là một người cha, một người thầy, một điểm son của đất nước, dân tộc Việt Nam mà không thể thiếu. Vì thầy là một người rất sáng sủa trong lãnh vực của vị thầy, cũng rất yêu quê hương và ngôn ngữ Việt Nam. Thầy đã đóng góp cho đất nước về sở học của thầy trong tinh thần vừa nhân bản, vừa khoa học và đầy tự tình quê hương, dân tộc.”

Theo bà, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh từng là thạc sĩ y khoa đại học Pháp; cựu bác sĩ giải phẫu, giáo sư trưởng khu Phẫu Khoa Trực Nhi và Phẫu Khoa Tiểu Nhi thuộc Đại Học Y Khoa, Sài Gòn; cựu giáo sư văn minh đại cương và văn hóa Việt Nam, Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn; cựu tổng trưởng Văn Hóa Xã Hội, đặc trách giáo dục của chính phủ VNCH; cựu hội viên Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục VNCH; cựu hội viên Hội Đồng Soạn Thảo Danh Từ Chuyên Môn VNCH; cựu viện trưởng Việt Việt Học, Westminster (2003-2008); hiện nay là cố vấn Viện Việt Học. (Lâm Hoài Thạch)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT