Thursday, April 18, 2024

Hào Lâm, từ thanh niên ‘mù chữ’ đến ông chủ hệ thống trường dạy kèm ở Seattle

Tâm An/Người Việt

SEATTLE, Washington (NV) – Từ Việt Nam vượt biên, rồi tị nạn ở Vancouver, Canada khi 21 tuổi, Hào Lâm, một người Việt gốc Hoa, khi ấy còn là một thanh niên đường phố, thất học và mù chữ. Nhưng chỉ sáu năm sau, anh đã gấp rút hoàn thành chương trình trung học rồi tốt nghiệp cử nhân đại học, thầy giáo dạy Toán, đồng thời làm chủ một trung tâm dạy kèm ở thành phố Seattle, tiểu bang Washington.

Sau 24 năm lập nghiệp, hiện nay Hào Lâm đang là giám đốc điều hành một hệ thống 60 trung tâm dạy kèm trải khắp Hoa Kỳ, có tên Best In Class, theo hình thức nhượng quyền thương mại (franchise).

Mới đây Hào Lâm cho xuất bản cuốn tự truyện “From Bad To Worse, To Best In Class” (tạm dịch: Từ học sinh tồi tới cá biệt, đến học sinh giỏi nhất lớp) dày 200 trang bằng Tiếng Anh, kể về hành trình thú vị của cuộc đời mình, từ một kẻ mù chữ trở thành nhà giáo và là người đứng đầu một hệ thống trường dạy kèm tại Mỹ.

Quá khứ bất hảo và tuổi thơ dữ dội

Xuất thân trong một gia đình gốc Hoa di cư sang Việt Nam từ thời ông bà nội, Hào Lâm, sinh ra tại Quận 1, Sài Gòn, là một cậu bé có một quá khứ “bất hảo.”

“Tôi từng bỏ học, ăn cắp vặt, gặp ai cũng gây gổ, trêu chọc, kể cả anh em họ hàng. Những đứa trẻ thất học như tôi thường lêu lổng trên đường phố, tụ tập cá độ đá banh. Tôi chơi và giành banh một cách thô bạo, sẵn sàng thục cùi chõ vào mạng sườn đối phương. Nếu thua, tôi sẽ đánh gục đối phương để cướp tiền, mặc cho chúng khóc la.”

Giám đốc điều hành Best in Class, Hào Lâm, hiện đang ở thành phố Seattle, kể với phóng viên báo Người Việt về tuổi thơ mình.

Trong cuốn tự truyện “From Bad To Worse, To Best In Class,” có đoạn Hào Lâm viết (lược dịch): “Năm 1975, Sài Gòn thất thủ, khi ấy tôi mới 7 tuổi. Cuộc sống của người dân Sài Gòn, nhất là có liên quan tới quân đội VNCH đều trở thành địa ngục. Tôi tự cho mình là người thuộc một dân tộc thiểu số ở Việt Nam, cha tôi là lính VNCH, mẹ tôi là giáo viên thời VNCH. Nhiêu đó lý do đủ để người ta miệt thị tôi. Ngoài ra, tôi có cảm giác các thầy cô luôn tìm lý do để trừng phạt, đánh đòn một đứa trẻ như tôi. Có một lần, vô tình nghịch ngợm trong lớp làm đổ chậu hoa, tôi đã bị hiệu trưởng thẳng tay quất ba gậy vào mông, đau đến mức hai tuần tôi không đi lại được. Khi đó tôi mới 9-10 tuổi.”

Đó là lý do Hào Lâm bỏ học từ nhỏ và sống co cụm trong cộng đồng thiểu số người Hoa tại Sài Gòn.

Anh không biết đọc, viết, chỉ nghe nói được một vài từ Tiếng Việt. Trong gia đình Hào Lâm, mọi người giao tiếp bằng Tiếng Hoa.

Anh Hào Lâm (phải) lúc 20 tuổi là một chàng trai mù chữ, thất học, gầy gò, đen nhẻm. Hình chụp khi Hào Lâm đang ở tại trại tập trung tại đảo Palawan, Philippines và năm 1988. (Hình: Hào Lâm cung cấp)

Anh tâm sự: “Mặc dù khó khăn, nhưng mẹ tôi đã cố thuê hai gia sư về nhà, dạy môn Toán và Tiếng Hoa cho tôi. Nhưng tôi chỉ có thể đọc một chút Tiếng Hoa mà không biết viết. Về cơ bản, trước khi vượt biên, tôi là một người mù chữ, dù nhìn nhận ở góc độ một người gốc Việt hay gốc Hoa.”

Anh kể thêm: “Trong suốt năm tháng ở Việt Nam, tôi đã tìm cách vượt biên trên dưới chục lần, nhưng tất cả đều thất bại. Lần cuối cùng tôi vượt biên thành công được là năm 1988, khi đã 20 tuổi. Chúng tôi, 143 người, bao gồm cả cô hàng xóm Lisa, sau này là vợ tôi, đã lênh đênh trên biển trong suốt 7 ngày không thức ăn và nước uống. Nhiều người đã thiệt mạng trên con thuyền nhỏ bé đó, chỉ dài 55 foot (khoảng 16.7m) đáng ra chỉ chở được 60-70 người. Chúng tôi đã gần như kiệt sức vì đói khát, thoát chết trở về.”

Từ “mù chữ” trở thành cử nhân chỉ trong 6 năm

Thông thường, người ta mất 12 năm để học từ tiểu học đến trung học và 4 năm để tốt nghiệp cử nhân đại học. Các em học sinh thường đến trường từ khi 6 tuổi, và học xong cử nhân khoảng 22 tuổi. Nhưng đối với Hào, anh chỉ mất có sáu năm kể từ khi bắt đầu học chữ năm 20 tuổi, tại trại tị nạn ở đảo Palawan, Philippines.

Năm 1989, Hào được ông ngoại bảo lãnh sang Vancouver, Canada và gọi đó là “Giấc mơ Mỹ” như nhiều người vượt biên khác.

“Ngay ngày đầu đặt chân tới Canada, tôi đã xin được một công việc là làm quét dọn trong một tiệm bánh. Nhưng mỗi lần cầm chổi lau sàn nhà, tôi lại luôn tự hỏi: ‘Tại sao mình ở đây?’ ‘Mình đã liều mạng vượt biên vì điều gì?’ ‘Chẳng lẽ giấc mơ Mỹ là thế này thôi sao? Mình phải là một người thành đạt và giàu có.’ Vì thế, tôi quyết tâm đến trường,” Hào Lâm kể.

Hào tới một trường trung học (high school) để xin nhập học, nhưng bị từ chối vì không vượt qua được bài kiểm tra đầu tiên. Anh cũng không có bằng cấp, bảng điểm gì nên phải học ESL tại trường đại học cộng đồng Southwest Community College.

“Trên tay tôi luôn có cuốn từ điển Anh-Hoa. Tiếng Hoa tôi cũng không đọc vững. So với bạn bè, tôi học Tiếng Anh vất vả gấp năm lần người khác. Ngoài đi học, tôi làm thêm tại hai nhà hàng để có tiền lo ăn học.”

Chỉ sau một năm, Hào Lâm được nhận vào trường High School.

Hào Lâm hào hứng kể tiếp: “Tôi nhận thấy học high school không có gì khó khăn, môn Toán đối với tôi rất dễ, chỉ có tiếng Anh là rất vất vả. Sau hai năm tôi tốt nghiệp trung học. Tôi muốn học lên đại học University of British Columbia (UBC) ở Vancouver nhưng người ta từ chối. Tôi buộc phải quay lại trường Southwest Community College để học các môn chuyển tiếp lên đại học.”

“Hàng ngày, tôi thức dậy từ 5 giờ sáng và tới trường. Buổi trưa tôi về tiệm Bakery để quét dọn, lau chùi. Tới 4 giờ chiều tôi lại làm thêm tại tiệm cà phê gần đó, tới khuya mới về. Lúc đó, tôi không có cuộc sống đúng nghĩa. Tôi chỉ biết vùi đầu vào học và làm thêm để tồn tại,” anh kể thêm.

Hào Lâm và Lisa Lâm tại ngày tốt nghiệp trường đại học Universtiy of British Columbia, năm 1995. (Hình: Hào Lâm cung cấp)

Người của yêu Hào Lâm khi đó, Lisa, ở New York, đang gặp muôn vàn khó khăn để lo cho gia đình. Đã có lúc vì nghèo, anh đã quyết định rút lui để cho Lisa có cơ hội tìm được người đàn ông khác khá giả hơn. Nhưng sau hai năm xa cách, họ quyết định trở về với nhau và đám cưới khi anh còn là sinh viên đại học.

Năm 1993, Hào Lâm được chuyển tiếp lên đại học UBC. Sau hai năm dùi mài, anh tốt nghiệp cử nhân ngành Toán vào năm 1995.

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Hào Lâm chuyển từ Vancouver (Canada) về Seattle, tiểu bang Washington, Mỹ, nơi người vợ mới cưới từ NewYork về đây và chờ anh. Sự nghiệp Hào Lâm bắt đầu từ đây.

Hành trình vươn tới “Giấc mơ Mỹ”

“Tôi tự nhận mình là một kẻ điên rồ và cứng đầu. Mỗi khi đánh hơi thấy cơ hội, tôi theo đuổi giấc mơ tới cùng, không ai và không có gì ngăn cản được.” Hào Lâm, với nét mặt vui vẻ và giọng nói hào sảng đầy nội lực, cho hay.

Năm 1993, khi đang còn là sinh viên ở Vancouver, Hào Lâm vô tình xin được việc làm gia sư dạy kèm Toán tại hệ thống nhượng quyền có tên BrainChild. Tuy nhiên ngay buổi đầu tiên đi dạy, nhìn thấy trường học tấp nập học sinh đi học, Hào Lâm nhận ra ngay đây là một cơ hội kinh doanh.

Vốn là một người táo bạo liều lĩnh và quyết đoán, anh xin nghỉ việc ngay lập tức. Hào Lâm giải thích: “Tôi không muốn làm giáo viên thuê cho họ, tôi muốn trở thành người hợp tác của họ. Khi tôi nói ra điều này với cô tiếp tân của BrainChild, họ tưởng tôi điên. Vì lúc đó tôi vẫn là cậu sinh viên nghèo kiết xác, không có tiền, cũng chẳng có hiểu biết gì về kinh doanh.”

Nói là làm, Hào Lâm nhất quyết đòi gặp người điều hành BrainChild để tìm hiểu cách làm ăn. Đúng một tháng sau khi tốt nghiệp đại học, Hào Lâm đã xoay sở để mở một trung tâm dạy kèm BrainChild tại Seattle. Không có vốn đầu tư, Hào Lâm đi vay toàn bộ từ người họ hàng ở Hòa Lan.

Không có gì là dễ dàng, nhất là với một cậu sinh viên nhập cư mới ra trường.

Hào Lâm cho biết: “Thời gian đầu, tôi đã cật lực làm mọi việc, vừa làm thầy dạy Toán, vừa làm tiếp tân, vừa thống kê sổ sách, kể cả quét dọn và lau bồn cầu. Thế nhưng vì mức phí nhượng quyền phải trả quá cao, tới 40% doanh thu, nên trong mấy tháng đầu, chúng tôi làm ăn không có lời. Tôi phải dùng tiền lương của vợ để trang trải cuộc sống.”

Vợ anh, Lisa Lâm, chia sẻ: “Khi nghe Hào Lâm bỏ việc gia sư ngay ngày đầu tiên đi dạy và nói về ý định mở trung tâm dạy kèm, tôi đã đồng tình ngay. Có thể đó là sự mù quáng vì tình yêu, nhưng tôi đã luôn ủng hộ anh ấy. Khi gặp khó khăn, chúng tôi không đổ lỗi cho nhau. Chúng tôi ngồi xuống để cùng nhau tìm cách giải quyết. Tôi giống Hào ở điểm là tôi không bao giờ nghĩ tới bỏ cuộc.”

“Vợ chồng tôi đã sang Canada, gặp và thương thảo lại với BrainChild. Chúng tôi đề nghị họ giảm mức phí nhượng quyền xuống 30% và tăng học phí lên $60/tháng. Rất may họ đã đồng ý. Dần dần, trung tâm dạy kèm trở nên có lợi nhuận. Sau đó chúng tôi mở thêm trung tâm thứ hai cũng tại Seattle. Khi đó vợ tôi phải nghỉ việc ở hãng hàng không Southwest Airlines để giúp tôi quản lý,” Hào Lâm cho biết thêm.

Tuy nhiên, là một người ưa thích phiêu lưu mạo hiểm, Hào Lâm không dừng lại ở đó.

“Tôi từng bỏ công việc lương cao tại Microsoft, tôi cũng bỏ việc làm thầy giáo dạy Toán tại một trường College. Mặc cho vợ tôi cố gắng ngăn cản, tôi bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực mới như đầu tư bất động sản, cho vay tài chính và mở nhà hàng.”

Anh cho biết: “Sau một thời gian hoạt động, tôi đã gặp thất bại tất cả ba lĩnh vực trên, làm tiêu tan gần hết số tiền mà tôi có. Nhưng tôi đã học được rất nhiều thứ từ thất bại. Cuối cùng thì, tôi nhận ra mình vẫn yêu nghề dạy học nhất.”

Vào năm 2010, ông chủ hệ thống BrainChild đã mời Hào Lâm mua lại công ty. Không lâu sau đó, người chủ này qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Hào Lâm đã mua lại và đổi tên thành Best In Class.

Sau 8 năm phát triển, Best In Class từ chỗ chỉ có gần 10 trung tâm, nay đã có hơn 60 trung tâm nhượng quyền trên khắp nước Mỹ với mức phí nhượng quyền chỉ có 12%.

Hào Lâm và vợ Lisa Lâm đồng sáng lập hệ thống trường dạy kèm Best In Class. (Hình: Hào Lâm cung cấp)

Giải thích về mức phí thấp hơn hẳn so với ông chủ cũ, Hào Lâm cho biết: “Tôi để mức phí thấp, vì mục đích của tôi không phải chỉ có lợi nhuận mà là nhân rộng giá trị cốt lõi, sứ mệnh giáo dục của Best In Class ra cộng đồng. Best in Class sẽ vươn tới con số 100 trung tâm dạy kèm vào năm 2020 và có thể vượt ra tầm quốc tế.”

Hỏi về bí quyết nào để thành công, Hào Lâm cho hay: “Thành công không phải là một thứ gì dễ dàng và có ngay, nó là cả một quá trình cố gắng không nản chí. Tôi chẳng có bí quyết gì ngoài việc là tôi không biết sợ thất bại. Tôi cứ dấn thân, làm thử và học hỏi, sai thì sửa và làm lại tốt hơn.”

Công thức sống 5-4-4

Giờ đây, khi đã đưa Best in Class trở thành một trong những hệ thống dạy kèm hàng đầu về nhượng quyền thương mại, Hào Lâm cho hay: “Tôi đã rút ra công thức để lấy lại cân bằng cho cuộc sống là 5-4-4. Có nghĩa là tôi sẽ thức dậy từ 5 giờ sáng, kết thúc làm việc vào 4 giờ chiều và chỉ làm bốn ngày trong tuần. Thời gian còn lại, tôi dành cho người thân, gia đình, bạn bè và các hoạt động khác.”

Còn vợ anh, cô Lisa Lâm, cho biết: “Tôi gần như đã nghỉ hưu. Giờ đây tôi dành phần lớn thời gian để thực hành Đạo Phật và làm từ thiện.”

Nói về Hào Lâm, cô tâm sự: “Chúng tôi đã gắn bó cùng nhau, vượt qua mọi khó khăn, từ lúc vượt biên, sống trong trại tị nạn, tới mưu sinh trên đất Mỹ. Với tôi, anh ấy là một người chồng, người cha tuyệt vời mà nhiều người khác mơ ước.”

Ông Brian Brault, chủ tịch Hội Doanh Nhân EO (Etrepreneurs Organization) nhiệm kỳ 2017-2018 nhận xét trong cuốn tự truyện của Hào Lâm: “Cuộc đời của Hào Lâm là một hành trình đầy thú vị của một chàng trai thông minh, tháo vát, từ chỗ là cậu bé chuyên gây rắc rối, đã trở thành một người doanh nhân thành công. Anh ấy luôn kiên định với đam mê của mình, dám bất chấp mọi thử thách khắc nghiệt để đạt được thành công để truyền cảm hứng cho bao người khác. Thật đáng ngưỡng mộ.”

Nghỉ hưu ở tuổi 51, Hào Lâm và vợ anh, thực sự đã vươn tới “American Dream” mà nhiều người sinh ra tại Mỹ còn đang mơ ước, chứ chưa nói gì tới người tị nạn, xuất phát từ “mù chữ” như Hào Lâm. Quả thực, như ông Brian Brault nói: “Thật đáng ngưỡng mộ.” (Tâm An)

—–

Liên lạc: [email protected]

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT